Đệ nhất mưu sĩ thời Tam Quốc: Giỏi hơn Gia Cát Lượng và Quách Gia
20 phát minh vĩ đại của người Trung Quốc cổ đại: Hậu thế kinh ngạc / Câu chuyện rùng rợn về hổ cái ăn thịt người vùng Champawat
Vào giai đoạn quần hùng tranh bá dưới thời Tam Quốc, mưu lược là yếu tố rất được các bậc quân chủ coi trọng. Bởi họ hiểu rõ một sự thật rằng chỉ có quân lực mạnh là chưa đủ, mà nhất định phải sở hữu sách lược cao minh, mưu sâu kế hiểm mới có thể xưng bá thiên hạ.
Nhắc tới những mưu sĩ nổi danh thời Tam Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những nhân vật quen thuộc như Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý, Bàng Thống…
Thế nhưng, người được giới sử gia Trung Quốc đánh giá là đệ nhất mưu sĩ Tam Quốc lại không phải là nhân vật nào trong số đó.
Ngay tới Ngọa Long, Phượng Sồ vẫn chưa phải là nhân vật có được danh hiệu "đệ nhất mưu sĩ Tam Quốc". (Tranh minh họa).
Nhân vật sở hữu tài năng "vượt mặt" nhiều mưu sĩ tên tuổi
Gia Cát Lượng là nhà quân sự, chính trị gia nổi tiếng của tập đoàn chính trị Thục Hán thời Tam Quốc. Nói đến tài mưu lược, không thể không nhắc tới Khổng Minh tiên sinh.
Ông cả đời cúc cung tận tụy vì Thục Hán, lưu lại cho đời sau cả một "gia tài" về mưu kế, cũng truyền lại nhiều áng văn bất hủ như "Xuất sư biểu", "Giới tử thư"…Chỉ tiếc rằng trong chiến dịch Bắc Phạt cuối đời mình, Gia Cát Lượng mắc bệnh qua đời ở tuổi 54.
Năm xưa, dưới trướng Tào Tháo cũng có một nhân tài mưu lược xuất chúng là Quách Gia.Trước kia, mưu sĩ này là thủ hạ của Viên Thiệu, sau đó nương nhờ thế lực của Tào Ngụy và lập được không ít công lao.
Tiếc thay nhân tài đoản mệnh, năm 38 tuổi, Quách Gia mắc bệnh qua đời trong trận đánh dẹp Ô Hoàn.Vị mưu sĩ này vừa mất, đội quân của Tào Tháo cũng không còn hùng mạnh như xưa.
Ngoài ra, những tên tuổi khác như Tư Mã Ý, Bàng Thống… đều đứng trong hàng ngũ đại mưu sĩ thời bấy giờ.
Dù vậy, người được hậu thế đánh giá là đệ nhất mưu sĩ thời Tam Quốc lại không phải ai trong số họ. Nhân vật đủ tài sức để đánh bật tất cả những tên tuổi ấy chính là Giả Hủ.
Giả Hủ chính là mưu sĩ "vượt mặt" nhiều quân sư tên tuổi thời Tam Quốc. (Tranh minh họa).
Giả Hủ (147 – 224), người Cam Túc (Trung Quốc), là mưu sĩ nổi tiếng thời Tam Quốc, từng đảm nhiệm chức vụ quân sư thân cận của Tào Tháo.
Trước khi gia nhập vào tập đoàn chính trị Tào Ngụy, ông từng phụng sự dưới trướng của những nhân vật như Đổng Trác, Lý Thôi và Trương Tú.Dù vậy, ông vẫn được Tào Tháo rất mực tin tưởng khi đầu quân giúp sức cho gia tộc họ Tào.
Sau khi Tào Tháo qua đời, Giả Hủ tiếp tục phụng sự những người kế nghiệp của Tào Ngụy sau này.
Khi còn trẻ, Giả Hủ đã sở hữu học vấn nổi trội, tiếc rằng "người đời chẳng ai biết đến" thực tài của ông, chỉ có một nhân sĩ tên Diêm Trung là người đầu tiên nhìn ra cái tài của nhân vật này.
Sau này, cơ duyên đưa đẩy ông bước lên vũ đài chính trị vào thời buổi loạn lạc. Năng lực của bậc đại mưu sĩ này bắt đầu được bộc lộ qua những mưu kế vi diệu mà ông bày cho các bậc quân chủ của mình.
Điểm lại những mưu kế vi diệu của đệ nhất mưu sĩ Tam Quốc
Sử gia Trần Thọ trong cuốn "Tam Quốc chí" từng đưa ra lời nhận định về tài năng của Giả Hủ:
"[…] Giả Hủ toan tính cơ hồ không hề sơ sót, đạt đến mức thấu hiểu sự quyền biến, đại khái là gần được như Lương, Bình vậy!".
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, những lời tán dương của Trần Thọ dành cho Giả Hủ cũng không hề thái quá.
Từng phụng sự nhiều đời quân chủ, làm việc cho nhiều thế lực chính trị khác nhau, Giả Hủ dường như chưa bao giờ khiến chủ nhân của mình thất vọng trong việc bày mưu tính kế.
Vào những năm cuối thời Đông Hán, mọi việc triều chính hầu như đều nằm trong tay Đổng Trác. Giả Hủ ban đầu cũng làm việc dưới quyền gian thần này.
Trong những năm ấy, mưu sĩ họ Giả đã hiến cho Đổng Trác nhiều kế sách quan trọng, giúp ông ta giành thắng lợi trong các cuộc đàn áp, đồng thời mở rộng thế lực, tạo điều kiện để sau này Đổng Trác tiến vào Trung Nguyên.
Sau khi Đổng Trác bị Tư đồ Vương Doãn mượn tay Lữ Bố hại chết, hai bộ hạ của Đổng là Lý Thôi và Quách Tỵ từng có ý định bỏ trốn.
Nhưng sau đó nghe lời can gián của Giả Hủ, Lý – Quách đã ở lại. Vị mưu sĩ này còn dâng kế sách giúp họ cùng nhau đánh hạ thành Trường An.
Sự diệt vong trong nháy mắt của nhà Đông Hán lúc đó cũng chính là minh chứng cho thấy sự lợi hại của đại mưu sĩ Giả Hủ.
Từng phụng sự cho nhiều thế lực chính trị khác nhau, những mưu kế vi diệu của Giả Hủ chưa bao giờ khiến quân chủ của ông thất vọng. (Tranh minh họa).
Sau này, Giả Hủ lại nương nhờ thế lực của Trương Tú.Trong trận chiến Uyển Thành, quân sự họ Giả hiến kế cho Trương Tú vờ đầu hàng, sau đó tập kích quân đội của Tào Tháo.
Cũng nhờ có kế sách này, Trương Tú mới có thể đánh bại Tào Tháo, còn giết được con trưởng và cháu trai của Tào.
Ngay tới ái tướng Điển Vi cũng vong mạng trong tay quân của Trương Tú, mà người đứng sau lập mưu tính kế không ai khác chính là Giả Hủ.
Có thể nói, Giả Hủ đích thị là một trong những nhân vật hiếm thời bấy giờ có thể khiến cho Tào Tháo tổn thất lớn tới vậy.
Tới năm 199, Viên Thiệu gửi thư đề nghị Trương Tú tham gia chinh phạt Tào Tháo. Sau khi cân nhắc tình thế, Giả Hủ đã khuyên Tú từ chối lời đề nghị này để đầu hàng Tào Tháo.
Sau cùng, tập đoàn chính trị Tào Ngụy hùng mạnh chính là đích đến cuối cùng mà Giả Hủ chọn để cống hiến toàn bộ cuộc đời và tài năng của mình. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Quyết định đầu quân cho Ngụy đã khiến Giả Hủ từ một mưu sĩ của phe đối địch trở thành quân sư tâm đắc dưới tay Tào Tháo. Quả nhiên sau đó, Giả Hủ giúp Tào đánh thắng Viên Thiệu trong trận Ô Sào và Quan Độ.
Năm 208, Giả Hủ từng hết lời khuyên can quân chủ không nên đánh Đông Ngô nhưng Tào Tháo không nghe. Kết quả là quân Tào Ngụy phải nhận kết cục đại bại trong trận đại chiến Xích Bích.
Vậy mới thấy, tầm nhìn xa trông rộng của Giả Hủ không chỉ thể hiện qua những diệu kế nắm chắc phần thắng trong tay, mà còn bộc lộ thông qua từng lời can gián.
Thất bại nặng nề của Tào Tháo trong đại chiến Xích Bích chính là minh chứng cho một sự thật: Nghe theo Giả Hủ thì thắng, không nghe Giả Hủ thì bại.
Khi Tào Tháo qua đời, vị mưu sĩ họ Giả tiếp tục phụng sự cho các vị quân chủ đời sau của Tào Ngụy. Đến năm 224 dưới thời Ngụy Văn Đế, ông qua đời ở tuổi 77 vì tuổi cao sức yếu.
Nhờ tài năng xuất chúng cùng sự khôn khéo của mình, Giả Hủ là một mưu sĩ hiếm hoi làm việc dưới trướng Tào Tháo mà vẫn có kết cục an ổn. (Hình tượng Giả Hủ trong bộ phim Tam Quốc cơ mật).
Sinh thời, Giả Hủ được đánh giá là một mưu sĩ đại tài, một người cơ trí và đặc biệt nhạy bén với thời cuộc.
Tác gia nổi tiếng Dịch Trung Thiên thậm chí còn ca ngợi vị mưu sĩ họ Giả này là "người thông minh nhất thời Tam Quốc". Ông đánh giá Giả Hủ là người "nhìn thấu tâm tư người khác", "liệu việc như thần", "biết người cũng tự biết mình".
Nếu như phần đông các mưu sĩ đời trước của Tào Tháo đều có kết cục chẳng mấy tốt đẹp (Quách Gia chết yểu, Tuân Úc chết thần bí, Hứa Du chết oan…), thì đại mưu sĩ họ Giả đã vận dụng triệt để tài năng và sự khôn khéo của mình để có thể an nhàn vô lo, sống trọn đến cuối đời.
Giả Hủ đã lưu lại cho hậu thế nhiều mưu lược cao sâu, là một trong những tên tuổi làm nên sự sống động của giai đoạn lịch sử thời Tam Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Lão nông đào được khúc gỗ kì dị, tưởng gỗ quý sắp phát tài nào ngờ con trai vừa thấy đã báo cảnh sát
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn