Điện Biên Phủ khiến 2 danh tướng Pháp mâu thuẫn đến cuối đời
Bí ẩn bao trùm hòn đảo cứ người lạ xâm phạm là bị tấn công đến chết cùng lời kể của người phụ nữ may mắn sống sót hé lộ chi tiết đáng sợ / Sư tử tham lam gặp chó hoang tinh ranh và cái kết
Không phải ngẫu nhiên mà trong bộ hồ sơ về Ủy ban Điều tra trận Điện Biên Phủ đang lưu giữ tại Bộ Quốc phòng Pháp có riêng một phần với tựa đề “Bất đồng về Điện Biên Phủ”, gồm bản báo cáo của cựu Tổng tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương Henri Navarre và chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ Réné Cogny về từng điểm liên quan đến Điện Biên Phủ.
Thực ra, câu chuyện căng thẳng giữa hai tướng cầm đầu quân Pháp tại Đông Dương không mấy xa lạ với đội ngũ thân cận của hai ông này. Tuy nhiên, những tư liệu mới cho thấy Ủy ban Điều tra đã nghiêm túc coi mâu thuẫn này là một yếu tố, nếu không phải quyết định thì cũng là rất quan trọng đem đến thất bại của quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Hai tướng Navarre và Cogny thực sự mâu thuẫn những điều gì và họ lý giải, tranh cãi ra sao - tất cả sẽ được hé lộ qua chính những tài liệu và báo cáo dưới đây do họ trình lên Ủy ban Điều tra của Pháp mà phóng viên VOV được tiếp cận và nghiên cứu.
1. “Nội chiến” trên mặt báo hậu Điện Biên Phủ
Trở lại câu chuyện ra đời Ủy ban Điều tra, rất có thể tướng Navarre đã từ bỏ đòi hỏi thành lập ủy ban này trước sức ép mạnh mẽ từ cả quân đội và chính quyền Pháp thời đó không muốn khơi lại nỗi hổ thẹn mang tên “Điện Biên Phủ”. Nhiều khả năng là như vậy, nếu không xuất hiện những bài báo của những tác giả ủng hộ tướng Cogny.
Các bài trước trong loạt bài Bí mật Điện Biên 50 năm:
Một trong những “quả bom báo chí” có tựa đề “Tôi sẽ không ra đi, vì đó là chiến lược của tôi” (chữ “tôi” ám chỉ nhân vật Navarre) – bài của phóng viên Lucien Bodard, thường trú báo France-Soir. Bài báo phát đi lập luận của tướng Cogny cáo buộc tướng Navarre phải chịu mọi trách nhiệm, từ việc lập cứ điểm Điện Biên Phủ cho tới mọi triển khai sau đó, bất chấp sự phản đối của ông Cogny.
Phe Cogny “khai hỏa”, đổ hết trách nhiệm lên Navarre
“Bộ đội Việt - những người ở trên cao - bao vây cứ điểm của chúng ta, đếm tất thảy máy bay, khẩu pháo, binh lính và đánh giá rất chính xác quân số của chúng ta.”
Bài báo khơi mào nội chiến Navarre-Cogny, của phóng viên Bodard, tờ France-Soir. |
Nghi vấn bội phản từ phía Pháp:
Bài báo mở đầu với câu hỏi cho tướng Navarre: Ngài có tin rằng có một sự phản bội ở phía Pháp dẫn đến thảm họa tại Điện Biên Phủ hay không?
Và tướng Navarre đã trả lời:“Tôi đã đặt câu hỏi này cho nhiều vị tướng, sĩ quan và binh lính ở Đông Dương. Với tất cả họ, câu hỏi này dường như rất phi lý. Một đại tá đã nói với tôi, tóm tắt lại ý kiến của mọi người, như thế này: “Cứ cố tìm ra lý do thất bại ở Điện Biên Phủ phỏng ích gì. Chúng ta đã thua, thế thôi. Tôi không biết liệu có một sự phản bội nào ở phía nước Pháp hay không; nhưng dù có đi chăng nữa, thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kế hoạch Điện Biên Phủ”.”
Ngay sau bài báo này, tướng Navarre đã phản pháo trên tờ tạp chí tin tức Jours de France số ra ngày 20/1/1955 với tựa đề “Tướng Navarre tiết lộ…”. Trong đó, ông Navarre nói thẳng toẹt ra: “Thật là một sự lăng nhục đối với tướng Cogny nếu nói rằng ông ấy đã không thể đồng ý với một chiến dịch mà chính ông ấy đã đề xuất, chuẩn bị và chỉ huy, với tư cách là chỉ huy các lực lượng quân Pháp ở Bắc Bộ, dưới sự điều hành của tôi ở toàn Đông Dương.”
Tướng Navarre bồi thêm: “Ngược lại, chính tướng Cogny đã đề xuất chiếm đóng Điện Biên Phủ, rồi tiếp đó chịu trách nhiệm việc chuẩn bị và tiến hành trận đánh mà ông ấy muốn, để tránh một trận chiến nguy hiểm hơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ông ấy còn nhất quyết không bao giờ có chuyện thoái lui, từ đầu đến cuối, chính ông ấy đã phản đối mọi kế hoạch rút quân và yêu cầu tôi liên tục gửi thêm những đội lính dù xuống Điện Biên Phủ cho đến ngày cuối cùng. Tôi và ông ấy đã luôn nhất trí với nhau về mọi điều đó.”
Theo Navarre, nhờ ông, thất bại chỉ dừng ở Điện Biên
Trang bìa tạp chí Jours de France. |
Bài báo bên trong tạp chí nói trên, với nội dung Navarre “phản pháo” Cogny. |
Trích nội dung bài báo Tướng Navarre tiết lộ…: “Đến những ngày cuối cùng của trận đánh ở Điện Biên Phủ, tướng Cogny – người chỉ chịu trách nhiệm tại Bắc Bộ chứ không phải toàn Đông Dương như tôi, đã yêu cầu tôi dồn toàn bộ quân ở Đông Dương, trừ khu vực Bắc Bộ, dồn về Điện Biên Phủ để tập trung tổng lực cho một chiến dịch muộn màng và không có chút cơ hội nào chiến thắng.
Nhưng tôi đã từ chối, nếu như khi ấy, tôi chấp nhận, thì đến ngày hôm nay (1/1955), chúng ta không chỉ thua ở Điện Biên Phủ, mà sẽ còn mất luôn cả Lào, Campuchia, hay phần còn lại ở Việt Nam.”
2. Hai cá tính tương phản: Người lặng lẽ, kẻ ồn ào
Đại úy Ivan Cadeau, chuyên gia nghiên cứu tại Bộ Quốc phòng Pháp, cho biết mâu thuẫn thực ra tồn tại giữa hai con người này từ trước đó, nhưng ngày càng trầm trọng khi tình hình ở Điện Biên Phủ xấu đi.
Đại úy Cadeau. |
Tiến sĩ-Đại úy Cadeau nói: “Mâu thuẫn giữa hai tướng Navarre và Cogny đã có ngay từ đầu và có sự đối kháng lớn do đây là hai con người, với hai cá tính hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập. Tướng Navarre xuất thân dân tình báo nên rất kín đáo. Ông ấy cũng không tiến hành các cuộc chiến giống các tướng lĩnh khác, tức là ông ấy chiến đấu trong thầm lặng. Tướng Navarre từng chỉ huy nhiều trận đánh thành công trong thời kỳ kháng chiến Pháp chống phát xít Đức nhưng vì là tình báo nên ông ít được biết đến. Đó là một người rất thông minh, một chiến binh rất lạnh. Ngược lại, tướng Cogny to lớn, tính nồng nhiệt, thích nổi bật. Nói chung hai con người đó không có bất kỳ điểm chung nào về tính cách, thế nên mâu thuẫn gần như nổ ra tức thì. Lúc mọi chuyện ở Điện Biên Phủ xấu đi thì sự đối kháng giữa hai người nhân lên gấp bội, kéo theo sự đổ vỡ quan hệ giữa đôi bên ngay trong quá trình diễn ra cuộc chiến.”
Trước những tranh cãi nảy lửa trên báo chí, kèm theo lời đe dọa của tướng Navarre sẽ tung hê mọi sự thật thông qua một loạt bài báo ông đã viết và định gửi cho tờ Le Figaro, chính phủ Pháp đã phải nhượng bộ, chấp nhận đòi hỏi của tướng Navarre mà họ nhất quyết phản đối trước đó, để lập một Ủy ban Điều tra vào ngày 31/3/1955. Được biết, loạt bài báo mà tướng Navarre viết sẵn nhưng cuối cùng không gửi đi ấy, đến nay vẫn được lưu ở Bộ Quốc phòng Pháp, trong đó, ông Navarre bày tỏ sự tức giận về mâu thuẫn với tướng Cogny và trách ông Cogny không hoàn thành trách nhiệm và nói quá nhiều với báo chí.
3. Cuộc đấu tại Ủy ban Điều tra: Hai bên đổ lỗi cho nhau
“Tôi đã bị tướng Navarre, nguyên Tổng tư lệnh ở Đông Dương cáo buộc trong những tuyên bố mới đây của ông ta trong bài phỏng vấn trên tờ Jours de France ngày 20/1/1955 và nhiều tờ nhật báo khác đã đăng tải lại” - đó là phần mở đầu bản báo cáo của tướng Cogny gửi Ủy ban Điều tra về chủ đề “Bất đồng tại Điện Biên Phủ”.
Một đoạn báo cáo của tướng Cogny gửi Ủy ban Điều tra về Bất đồng tại Điện Biên Phủ. |
Trong báo cáo đó, tướng Cogny nhấn mạnh thời gian đầu ông có đồng ý với tướng Navarre về việc nhắm đến Điện Biên Phủ, nhưng góc nhìn của hai người khác nhau. Theo tướng Cogny, ông chỉ coi Điện Biên Phủ như điểm nối cho các hành động chính trị-quân sự ở khu vực dân tộc Thái; còn tướng Navarre lại coi việc lập cứ điểm Điện Biên Phủ mang ý nghĩa chiến lược để bảo vệ Lào. Và đến giai đoạn sau, tướng Cogny cáo buộc Tổng tư lệnh Navarre cho chiếm đóng Điện Biên Phủ bất chấp sự phản đối của ông.
Báo cáo của tướng Cogny gửi Ủy ban Điều tra gồm 5 chương:
- Chương I: Nhắm đến Điện Biên Phủ
- Chương II: Chiếm đóng Điện Biên Phủ
- Chương III: Cứ điểm Điện Biên Phủ
- Chương IV: Điện Biên Phủ và đợt đột kích của Sư đoàn 308
- Chương V: Những trận đánh và thất bại tại Điện Biên Phủ
Cogny tố tướng Navarre đặt cược tất cả vào Điện Biên:
“Tôi cực lực phản đối, dựa trên những đặc điểm của đối phương, việc lập một cứ điểm khóa chặt theo một hướng – trên thực tế chỉ là một vực thẳm của những tiểu đoàn thiếu những lợi ích chiến lược. Chính vì nghĩ như thế, tôi đã thiết kế trận Nà Sản.
(…) Nếu như ban đầu tướng Navarre chia sẻ quan điểm với tôi và thậm chí cho phép tôi rút khỏi Nà Sản, thì ý tưởng về một cứ điểm ngày càng xuất hiện trong chiến lược của ông ấy.
Đến một ngày, ông ấy nảy ra ý tưởng và đặt cược toàn bộ số phận của chiến dịch này và của cả Đông Dương, vào một sự kháng cự của một trận “Nà Sản mới”, mà không tính đến một khả năng hành động nào khác.”
Về bất đồng với tướng Navarre (Trích chương 5 “Những trận đánh và thất bại tại Điện Biên Phủ”):
“Tổng tư lệnh trả lời tôi ngày 24/4, chia sẻ ý kiến của tôi về tình hình ở Điện Biên Phủ cũng như về kết quả hạn chế có thể trông chờ từ chiến dịch “Condor”. Ông ấy nhấn mạnh rằng việc thiếu các phương tiện không quân “không phụ thuộc vào ông ấy”. Ông ấy đã “nhượng bộ”, cho phép tôi điều thêm một tiểu đoàn xuống Điện Biên Phủ.
Cùng ngày, tôi đã hồi đáp ngay rằng nếu việc tăng viện không quân không phụ thuộc vào ông ấy, thì ông ấy cũng sẽ không thể làm gì được với các hành động ở phía bắc đồng bằng Bắc Bộ. Và ông ấy đã không có câu trả lời…
Tướng Navarre “bật lại”, nói Cogny đề xuất ý tưởng từ đầu
Về phần mình, tướng Navarre liên tục nhắc lại với Ủy ban Điều tra rằng cấp phó của mình – tướng Cogny- đã đề xuất chiếm đóng Điện Biên Phủ ngay khi nhậm chức chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ; và hai ông đã có sự bàn bạc và nhất trí về mọi điểm.
4. Phán xét của Ủy ban Điều tra: Nhiều trách cứ dành cho Cogny
Riêng về chủ đề “Bất đồng về Điện Biên Phủ”, Ủy ban Điều tra đã rà soát từng điểm: từ chỗ lập kế hoạch cho đến chiếm đóng Điện Biên Phủ và lập tập đoàn cứ điểm, trách nhiệm của từng cấp trong từng hành động…
Điểm đáng chú ý là Ủy ban đã xoáy sâu vào một vài lần tướng Cogny “cầm đèn chạy trước ô tô”, ra chỉ thị trước cả khi có chỉ thị của Tổng tư lệnh Navarre; cũng như chỉ trích tướng Cogny không truyền đầy đủ những chỉ đạo từ cấp trên xuống cấp dưới của mình.
Đại úy Ivan Cadeau phân tích: “Trách cứ của Ủy ban Điều tra đối với tướng Cogny nặng nề hơn so với các tướng khác. Thứ nhất, như Ủy ban Điều tra kết luận, là việc tướng Cogny có quan hệ quá mật thiết với giới báo chí, nói quá nhiều trên báo. Trách cứ thứ hai với tướng Cogny, đó là ông đã không chỉ huy trận chiến ở Điện Biên Phủ một cách đầy đủ, trước và sau cuộc chiến. Ví dụ, Ủy ban Điều tra kết luận là tướng Cogny không chỉ huy tốt việc xây dựng các công sự, không điều đủ cấp phó đến những công sự trọng yếu; không điều phối tác chiến giữa máy bay với lực lượng mặt đất. Ngoài ra, tướng Cogny cũng bị khiển trách là đã không suy nghĩ thấu đáo. Chẳng hạn, Ủy ban có hỏi tướng Cogny là “nếu quân Việt Minh không tấn công ở Điện Biên Phủ thì các ông sẽ làm gì? Sẽ tiếp tục ở lại Điện Biên Phủ hay có kế hoạch nào khác? Rồi liệu có tính đến việc tổ chức các chiến dịch ở đồng bằng không nếu tình hình ở Điện Biên Phủ không thuận lợi? … Việc thiết lập một doanh trại lên đến 10.000 lính cách xa Hà Nội 300km là chuyện không đơn giản. Lập ra rồi thì liệu đã tính đến việc rút lui chưa? Tướng Cogny không trả lời được.”
Dù không đưa vào báo cáo kết luận cuối cùng, Ủy ban Điều tra không thể phủ nhận một thực tế là bất đồng và mâu thuẫn kịch liệt ở thượng tầng bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, giữa hai tướng cầm đầu, đã có những tác động đến trận Điện Biên Phủ, từ đầu đến cuối. Và hoàn toàn có thể coi đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ.
Mời đọc loạt bài Bí mật Điện Biên 50 năm:
Xảy ra cãi to trên báo chí, cấp dưới mới hay biết
Đối với những binh lính cấp dưới từng chiến đấu tại Điện Biên Phủ, chính những tranh cãi trên mặt báo và những thông tin lọt ra ngoài về hoạt động của Ủy ban Điều tra đã giúp họ biết được mâu thuẫn tồn tại giữa hai vị tướng đứng đầu quân Pháp ở Đông Dương khi đó.
Đại tá Jacques Allaire. |
Đại tá Jacques Allaire, khi ấy là thượng úy tại một tiểu đoàn lính dù ở Điện Biên Phủ, cho biết:“Khi chúng tôi ở Điện Biên Phủ, rất ít người biết đến mâu thuẫn giữa hai vị tướng. Cụ thể ở cấp của tôi hồi đó, chúng tôi không biết gì. Sau này, tôi có nghe đến Ủy ban Điều tra và khi đó tôi mới biết đến mâu thuẫn giữa tướng Navarre và Cogny. Ông Cogny đã bị Ủy ban chỉ trích rất nặng còn tướng Navarre thì gần như được minh oan. Tôi không rõ Ủy ban đưa ra kết luận có hợp lý hay không. Nhưng cứ cho là ông Navarre đã tin tưởng một cách mù quáng vào tướng Cogny thì lẽ ra ông ấy cũng phải bám sát xem tướng Cogny có triển khai đúng trận Điện Biên Phủ hay không chứ.”
Theo đại úy Ivan Cadeau, mâu thuẫn giữa các tướng Navarre và Cogny mạnh đến mức đội ngũ thân cận của họ trở thành hai phe hiềm khích nhau. Thời chiến tranh, họ không dám công khai mâu thuẫn đó, đến khi chiến tranh kết thúc, thông tin đã được phơi bày. Thời gian đầu khi chiến tranh mới kết thúc, không chỉ những bài báo mà ngay cả những cuốn sách về Điện Biên Phủ cũng là được viết ra bởi người của hoặc phái Navarre hoặc phái Cogny, với cái nhìn bênh vực cho tướng này hay tướng kia.
5. “Đối thủ” chết rồi, hậm hực vẫn còn
Sau khi Ủy ban Điều tra khép lại các phiên điều trần và cho ra một báo cáo bí mật mà cả ông Navarre lẫn ông Cogny đều không được tiếp cận cho đến ngày qua đời, mâu thuẫn giữa hai vị tướng này không hề thuyên giảm.
Đại úy Ivan Cadeau cho biết:“Sự đối kháng của tướng Cogny với tướng Navarre vẫn rất dai dẳng. Cả hai đều còn những người ủng hộ nên trong giai đoạn 56-57, hai bên thư từ qua lại, tranh cãi rất mạnh.”
Về phần mình, bất mãn với việc báo cáo của Ủy ban Điều tra không được công khai hóa, đồng nghĩa với việc những chỉ trích cáo buộc đổ lên một mình ông từ trước đó vẫn hiệu lực, tướng Navarre đã rời bỏ chức vụ Tổng tư lệnh trong quân đội Pháp vào năm 1956. Và ngay sau đó, ông cho xuất bản cuốn “Đông Dương hấp hối”.
Hai cuốn sách do tướng Henri Navarre viết (bên phải là cuốn“Thời điểm của sự thật”). |
Đến năm 1979, khi mà dường như câu chuyện Điện Biên Phủ đã bị nước Pháp lãng quên, ông lại cho xuất bản tiếp cuốn “Thời điểm của sự thật”. Trong đó, ông kể lại tường tận mâu thuẫn giữa mình với tướng Cogny, đúng như tựa cuốn sách muốn công khai “sự thật”.
“Quan hệ giữa chúng tôi được thiết lập ban đầu trên một nền tảng lịch sự và thậm chí còn chút thân tình,” tướng Navarre viết. “Dĩ nhiên có một số tính cách của tôi không hợp với tướng Cogny. Về phần mình, tôi không đánh giá cao việc tướng Cogny nói nhiều với báo chí hay thích bày tỏ trước binh lính. Chúng tôi đã có một số bất đồng nhỏ. Nhưng riêng về Điện Biên Phủ, chúng tôi đã có sự nhất trí cao.”
Nhưng, trước “sự thật” mà tướng Navarre đưa ra trong cuốn sách này, tướng Cogny không còn cơ hội phản ứng lại, bởi ông đã qua đời vào năm 1968, tức là hơn 10 năm trước khi cuốn “Thời điểm của sự thật” của tướng Navarre được xuất bản.
Điểm khác biệt giữa 2 tướng trong xử lý trận Điện Biên Phủ
“Chủ đề duy nhất mà chúng tôi có bàn luận là việc lấy quân từ đâu đưa lên Điện Biên Phủ. Tướng Cogny muốn lấy quân từ các đơn vị khác đơn vị của ông ấy chỉ huy trong khi tôi yêu cầu phần lớn số quân này phải được điều động từ các đơn vị đang chiến đấu ở đồng bằng, nơi mà sức ép giảm xuống sau khi quân Việt Minh rút lên vùng núi cao.
Đến tháng 2/1954, Cogny, lúc này sắp đến hạn về nước, có khẩn khoản tôi ủng hộ đề nghị cho ông ấy kéo dài thời gian chỉ huy tại Đông Dương cho đến khi những chiến dịch dang dở kết thúc và tôi đã nhượng bộ việc này.”
(…) Lần va chạm đầu tiên giữa chúng tôi là vào ngày 14/3/1954. Khi đến Hà Nội, chỉ vài giờ sau khi bắt đầu trận đánh ở Điện Biên Phủ và việc đồi Beatrice bị chiếm, tôi đã sững sờ khi biết việc họ chấp nhận lời đình chiến từ ông Giáp và việc không tuân thủ bất kỳ mệnh lệnh phản công nào. Những lời trách mắng nặng nề mà tôi nói với ông Cogny đã khởi đầu cho sự rạn nứt mối quan hệ giữa chúng tôi.”
(Trích trang 428 cuốn Thời điểm của sự thật của tướng Henri Navarre)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Người đàn ông vỡ òa khi đào được 'tảng đá' giá trị gần 10.000 tỷ, Tần Thủy Hoàng từng săn lùng ráo riết
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách