Khám phá

Điệp viên huyền thoại và cuộc giải cứu Krakow

Bằng cách hy sinh một di tích lịch sử, điệp viên Liên Xô Alexei Botyan đã một mình giải cứu cả thành phố Krakow ở Ba Lan khỏi bị Đức Quốc xã hủy diệt trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Bí mật về nữ điệp viên phản bội / Cuộc đào thoát của điệp viên phản bội Stanislav Levchenko

Sau này, điệp viên Botyan kể lại: “Cứu thành phố Krakow là điều quan trọng nhất mà tôi từng làm trong cuộc đời mình”. Nhờ sự dũng cảm của ông mà thành phố Krakow, cố đô của Ba Lan ngày nay vẫn giữ được vẻ đẹp cổ xưa, làm say đắm du khách.

Từ quân đội Ba Lan tới tình báo Liên Xô

Ông Botyan sinh năm 1917, ngay sau khi Đế quốc Nga sụp đổ. Gia đình ông sống ở vùng lãnh thổ mà sau này trở thành một phần của Ba Lan những năm 1920.

Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra khi ông Botyan đang làm chỉ huy một sư đoàn máy bay Ba Lan ở Vilnius, thành phố sau này là Warsaw. Tại đây, ông đã bắn hạ ba chiếc máy bay ném bom Ju-87. Ông Botyan nói: “Tôi đã chiến đấu như một người lính. Việc tôi là người Belarus và chiến đấu cho Ba Lan không quan trọng với tôi. Đó là mảnh đất của tôi, quê hương của tôi, đất mẹ của tôi”.

Sau khi Đức xâm chiếm Ba Lan năm 1939, Liên Xô thu hồi phần Tây Belarus (quê của ông Botyan) do Ba Lan nắm giữ. Lúc đó, ông Botyan làm giáo viên trong một thời gian ngắn và được mời đăng ký vào trường tình báo quân sự. Là người Belarus, có hiểu biết tuyệt vời về Ba Lan và có kinh nghiệm chiến đấu, ông Botyan là người được cơ quan tình báo săn đón.

Vốn là người giỏi các chiến dịch bí mật và kế hoạch phá hoại, ông Botyan thích nghi nhanh với ngành tình báo. Sau năm 1943, ông trở thành điệp viên mật, điều phối các lực lượng kháng chiến ở Ukraine, Belarus, Tiệp Khắc và Ba Lan.

Ông Botyan năm 1939 (trái) và năm 2016.

Trong toàn bộ Chiến tranh Thế giới thứ hai mà Liên Xô gọi là Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, ông Botyan sống trên vùng đất bị kẻ thù xâm chiếm. Đó là nơi mà ông quen thuộc như Tây Belarus và Ukraine. Tại đây, ông vừa hoạt động độc lập vừa làm lãnh đạo một biệt đội nghi binh.

Lực lượng của ông Botyan đã có công trong thực hiện một cuộc đột kích táo bạo ngày 9/9/1943 chống chính quyền địa phương của thành phố Ovruch (Ukraine) bị Đức chiếm đóng. Trong cuộc đột kích này, 80 binh sĩ tới từ Đức đã thiệt mạng.

Khi Hồng quân Liên Xô cuối cùng đã đẩy lùi quân xâm lược ra ngoài biên giới, ông Botyan đã trở về quê hương. Sứ mệnh của ông là hỗ trợ binh sĩ Liên Xô tiến lên. Phong trào kháng chiến Ba Lan lúc bấy giờ gồm nhiều lực lượng nhưng không mấy tin tưởng lẫn nhau: Home Army (thuộc chính phủ lưu vong Ba Lan ở London), những người Ba Lan cộng sản thuộc Quân đội Nhân dân, nông dân vũ trang thuộc Tiểu đoàn Nông dân.

Tuy nhiên, ông Botyan đã tìm được tiếng nói chung cho lực lượng này. Ông Georgy Sannikov, một cựu chiến binh thuộc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, nói: “Ông Botyan cảm thấy người Ba Lan như người nhà, một yếu tố giúp ông tồn tại và thành công. Ông ấy hòa hợp hoàn hảo vì ông ấy là một nhân tố tuyệt vời”.

Giải cứu Krakow

 

Ba Lan là nơi diễn ra một số chiến dịch của ông Botyan như vụ đột kích 4 giờ vào thị trấn Ilza, giải phóng nhiều tù nhân và cướp phá các kho của quân Đức. Tuy nhiên, thành công được vinh danh của ông Botyan diễn ra gần thành phố Krakow trong tháng 1/1945.

Hồng quân Liên Xô trong thành phố Krakow năm 1945.

Thành phố miền Nam Ba Lan này có điểm nổi bật là tồn tại qua thời gian Đức chiếm đóng mà gần như không bị tổn hại gì. Không như nhiều nơi ở Ba Lan và những nước khác, Krakow không xảy ra giao tranh trên đường phố. Quân Đức thậm chí còn không phá hủy các lăng tẩm lịch sử hay địa điểm chiến lược. Chính nhờ cuộc tấn công thần tốc của Hồng quân mà quân Đức không có thời gian phá hủy thành phố.

Tại Ba Lan, kỹ năng ngoại giao của ông Botyan giúp ông thiết lập mối quan hệ thân thiện với các chỉ huy của Tiểu đoàn Nông dân là Vladislav Sokulsky và Mechislav Holeva. Từ thông tin của hai người này, ông biết rằng quân Đức đã tích trữ đạn dược và chất nổ ở lâu đài cổ Jagiellonian thuộc thị trấn Novy Sacz gần thành phố Krakow.

Từ thông tin mà một người bị quân kháng chiến bắt giữ tên là ZigmundOgarek cho biết, họ phát hiện ra rằng số thuốc nổ này sẽ được sử dụng để làm nổ tung các cây cầu bắc qua sông Dunajec, một khu vực lịch sử ở Krakow và con đập Rozhnov. Theo kế hoạch của quân Đức, trước khi rút lui, chúng đóng cửa đập Rozhnov để tích đủ nước và sau đó sẽ phá con đập khi Hồng quân tiến vào thành phố, tạo ra con sóng khổng lồ phá tan thành phố Krakow và làm Hồng quân rối loạn. Ông Botyan và mạng lưới kháng chiến đã có công đập tan âm mưu này.

Thông tin về kế hoạch của Đức nói trên được xác nhận ngày 10/1/1945 khi dân quân kháng chiến cho nổ tung một xe tại sở chỉ huy của quân Đức. Trong chiếc vali của một người chết trong vụ nổ, họ tìm thấy kế hoạch chi tiết về vụ nổ mà Ogarek đã đề cập.

 

Thời gian là vấn đề quan trọng nhất. Vì thế, ông Botyan đã vạch ra một chiến dịch để phá hủy lâu đài cùng với kho chất nổ. Liều cả mạng sống, ông đã liên lạc trực tiếp với một sĩ quan đồn trú ở lâu đài. Đó là một đại úy của quân Đức, một người Ba Lan bị lực lượng vũ trang thống nhất Đức huy động năm 1939. Người này sẵn sàng đổi chiến tuyến. Sau khi bàn bạc hồi lâu với tình báo Liên Xô, người này đã đồng ý tham gia chiến dịch.

Ông Botyan kể lại: “Tôi đã đưa cho anh ta một quả mìn và ngòi nổ, hướng dẫn anh ta vào trong kho chứa đạn dược. Viên đại úy này ra lệnh cho cấp dưới thực hiện. Cấp dưới của anh ta không biết đó là một quả mìn và anh ta chỉ đặt nó vào theo mệnh lệnh”.

Lúc 5 giờ 20 phút sáng 18/1/1945, các bức tường đá của lâu đài cổ bị nổ tung trong một vụ nổ lớn, chôn vùi hàng trăm binh sĩ Đức và kế hoạch phá hủy thành phố Krakow. Ngay lúc đó, binh sĩ lực lượng tác chiến trên bộ số 59 và 60 thuộc Mặt trận Ukraine số 1 đang chuẩn bị tấn công thành phố Krakow và dự kiến giải phóng thành phố vào ngày hôm sau.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều công nhận chiến công anh hùng của điệp viên Liên Xô Botyan. Ở nước Ba Lan ngày nay, người ta cho rằng chiến dịch của ông Botyan không dẫn tới giải cứu thành phố Krakow vì họ cho rằng quân Đức ngay từ đầu không định hủy diệt thành phố.

Sử gia Ba Lan Andrzej Chwalba nói: “Người Đức không địch cho nổ tung cả nhà hát Juliusz Slowacki lẫn tòa nhà chính Đại học Jagiellonian. Chắc chắn là trước khi rút quân, chúng định hủy diệt một số mục tiêu chiến lược như cầu hay nhà máy điện nhưng chúng không có lý do đánh bom cả thành phố”.

 

Thông tin về chiến công giải cứu Krakow của ông Botyan được giải mật, trong khi quá trình phục vụ trong ngành tình báo Liên Xô sau đó của ông không được biết tới. Ông tham gia vào nhiều chiến dịch bí mật ở Tiệp Khắc và Tây Đức, tham gia giảng dạy kỹ năng phá hoại kẻ thù cho đơn vị đặc công Vympel. Ông nghỉ hưu khi là đại tá năm 1983 nhưng vẫn giữ liên lạc với tư cách là cố vấn dân sự.

Ông Botyan qua đời rạng sáng 13/2 ở tuổi 103. Trước đó, ngày 10/5/2007, Đại tá Botyan đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Nga nhờ chiến dịch giải cứu Krakow.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm