Độc đáo giếng bậc thang cổ ở Ấn Độ
Độc đáo kiến trúc chùa Xiêm Cán / Độc đáo kiến trúc chùa Keo
Là hình thức lưu trữ nước dưới lòng đất đặc biệt ở tiểu lục địa Ấn Độ, Giếng nước bậc thang đã được xây dựng và sử dụng từ thiên niên kỷ thứ 3 trước CN. Ban đầu, hệ thống này chỉ là những hố đất trữ nước đơn giản. Theo thời gian, chúng dần được xây dựng thành những công trình nghệ thuật nhiều tầng và phức tạp, trong đó gồm các tác phẩm phản ánh đời sống và tín ngưỡng của người dân địa phương.
Các bang khô cằn Gujarat và Rajasthan ở Ấn Độ có tới hàng nghìn giếng nước kiểu bậc thang. Tới thành phố lớn hay những ngôi làng xa xôi, du khách đều có thể chiêm ngưỡng những giếng bậc thang cổ với muôn vàn kích thước và kiểu kiến trúc. Một số giếng bậc thang cổ đã bị quên lãng hoàn toàn, một số khác lại là điểm hút du khách đến kinh ngạc.
Giếng bậc thang không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp nước, mà còn là nơi để sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương.
Trong thời gian này, mặc dù đại dịch Covid-19 đang tác động tới du lịch quốc tế, nhưng may mắn nhiều giếng bậc thang trong số hàng nghìn giếng cổ vẫn còn nguyên hiện trạng và đang chờ đợi đón du khách trở lại khi Ấn Độ mở cửa.
Hãy cùng điểm qua những giếng bậc thang nổi tiếng, là điểm “check-in” không thể bỏ lỡ khi tới thăm Ấn Độ dưới đây.
Chand Baori
Nhắc tới giếng nước theo kiến trúc bậc thang, không thể không nhắc tới Chand Baori bởi nó có các cấu trúc kiến trúc tinh xảo ấn tượng đặc biệt và lịch sử lâu đời.
Chand Baori theo tiếng Hindu có nghĩa là “Mặt Trăng” hay giếng nước Bạc, nằm ở làng Abhaneri, cách TP Jaipur - TP lớn nhất bang Rajasthan 60km.
Được xây dựng vào khoảng thế kỷ 8 đến thế kỷ thứ 9 bởi nhà vua Chanda của triều đại Nikumbha, Chand Baori cung cấp nước cho dân cư địa phương suốt nhiều thế kỷ trước khi hệ thống cung cấp nước hiện đại được ra đời.
Đây cũng là một trong những giếng bậc thang cổ xưa nhất của Ấn Độ, có thể được coi là một trong những giếng bậc thang lớn nhất và sâu nhất thế giới.
Du khách đi qua một lối vào nhỏ hẹp để tới được cảnh đẹp kỳ vĩ đang chờ phía trước. Du khách sẽ thực sự bị choáng ngợp bởi chiếc giếng độc đáo có độ sâu tới 30m, gồm 13 tầng cao và có tới 3.500 bậc thang hẹp được sắp xếp tỉ mỉ từ trên miệng giếng xuống đáy giếng zích-zắc như một mê cung nhưng lại giúp người dân lấy nước dễ dàng từ các phía…
Thiết kế và cấu trúc đặc biệt của Chand Baori nhằm tiết kiệm nước nhiều nhất có thể, dưới đáy giếng là dòng nước có màu xanh ngọc đặc biệt. Chỉ có ba mặt giếng có các bậc thang, một mặt còn lại được xây thành nhiều phòng nhỏ có thiết kế tinh xảo, là nơi nghỉ ngơi của nhà vua ngày trước.
Đặc biệt, thiết kế độc đáo này khiến không khí dưới đáy giếng mát hơn 5 – 6 độC so với bề mặt, và Chand Baori được sử dụng làm nơi tụ họp cộng đồng của người dân địa phương trong thời kỳ nắng nóng gay gắt.
Dù chưa được công nhận là di sản UNESCO, song Chand Baori vẫn nổi tiếng với thiết kế độc đáo, chính xác tỉ mỉ. Giếng Mặt Trăng này hiện còn nổi tiếng hơn sau khi được sử dụng làm địa điểm quay cho một số bộ phim như Bhoomi, The Fall, Bhool Bhulaiyaa, Paheli. Vào năm 2012, giếng nước Mặt Trăng là một địa điểm quay của bộ phim đình đám của Hollywood: The Dark Knight Rises (Kỵ sĩ bóng đêm).
Giờ mở cửa đón khách tại khu vực giếng bậc thang Chand Baori là từ 8 giờ đến 18 giờ hằng ngày, và miễn phí vé thăm quan. Thời điểm đẹp nhất để thăm quan Chand Baori là từ tháng 10 năm nay tới tháng 3 năm sau khi thời tiết dễ chịu.
Agrasen Ki Baoli
Nằm ở trung tâm của New Dehli, chỉ cách quận Connaught Place tấp nập vài dãy nhà, giếng bậc thang Agransen ngoạn mục này có chiều dài 60m và rộng 15m, cao ba tầng và gồm108 bậc thang rộng, dẫn xuống một hồ chứa nước ngầm hiện đã khô cạn.
Mặc dù không có tài liệu lịch sử cho biết ai đã xây dựng Giếng bậc thang Agrasen Ki Baoli, nhưng người ta tin rằng ban đầu nó được xây dựng bởi vị vua huyền thoại Agrasen Ki Baoli. Dựa trên các kiến trúc trong các hành lang hình vòm còn lại cho đến ngày nay, công trình này được cho là đã được xây dựng lại vào thế kỷ 14 trong thời kỳ Tughlag của Vương quốc Hồi giáo Delhi.
Đáng chú ý, người dân địa phương vẫn gán cho giếng Agrasen nhiều truyền thuyết ma mị. Có lẽ vì thế mà khu vực này trở thành một điểm du lịch hấp dẫn những ai ưa khám phá, phiêu lưu.
Đến New Dehli, du khách có thể đến thăm giếng bậc thang Agrasen Ki Baoli từ 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều và không mất phí thăm quan.
Địa điểm này đã được sử dụng để quay các cảnh trong nhiều bộ phim Bollywood.
Toorji Ka Jhalra Bavdi
Ngay tại trung tâm của thành phố Jodhpur trong xanh xinh đẹp, nằm dưới chân pháo đài mang tính biểu tượng của TP là một tác phẩm kiến trúc hoành tráng khác.
Giếng bậc thang Toorji Ka Jhalra là một trong những công trình kiến trúc nước tuyệt đẹp nhất của Ấn Độ.
Xây dựng vào những năm 1740, Toorji Ka Jhalra gây ấn tượng bởi nhiều bậc thang hình chóp và các chi tiết trang trí công phu đại diện cho nét đẹp nhất trong kiến trúc Rajput.
Giếng bậc thang Toorji Ka Jhalra từng bị ngập nước trong nhiều thập kỷ. Hiện, giếng bậc thang này là một trong những giếng bậc thang còn được giữ gìn cẩn thận nhất ở Ấn Độ. Khu vực giếng Toorji Ka Jhalra được vệ sinh sạch sẽ và trở thành nơi thăm quan hút khách, có nhiều dịch vụ đi kèm như nhà hàng, quán cà phê và các cửa hàng lưu niệm.
Ngày nay, giếng bậc thang Toorji Ka Jhalra vẫn được người dân sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Giếng còn là một bể bơi cho người dân địa phương và thậm chícuộc thi Lặn Red Bull Cliff đã tổ chức tại đây vào năm 2019.
Rani Ki Vav
Nằm gần TP Patan, bang Gujarat, Rani Ki Vav (được dịch là "giếng của nữ hoàng") không chỉ là một giếng nước bậc thang. Rani Ki Van là cả một thế giới dưới lòng đất bao gồm các tác phẩm điêu khắc tuyệt tác, các mái vòm chạm khắc tinh vi, những hành lang bất tận và tác phẩm điêu khắc của lịch sử.
Là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào tháng 6/2014, Rani Ki Vav được xây dựng vào thế kỷ 11 bởi Nữ hoàng Udayamati cầm quyền trong triều đại Chalukya để tưởng nhớ người chồng đã khuất của bà là vua Bhima I.
Rani Ki Vav là một trong số những công trình giếng nước nổi tiếng nhất ở Ấn Độ bởi kiến trúc phức tạp, tinh xảo và sự đồ sộ của nó. Hơn cả một giếng nước, Rani Ki Vav là một thí dụ điển hình của cấu trúc kiến trúc ngầm Ấn Độ, thể hiện trình độ cao của lối kiến trúc Maru-Gurjara. Rani Ki Vav như một ngôi đền đảo ngược với bảy tầng ngầm, khiến nó là một trong những công trình có cấu trúc lớn nhất và lộng lẫy nhất trong các giếng nước bậc thang.
Rani Ki Vav được xây dựng theo lối kiến trúc ngầm độc đáo với chiều dài 64m, rộng 20m và sâu 27m hướng về phía đông.Cho đến ngày nay, khu vực này còn lưu giữ một giếng nước hình trụ có đường kính 30m và sâu 10m.
Bên trong bảy tầng hầm là hơn 500 bức phù điêu được chạm khắc tinh xảo phản ánh kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, đỉnh cao của những người thợ thủ công lúc bấy giờ. Tất cả đều khắc họa hình ảnh về tôn giáo, thần thoại và thế tục. Ở tầng cuối cùng trong số bảy tầng của ngôi đền có một cánh cổng nhỏ mở ra một lối đi bí mật dài hơn 30 km dẫn thẳng tới thị trấn Sidhpur, gần Patan.
Theo UNESCO, phần lớn ngôi đền sau đó đã bị ngập trong phù sa và nước sông Saraswati gần bảy thế kỷ cho đến cuối những năm 1980 sau khi các nhà khảo cổ học Ấn Độ khai quật ra. Sau một thời gian phát lộ, những nét chạm khắc tinh xảo và kiến trúc của công trình với những hình khắc hầu như vẫn trong tình trạng ban đầu.
Với những người mê nghiên cứu khảo cổ và du lịch khám phá, Rani Ki Vav luôn là địa điểm “mê hoặc” không thể bỏ qua khi tới Ấn Độ. Du khách có thể thăm quan giếng cổ Rani Ki Vav từ 8 đến 18 giờ hằng ngày. Từ sân bay gần Patan nhất là sân bay ở thành phố Ahmedabad, du khách có thể di chuyển bằng xe buýt mất 3,5 giờ.
Phí thăm quan của khu vực này là 40Rs cho người Ấn Độ và 600Rs (khoảng 190.000 VNĐ) cho du khách nước ngoài.
Adalaj
Là sự pha trộn tuyệt đẹp giữa kiến trúc Hồi giáo và Ấn Độ giáo, giếng bậc thang Adalaj nằm trong một ngôi làng nhỏ cùng tên gần TP Ahmedabad ở bang Gujarat, Ấn Độ.
Đây là một trong những giếng bậc thang hấp dẫn nhất đất nước, gồm năm tầng và một mê cung gồm các phòng, lối đi và sảnh được chạm khắc tinh xảo.
Giếng nước này cũng được coi là một tượng đài cho tình yêu vĩnh cửu. Theo truyền thuyết địa phương, Nữ hoàng Rudavevi đã xây dựng nó vào cuối những năm 1400 như một đài tưởng niệm người chồng quá cố của bà.
Được xây bằng đá sa thạch theo phong cách kiến trúc Solanki, giếng bậc thang Adalaj sâu năm tầng. Adalaj được xây dựng theo cấu trúc có hình bát giác ở trên cùng, được xây dựng trên một số lượng lớn các cột trụ được chạm khắc tinh xảo. Các họa tiết hoa lá và đồ họa của kiến trúc Hồi giáo rất hòa hợp với các biểu tượng của các vị thần Hindu và Jain được chạm khắc ở nhiều tầng khác nhau của giếng.
Khu vực giếng Adalaj ngoài việc cung cấp nước cho cư dân địa phương còn được cho là nơi người dân thực hiện việc thờ cúng, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Nhiệt độ trong giếng luôn duy trì ở mức thấp hơn 6 độC so với trên bên ngoài.
Cho tới nay, giếng bậc thang Adalaj vẫn luôn là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của bang Gujarat, do đó việc tới thăm quan khu vực này rất dễ dàng. Từ sân bay quốc tế Sardar Vallabhbhai Patel tại TP Ahmedabad, du khách có thể đến giếng Adalaj bằng đường sắt hoặc đường bộ như bắt xe taxi. Khu vực này mở cửa miễn phí cho du khách từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.
Panna Meena Ka Kund
Trong khi hầu hết du khách đến Jaipur lựa chọn khám phá Pháo đài Amer hoành tráng, cách Thành phố Hồng khoảng 8km là một điểm tham quan hấp dẫn khác nhưng thường ít được chú ý.
Giếng bậc thang Panna Meena Ka Kund, được xây dựng từ thế kỷ 16 ở làng Amer là một công trình kiến trúc để trữ nước hoàn hảo như tranh vẽ, góp thêm nét duyên dáng vào khu vực nhiều đền thờ cổ kính này.
Khu vực này trong những năm gần đây đang nổi lên là góc “sống ảo” của hàng triệu du khách trong và ngoài nước bởi thiết kế mang tính hình học với các cầu thang đối xứng cao.
Theo người dân địa phương, mùa thăm Panna Meena Ka Kund đẹp nhất trong năm là vào mùa mưa. Cũng như nhiều khu vực giếng bậc thang đang được sử dụng khác ở Ấn Độ, du khách tới Panna Meena Ka Kund không phải mất phí vào cửa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ