Khám phá

Đánh cắp tranh 1.500 tỷ đồng rồi tự đem trả lại và xin tự thú

Sau hơn 20 năm đánh cắp một bức tranh quý trị giá tương đương 1.500 tỷ đồng, kẻ trộm đã tự động đem tranh trả lại triển lãm, đồng thời liên hệ để xin được tự thú.

Những cuộc tuyệt chủng kỳ lạ nhất trong lịch sử / Top thú cưng nhập ngoại cực lạ ở Việt Nam

Thời gian qua, thế giới hội họa sửng sốt với việc tìm thấy lại bức tranh “Chân Dung Một Quý Bà” được thực hiện bởi danh họa người Áo Gustav Klimt (1862-1918). Bức tranh được cất trong một hốc tường của triển lãm Ricci Oddi (nằm ở thành phố Piacenza , Ý), đây chính là nơi bức tranh đã từng bị đánh cắp hồi năm 1997.

Sau quá trình giám định, các chuyên gia khẳng định đây chính là bức tranh từng bị đánh cắp. Sự việc bất ngờ này còn gây sửng sốt hơn nữa khi mới đây, kẻ trộm tranh đã liên hệ để được... thú tội và khẳng định rằng chính băng nhóm này đã đánh cắp rồi lại đem trả tranh. Hiện tại, mới có hai người đàn ông trong băng nhóm xin thú tội.

 Bức tranh “Chân Dung Một Quý Bà”.
Bức tranh “Chân Dung Một Quý Bà”.

Tại Ý, trong số những bức tranh bị đánh cắp chưa tìm lại được, bức “Chân dung một quý bà” từng đứng ở vị trí thứ 2 xét về mức độ quý giá, chỉ đứng sau một tác phẩm của danh họa Caravaggio - bức “Chúa Giáng sinh với Thánh Francis và Thánh Lawrence”, tác phẩm từng bị đánh cắp hồi năm 1969 khỏi nhà nguyện Thánh Lawrence nằm ở thành phố Palermo, Ý.

Hiện giờ, những thông tin xoay quanh bức họa của Gustav Klimt thực quá lạ lùng và gây sửng sốt. Cảnh sát đã làm việc với hai người đàn ông xin tự thú, hai người này tự xưng là thành viên trong băng nhóm gồm hơn một chục người từng tham gia thực hiện vụ trộm tranh năm xưa.

Thoạt tiên, hai người đàn ông này gửi thư tới cho một nhà báo có tên Ermanno Mariani, làm việc cho tờ tin tức Libertà tại địa phương. Nhà báo Mariani đã từng tiếp xúc với một trong hai người đàn ông này từ vài năm trước đây khi anh ta bị bắt giữ vì liên quan tới một vụ đột nhập khác.

Đánh cắp tranh 1.500 tỷ đồng rồi tự đem trả lại và xin tự thú - 2

Nhà báo Mariani đã nhận được thư của hai người đàn ông này ngay sau khi bức tranh được tìm thấy trở lại trong một hốc tường tại triển lãm Ricci Oddi hồi tháng 12/2019. Hai người thợ làm vườn đã tìm thấy bức tranh được bọc kín trong những lớp túi nilon để trong hốc tường có tấm kim loại che chắn.

 

Trong lá thư gửi tới nhà báo Mariani, hai người đàn ông khẳng định họ đã từng tham gia vào việc trộm tranh. Bức “Chân dung một quý bà” từng được xác định giá trị ở mức 60 triệu euro (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng) hồi tháng 2/1997. Cũng chính hai người đàn ông này đã đem trả lại bức tranh như “một món quà gửi tặng thành phố”.

Thực tế, một trong hai người đàn ông đã từng thú nhận vụ việc với nhà báo Mariani từ 3 năm trước, họ đề nghị nhà báo giúp sắp xếp một cuộc gặp với nhân viên điều tra.

Ông Guido Guliere, luật sư bào chữa cho hai người đàn ông này đã chia sẻ với tờ tin tức The Guardian rằng: “Họ đã muốn trả lại tranh từ mấy năm trước. Nhưng đã có một số chuyện xảy ra trong những năm qua và tới giờ tranh mới được trả lại. Họ đã thú nhận từ trước nhưng không nhận được sự tin tưởng”.

Bức “Chân dung một quý bà” đã bị đánh cắp trong lúc đang được trưng bày triển lãm, khi đó người ta được biết rằng đây là bức tranh “kép” duy nhất của Gustav Klimt, bởi bên dưới bức tranh là một bức tranh khác - bức “Chân dung người thiếu phụ”, một bức vẽ những tưởng đã bị thất lạc từ năm 1912.

Mục đích đằng sau việc tự thú của hai người đàn ông được cho là để giảm nhẹ tội, bởi thời gian trôi qua đã lâu, lại thêm sự chủ động trả lại tranh và xin tự thú.

 

Ông Guido Guliere, luật sư bào chữa cho hai người đàn ông nhận định: “Đây là một câu chuyện lạ lùng. Họ có thể chấp nhận bán tranh giá rẻ, có thể đốt cháy tranh phi tang... Hai người này chắc sẽ không phải ngồi tù. Tin tức tốt đẹp đáng chú ý nhất là chúng ta đã tìm thấy lại bức tranh”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm