Cuộc đời ngang trái của Hoàng hậu bị chị gái từ mặt vì dan díu với anh rể, sau sa cơ phải hầu hạ bạo chúa
Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa xưa, ở Hoàng cung không hiếm những mối tình ngang trái. Và kết cuộc của những chuyện tình đó, tốt đẹp có, bi kịch có nhưng hiếm khi nào lại mang đến cho người trong cuộc một kết quả hết sức bi thương như chuyện tình của vị Hoàng hậu trót đem lòng yêu anh rể dưới đây. Thậm chí, trước khi đi đến vạch mốc thê thảm cuối cùng, nàng Hoàng hậu này còn bị chị gái từ mặt, cả thiên hạ bỉ bai không thương tiếc.
Tình em duyên chị của Hoàng đế nhà Nam Đường
Vị Hoàng hậu đó chính là Chu Gia Mẫn (cũng có sử sách gọi là Chu Vy). Nàng sinh năm 950, là vị Hoàng hậu thứ hai, kế nhiệm chị gái mình của Hoàng đế Nam Đường Lý Hậu Chủ - Lý Dục. Ngoài ra, sử sách ngày nay còn nhắc đến nàng với cái tên "Tiểu Chu Hậu", để phân biệt với "Đại Chu Hậu" – tức là danh xưng của chị gái tiền nhiệm vị trí mẫu nghi thiên hạ của mình trước khi qua đời.
Sinh thời, chị em nàng là hai cô tiểu thư đài các trứ danh khắp vùng với cốt cách hơn người cùng dung nhan kiều diễm. Vì thế, cả hai đã sớm được các nam nhân từ khắp nơi săn đón, chờ ngày đủ tuổi để cầu hôn. Tuy nhiên, trong hai chị em, chị gái của Chu Gia Mẫn lại có được may mắn sớm hơn khi lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Lý Dục và nàng đã xuất giá nhập cung, trở thành mẫu nghi thiên hạ.
Thực chất, trong hai chị em, Hoàng đế Lý Dục thích cốt cách của Chu Gia Mẫn hơn là người chị. Tuy nhiên, khi Hoàng đế Lý Dục bị các quan đại thần đốc thúc tìm người làm chủ hậu cung, Chu Gia Mẫn lại còn quá nhỏ tuổi nên ông đành rước chị nàng vào cung trước. Anh hùng khó qua khỏi ải mỹ nhân, hình bóng của Chu Gia Mẫn vẫn suốt ngày đeo bám lấy Hoàng đế Lý Dục khiến cho ông mặc dù đã có cô chị nhưng vẫn thèm khát có được cô em.
Em vợ được anh rể Hoàng đế rước vào cung để làm phi tần
Thế rồi chuyện gì đến cũng đến. Khi Chu Đại Hậu lâm trọng bệnh, ít ra khỏi cung, Hoàng đế Lý Dục nhân cơ hội qua lại tình tứ với em vợ. Ông thậm chí còn đưa em vợ Chu Gia Mẫn vào hậu cung để làm phi tần.
Sau đó ít lâu, Chu Đại Hậu nghe tin em gái mình đã nhập cung để trở thành phi tần của chồng, nàng đâm ra buồn bã và đi điều tra kỹ lưỡng về mối quan hệ không thuận đạo lý này. Chu Đại Hậu liền triệu gọi em gái tới với cớ chị em lâu ngày không gặp, rồi lập tức tra hỏi em gái Gia Mẫn của mình. Nàng hỏi: "Muội đến đây lúc nào?".
Lúc này, Chu Gia Mẫn chỉ mới 15 tuổi, cái tuổi còn ngây thơ hồn nhiên chưa thấu chuyện đạo lý ở đời, nghe chị ruột hỏi thế, nàng cũng thật thà đáp rằng đã vào cung rất nhiều ngày rồi. Lúc này, Chu Đại Hậu mới vỡ lẽ là trong thời gian nàng mang bạo bệnh, người chồng nàng vốn yêu thương đã lén lút qua lại với em gái mình. Đau lòng khôn xiết, nàng quyết từ mặt người chồng Hoàng đế và cả cô em gái bé bỏng. Rồi không lâu sau đó, vì uất ức mà bệnh tình thêm trầm trọng, nàng cũng sớm qua đời.
Anh rể Hoàng đế sủng ái, em vợ được lên ngôi Hoàng hậu và bi kịch kéo đến
Mãn tang 3 năm Chu Đại Hậu, Hoàng đế Lý Dục liền đưa Chu Gia Mẫn lên thay chị gái mình, ngồi vào vị trí Hoàng hậu bao người mơ ước, mặc cho biết bao quần thần phản đối vì chuyện này thất đức với tiên hậu. Nhưng ý vua là ý trời. Nàng Chu Gia Mẫn lên ngôi Hậu, được sử sách gọi với tên Chu Tiểu Hậu, để phân biệt với chị gái mình.
Và sau khi phong Hậu cho em vợ, Hoàng đế Lý Dục cũng không còn kiêng nể ai, ngang nhiên thể hiện tình cảm yêu thương mật ngọt với người vợ trẻ của mình. Ông đã cùng Chu Gia Mẫn ngày đêm vui vẻ, cuộc sống vô cùng hạnh phúc bên nhau trong thành Kim Lăng.
Mối tình anh rể, em vợ này kéo dài chưa bao lâu thì tai họa ập tới. Năm 976, Tống Thái Tổ - Triệu Khuông Dẫn đem quân chinh phạt Nam Đường. Hoàng đế Lý Dục của Nam Đường lúc này do mải mê bên người đẹp mà không quan tâm lắm tới chuyện giữ nước, chống giặc xâm lăng, ngoài ra ông cũng không hề có tài thao lược mà chỉ có văn hay chữ tốt. Thế là không bao lâu sau, Triệu Khuông Dẫn đánh tới thành Kim Lăng, buộc Lý Dục phải quy hàng.
Triệu Khuông Dẫn không như các bạo chúa khác khi vừa xâm lăng, vừa giết hại bá tánh và truy cùng giết tận dòng dõi tiền triều. Trái lại, để thu phục lòng người, ông đã ban cho cựu Hoàng đế Lý Dục một chức quan nhỏ cùng một số bổng lộc nhất định để sống an nhàn quãng đời còn lại bên người em vợ Chu Gia Mẫn. Nhưng đến mùa đông năm 976, Triệu Khuông Dẫn qua đời thì cơn ác mộng mới thực sự bắt đầu với cặp đôi trái khoáy Lý Dục – Chu Gia Mẫn.
Cái kết bi thương của mối tình anh rể - em vợ đầy ngang trái
Thay thế vị trí của Triệu Khuông Dẫn, em trai của ông tức là Triệu Quang Nghĩa lên kế nghiệp nối ngôi, lấy hiệu Tống Thái Tông ngay sau đó. Và vốn để ý nàng Chu Gia Mẫn từ lâu nên ông đã làm mọi cách để bắt nàng bỏ chồng Lý Dục để vào cung hầu hạ mình. Lý Dục lúc này biết mình sa cơ lỡ vận, không còn quyền lực trong tay nên chỉ buồn bã nhìn vợ mình bị đưa vào cung hầu hạ cho tân Đế Triệu Quang Nghĩa.
Nhưng lâu ngày, cảm xúc kìm nén khi lúc nào Lý Dục cũng bị ám ảnh bởi cảnh người vợ Chu Gia Mẫn xinh đẹp tuyệt trần của mình bị giày vò bởi Hoàng đế Triệu Quang Nghĩa béo ú. Ông đã tức cảnh sinh tình mà làm một bài thơ mang tên "Lãng đào sa lệnh" để gửi gắm nỗi sầu muộn của mình như sau:
"Rả rích mưa tuôn
Lòng những đau thương
Vạt là không ấm suốt canh tàn.
Trong mộng nào hay mình ở trọ,
Chợt thấy vui tràn.
Một mình tựa lan can,
Bát ngát giang sơn,
Chia tay thì dễ, gặp lại khó khăn.
Nước trôi hoa rụng xuân qua đó,
Trời đất miên man".
Bài thơ ai oán về cảnh nước mất nhà tan, lại bị kìm kẹp dưới ách thống trị của triều đại mới này của Lý Dục đã tới tai Triệu Quang Nghĩa. Vị tân Hoàng đế này liền nổi giận đùng đùng và sai người ban chết cho Lý Dục bằng một ly rượu độc, thực chất đây là một loại thuốc độc mang tên "khiên cơ dược" đã được thí nghiệm nhiều lần, ai uống vào sẽ bị co giật, co quắp tứ chi, đầu gập vào chân không thể cưỡng lại cho đến khi chết hẳn. Lý Dục không dám trái lệnh, uống thuốc xong và chết đau đớn, hờn tủi, không có vợ kề bên.
Về phần Chu Gia Mẫn, sử sách cũng ghi chép lại về cái kết của nàng rằng, không lâu sau cái chết của chồng, nàng cũng đã lìa đời ở tuổi 28. Nguyên nhân vì sao nàng chết, vì thương nhớ chồng quyết định quyên sinh hay cũng bị Triệu Quang Nghĩa giết bằng rượu độc, không một ai biết, sử sách cũng không ghi chép lại rõ ràng. Vì vậy đến nay, cái chết của vị Hoàng hậu có kết cuộc bi thương vì trót yêu anh rể này vẫn còn là một bí ẩn đến tận ngày nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Người phụ nữ nghèo đổi đời nhờ nhặt được viên ngọc trai quý hiếm trong lúc nấu ăn, trị giá bằng cả căn nhà
Trong 'Tây Du Ký', con quái vật duy nhất đã hơn một lần ăn thịt Đường Tăng, bạn có biết đó là ai không?