Khám phá

Đầu lĩnh thủy quân Lương Sơn (Phần 2): Kẻ làm vua, người tử trận

Trong 6 vị đầu lĩnh thủy quân của Lương Sơn, Lý Tuấn – chuyên gia đánh thủy có thứ hạng cao nhất Lương Sơn Bạc (ghế 26) và là 1 trong 2 người bảo toàn tính mạng sau cuộc chiến với Phương Lạp. Thậm chí, Lý Tuấn còn có hậu vận tốt nhất, vượt xa tất cả các huynh đệ còn sống sót khác...

Tại sao Thi Nại Am “để” Lý Tuấn làm vua Xiêm La

Hậu Thủy Hử (hồi 119- chương 49) viết: “Bấy giờ Hỗn giang long Lý Tuấn vờ bị trúng gió nằm ốm liệt giường, sai thuộc hạ đến báo với Tống tiên phong. Tống Giang liền dẫn thầy thuốc đến tận nơi chạy chữa. Lý Tuấn nói:… Huynh trưởng có lòng thương Lý Tuấn tôi, xin cho bọn Đồng Uy, Đồng Mãnh ở lại giúp thuốc men chăm sóc, khi nào khỏi bệnh sẽ theo về kinh triều cận xin huynh trưởng cứ yên lòng đem quân về kinh”.

Số phận của 6 đầu lĩnh Thủy quân Lương Sơn, mỗi người mỗi khác.

Sau khi Lý Tuấn triển mưu giả bệnh thành công và lưu lại được 2 huynh đệ họ Đồng,Thi Nại Am viết tiếp “bọn Lý Tuấn, Đồng Uy, Đồng mãnh trở lại Du Liễu trang tìm bọn bốn anh em Phí Bảo. Theo ước hẹn từ trước, bẩy người bàn bạc,rồi góp chung tài sản, đóng một chiếc thuyền rời cảng Thái Thương, vượt biển ra sinh sống ở ngoại quốc. Về sau Lý Tuấn làm bá chủ một phương hải tần, rồi trở thành quốc vương nước Xiêm La. Bọn Đồng Uy, Phí Bảo cũng được bổ làm quan, sống cuộc đời sung sướng”.

Thủy Hử hay Thủy Hử truyện – dịch nghĩa đen là “Câu chuyện nơi bến nước”. Lương Sơn Bạc, căn cứ của của 108 vị anh hùng nằm trong một vùng đầm hồ bao quanh núi Lương, thuộc tỉnh Sơn Đông, theo Thi Nại Am mô tả, rộng tới hơn 800 dặm. “Sông”, “Nước” có ý nghĩa mang tính hàm dụ rất quan trọng trong danh tác này.

Và biệt danh của Lý Tuấn – Hỗn Giang Long, tức “Rồng khuấy sông”, phần nào đặc tả hành trình cuộc đời của chàng hảo hán này. “Long” là thần vật đệ nhất, là vua vùng sông nước, “Long” cũng luôn được gắn với Vương – Vua, Thi Nại Am có lẽ đã để lại những ám hiệu ngầm chỉ Lý Tuấn là “số 1” của Lương Sơn Bạc, mới đích xác là người “chở” triết lý sâu sắc của Thủy Hử.

Lý Tuấn không về triều nhậm chức, sau trở thành vua nước Xiêm La (Thái Lan ngày nay).

Nhưng “Long” không chỉ là vua vùng sông nước mà còn là bá chủ bầu trời. Và hãy chú ý, tại sao Thi Nại Am “sắp đặt” Lý Tuấn thành Vua nước Xiêm La. Chữ “Xiêm” có nhiều nghĩa, những nghĩa đẹp nhất đều liên quan đến Mặt trời, chỉ bóng mặt trời, ánh mặt trời lên, ánh sáng mặt trời chiếu tới... Và “Hỗn Giang Long” Lý Tuấn, con Rồng sau khi khuấy đảo vùng sông nước ấy, quả thực đã “bay lên Trời”, tức thành Vua nước Xiêm La vậy. Đây có lẽ là “mật ngữ” mà Thi Nại Am che giấu sâu nhất trong tầng tầng lớp lớp các câu chuyện của Thủy Hử.

Nhờ một chữ “Hoạt”, Nguyễn Tiểu Thất bảo toàn được tính mạng

Chuyện Lý Tuấn đã rõ, giờ chúng ta hãy đến với 5 đầu lĩnh thủy quân còn lại của Lương Sơn. 4 người tử trận gồm anh em Trương Hoành, Trương Thuận, bộ đôi Nguyễn Tiểu Nhị - Nguyễn Tiểu Ngũ. Người sống sót duy nhất ngoài Lý Tuấn, là cậu em út Nguyễn thị Tam hùng – Nguyễn Tiểu Thất. Hãy chú ý tới ngoại hiệu của Nguyễn Tiểu Thất, Hoạt Diêm La, tức Diêm La/Diêm vương sống”.

Trong ngoại hiệu của Tiểu Thất, có chữ “Hoạt”. Hoạt vừa là linh động, linh hoạt, hoạt bát, khôi hài còn mang nghĩa sống, sự sống. Tính cách tếu táo của Tiểu Thất ứng với chữ “Hoạt” trong biệt danh của chàng. Trong khi hai anh tử trận thì nhờ chữ “Hoạt – Sống” trong ngoại hiệu mà Tiểu Thất bảo toàn tính mạng sau đại chiến Phương Lạp.

Nguyễn Tiểu Thất, sống cuộc đời khoái hoạt bên sông nước, thọ 60 tuổi.

Và kết cục của hảo hán này là sau khi nhậm chức Đô thống chế ở quận Cái Thiên là: “Hai tên tướng Vương Lẫm, Triệu Đàm chưa quên mối thù dạo trước bị Tiểu Thất mắng cho bẽ mặt ở động Bàng Nguyên, trước mặt khu mật Đồng Quán bọn chúng nhiều lần bới tội, nói Tiểu Thất dám tự tiện mặc hoàng bào, đeo đai ngọc của Phương Lạp… chứng tỏ vẫn nuôi ý nghĩ bất lương. Đồng Quán trình với Sái Kinh để tâu lên thiên tử. Vì thế chỉ mấy tháng sau có lệnh của triều đình đưa xuống truy đoạt quan bằng của Nguyễn Tiểu Thất, bắt trở về làm thứ dân”.

Với Hoạt Diêm La, đấy thực sự là sự giải thoát cho chàng, để Tiểu Thất có thể sống một cuộc đời khoái hoạt mà chàng vốn đã từng trước khi gia nhập nghĩa quân Lương Sơn: “Tiểu Thất lấy làm mừng, đưa mẹ già trở về thôn Thạch Kê ở Lương Sơn Bạc, lại làm nghề đánh cá để sinh sống, phụng dưỡng mẹ già, rồi qua đời, hưởng thọ sáu mươi tuổi”.

Ngoại hiệu – ám chỉ kết cục của 4 đầu lĩnh thủy quân tử trận

Anh cả nhà họ Nguyễn – Nguyễn Tiểu Nhị có ngoại hiệu là gì? Lập Địa Thái tuế, tức “Thái tuế mở đất”. Thái Tuế - đầy đủ là Thái tuế tinh quân, chỉ sao Mộc tinh trên trời. “Mộc” vốn khắc “Thủy”, bản thân biệt danh của Nguyễn Tiểu Nhị cũng đã báo hiếm một kết cục không tốt cho hảo hán này khi chàng theo nghề sông nước rồi. Kết cục của Nguyễn Tiểu Nhị, trong lần tiến quân đánh thủy trại Phương Lạp ở Ô Long, dính phải kế hỏa công (Mộc lại gặp Hỏa), vội nhảy xuống nước thì bị quân địch dùng câu liêm móc chặt (Mộc lại gặp Kim), bèn dùng dao nhọn đâm vào cổ tự sát.

Hai người anh của Nguyễn thị Tam Hùng đều thiệt mạng ở cuộc chiến với Phương Lạp.

Nhân vật thứ hai nhà họ Nguyễn, Đoản Mệnh Nhị Lang Nguyễn Tiểu Ngũ, nghe danh thôi cũng khó mà có hậu vận tốt đẹp. “Đoản mệnh” thì làm sao “chàng hai” có thể sống thọ? Hậu Thủy Hử hồi 118- chương 48 viết: “Nguyễn Tiểu Ngũ đến trá hàng ở huyện Thanh Khê, sau bị Lâu thừa tướng và Đỗ Vi hạ thủ”.

Tại hồi 114, trong chiến dịch bình Phương Lạp, ở trận đánh Hàng Châu, Trương Thuận đề nghị dùng mưu lặn qua hồ nổi lửa làm hiệu. Với kế này, khi đã vào thành, Trương Thuận sẽ bắn pháo hiệu báo tin, khi ấy, Lý Tuấn và các đội quân Lương Sơn sẽ từ ngoài đánh ngay chiếm cửa sông và đánh vào thành diệt trừ quân Phương Lạp.

Ngay đêm ấy, Trương Thuận đã lẻn một mình lặn đến trước cửa cổng Dũng Kim, một trong bốn cổng thành Hàng Châu. Khi Trương Thuận vượt thành ở cửa Dũng Kim, chàng bị lính canh quân Phương Lạp bắn chết rơi xuống hồ rồi vớt đầu cắm vào đầu sào bêu trên mặt thành. Lãng Lý Bạch Điều - “Dải lụa trắng trên sóng” làm sao có thể nổi mãi được trên sông nước?

Cặp huynh đệ Trương Hoàng – Trương Thuật, người ốm chết kẻ tử trận đầy bi tráng.

Tại hồi 115, khi thành Hàng Châu vỡ dưới sự tấn công của hỏa pháo và binh lực từ phía quân Lương Sơn, địch tướng Phương Thiên Định phi ngựa trốn khỏi thành nhưng chạm trán với Trương Hoành. Phương Thiên Định bị Trương Hoành chém chết tại chân núi Ngũ Vân, nhờ đó quân Tống chiếm được Hàng Châu. Khi Tống Giang vào thành và hỏi Trương Hoành thì ngạc nhiên khi thấy Trương Hoành nói mình là Trương Thuận, đã nhập vào anh trai để giết Phương Thiên Định.

Sau đó, hồn Trương Thuận tan khỏi thân xác Trương Hoành. Khi tỉnh lại, quá đau buồn vì cái chết của em trai, Trương Hoành ngất xỉu và mất vì bệnh sau đó không lâu. Ngoại hiệu của Trương Hoành? “Thuyền hỏa nhi” - Lửa đầu thuyền sớm muộn cũng sẽ “đốt cháy” chính cuộc đời chàng hảo hán này vậy!

Theo Thanh Xuân/Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo