Khám phá

Đà điểu có thực sự 'chôn đầu vào cát' khi gặp nguy hiểm? Câu trả lời sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng

DNVN - Liệu đà điểu có thực sự chôn đầu xuống cát khi gặp nguy hiểm? Hình ảnh này đã xuất hiện trong nhiều câu chuyện dân gian suốt hàng thế kỷ, nhưng thực tế có phải vậy không?

7 quả cầu lạ tiết lộ về sự sống Trái Đất nửa tỉ năm trước / Lộ diện quái vật răng kiếm lâu đời hơn cả khủng long

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Câu chuyện về đà điểu chôn đầu trong cát bắt nguồn từ nhà tự nhiên học người La Mã Pliny the Elder cách đây khoảng 2.000 năm. Trong cuốn sách "Lịch sử Tự nhiên," ông mô tả một con đà điểu giấu đầu trong bụi cây để trông như không bị phát hiện. Từ đó, hình ảnh này đã được lan truyền và gắn liền với câu thành ngữ "chôn đầu xuống cát," ám chỉ những người từ chối đối mặt với khó khăn.

Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Đà điểu, loài chim lớn nhất thế giới, không bao giờ thực sự chôn đầu xuống cát. Những hành vi của chúng đôi khi khiến người quan sát từ xa tưởng rằng chúng đang làm vậy.

Đà điểu sống chủ yếu ở châu Phi, trong các môi trường sống đa dạng như đồng cỏ, sa mạc và savan. Chúng có thể nặng tới 130 kg và cao tới 2,7 mét. Tuy vậy, đầu của chúng lại khá nhỏ so với cơ thể khổng lồ. Một trong những lý do khiến đà điểu có vẻ như đang chôn đầu là khi chúng đào những hố nông để đẻ trứng. Cả cha lẫn mẹ thay nhau xoay trứng và giữ ấm cho trứng, hành động này từ xa có thể bị nhầm là đang "chôn đầu."

Ngoài ra, đà điểu cũng thường xuyên cúi đầu xuống đất để tìm kiếm thức ăn như cỏ, chuột, ếch và côn trùng. Điều này khiến chúng có vẻ như đang ẩn mình dưới đất.

 

Với tốc độ chạy lên tới 113 km/h, đà điểu là loài chim chạy nhanh nhất thế giới. Khi gặp nguy hiểm, chúng thường bỏ chạy hoặc nằm sát mặt đất để hòa mình vào môi trường xung quanh, nhằm tránh sự chú ý của kẻ săn mồi. Đặc biệt, đà điểu có thể tạo ra một đám bụi để làm phân tán sự chú ý của kẻ săn mồi khỏi con non của chúng.

Vậy, dù hình ảnh đà điểu "chôn đầu" trong cát đã tồn tại lâu dài trong văn hóa dân gian, sự thật là chúng không bao giờ làm như vậy. Thay vào đó, chúng sử dụng tốc độ và các kỹ năng sinh tồn khác để đối phó với nguy hiểm.

Như Ý (Live Science)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm