Giải bí ẩn cây cầu trấn yểm thủy quái Hội An
Thăm chùa Huệ Tâm ở Hộ Phòng, Bạc Liêu / Tượng quỷ dữ đội Phật Quan Âm cực lạ của chùa Hội Hạ
Chùa Cầu, cây cầu trấn yểm thuỷ quái!
Trong sách “Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán”, một nhà sư Trung Quốc có nhắc đến lịch sử xây Chùa Cầu. Theo đó, năm 1719, nhân chuyến tuần du phương Nam, Chúa Nguyễn Phúc Chu khi từ phương Bắc đến Hội An đã thấy phía Tây phố có cầu, thuyền buôn tụ họp đông đúc bên phố chợ sông Hoài nên mới bèn đặt tên cho là “Lai Viễn kiều” (tức khách phương xa đến). Cùng với đó, Chúa đã cho mạ khắc biển vàng thành bức hoành phi nhằm ghi dấu nơi ngài đã đi qua. Cho đến nay, bức hoành phi chúa ban vẫn còn treo bên trong Chùa Cầu.
Chùa Cầu là biểu tượng nổi tiếng của phố cổ Hội An.
Tuy nhiên, trong một thư tịch cổ khác của nước nhà lại chép, cây cầu cổ này được tìm thấy vào năm 1617 với tên gọi là cầu Nhật Bản. Trong nhiều tài liệu ghi chép của các học giả nước ngoài đều xác định, Chùa Cầu được xây dựng vào năm 1593 cũng với tên gọi là Cầu Nhật Bản để thông thương buôn bán của người Hoa kiều, Nhật kiều. Như vậy, theo suy đoán, Chùa Cầu phải xây dựng ở cảng thị Hội An vào thời gian trước đó và có chậm nhất phải năm 1617 như ghi nhận trong thư tịch cổ của nước ta.
Niên đại xây dựng cây cầu vốn đã mơ hồ thì chuyện ai là người đứng ra đề xướng xây dựng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Về vấn đề này, sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức (1847 - 1883) chép rằng: “Cầu ở xã Cẩm Phô về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói”. Còn nhà nghiên cứu người Pháp Albert Sallet đã cho biết thêm rằng: “Các truyền thuyết còn kể lại rằng một người Nhật Bản tên là Thanh đã xây dựng cây cầu này trên những cột bằng đá với bộ sườn siêu cấu trúc và một mái bằng ngói”. Rồi cũng có sách viết, từ cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, người Minh Hương (Trung Hoa) ở Hội An đã khởi xướng xây cầu bắc qua nhằm tạo điều kiện để người dân hai con phố Faifo (Nhật Bản) và Ba Tàu (Trung Hoa) thông thương buôn bán.
Sách “Quảng Nam Minh Hương Tam Bảo Vụ” có đề cập sơ về lược sử người Minh Hương ở Hội An. Sách chép lại rằng, vào năm 1644, tình hình Trung Hoa chiến tranh loạn lạc. Nhiều người nhà Minh vì sợ nhà Thanh truy sát nên mới vượt một chặng đường dài đến đất Hội An để xin Chúa Nguyễn Phúc Lan tự nguyện gia nhập quốc tịch Việt Nam và thành lập nên làng Minh Hương tại cảng thị Hội An. Nhưng so với những người Nhật Bản thì người Minh Hương đến muộn hơn cả một thế kỷ nên không thể là chủ nhân của Nhật Kiều được.
Tương truyền việc xây dựng Chùa Cầu là để chế ngự con thuỷ quái. |
Năm 1633, tình hình Nhật Bản có biến động, Nhật hoàng đã ban bố lệnh đóng cửa không quan hệ giao thương với nước ngoài, đồng thời yêu cầu những người Nhật kiều đang sống và buôn bán ở nước ngoài phải hồi hương. Từ đó, phố Nhật Bản bắt đầu rơi vào thời kỳ suy tàn và cầu Nhật Bản được người Việt ở Hội An cai quản. Sau đó vài đó, chúa Nguyễn đã giao Chùa Cầu cho người Minh Hương quản lý và có nhiệm vụ chăm lo sửa chữa cầu.
Đến năm 1653, ngài Trung Lương Hầu Khổng Thiên Như, là một trong mười vị tiền hiền đầu tiên có công khai phá, thành lập làng Minh Hương ở Hội An đã đề xướng lên chúa Nguyễn đề nghị tu sửa cầu, và cho xây dựng thêm ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu ở phía Tây để thờ Bắc Đế Chân Võ Tổ Sư (hay Huyền Thiên Đại Đế) cùng Trừng Hán Cung thờ Quan Công và Minh Hương Phật tự thờ Phật Quan Âm. Sau khi ra đời phức hợp kiến trúc cầu Nhật Bản là chùa Bắc Đế. Ngoài chức năng đi lại, chùa còn là nơi thờ tự tâm linh của những Hoa Kiều, Nhật Kiều và cả người Việt. Từ đó danh xưng cầu Nhật Bản dần bị quên lãng và được thay vào đó bằng tên gọi quen thuộc Chùa Cầu. Đó cũng chính là nguyên nhân mà chùa có tên gọi là Chùa Cầu.
Bên cạnh những tranh luận về niên đại, chủ nhân Chùa Cầu thì trong giới nghiên cứu và dân gian vẫn lưu truyền nhau những truyền thuyết rùng rợn xung quanh ngôi Chùa Cầu linh thiêng này. Ai cũng biết việc xây dựng Chùa Cầu duy chỉ để phục vụ cho nhu cầu đi lại nhưng đằng sau đó còn nhiều lý giải bí ẩn. Sách “Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước”, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng có đề cập vài chi tiết ngắn gọn về vị thế trấn yểm của Chùa Cầu. Theo tương truyền, những người Nhật đầu tiên qua đây sinh sống trên con phố Faifo gần Chùa Cầu thường xuyên nhìn thấy trên mặt sông Hoài hay xuất hiện sống lưng con cù. Họ cho rằng đó là một quái vật giống như con rồng, có hình dáng đầu ở Ấn Độ mà đuôi ở tận vùng đất Phù Tang của xứ sở Nhật Bản. Tục xa xưa người Nhật Bản nhắc đến đây là một con thuỷ quái mà khi nó trở mình hay quẫy đuôi thì mặt đất nước Nhật bị động đất dữ dội, thậm chí có cả núi lửa phun trào, gây đại hoạ. Vì là đất nước thường xuyên xảy ra động đất, núi lửa, sóng thần, người Nhật mới đưa ra những thần tích về nguồn gốc của thiên tai, họ cho rằng, ở phía đông lục địa châu Á có con Thuỷ quái này với kích thước rất dài. Đầu phương bắc Châu Á (giáp Châu Bắc Cực), mình ở bên Nhật Bản, đuôi kéo dài xuống tận Việt Nam. Mỗi lần Thuỷ quái trở mình, cả lục địa châu Á rung chuyển. Với kinh nghiệm của mình, người Nhật khi qua định cư tại Hội An đã cố tìm “thầy phù thuỷ” giỏi về phong thủy để xem thế đất, cắm điểm dựng đền thờ Huyền Thiên đại đế và các vị thần Trấn Vũ Bát đế.
Cũng giống như những lời đồn “ma ám” tại cây cầu này của người Nhật, gia phả của người Minh Hương đến ngụ cư lập làng từ thuở ban sơ cũng chép lại rằng, dưới chân cây cầu này khi xưa mang trong mình những huyền thoại về thần tích hang ổ loài thủy quái tên Cù dữ tợn. Họ cho rằng, loài thủy quái kia thường xuyên ẩn mình dưới đáy bùn nước, khi gặp điều kiện sóng to, gió lớn, nước dâng cao mới tỉnh giấc trở mình quẫy đuôi làm nước sông dâng ngập cả phố cổ gây nhiều thiệt hại cho dân làng. Để yểm trừ, người dân lập hai khu phố đã xây miếu thờ, đắp tượng thần rồi làm rễ rước Huyền Thiên đại đế, Quan Văn Trấn Vũ, các vị thần linh về đây thờ tự nhằm ngăn chặn tai họa mà thuỷ quái gây ra.
Và điều ngẫu nhiên, khi những người Nhật, người Hoa đầu tiên đến sinh sống và buôn bán làm ăn trên vùng đất quanh năm lũ lụt này hiểu rõ điều đó. Họ đã cho dựng lên cầu này, coi như yểm thanh kiếm xuống huyệt lưng con cù, làm nó không cựa quậy, vùng vẫy, quẫy đuôi khi nước lớn, mong trừ tai họa “ập” đến người dân phố Hội.
Cũng có một giai thoại khác được ghi lại, trước khi những thương gia Nhật Bản, Trung Hoa đến cảng thị Hội An buôn bán, thông thương thì chưa có danh xưng Hội An như bây giờ. Khi đó, vùng đất này là địa bàn phân bố của người Chiêm Thành, cảng thị nổi tiếng bây giờ gọi là cảng Đại Chiêm. Và cũng như nhiều dân tộc khác ở vùng Đông Nam Châu Á, người Chiêm Thành có tục thờ sinh thực khí mà cụ thể là “Lingar – Yoni”. Do đó, khi xây dựng Chùa Cầu những chủ nhân vùng đất này dùng để thờ Linh Phù Thủy Khấu. “Linh Phù” có thể bắt nguồn từ chữ linga (sinh thực khí nam giới), còn “Thủy Khấu” dùng chỉ bọn cướp biển. Linh Phù Thủy Khấu là nhằm ám chỉ thủy thần phù hộ người đi biển tránh khỏi những tai ương khi đi biển, thoát khỏi những thuỷ quái. Cách lý giải này cũng có nhiều cơ sở vì người Chiêm Thành từng được biết đến với nghề đi biển giỏi và cũng có gốc gác từ người Đông Nam Á hải đảo trôi dạt sang.
Sự thật có thể thấy, cứ mỗi năm đến mùa mưa, nước sông Hoài dâng cao đã nhấn chìm chùa Cầu. Nhiều người tin rằng, thuỷ quái bị người dân xây một cái cầu bắc qua “yểm bùa” nên rất giận dữ, muốn tìm cơ hội báo thù. Năm nào cũng vậy, Hội An cũng đều chịu chung cảnh lụt lội bì bõm… đe dọa. Có thể thấy, những trận lụt lịch sử mà theo người dân, “thuỷ quái” giận dữ những năm trước đây đã cuốn phăng bức tượng gỗ Huyền Thiên đại đế thờ trong chùa và một tượng khỉ đá. Mãi đến hơn 20 năm sau mới tìm thấy. Khi tìm thấy thì tượng khỉ đá đã mất dạng, hư hỏng hoàn toàn, phải đúc mới lại. Người dân lại truyền tai nhau nghe sở dĩ bức tượng gỗ và tượng khỉ đá mất tích sau tìm lại được nhưng đã bị biến dạng cũng với trong thời gian qua liên tiếp Hội An bị nhấn chìm trong lũ lụt là do bùa ngải “trấn yểm” qua thời gian đã mất linh nghiệm.
Tượng “Thần Hầu” và tượng “Linh Cẩu” bảo hộ dân làng
Chùa Cầu được làm theo kiểu thượng chùa - hạ cầu, có kích thích 3m x 18m. Mái Chùa lợp ngói âm dương, có trụ xây bằng đá, mặt cầu lát ván, hai đầu cầu nối với 7 gian giữa theo hình chữ I. Phía tây cầu đặt 2 tượng khỉ đá, phía đông đặt 2 tượng chó đá, đó là hai con linh vật “độc tôn” chỉ có ở phố cổ Hội An. Đó là lối kết cấu kiến trúc và trang trí nội thất đã chứa đựng dấu ấn của nền văn hóa Phù Tang (Nhật Bản) như: mái ngói mềm mại, uyển chuyển với độ dốc thấp, những cột vuông, nền cầu lát vát hình vòng cung, nhưng “Thần Khỉ” và “Thần Chó” (những con vật người Nhật luôn quý trọng) thờ ở hai đầu cầu.
Hình dáng ban đầu của hai con linh vật. |
Theo nhiều tài liệu khảo cổ học cho hay, tục thờ chó là tín ngưỡng chung ở nhiều dân tộc trên thế giới, nhưng có lẽ phổ biến nhất là ở các quốc gia Đông Nam Châu Á, cụ thể trong những thần thoại vùng Đông Nam Á lục địa. Trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo khi gia nhập vào các quốc gia Đông Nam Á với tên gọi là Hindu giáo thì hai con vật chó và khỉ được đề cập rất nhiều trong Kinh thánh, trong điêu khắc, kiến trúc. Và hiện nay, trên nhiều bệ thờ người Chiêm Thành còn sót lại ở miền Trung Việt Nam đều có mô phỏng hình dáng con khỉ, con chó nhảy múa.
Theo đó, tục thờ chó của cư dân Việt được thể hiện dưới hai dạng thức gọi là linh cẩu. Một là chôn tượng chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ như vị thần bảo hộ trừ tà ma, cầu phúc may. Hai là đặt chó đá trên những bệ thờ như một thần linh để thờ phụng như con kỳ lân. Cùng với đó, trong những chùa chiền vẫn thường thấy con khỉ được chưng tụng. Người dân gọi đây là con “Linh Hầu” hay “Thần Hầu” nhằm trấn giữ xứ đất chống lại những điều xấu xâm hại. Từ đó, khi ngẫm về con “Linh Cẩu” và con “Linh Hầu” được lập miếu thờ “có đôi có cặp” tại Chùa Cầu với ý niệm cầu mọi điều trong cuộc sống sẽ suôn sẻ, may mắn.
Lý giải về tượng thờ chó và khỉ tại Chùa Cầu, nhiều người cho rằng việc cân xứng 2 bên đầu cầu hai con linh vật trên là để ngụ ý về thời gian xây dựng công trình kéo dài 3 năm, bắt đầu động thổ từ năm Thân (con khỉ) và hoàn thành năm Tuất (con chó). Hơn nữa, có người cho rằng việc xây dựng hai bên đầu cầu những con chó và khỉ là một cách chỉ phương hướng trên địa bàn: Thân chỉ hướng “tây nam”; còn Tuất chỉ hướng “tây bắc”.
Trong Tô – tem giáo của người Nhật, họ sùng bái, thờ tự trong nhiều công trình tín ngưỡng từ cổ xưa về hai con linh vật này. Khi đến thăm Chùa Cầu sẽ dễ dàng đọc được thấy những câu chữ đối khá hay về hai con linh vật “trấn yểm” hai đầu Chùa Cầu. Riêng con Linh Cẩu được khắc những dòng chữ Hán: “Thiên cẩu song tinh an cấn thổ, Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân”. Tạm dịch là: Hai sao thiên cẩu trấn an đất cấn Hai tướng tử vi định giữ cung khôn. Cặp Linh Cẩu này ngồi trên một bệ thờ quay mặt nhìn nhau.
Quan sát kỹ có thể dễ phát hiện là một cặp “thanh mai trúc mã” tức một con đực, một con cái cao to bằng chó thật, ngồi khoan thai canh gác, chân trước đứng, hai chân sau ngồi trên bệ như chó sắp nhổm lên, xông ra đương đầu với cái ác để bảo vệ sự an lành của người dân phố Hội. Vì vậy, không riêng gì người dân phố cổ mà mỗi khách thập phương khi “hành hương” về Chùa Cầu đều cố nán lại trước mặt hai linh vật này để thắp hương thành tâm cúng vái cầu bình an gia hộ. Nhiều người có điều kiện còn sắp mâm lễ vật, hoa quả, hương đèn dâng lên hai ngài “Linh Cẩu” và “Linh Hầu”, nhất là vào những ngày Rằm, Lễ Tết. Chất liệu tạc nên những bức tượng trên mới thoạt nhìn cứ ngỡ rằng được làm bằng đá bởi lớp sơn bên ngoài màu xám nhưng thực chất đó là bằng gỗ, mạ màu cho giống tượng chó đá, khỉ đá. Đó chính là sự kỳ bí mà cho đến nay mặc dù đã trải qua ngót 500 năm nhưng những pho tượng gỗ này vẫn ngồi uy nghi, khôn mặt đầy thấn bí và trầm mặc, trường tồn trước sự nghiệt ngã của thời gian. Vẫn biết là vậy, nhưng những câu chuyện huyền bí xung quanh Chùa Cầu và hai tượng “Thần Hầu”, “Linh Cẩu” toạ thiền vẫn tồn tại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ