Dấu hiệu đáng sợ: Thế giới quanh Trái Đất đang bị co rút
Đồng bồ Mặt trời độc đáo của người xưa / Nơi khác trong hệ Mặt Trời từng có "áo giáp sự sống" như Trái Đất
Theo bài công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, sau gần 13,8 tỉ năm mở rộng không ngừng sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ có thể đã bế tắc và sớm co lại. Kết luận đến từ việc 3 nhà khoa học Mỹ mô hình hóa năng lượng tối - loại năng lượng giả thuyết được cho là nguyên nhân giúp vũ trụ giãn nở.
Ảnh đồ họa mô tả thuở "khai thiên lập địa", khi những ngôi sao đầu tiên ra đời sau vụ nổ Big Bang - Ảnh: NASA
Trong mô hình của nhóm, năng lượng tối không phải một lực bất biến mà có thể phân rã theo thời gian. Sau hàng tỉ năm tăng tốc, dường như năng lượng tối đang có dấu hiệu suy yếu.
Mô hình tiết lộ gia tốc giãn nở của vũ trụ sẽ nhanh chóng kết thúc trong 65 triệu năm tới - một khoảng thời gian khổng lồ đối với người Trái Đất đoản mệnh, nhưng chỉ là tích tắc đối với vũ trụ.
Trong 100 triệu năm tiếp theo, vũ trụ sẽ giữ nguyên kích thước; sau đó sẽ bước vào kỷ nguyên co hẹp lại và tiến dần đến "cái chết", hoặc cũng có thể là một sự tái sinh không - thời gian chưa thể đoán biết.
Theo nhà khoa học Paul Steinhardt, Giám đốc Trung tâm Khoa học lý thuyết Princeton thuộc Đại học Princeton (New Jersey, Mỹ), đồng tác giả, có 2 kịch bản cho "cái chết" của vũ trụ.
Thứ nhất, nó có thể co hẹp lại, sụp đổ thành dạng ban đầu trước vụ nổ Big Bang, trở thành một khối "hóa thạch" tĩnh lặng. Thứ hai, có thể một vụ nổ Big Bang khác sẽ xảy ra, tạo nên một vũ trụ mới trên đống tro tàn.
Một nghiên cứu trước đây của giáo sư Steinhardt và các đồng nghiệp, từng công bố trên Physics Letters B vào năm 2019, cũng từng đề cập đến kịch bản thứ 2 này. Thậm chí họ còn cho rằng vũ trụ hiện tại mà Trái Đất đang tồn tại bên trong không phải là vũ trụ đầu tiên và duy nhất. Rất có thể, chúng ta cũng là thế giới tái sinh từ một "đống tro tàn" cổ đại nào đó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo