Những người dân địa phương ở Kiếm Hà, Quý Châu, Trung Quốc tổ chức lễ hội rước chó để tỏ lòng biết ơn và cầu mưa thuận gió hòa.
Mục kích cảnh ưng biển trắng trợn cướp mồi của cá sấu /
'Khiếp sợ' trước cảnh rắn quằn quại vì lên cơn co giật
Trong lễ hội này, một con chó sẽ được vẽ mặt, đội mũ thêu hình hổ, mặc quần áo như con người, cho ngồi trên kiệu hai người khiêng được làm từ gỗ và tre rước quanh trấn.
Được biết mục đích của hoạt động dân gian này là để tỏ lòng biết ơn, sự tôn kính đối với thiên nhiên.
Theo truyền thuyết, những con chó đã giúp tổ tiên của những người dân tộc thiểu số tại địa phương tìm thấy nguồn nước để sinh tồn.
Chính vì thế, vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 7 âm lịch hàng năm, những người dân nơi đây sẽ tổ chức lễ hội rước chó rầm rộ. Ngoài việc tỏ lòng biết ơn, tôn kính, họ còn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Hoạt động dân gian này còn được gọi là "Ngày rước chó", thu hút đông đảo khách du lịch và những tộc người thiểu số đến chung vui.
Những thanh niên to khỏe sẽ có vinh hạnh được rước chú chó may mắn quanh trấn.
Theo thần thoại Trung Quốc, Viêm Đế hay Thần Nông, là người dạy dân thường biết cày cấy, làm nông. Sau khi Viêm Đế qua đời, hạn hán kéo dài khiến vạn vật rơi vào cảnh lầm than. Những người thuộc Miêu tộc đành nhờ đến chú chó của Viêm Đế đánh hơi tìm vị thần này để cầu mưa. Vì con chó đã quá già, không thể đi, người dân làm kiệu rước nó khắp nơi tìm Viêm Đế.
Tưởng chừng hết hy vọng thì bất ngờ con chó ngồi trên kiệu sủa vang, báo hiệu Viêm Đế giáng lâm. Lúc này, người dân quỳ xuống cầu xin Viêm Đế ban mưa. Ứng lời cầu nguyện, chỉ một lúc sau trời đổ mưa như trút, cứu sống vạn vật. Từ đó đến nay, rước chó cầu mưa thuận gió hòa, tỏ lòng biết ơn trở thành một phong tục độc đáo của những người thiểu số thuộc Miêu tộc.
Theo Đinh Ngân/Kiến thức