Điềm báo kỳ lạ về tên gọi ứng với cuộc đời Võ Tòng, Ngô Dụng
Ngô Dụng, tự Học Cứu, hiệu là Trí Đa Tinh, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Cơ Tinh, đứng thứ 3 sau Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa. Thiên Cơ Tinh là ngôi sao mưu thần, định sẵn ông sẽ là mưu sỹ, là quân sư cho thủ lĩnh Tống Giang. Tên tự Học Cứu có nghĩa là ông giỏi nghiệp học, có đào sâu nghiên cứu, kiến thức uyên bác, nhưng không chỉ là hàn lâm lý thuyết mà ông giỏi áp dụng sở học vào thực tế. Cái tên Dụng đã nói rõ “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời sinh ra tài năng của ta ắt sẽ sử dụng).
Tên hiệu Trí Đa Tinh nghĩa là ngôi sao túc trí đa mưu, có khả năng ”trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, có tài quân sự, phán đoán, bày binh bố trận khiến đời người sau này vẫn phải thán phục. Tên hiệu này cũng đã nói rõ số phận ông là vị quân sư không thể thiếu của các anh hùng Lương Sơn.
Trong các chiến thắng liên tiếp của Tống Giang đều có bóng dáng của quân sư Ngô Dụng. Ông còn giúp Tống Giang thu phục được nhiều tướng giỏi vốn là trụ cột của triều đình, mà nếu không có mưu kế ấy thì có lẽ họ sẽ phá tan Lương Sơn như Hô Duyên Chước, Trương Thanh…
Tên họ “Ngô” (吳) cũng nói nhiều điều về vận mệnh của ông. Cũng như Tống Giang, thời khắc then chốt thì lại tính toán sai, đúng là cờ nhầm một nước mà thua cả ván. Ông vẫn mong muốn được xuất đầu nở mày nở mặt, muốn thành một quan văn trong triều. Thử hỏi cái triều đình thối nát, loạn thần nịnh thần lộng hành, thao túng bức hại biết bao anh hùng, bao danh tướng phải “buộc lòng lên Lương Sơn” như thế, thì cái chức quan văn trong triều có khác chi người phụ nữ làm cảnh?
Chữ “Nữ” (女) bên cạnh chữ Ngô thành chữ “Ngu” (娛) tức là vui vẻ, mua vui. Quả là vậy, khi về quy hàng triều đình, ông được ban chức quan Thừa Tuyên Sứ quận Vũ Thắng, đây là chức quan hữu danh vô thực, không có quân, không có chức phận, chỉ ngồi chơi xơi nước, có đúng là làm cảnh mua vui không?
Có lẽ cám cảnh cái thân vào luồn ra cúi, làm vật trang trí mua vui cho triều đình mà khi nghe tin Tống Giang và Lý Quỳ đã chết, Ngô Dụng đem xác hai người an táng tại đầm Lục Nhi ngoài thành Sở Châu. Nơi đây có ao đầm ngòi rạch mênh mông, tùng bách rậm rạp xanh tươi, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, núi non nhấp nhô uốn lượn, sườn núi đá xếp như bậc thềm, một nơi trông rất giống Lương Sơn Bạc. Rồi ông cùng Hoa Vinh treo cổ tự vẫn tại đây.
Trái với Ngô Dụng, Võ Tòng lại hoàn toàn khác. Võ Tòng, biệt hiệu Hành Giả, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Thương Tinh. Sao Thiên Thương Tinh, cho thấy mệnh Võ Tòng gắn liền với đau khổ, tai ương. Quả thật, mồ côi cha mẹ từ bé, được đại sư Thiếu Lâm truyền thụ võ nghệ cao cường. Một lần say rượu đánh bất tỉnh tên quản sự huyện Thanh Hà, tưởng hắn chết nên bỏ trốn, sau đó bị bệnh sốt rét, tay không, say rượu đánh chết mãnh hổ núi Cảnh Dương, đánh chết Tây Môn Khánh, bị đi đày đến nhà giam Mạnh Châu, giết Tưởng Môn Thần, giết Trương Đô Giám và tàn sát nhuốm máu lầu Uyên Ương, trong trận đánh Phương Lạp, ông bị chặt đứt tay.
Cái tên Võ Tòng đã nói lên anh hùng nghĩa hiệp võ công siêu phàm, tay không đấm vỡ đầu hổ trên đồi Cảnh Dương sau khi đã uống hết rượu trong quán. Chữ “Tòng” còn một âm “Tùng”, nghĩa là cây tùng. Tùng là biểu tượng của tinh thần kiên cường bất khuất, chính trực chất phác, không sợ đông hàn, bốn mùa xanh tốt.
Võ Tòng nói với Trương Thanh hãy cứu mạng hai viên công sai áp tải mình, rằng: “Võ Tòng bình sinh chỉ đánh kẻ mạnh trong thiên hạ. Hai vị công sai này đối với đệ rất cẩn thận, dọc đường phục dịch đệ, nếu đệ hại họ, lẽ Trời sẽ không dung tha. Huynh nếu quý mến đệ, thì cứu hai vị này, chớ có hại họ”.
Còn cái tên hiệu Hành Giả cũng rất ứng với vận mệnh Võ Tòng. Đời ông là chuỗi dài bất tận của nỗi cô đơn, đối diện với hiểm ác, dấn thân vào tử địa, chỉ biết duy nhất lấy rượu bầu bạn, giải sầu. Nếm trải hết thế sự đổi thay, trải qua hết lòng người gian hiểm, nếm hết những nóng lạnh chốn nhân gian, nhìn thấu cõi hồng trần luẩn quẩn trong tranh tranh đấu đấu, giam hãm trong danh lợi tình.
Thoáng chốc trăm năm đã qua, chẳng có phút giây tĩnh tâm nghĩ suy về kiếp người. Thế nên, sau khi đánh thắng Phương Lạp trở về, Võ Tòng bị thương đứt một tay, ông không theo đại quân chiến thắng trở về nhận vinh hoa phú quý mà xuất gia tại chùa Lục Hòa tại Hàng Châu, tìm thấy bản ngã đích thực, sống an nhiên tự tại với thiên nhiên, với lời kinh tiếng kệ, với tiếng chuông chùa, sống an lạc yên vui đến 80 tuổi mới viên tịch.
Theo Nam Phong/Dân Việt
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ