Đâu chỉ Hạ Hầu Đôn thời Tam quốc, ở Đại Việt cũng có dũng tướng bị thương, nuốt trọn con ngươi
Top cao nhân bí hiểm trong Tam Quốc diễn nghĩa / Giải mã Tam quốc: 'Hoàng thất', 'hoạn quan' và con đường của Tào-Lưu
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn.
Hạ Hầu Đôn là một người tính tình chính trực nhưng nóng nảy, tử tế và trung thành với bạn bè và gia đình, không khoan nhượng đối với kẻ thù. Ông được coi là hữu tướng quân của Tào Thào, được phép đi chung xe ngựa là một vinh dự mà ngay cả cận vệ của Tào Tháo là Điển Vi và Hứa Chử cũng không có. Tuy vậy, trên chiến trường sự nóng nảy của ông thường dẫn đến thất bại. Tuy có sức mạnh hơn ngươi những Hạ Hầu Đôn có rất ít trận thắng, chủ yếu do nôn nóng rơi vào bẫy của kẻ địch.
Về câu chuyện của Hạ Hầu Đôn, truyền rằng trong trận chiến Hạ Bì diễn ra năm Mậu Dần (198), Hạ Hầu Đôn bị tướng của đối phương là Tào Tính phục kích dùng cung bắn trúng vào mắt trái.
Tuy bị thương nhưng Hạ Hầu Đôn cắn răng chịu đau và không vì thế mà làm mất đi dũng khí, ông cất tiếng nói lớn: "Tim cha huyết mẹ, làm sao có thể bỏ đi được?", nói xong không ngần ngại lấy tay rút mũi tên, kéo luôn cả con ngươi mắt ra rồi đưa vào miệng mình mà nuốt.
Tào Tính vì quá bất ngờ và kinh hãi trước sự việc như vậy, chưa kịp định thần thì bị Hạ Hầu Đôn thúc ngựa xông đến đâm chết. Đâm Tào Tính xong thì Hạ Hầu Đôn cũng ngã ngựa bất tỉnh. Sau trận chiến này ông mất đi một con mắt nên vì thế mới có biệt danh là "Manh Hạ Hầu" (Hạ Hầu mù).
Người đời nghe chuyện Hạ Hầu Đôn nuốt con ngươi làm khiếp sợ quân thù nên đã tôn ông là một dũng tướng phi thường.
Tuy nhiên, chuyện của Hạ Hầu Đôn không phải là "độc nhất vô nhị". Trong lịch sử Việt Nam, chuyện về dũng tướng dòng họ Võ Tá cũng không kém phần khác lạ.
Có sách chép rằng vị dũng tướng đó là Võ TáLý người xã Hà Hoàng, tổng Thượng Thất, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An (nay là xã Thạch Hạ, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), ông xuất thân trong một dòng họ có truyền thống võ nghệ, sản sinh nhiều võ tướng.
Dòng họ này có đến 15 người đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), 18 võ tướng được phong tước Quận công; ngoài ra còn một số người đỗ đạt khoa bảng, làm rạng danh dòng họ. Vì thế mới có câu rằng:
“Thập ngũ tạo sĩ, thập bát quận công, cung kiếm gia thanh quang giám sách,
Đồng triều phụ tử, đồng khoa huynh đệ, thi thư thế nghiệp thọ sơn hà”.
Nghĩa là:
“Mười lăm tiến sĩ võ, mười tám quận công, nghiệp cung kiếm rạng sử sách.
Cha con cùng triều, anh em cùng khoa, văn chương sự nghiệp mãi với non sông”.
Võ Tá Lý
Võ Tá Lý, ông là con thứ 8 của Hà Quận công Võ Tá Hán, em của Nham Quận công Võ Tá Bảng, nổi tiếng dũng mãnh, có tài làm tướng nên được phong làm Thể Quận công.
Bấy giờ xã hội rối loạn, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi, chưa kể các đám giặc cướp cũng ra sức hoành hành.
Thể Quận công Võ Tá Lý được lệnh triều đình đem quân tham gia trấn áp thành công nhiều cuộc nổi loạn, bạo động; đặc biệt vào tháng 3 năm Canh Thân (1740) đời Lê Ý Tông, ông bắt được thủ lĩnh một lực lượng quân khởi nghĩa có tiếng khi đó tên là Bồng, lập đại công, được ban thưởng lớn.
Sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết như sau: "Chinh tây đại tướng quân Thể Quận công Võ Tá Lý cùng "giặc" tên là Tế đánh nhau ở Yên Lạc, bắt được Tế. Tế cùng người đất Bình Ngô tên là Bồng đều có tiếng là kiệt hiệt. Đến nay bắt được, Chúa ban cho cho cờ gươm, áo mũ, ấn tín và sắc dụ để nêu thưởng Võ Tá Lý".
Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết: "Võ Tá Lý, chinh tây đại tướng quân, đánh nhau với giặc Tế và Bồng ở An Lạc.
Bắt được bọn giặc này. Tên Tế, giặc ở Sơn Tây và tên Bồng ở Bình Ngô, đều nổi tiếng là giặc tinh quái hung tợn. Thể Quận công Tá Lý đón đánh ở An Lạc, bắt được bọn này. Trịnh Doanh ban cho Tá Lý cờ, kiếm và ấn để tuyên dương công trạng".
Sau khi Tế và Bồng đánh không lại với Võ Tá Lý, bị bắt và giết, một bộ tướng là Nguyễn Danh Phương (tục gọi là quận Hẻo) tập hợp tàn quân của Đô Tế, rút về cố thủ ở núi Tam Đảo, xây dựng lực lượng để tính kế lâu dài.
Lúc đó, chúa Trịnh Doanh ra lệnh cấp tốc tuyển thêm binh lính, sai các những nhân vật thân tín đem quân tới các vùng trọng yếu để trấn giữ, tiễu trừ các lực lượng chống đối.
Chinh tây đại tướng quân Võ Tá Lý được cử cùng với Đốc lãnh Trần Đình Miên, Bồi tụng là Nguyễn Bá Lân đem quân đi đánh Sơn Tây.
Một lực lượng khởi nghĩa khá mạnh lúc ấy cũng nên nhắc đến, đó là lực lượng do Nguyễn Hữu Cầu (tục gọi là quận He) đứng đầu cũng khiến triều đình Lê – Trịnh nhiều phen mất ăn mất ngủ. Truyền rằng, chúa Trịnh đã sai tướng quân Võ Tá Lý đi Sơn Nam , đánh nhau với Nguyễn Hữu Cầu.
Giữa trận tiền, một mảnh đạn bay vào mặt trúng một bên mắt làm lồi con ngươi, ông đã rút ra nuốt chửng rồi tiếp tục thúc quân giao chiến. Gương anh dũng ấy được mọi người ngưỡng mộ. Dân gian Nghệ Tĩnh truyền đi câu phương ngôn: "Người Nghệ An, gan Thạch Hà" là từ câu chuyện này.
Chuyện bị thương ở mắt, nuốt con ngươi giữa trận tiền ít được sử sách ghi lại nên điều này không được biết đến rộng rãi, mặt khác tài liệu ghi chép có khác nhau.
Theo như sách Nghệ An ký thì người có hành động khác thường ấy không phải là Võ Tá Lý mà là Võ Tá Sắt, ông là một 5 năm võ tướng nổi tiếng nhất của dòng họ Võ Tá Hà Hoàng (4 người kia là Võ Tá Liễn, Võ Tá Quán, Võ Tá Đoan, Võ Tá Lý).
Võ Tá Sắt
Quận công Võ Tá Sắt – tên thực là Võ Tá Kế (húy là Khanh) con thứ 4 của Tăng Lộc Hầu, năm 14 tuổi học tại Quốc Tử Giám. Vì là ấm sinh xuất thân nên được bổ làm quan với chức quản binh, nhiều lần phụng chỉ đi đánh giặc lập công, được vua Lê, chúa Trịnh tin dùng. Ông làm quan vào thời kỳ nửa đầu thế kỷ XVIII, khi đất nước có nhiều diễn biến phức tạp, quyền tối cao nhất của vua Lê tập trung vào chúa Trịnh, nạn kiêu binh và các thủ lĩnh ở các địa phương nổi lên.
Theo tư liệu dân gian, khi làm chức Tổng trấn Sơn Nam (vùng Hà Nam ngày nay) trong một lần dẫn quân đánh nhau với quân phản loạn Nguyễn Hữu Cầu, ông bị một viên đạn bắn vào mắt làm bật con ngươi ra ngoài, không chút chần chừ, ông đã dứt con ngươi ấy bỏ vào mồm nuốt chửng rồi lại thúc quân tả xung hữu đột đánh giặc. Vì thế, người thời ấy đều phục ông dũng cảm, mến mộ gọi là Sắt – Võ Tá Sắt, được triều đình ban tặng tước Quận Công.
Sau khi mất, ông được táng tại Cầu Già, thuộc xóm Đông, xã Thạch Liên. Khu lăng mộ của ông hiện cũng đã được xây cất lại uy nghiêm và rất bề thế.
Về chuyện này, trong sách Nghệ An ký có đoạn chép: "Tổ tiên là Cường Lộc Hầu sinh ra Tá Hà. Tá Hà theo đánh giặc có công, được lĩnh chức Đề lĩnh từ thành quân vụ và được phong tước Hà quận công.
Tá Lý, Tá Liễn, Tá Sắt, Tá Quán và Tá Đoan đều là dòng dõi Tá Hà và đều được cầm quân coi trấn. Khi Tá Sắt coi trấn Sơn Nam, đánh nhau bị một viên đạn bắn vào mắt làm bật con ngươi ra ngoài.
Tá Sắt rứt con ngươi ấy bỏ vào mồm nuốt chửng rồi lại thúc quân đánh hăng, người thời ấy đều phục là dũng cảm. Có câu ngạn ngữ: Người Nghệ An, gan Thạch Hà".
End of content
Không có tin nào tiếp theo