Điểm danh top 10 loài rắn kỳ lạ nhất trên thế giới
Những hố rắn ở vùng nông thôn Canada / Tại sao một số loài rắn độc không bao giờ bị trúng nọc độc của chính nó: Các nhà khoa học đã tìm ra câu trả lời
10. Rắn vòi voi (Elephant trunk snake)
Loài rắn lạ này được tìm thấy chủ yếu ở Indonesia, mặc dù một số họ hàng của chúng lại định cư bên Úc. Cái tên xuất phát từ bộ da nhăn nheo và rộng thùng thình, có vẻ quá lớn đối với chúng. Vảy của chúng cũng khác thường: lớn và có bướu. Vì thế chúng còn được gọi bằng cái tên khác là “rắn mụn cơm”.
Rắn vòi voi dài chừng 2,5 mét, toàn sống dưới nước mà chẳng bao giờ bò lên đất liền vì thiếu những vảy lớn ở bụng như các loài rắn khác để có thể di chuyển trên mặt đất. Chúng ăn lươn và những loại cá da trơn. Không có nọc độc, chúng giết chết con mồi bằng cách lấy thân khoẻ và xù xì những bươu cuốn lấy để giữ chặt con mồi và siết chặt cho đến chết.
9. Rắn râu (Tentacled snake)
Một loài rắn nước khác ở Đông Nam Á gọi là “rắn râu” có hai cái “râu” bằng thịt ở hai bên mép. Hai chiếc râu này có độ nhạy cảm cao, cho phép chúng phát hiện mọi sự chuyển động trong nước và lao thẳng vào bất kỳ con cá xấu số nào bơi gần đó.
Điều thú vị là tốc độ tấn công của chúng cực nhanh và bắt gọn con cá kia chỉ trong 15 mili giây. Thế nhưng phản xạ tuyệt vời và cuộc tấn công chớp nhoáng ấy đôi khi vẫn không đủ để bắt cá nên rắn râu còn có một thủ thuật thông minh khác nữa để buộc con mồi phải bơi theo hướng nguy hiểm. Khi thấy một con cá đến gần, rắn lấy thân làm phát ra một tiếng quẫy rất nhỏ khiến cá tưởng có mồi, bơi đến và rơi ngay trước miệng rắn.
Trong số tất cả các loài rắn, chúng là loài duy nhất lường trước những phản ứng của con mồi để hành động cho phù hợp. Mặc dù rắn râu có nọc độc nhưng không làm hại người. Chúng chỉ dài 90cm. Cũng giống như rắn vòi voi, chúng toàn sống dưới nước nhưng cũng có thể bò lên cạn.
8. Rắn mũi dài (Long nosed vine snake)
Cũng là một loài có nguồn gốc Đông Nam Á, rắn mũi dài là một loài ăn thịt sống trên cây. Tuy nhiên, không giống những con rắn khác, mắt chúng cực tinh, cho phép chúng tấn công con mồi với độ chính xác tuyệt vời. Đôi mắt của chúng cũng khác thường trông tựa như một lỗ khoá, đồng tử nằm ngang.
Nhờ màu sắc hoà lẫn được vào đám lá cây (kể cả chiếc lưỡi cũng xanh lá cây), nên cả con mồi lẫn các loài săn mồi đều khó phát hiện ra chúng. Chúng rất nhẹ nên di chuyển nhanh chóng qua các tán lá, thậm chí chỉ một nửa thân bám vào cây chúng cũng không rơi! Chúng ăn chủ yếu thằn lằn và ếch nhái, và mặc dù có nọc độc, chúng không đe dọa nghiêm trọng đối với con người. Khi bị chúng cắn chỉ hơi đau trong vài ngày.
7. Rắn mũi lá (Langaha nasuta)
Đây có lẽ là một trong những loài bò sát kỳ lạ nhất thế giới. Cũng giống như rắn mũi dài, loài rắn mũi lá nhờ hình dạng đặc biệt mà thích nghi được với lối sống trên cây. Thức ăn chủ yếu của chúng là thằn lằn.
Đặc điểm kỳ lạ là trên mũi của chúng có một “đồ trang sức” quái dị giống như một chiếc nhánh lá dứa nhọn hoắt, nhưng ở rắn đực và rắn cái chiếc “lá” này khác nhau. Da rắn đực có màu vàng và nhẵn, mũi lá nhọn trong khi rắn cái có vảy nâu và xù xì, mũi lá phẳng, có răng cưa. Điều rất ít khi gặp là thoạt nhìn có thể biết ngay giới tính của chúng. Rắn mũi lá chỉ sống ở Madagascar và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chúng có nọc độc, vết cắn rất đau nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
6. Rắn vảy gai (Atheris hispida)
Sống trong những khu rừng mưa của Trung Phi, rắn vảy gai nhỏ nhưng rất độc được chú ý bởi đôi mắt lớn và những chiếc vảy nhọn trên thân xếp đè lên nhau như lợp ngói, trông giống như lông (nên người ta còn gọi là rắn có lông nhưng thật ra không phải).
Rắn vảy gai chỉ dài 75 cm, con đực lớn hơn con cái (điều bất thường ở các loài rắn). Chúng có răng nanh dài nhưng quặp vào trong như đa số rắn. Nọc của chúng làm máu không đông, rất độc nhưng đã có thuốc giải độc. Vết cắn đau, sưng, thường gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. May là chúng cực hiếm và sống xa người.
5. Rắn sừng (Horned viper)
Sống trong sa mạc Bắc Phi và Trung Đông, rắn sừng kích thước nhỏ, không quá 50cm. Chúng thường có một cặp sừng phía trên mắt, nhưng cũng có một số con hoàn toàn không có nên rất dễ nhầm với các loài khác.
Rắn sừng có nọc độc nhưng không đủ mạnh để gây tử vong cho người. Khi đối mặt vớinguy hiểm chúng cuộn mình lại cọ vào nhau tạo ra âm thanh để đe doạ.
Lần đầu gặp loài rắn này vào năm 1768, nhà tự nhiên học Áo Nicolaus Laurenti gọi chúng là “rắn lục Ai Cập”, một con rắn thần lớn trong thần thoại Hy Lạp, trốn dưới cát trong sa mạc, tấn công bất cứ con vật nào đi qua bằng cách dùng cặp sừng để mê hoặc. Có thể chính nó là nguyên mẫu để dân gian xây dựng nên thần thoại vì trong thực tế, rắn sừng hành động đúng như vậy: chui dưới cát, chỉ thò sừng lên và đột ngột xuất hiện bắt các con vật khác (thường là côn trùng) bò đến gần. Chỉ có điều là thần thoại phóng đại kích thước, trí tuệ và sự nguy hiểm của chúng lên mà thôi. Cho đến này, người ta vẫn chưa giải thích được chúng dùng sừng làm gì (chắc chắn không để làm mồi) và vì sao con có, con không.
4.Rắn hang (Burrowing asp)
Rắn hang có thể xem như một loài rắn lạ, kích thước nhỏ, chỉ gặp ở châu Phi. Gần như suốt đời chúng sống dưới lòng đất, không ra khỏi chiếc hang bí mật, ngoắt ngoéo của chúng.
Rắn hang (còn gọi là rắn răng kiếm) chuyên săn các loài gặm nhấm nhờ những chiếc răng nanh dài, hình lưỡi kiếm, thò ra rất nhanh khi cần để tiêm nọc độc. Chúng làm chết con mồi mà không cần mở miệng.
Răng nanh của rắn hang rất linh hoạt, chuyển động độc lập với nhau để giết và đưa con mồi vào miệng. Lượng chất độc của một vết cắn không đủ để làm chết một người trưởng thành. Tuy nhiên, nọc độc của rắn hang ngoài tác động vào thần kinh gây đau đớn, còn gây hoại tử (răng nanh dài nên ngập sâu trong các cơ) vì thế người ta rất sợ loại rắn này, tuy ít gặp.
3. Rắn hổ keelback (Tiger keelback)
Đây là một loài rắn nước, còn gọi là yamakagashi hay rắn nước Nhật Bản, sống phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Chúng nhỏ, ít khi dài quá 1m và rất nhút nhát, thức ăn chủ yếu là ếch và cóc.
Rắn hổ keelback được coi là vô hại trong một thời gian dài, cho đến khi một số người bị chúng cắn chết vào những năm 80 thế kỷ trước. Đưa vào nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các nhà động vật học phát hiện ra một điều thú vị: Không phải tất cảrắn hổ keelback đều có nọc độc mà chỉ ở những nơi có nhiều cóc mới có.
Mặt khác, dù rắn bố mẹ có chất độc thì rắn con cũng không hề có. Thì ra, chất độc đó không do rắn tự sản xuất mà “chiếm đoạt” của cóc, “để dành” chất độc thu được (gọi là các chất bufadienolides) vào một tuyến dưới cổ để làm vũ khí cho mình trong việc tự vệ và săn bắt các con mồi. Thế nhưng chúng còn biết cách xử lý để chất này độc hơn hẳn chất mà chúng chiếm hữu được. Sự khôn ngoan ấy khiến chúng tiết kiệm được công sức hơn khi bắt mồi và tự vệ trước kẻ thù có hiệu quả hơn so với đồng loại sống ở những nơi khác.
2. Rắn bay (Flying snake)
Rắn bay được tìm thấy trong rừng mưa nhiệt đới tại Ấn Độ và Đông Nam Á. Mặc dù có tên như vậy nhưng chúng không thực sự bay mà chỉ liệng.
Khi rắn bay muốn di chuyển từ cây này sang cây khác, chúng lao vào không khí, đồng thời xoè các dẻ xương sườn, rồi co lên phía dạ dày, khiến thân nó dẹt ra và trở thành một cánh giả hơi lõm, hợp với dạng của khí động học.
Rắn bay liệng còn giỏi hơn cả sóc bay. Trong khi sóc có thể liệng được 60 mét trên không, thì khoảng cách đó của rắn bay lên tới 100 mét hoặc hơn nữa. Chúng định hướng tốt hơn và kiểm soát đường bay giỏi hơn hẳn so với sóc bay. Rắn bay có nọc độc, nhưng không gây nguy hiểm cho con người. Chúng ăn chủ yếu là thằn lằn và các loài động vật nhỏ khác, và phần lớn thời gian chúng ở trên cây.
1. Rắn biển (Sea snake)
Rắn biển kỳ lạ nhất trong số các loài rắn. Chúng cùng họ với rắn hổ mang và rắn san hô (Elapidae), nhưng đã thích nghi với một cuộc sống giữa biển khơi.
Hiện đã tìm 62 loài ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chúng cực độc, một số loài như con rắn biển có mỏ, nọc độc mạnh gấp mười lần so với rắn hổ mang. Một loài rắn biển, gọi là rắn Belcher, được xem là độc nhất trong tất cả họ nhà rắn trên biển và trên đất liền.
Thật may là rắn biển thường hiền lành và rất ít người chết vì chúng. Hầu hết các loài rắn biển không cần phải quay trở lại các bãi biển để đẻ trứng như rùa biển (trừ một vài loài). Chiếc vảy lớn ở bụng mà rắn trên cạn dùng để di chuyển, do thích nghi lâu đời đã biến mất nên rắn biển không thể lên bờ được nữa. Thậm chí chúng còn có khả năng thở trực tiếp với oxy hoà tan trong nước thông qua da. Chúng có các tuyến đặc biệt trên lưỡi, để loại trừ muối ra khỏi cơ thể mỗi khi đánh lưỡi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính