Độc đáo tục nuôi 'thần Thạch khuyển' có một không hai ở xứ Lạng
“Linh vật” trong tâm thức người Nùng, Tày, Dao
Một ngày đầu xuân, chúng tôi tìm về thôn Phai Xả, xã Chu Túc (huyện Văn Quan). Trong câu chuyện đượm nồng dư vị chén trà ấm tình giao kết ông Nông Xuân Hồng (SN 1953, người Nùng) thong thả kể về tục “nuôi” Thạch khuyển bao đời nay, của người Nùng quê hương ông.
Ông Hồng bảo, không rõ chính xác tục “nuôi” Thạch khuyển có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ nhiều đời qua, đời nọ nối tiếp đời kia, người Nùng quê ông đã truyền đời thờ Thạch khuyển. Theo truyền thuyết phương Bắc, những nhà người Nùng ở trên nền đất cứng (đất dữ), vợ chồng thường mâu thuẫn, công việc làm ăn trục trặc, gia chủ thờ Thạch khuyển nhằm xua đuổi tà khí, trấn giữ nhà, bảo hộ cho gia chủ được an bình, khỏe mạnh, mọi sự hanh thông… “Vào ngày lành, gia chủ mua Thạch khuyển, hay Thần cẩu về mời thầy Mo đến làm lễ an Thạch khuyển (an vị nơi thờ). Trước khi thầy làm lễ, gia chủ dùng vải đỏ quàng vào cổ Thạch khuyển. Việc này có ý nghĩa chào đón Thạch khuyển thành thành viên trong gia đình, cũng có nghĩa như một sợi dây ràng buộc, giữ chân Thần cẩu gắn bó với gia đình” - ông Hồng nói.
Với người Nùng, lễ vật để lễ an Thạch khuyển gồm: 1 cá chép (rán), 1 đầu lợn (luộc), 1 con gà (luộc). Vào lễ, thầy Mo thực hiện nghi thức tâm linh mời thổ công, thổ địa, quan thần, thánh tổ gia tiên của gia chủ. Kính trình lý do, ngày nay, gia chủ mua được Thạch khuyển về mời pháp sư làm lễ an để cầu bảo hộ bình an. Sau khi làm lễ, nhà chủ dùng lá đào, lá bưởi tắm cho Thạch khuyển (rửa vía), thầy Mo niệm sinh khí khai mở “tinh”: Khai nhãn (mắt); nhĩ (tai); túc (chân); khẩu (mồm) cho Thạch khuyển để giữ nhà. “Người Nùng thường đặt Thần khuyển bên phải nhà (hướng nhìn từ trước nhà vào), tức nằm bên trái nhà theo hướng từ trong nhà đi ra” - ông Hồng chia sẻ…
Sau khi an vị Thạch khuyển, cứ nhằm ngày mùng 1, đêm rằm trong 3 tháng đầu tiên, gia chủ thắp hương, cúng cơm để “nuôi” Thần cẩu. Ông Hồng kể, mỗi năm, người Nùng có những lễ lớn như: Tháng Giêng (Tết Nguyên đán); tháng Hai (vào mùa); tháng Ba (tảo mộ); tháng Tư (lễ thần Chùa); tháng Năm (ăn bánh do); tháng 6 (lễ Mùa - lễ nhỏ); Tết (rằm tháng Bảy); lễ cho con cháu vui chơi (tháng Tám); lễ ăn lúa mới (tháng Chín); lễ thu hoạch mùa màng (tháng Mười); lễ ăn bánh Coong phù (tháng Mười một); lễ Tết Nguyên đán (tháng Mười hai). Vào những ngày lễ này, gia chủ đều làm lễ cá, xôi đen, thịt để cúng Thạch khuyển.
Sau khi tạc tượng hoặc mua tượng Thần khuyển về, bắt buộc phải thực hiện nghi lễ tâm linh để khai mở “mắt, miệng và nhập thần” cho chó đá. Họ quan niệm, không có lễ cúng, Thạch khuyển chỉ là một cục đá vô tri, sau lễ “nhập thần” Thạch khuyển trở thành Thiên cẩu, Thần cẩu bảo hộ bình an, yên ấm cho gia chủ. “Người Tày, Nùng ở đây, dùng lá bưởi, lá đào tắm cho Thần cẩu. Họ tin rằng các loại lá này khắc kỵ tà khí, giúp tẩy uế. Đặc biệt, nơi đây, chỉ có đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà mới được phép tắm cho Thạch cẩu. Vị trí đặt Thạch cẩu do thầy Mo quyết định. Thông thường, chó đực đặt bên trái, chó cái bên phải cửa nhà”. Vào những ngày trước tết, gia chủ tiến hành tắm cho Thần khuyển. Khi Tết đã đến, có nhà còn “lì xì” cho Thần khuyển, bày tỏ tấm lòng yêu mến, biết ơn…
Đa dạng dáng hình, thần thái
Ở Lộc Bình, “linh vật” Thạch khuyển có nhiều dạng hình, thần thái khác nhau. Có dáng Thạch khuyển đứng, dáng ngồi, kích thước to, nhỏ khác biệt. Cách tạo hình phong phú, những thợ điêu khắc Thần cẩu tạo tác “thổi” hồn vào mỗi bức tượng chó đá tính cách chẳng lẫn vào đâu. Có con mang thần thái uy nghiêm, con tỏ nỗi bộc trực, con lại có dáng vả đau khổ, con mang nét nhẫn nhịn… Nghệ thuật tạo hình chó đá đã góp phần gìn giữ một nét đẹp phong tục tín ngưỡng của người dân nơi này.
Ông Nông Văn Thịnh (Bí thư chi bộ thôn Phai Xả, xã Chu Túc, huyện Văn Quan) chia sẻ, hơn 20 năm qua, ông đã tạc và bán hàng trăm “linh vật Thạch khuyển”. bằng đôi tay tài hoa, ông chỉ mất 3 ngày để tạo tác, gọt giũa nên một bức tượng Thạch khuyển hoàn chỉnh, đẹp mắt. “Đá xanh là nguyên liệu tạo hình, loại đá này quanh vùng đều có. Xưa kia đá nhiều dễ lấy, giờ hiếm hơn phải chọn những hòn đẹp, dễ khai thác. Thợ mới làm phải mất nhiều ngày mới có thể tạo hình được Thạch khuyển. Thợ lâu năm, chỉ vài ba ngày đã có tác phẩm hoàn chỉnh. Thạch khuyển nhỏ cao khoảng 40cm bán giá 600-700 nghìn đồng/con, loại lớn cao 50-60cm phải 1 triệu đồng/ con” - ông Thịnh tâm sự.
Tuổi thơ đã gắn bó với Thạch khuyển, sự gần gũi, tình yêu văn hóa cha ông như mạch nguồn bỏng cháy trong con người chân chất Nông Văn Thịnh. Ông Thịnh đem tình yêu “thổi” vào những bức tượng Thần cẩu nên dáng hình thân thương, đẹp đến lạ lùng. Mỗi con qua bàn tay, nét đục của ông có nét hấp dẫn, mê hoặc riêng… Ngày, tháng… ông lặng lẽ “gột” lên những bức tượng Thạch cẩu cung cấp phục vụ đời sống tâm linh cho người dân các nơi xa, gần trong tỉnh… “Người Nùng, Tày thường chỉ thờ 1 Thần cẩu trong nhà, riêng người Mán, nhà người ta thờ 2 con Thạch khuyển, lên cả tivi đấy mà”. Ông cứ chân chất, mộc mạc như vậy lan truyền một tình yêu, nét văn hóa đặc sắc trên miền biên ải…
Bao đời nay, người Tày ở Yên Khoái (huyện Lộc Bình) lớn lên trong những căn nhà trình tường rêu phong, mái ngói âm dương mang đậm sắc màu trầm mặc, cổ kính. Tâm thức họ luôn gìn giữ những phong tục, bản sắc văn hóa dân tộc mình. Thần cẩu là “linh vật” không thể thiếu. Mỗi gia đình người Tày ở đất Yên Khoái thường chọn ngày lành rước Thần cẩu về nhờ thầy an vị để hóa giữ làm lành, mong cầu đời sống hạnh phúc. Trong những câu chuyện rộn rảng về Thạch khuyển, thái độ thành kính của người dân toát lên sự gần gũi, yêu thương đối với Thạch khuyển.
Qua Lộc Bình xuôi về “thành Lạng”, thăm những người Nùng Cháo ở dốc Phai Món, phường Hoàng Văn Thụ, nghe khách hỏi chuyện về “vị thần” Thạch khuyển, một người Nùng Cháo trẻ trung cất giọng hát trong trẻo, rộn ràng sắc vị mùa xuân để chào khách lạ đường xa: “Mở bài khai khẩu oóc chào xuân/Tiếng cạ duyên cần mì xuân sắc/Sị tử xo chào lỉn sắc xuân”. Nghĩa rằng: “Mở bài khấn này ra chào xuân/ Rằng duyên người có thân thương/Cầu rằng duyên người có xuân sắc/Tôi cúi xin chào để vui xuân”… Như những người anh em trên biên ải xứ Lạng, người Nùng ở Phai Món yêu biết bao Thần cẩu thân thương, gắn bó với đời sống. Đưa điệu hát say mê, bên chén trà đãi khách, cành đào chúm chím nụ, lòng người như rộn rã.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ