Đặng Đại Độ - quan thanh liêm, dũng cảm trị tội kẻ càn quấy
Tự mang gông đi bộ về kinh chịu tội, nhưng Đặng Đại Độ không bị Chúa Nguyễn Phúc Khoát xử lý mà còn được thăng chức.
Đặng Đại Độ quê ở huyện Phong Đăng (nay là Lệ Thủy), Quảng Bình, thuộc dòng họ nổi tiếng về văn học. Cha của ông là Đặng Đại Lược (1690-1764) từng làm việc ở Văn Chức viện thuộc Hàn Lâm viện trong triều đình chúa Nguyễn, rồi làm Ký lục dinh Bố Chính, Cai bạ dinh Quảng Nam...
Sử sách nhà Nguyễn cho biết Đặng Đại Lược là vị quan khí tiết, đức độ, thanh liêm nổi tiếng, tuy làm quan to nhưng cảnh nhà vẫn nghèo khó. Khi ông cai trị ở địa phương, người dân biếu đồ dân dã thì ông "chỉ lấy một cái" cho họ vui; biếu đồ có giá trị, ông đều khéo léo từ chối để không làm mất lòng.
Sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng Đại Độ có tiếng học giỏi, đỗ khoa thi Hương tiến, được bổ Văn chức, cùng cha cùng làm quan một triều. Năm 1748, ông được thăng Ký lục doanh Bình Khang (Khánh Hòa), rồi sau làm Ký lục Quảng Nam. Khi làm quan, Đại Độ liêm khiết còn hơn cha, ai đưa cho cái gì nhất thiết đều từ chối. Ông được người đời khen là trong sạch, là “băng thanh ngọc khiết”.
Xuất thân là văn quan nhưng Đại Độ cũng có tài cầm quân. Năm 1761, người Man Thạch Bích ở phía tây Quảng Ngãi nổi dậy chống lại triều đình. Chúa Nguyễn lệnh cho ông từ Bình Khang về cầm quân dẹp tan cuộc nổi dậy này.
Sau đó, ông được bổ làm Ký lục doanh Trấn Biên (vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai) mới được chúa Nguyễn mở mang. Thời đó, mỗi doanh (tương đương vài tỉnh hiện nay) được bổ nhiệm các chức Trấn thủ, Cai bạ và Ký lục. Ký lục là chức quan cai quản việc hành chính, hình án.
Khi đó, hai người Cai đội hầu cận chúa đến Trấn Biên tìm bắt con hát (ca nhi). Hai người này cậy thế hống hách, làm nhiều điều trái phép, ức hiếp nhân dân. Đại Độ biết chuyện liền cho quân bắt lại, cho hành hình và treo ở cửa chợ. Sau đó, ông tự mặc áo đơn, đeo gông ngắn, đi bộ về kinh xin nhận tội.
Ảnh minh hoạ: Báo Bình Phước
Khi đi về kinh, Đại Độ có một đứa cháu đi theo. Người cháu đó xin thuê người võng cáng cho đỡ mỏi chân. Đại Độ nói: "Lại có hạng tội nhân mong được nhàn hạ ư?", rồi nhất quyết đi bộ. Suốt hơn một tháng, ông mới đến kinh đô Phú Xuân, vào trình bày tình trạng với Bộ Hình xin vào ngục để đợi định tội.
Bộ Hình đem việc tâu lên, chúa Nguyễn cho gọi. Đại Độ vào chầu, vẫn chỉ mang áo ngắn, chúa Nguyễn Phúc Khoát thấy vậy thương cảm, sai cấp cho mũ áo triều phục.
Đại Độ trình bày sự việc, xin chịu tội. Chúa Nguyễn úy lạo, dụ rằng: "Khanh có tội gì, mà tự lao khổ như thế? Trước kia ta sai đi chọn một vài con hát để tiêu khiển lúc rỗi, không ngờ lũ tiểu nhân đi ra, cậy thế hiếp người? Khanh giết đi là phải. Có tội gì đâu. Vậy bỏ qua việc ấy đi".
Chúa lập tức thăng Đại Độ làm Tuần phủ Gia Định, cho ông cho đi tuần hành 5 phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, được quyền bãi hay thăng chức các quan lại.
Đại Nam liệt truyện viết rằng: “Sự trạng cha con Đại Độ được Chúa biết đến muộn, cho nên sách Đại Nam Thực lục không kịp chép đến”.
Còn theo tài liệu ở quê hương ông, Đặng Đại Độ sinh năm 1728, mất năm 1765 khi mới 37 tuổi. Thương tiếc ông chết trẻ, chúa Nguyễn phong cho ông là Trung Cần và phong tước Thạch Đức hầu.
Ngày nay, ở quận 7 TP HCM và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đều có đường mang tên ông.
Theo Vne
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Trong 'Tây Du Ký', con quái vật duy nhất đã hơn một lần ăn thịt Đường Tăng, bạn có biết đó là ai không?
Người phụ nữ nghèo đổi đời nhờ nhặt được viên ngọc trai quý hiếm trong lúc nấu ăn, trị giá bằng cả căn nhà
Cột tin quảng cáo