Khám phá

Đại thi hào Pushkin đã phải cách ly phòng dịch tả ở Nga như thế nào?

Nhà thơ nổi tiếng Pushkin của Nga từng phải hoãn đám cưới để cách ly phòng dịch tả trong hơn 2 tháng. Bù lại, ông sáng tác được rất nhiều tác phẩm.

Chiến dịch phá đập bóp nghẹt Đức quốc xã của Không quân Anh / Đại dịch Cái chết Đen và bí ẩn về chiếc mặt nạ chim kỳ dị

Vào ngày 3/9/1830, đại thi hào Nga Alexander Pushkin đã tới khu vực Bolshoye Boldino là đất đai của gia đình ông, nằm trong khu vực Nizhny Novgorod thuộc đế chế Nga. Theo kế hoạch ông sẽ tiếp nhận ngôi làng Kistenevo mà cha ông đã tặng cho ông vào dịp ông sắp kết hôn.

Alexander Pushkin và Natalia Goncharova đã tuyên bố hai người đính hôn hồi tháng 5/1830. Tuy nhiên đám cưới bị hoãn suốt mùa hè năm đó và bây giờ lại xuất hiện một trở ngại mới: Lệnh cách ly trên toàn nước Nga do sự bùng phát của dịch tả.

dai thi hao pushkin da phai cach ly phong dich ta o nga nhu the nao? hinh 1
Nhà thơ Nga Pushkin. Ảnh: RIA.

Vào ngày 30/9, nhà thơ Pushkin viết cho Goncharova: “Anh vừa được thông báo là người ta đã lập 5 khu cách ly từ đây cho đến Moscow. Anh sẽ phải dành 14 ngày trong mỗi khu cách ly. Em thử nhân lên mà xem và tưởng tượng tâm trạng của anh thế nào nha!”.

Việc cách ly này, được thực hiện dựa trên lệnh của Bộ trưởng Nội vụ Count Zakrevsky, đã làm tê liệt hoạt động thương mại và đi lại bên trong nước Nga.

Một năm sau, Pushkin viết: “Các hoạt động cách ly đã làm đình trệ hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa, tàn phá các nhà thầu và nhà vận tải, chấm dứt thu nhập của nông dân và địa chủ, và gần như tạo ra các cuộc bạo loạn ở 16 tỉnh”.

Tháng 10/1830, sau khi biết dịch tả đã lan tới Moscow, Pushkin vẫn cố gắng tới thành phố này để được ở bên cô dâu Goncharova của mình, nhưng khi biết nàng đã được sơ tán khỏi Moscow, ông quay trở lại Boldino.

Mặc dầu vậy, Pushkin vẫn đánh giá ích lợi của việc cách ly. Ông viết cho người bạn Pyotr Pletnev như sau: “Ngôi làng địa phương này mới duyên dáng làm sao! Tưởng tượng nhé: Cánh đồng cỏ bất tận bao xung quanh, không một người hàng xóm nào trong tầm mắt, cứ thế đi thoải mái tùy thích, còn ở nhà thì viết bao nhiêu cũng được, chả ai cản đường”.

 

Nhưng việc bắt buộc như thế này cũng có tác động lên thế giới quan và nếp sống của thi sĩ Pushkin. Ông viết cho vị hôn thê: “Anh bây giờ để râu dài em ạ. Khi đi ra ngoài, người ta toàn gọi anh bằng chú. Anh thức giấc lúc 7h sáng, uống cà phê và nằm ườn đến 3h chiều. Thời gian gần đây anh viết được rất nhiều, ra cả một đống. Tầm 3h chiều, anh đi cưỡi ngựa. Đến 5h anh đi tắm rồi dùng bữa tối gồm khoai tây và cháo mạch ba góc. Sau đó anh đọc sách đến 9h tối”.

Hóa ra thời kỳ cách ly lại là giai đoạn hiệu quả nhất trong sự nghiệp sáng tác của Pushkin. Ông hoàn thành Chương 8 và Chương 9 của cuốn tiểu thuyết thơ “Eugene Onegin”, và nhìn lại tác phẩm của mình trong chương cuối. Ông cũng viết được “Tập truyện ông Belkin”, chủ yếu dựa trên quan sát của ông đối với cuộc sống nông dân. Ông cũng viết các vở kịch “Tiểu Bi kịch” và nhiều bài thơ. Thời kỳ này trong cuộc đời của Pushkin về sau được người ta gọi là “Mùa thu Boldino” – một thành ngữ để chỉ một thời kỳ làm việc hiệu quả khi bị cách ly.

Ngoài ra, từ bục của một nhà thờ tại địa phương, Pushkin còn rao giảng về dịch tả cho các nông dân trong khu vực đất đai thuộc quyền sở hữu của ông. Theo một ghi chép đương thời của Pyotr Boborykin, bài giảng có nội dung như sau: “Dịch tả được gửi tới anh em là vì anh em không nộp tiền thuế và anh em uống nhiều. Nếu các anh em cứ tiếp tục như vậy, anh em sẽ bị quất roi. Amen!”.

Rõ ràng bài giảng này là điều duy nhất mà Pushkin đồng ý làm “vì xã hội” sau khi Bộ trưởng Zakrevsky gửi riêng cho ông một mệnh lệnh.

Pushkin chỉ trở về Moscow vào ngày 5/12 khi dịch tả đã kết thúc tại đây và việc cách ly được dỡ bỏ.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm