Thống lĩnh 20 vạn cấm quân, Cao Cầu phần nào thể hiện bản lĩnh của một đại tướng và không câu kết với các đại gian thần để khuynh đảo triều đình.
Nói đến “ Thủy hử ” không thể không nói đến Cao Cầu - kẻ đại gian đại ác không thể dung thứ dưới ngòi bút của Thi Nại Am.
Cao Cầu đã hãm hại trung lương bằng những thủ đoạn tàn độc, bức tử Tống Giang và hại chết nhiều anh hùng Lương Sơn Bạc… “Thủy hử” xếp Cao Cầu, Đồng Quán, Sái Kinh và Dương Tiển vào hàng “tứ đại gian thần”.
Thực tài và may mắn
Mở đầu “Thủy hử”, Thi Nại Am viết ngay về nhân vật Cao Cầu. Tài tử Kim Thánh Thán đã tinh ý nhận ra ý đồ của tác giả nên bình rằng: “Như không viết về Cao Cầu mà tả ngay 108 người thì tức là loạn khởi từ dưới lên.
Không viết về 108 người mà tả Cao Cầu trước, tức là cái loạn từ trên xuống vậy”.
Thượng bất chính, hạ tắc loạn.
Cao Cầu (?-1126) là nhân vật có thật, từng là Thái úy, thống lĩnh cấm vệ quân cuối triều Bắc Tống hơn 20 năm. Nhưng kỳ lạ là trong Tống sử chép ít, không có “bản kỷ” riêng, có lẽ do Cao Cầu không có học hành, đỗ đạt.
Căn cứ theo “Huy Tông kỷ”, “Khâm Tông kỷ”, “Lý Nhược Thủy truyện” chép trong Tống sử thì năm Chính Hòa thứ 7 (1117), Tống Huy Tông thăng Cao Cầu từ Điện tiền đô chỉ huy sứ lên Thái úy.
Năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122) được thăng lên Khai phủ nghị đồng tam ty. Tháng 5 năm Tĩnh Khang nguyên niên (1126), Cao Cầu bệnh chết.
Theo lệ thì vua Khâm Tông phải đến cử ai nhưng quan Thái học bác sĩ Lý Nhược Thủy dâng sớ nói: “Cao Cầu vì được sủng ái mà lên đến địa vị hiển hách nhưng lại làm bại hoại cả quân chính quốc gia để cho quân Kim tiến chiếm dễ dàng, tội của y phải ngang với Đồng Quán.
Y không bị trừng phạt mà chết nhưng phải bãi quan tước, bày ra cho thiên hạ biết”. Hai ngày sau, Cao Cầu bị truy đoạt hết quan tước.
Chuyện phát tích của Cao Cầu trong “Thủy hử” là căn cứ vào sách “Huy chủ lục” cải biên mà thành. Sách này của Vương Minh Thanh, đời Nam Tống.
Theo đó, Cao Cầu là một tiểu lại (như thư ký) của đại học sĩ Tô Đông Pha. Ông ta thông minh lanh lợi, giỏi viết chữ, biết múa thương đánh gậy, võ nghệ cũng không phải tầm thường.
Khả năng đá cầu chỉ là một trong rất nhiều món tạp kỹ mà Cao Cầu thành thạo.
Năm 1093, Tô Đông Pha được điều về Trung Sơn phủ mới tiến cử Cao Cầu với Tăng Bố nhưng Tăng Bố từ chối nên Tô Đông Pha gửi Cao Cầu đến chỗ bạn mình là Tiểu đô thái úy Vương Sân (Vương Tấn Khanh).
Vương Sân là dượng của Đoan Vương Triệu Cát (tức Tống Huy Tông sau này), 2 người rất thân.
Năm 1100, một hôm, khi cùng đợi để lên triều thì Triệu Cát quên mang lược mới hỏi mượn lược của Vương Tấn Khanh để sửa tóc.
Triệu Cát rất thích chiếc lược ấy mới buông lời khen. Vương còn một chiếc chưa dùng nên tối đó sai Cao Cầu mang tới phủ Đoan Vương.
Khi Cao Cầu đến nơi thì Đoan Vương đang đá cầu nên đứng xem và tỏ vẻ coi thường. Đoan Vương bèn gọi Cao Cầu cùng đá.
Tài nghệ đá cầu của Cao Cầu khiến Đoan Vương đặc biệt ưa thích nên giữ ở lại.
Không lâu sau, Tống Triết Tông băng hà, Đoan Vương may được thái hậu chọn trở thành Hoàng đế Tống Huy Tông. Cao Cầu bỗng trở thành “cựu thần”, bước dần vào chốn quan trường.
Triều Tống theo chính sách “trọng văn khinh võ”, từ quan huyện thất phẩm trở lên phải là tiến sĩ xuất thân. Theo chế độ đương thời, muốn làm quan võ trong triều bắt buộc phải có công trạng ở vùng biên ải.
Vì thế, Huy Tông cho Cao Cầu tới làm thuộc tướng của Lưu Trọng Vũ. Lưu muốn lấy lòng hoàng đế nên rất lưu ý Cao Cầu.
Rất may là trong thời gian này, quân Tống đánh thắng được vài trận nhỏ. Có công và nhờ sự cất nhắc của Huy Tông, Cao Cầu dần lên tới chức Điện soái, thống lĩnh cấm quân.
Trọng nghĩa
Cao Cầu đứng đầu cấm quân hơn 20 năm, không chỉ lấy doanh trại quân đội làm nhà riêng mà còn bắt cấm quân làm phu dịch cho mình, không lo huấn luyện.
Vì thế, quân đội gần như vô dụng. Khi quân Kim tấn công, mấy chục vạn cấm quân trong thành Khai Phong nhanh chóng tan rã. Là người thống soái quân đội, Cao Cầu bị lên án là điều tất nhiên.
Nhưng Cao Cầu cũng chẳng phải chỉ nhờ vào một chân đá cầu mà có thể nắm giữ quân đội nhà Tống suốt hơn 20 năm.
Trước hết, Cao rất giỏi cư xử, rất được lòng cấp trên, nhất là vua Huy Tông. Cao Cầu cũng không quên những người có ơn với mình.
Như với tướng Lưu Trọng Vũ, năm 1115 bị bại trận nhưng hoạn lộ của Lưu không bị ảnh hưởng là nhờ có Cao Cầu nói tốt với triều đình.
Khi Lưu chết, Cao Cầu tiến cử con trai là Lưu Kỳ lên làm đại tướng. Với chủ cũ là Tô Đông Pha, Cao Cầu cũng hết lòng giúp đỡ.
Mặt khác, Cao Cầu không cùng phe nhóm với những đại gian thần khuynh đảo triều chính đương thời như Đồng Quán, Sái Kinh. Năm 1126, khi Huy Tông biết tin quân Kim vượt Hoàng Hà tấn công, ngay trong đêm trốn về Đông Nam tránh nạn.
“Tĩnh Khang yếu lục” chép rằng khi Huy Tông chạy tới Tứ Châu thì Đồng Quán và Cao Cầu đuổi theo kịp và hợp thành nhóm thân tín của Huy Tông.
Không lâu sau đó, Đồng Quán và Cao Cầu xảy ra xung đột. Đồng Quán tiếp tục bảo vệ Huy Tông đi tiếp về phía Nam, bỏ lại Cao Cầu ở Tứ Châu. Tiếp đó, Cao Cầu lấy cớ bị bệnh, trở về Khai Phong.
Sử chép những người hộ tống Huy Tông, như nhóm “lục tặc” của Đồng Quán, sau này đều bị Tống Khâm Tông giết chết và bêu đầu.
May mắn cho Cao Cầu là không tham gia vào cuộc tranh đấu giữa tập đoàn Huy Tông và Khâm Tông nên thoát tội
Không liên quan đến Lương Sơn Bạc
Trong “Thủy hử” viết nghĩa quân Lương Sơn “3 lần đánh bại Cao Cầu”, từng bắt sống Cao Cầu... nhưng theo ông Khổng Đức Vũ, chuyên gia nghiên cứu “Thủy hử”, thì giao chiến trực tiếp với quân Lương Sơn chỉ có 4 viên tướng triều Tống là Võ công đại phu Chiết Khả Tồn, Tưởng Viên, Vương Soái Tâm, Trương Thúc Dạ.
Cuộc khởi nghĩa của Tống Giang diễn ra vào năm Tuyên Hòa thứ nhất (1119) tới năm Tuyên Hòa thứ ba. Người trấn áp cuộc khởi nghĩa của Tống Giang cũng không phải là Cao Cầu mà là Trương Thúc Dạ.
Cao Cầu không tham gia việc thảo phạt quân khởi nghĩa Phương Lạp, cũng không tham dự kế sách sai lầm “liên kết nhà Kim, tiêu diệt nhà Liêu” của Đồng Quán và Sái Kinh.
Theo Helino