Khám phá

DNA giải ảo huyền thoại quái vật hồ Loch Ness

Các nhà khoa học cuối cùng đã có giải thích hợp lý cho việc nhìn thấy quái vật ở hồ Loch Ness. Nó không phải khủng long hay động vật bò sát sống dưới nước còn sót lại từ kỷ Jura mà rất có thể chỉ là một con lươn khổng lồ.

Kết quả bất ngờ về cuộc săn lùng quái vật Loch Ness / Bức ảnh rõ ràng nhất từ trước đến nay chụp 'quái vật hồ Loch Ness'

Bức ảnh nổi tiếng về quái vật hồ Loch Ness của Robert Kenneth Wilson chụp năm 1934. Ảnh: Wikimedia.
Bức ảnh nổi tiếng về quái vật hồ Loch Ness của Robert Kenneth Wilson chụp năm 1934. Ảnh: Wikimedia.

Huyền thoại về quái vật hồ Loch Ness
Loch Ness là một hồ nước ngọt ở vùng cao nguyên của Scotland. Những ghi chép đầu tiên về Nessie [biệt danh của quái vật hồ Loch Ness] xuất hiện từ thế kỷ thứ 6, khi nhà truyền giáo St Columba người Ireland nói rằng ông đã trục xuất một con thủy quái chuyên đi hại người xuống đáy hồ Loch Ness.

Nhưng mãi tới khi hàng loạt nhân chứng báo cáo bắt gặp Nessie vào những năm 1930, cuộc săn tìm quái vật hồ Loch Ness mới thực sự bắt đầu. Các tờ báo lớn ở London đăng tải những trường hợp có nhân chứng nhìn thấy rõ ràng, nhưng họ khao khát có một bức ảnh thực tế để kèm theo câu chuyện.

Năm 1934, nhà phẫu thuật Robert Kenneth Wilson người London đã cung cấp bức ảnh này. Con quái vật xuất hiện trên mặt hồ với chiếc cổ dài nhô cao lên khỏi mặt nước. Bức ảnh ngay lập tức được đặt tên là “ảnh của nhà phẫu thuật”. Nó được in và tái bản trên vô số tờ báo, cuốn sách, và huyền thoại hồ Loch Ness cứ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên 60 năm sau đó, người ta đã phanh phui bức ảnh hóa ra chỉ là một trò lừa bịp, sử dụng mô hình thủy quái gắn vào một chiếc tàu ngầm đồ chơi.

Tính đến nay, hàng nghìn người nói từng nhìn thấy Nessie. Theo mô tả của họ, Nessie có cái đầu giống thằn lằn đầu rắn sống cùng thời kỳ với khủng long. Nó thường nhô đầu và cổ dài hơn 1m lên khỏi mặt nước, sau đó nhanh chóng lặn xuống tạo ra những cột sóng lớn. Riêng phần lưng, có người nói Nessie một lưng, có người lại nói là hai, thậm chí ba lưng. Mặc dù các bức ảnh, video quay Nessie ngày càng nhiều, nhưng đáng tiếc là chúng luôn ở trong tình trạng mờ ảo, không rõ ràng và không thể xác thực.

Giới khoa học đã có nhiều nỗ lực để truy tìm tung tích quái vật hồ Loch Ness. Năm 2003, một nhóm nghiên cứu sử dụng hệ thống định vị vật dưới nước bằng sóng siêu âm để quét toàn bộ hồ Loch Ness nhưng không tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của Nessie. Họ cho rằng những bằng chứng trước đây về quái vật chưa thực sự thuyết phục, có thể là trò lừa đảo hoặc nhầm lẫn khi quan sát sinh vật, hiện tượng tự nhiên.

 

Giả thuyết mới về quái vật hồ Loch Ness

Nhà di truyền học Neil Gemmell tại Đại học Otago (New Zealand) và cộng sự đã đến hồ Loch Ness với một tâm trí cởi mở và cách tiếp cận khoa học thông minh để tìm kiếm quái vật huyền thoại Nessie. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu DNA môi trường (eDNA) của hồ Loch Ness để lập danh mục các sinh vật sống ở vùng nước sâu trong hồ mà không cần phải trực tiếp quan sát hoặc bắt giữ chúng.

Neil Gemmell lấy mẫu nước tại hồ Loch Ness. Ảnh: AFP.
Neil Gemmell lấy mẫu nước tại hồ Loch Ness. Ảnh: AFP.

Theo Reuters, eDNA được sử dụng như một công cụ để giám sát đời sống dưới nước của các sinh vật như cá voi hay cá mập. Khi một sinh vật di chuyển trong môi trường sống, nó sẽ để lại DNA trong các mảnh nhỏ của da, vảy, lông, phân và nước tiểu. Các mẫu DNA này có thể được thu thập, phân tích để xác định là của sinh vật nào dựa trên việc so sánh với cơ sở dữ liệu lớn chứa thông tin DNA của hàng trăm nghìn sinh vật khác nhau [bao gồm cả vi khuẩn, động vật, thực vật].

 

Sau khi phân tích 250 mẫu nước lấy từ các vị trí và độ sâu khác nhau quanh hồ, các nhà khoa học phát hiện hồ nước có khoảng 3.000 loài động vật khác nhau. Tuy nhiên, họ không tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của một loài bò sát lớn, khủng long, hay bất kỳ động vật cổ đại nào khác phù hợp với hình ảnh phổ biến của quái vật huyền thoại. Gemmell công bố kết quả nghiên cứu trong một cuộc họp báo tại Trung tâm & Triển lãm Loch Ness vào đầu tháng 9/2019.

Gemmell và cộng sự cũng loại trừ giả thuyết về những loại cá lớn như cá tầm hoặc cá mập Greenland sống trong hồ, vì không phát hiện DNA của hai loài trên. “Chúng tôi đã xem xét đến nhiều ý tưởng, chẳng hạn như sự tồn tại của cá tầm hoặc cá da trơn khổng lồ, nhưng cuối cùng chúng tôi không tìm thấy chúng”, Gemmell nói.

Gemmell đề xuất giả thuyết mới, Nessie có thể chỉ là một con lươn khổng lồ. “Lươn có rất nhiều ở hồ Loch Ness. DNA lươn có mặt tại mọi địa điểm thu thập mẫu vật”, Gemmell cho biết. “Dữ liệu của chúng tôi không hé lộ kích thước của chúng, nhưng lượng lớn mẫu vật cho thấy khả năng xuất hiện lươn khổng lồ ở hồ Loch Ness.”

Gemmell lưu ý rằng, lươn khổng lồ có thể đã sống hàng thập kỷ trong hồ Loch Ness, nhưng đến nay vẫn chưa ai bắt được nó.

Lươn châu Âu có thể dài tới 1,5m. Ảnh: USGS.`
Lươn châu Âu có thể dài tới 1,5 m. Ảnh: USGS.`

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), lươn châu Âu dài tới 1,5m và nặng khoảng 5,4 kg. Chúng ăn ấu trùng côn trùng, động vật thân mềm, giun và động vật giáp xác. Chúng có khả năng sống sót ở nhiệt độ gần đóng băng và vô cùng linh hoạt, có thể bò qua đập, thậm chí di chuyển trên cạn. Dù kích thước trên vẫn chưa đủ để so sánh với một con quái vật, nhưng điều này củng cố thêm tính đúng đắn về giả thuyết của Gemmell.

 

Một bộ phim tài liệu với tựa đề “Quái vật hồ Loch Ness: Bằng chứng mới” đi sâu vào những phát hiện của Gemmell vừa được phát sóng trên Kênh Du lịch (Travel Channel) ở Mỹ vào ngày 15 tháng 9.

Mặc dù vậy, nghiên cứu của Gemmell cõ lẽ không ảnh hưởng nhiều đến những người tin tưởng tuyệt đối vào sự tồn tại của Nessie. Họ vẫn thường xuyên ghé thăm một địa điểm ở gần hồ Loch Ness được thiết kế riêng cho việc quan sát Nessie, với hy vọng một ngày nào đó có thể tận mắt chứng kiến hoặc thậm chí chụp ảnh quái vật.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm