Khám phá

Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng

Trên hòn đá, người ta có thể nhận thấy hình một vị quan râu dài, mặc áo bào, đầu đội mũ ô, đang cưỡi trên con ngựa có một chân giơ cao. Phía sau vị quan là một người nhỏ nhắn, tay cầm theo một chiếc quạt, đi theo để hầu hạ.

Phát hiện hài cốt trẻ em Italia bị bỏ bùa với hòn đá trong miệng / Dòng chữ cảnh báo tương lai châu Âu trên hòn đá cổ từ 400 năm trước

Sau những cố gắng băng qua cánh rừng rậm rạp, cuối cùng, tôi và ông giáo Hoàng Văn Tiếp cũng tới được khu vực đặt hòn đá bí ẩn. Khẽ vén những đám lá cây mọc đan xuyên vào nhau, ông Tiếp khẽ chỉ tay xuống những hố sâu có miệng rộng khoảng chừng hơn 1m mà bảo rằng đó chính là những chiếc hố do người dân trước đây kéo nhau đi tìm kho báu chôn vàng đã đào khoét sâu xuống lòng đất xung quanh hòn đá tạo thành.

Đi thêm khoảng vài chục bước chân, trước mắt tôi là một hòn đá to nặng đã bị cây cối phủ gần như kín mít, bên dưới của hòn đá là một phiến đá bằng phẳng và hình dáng như một chiếc giường lớn được đặt để làm chỗ dừng chân nghỉ ngơi ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Đúng như những gì ông Tiếp đã kể trước khi tới đây, trải qua bao nhiêu năm, mặc dù bị cây cối, rêu phong bao phủ nhưng bức họa được khắc trên hòn đá vẫn còn khá rõ nét.

Ông Tiếp dẫn PV đến nơi có hòn đá bí ẩn

Ông Tiếp dẫn PV đến nơi có hòn đá bí ẩn

Quan sát kỹ có thể nhận thấy hình ảnh của một vị quan để râu dài, mặc áo bào, đầu đội mũ ô, đang cưỡi trên một con ngựa có một chân giơ cao. Phía sau vị quan là một người nhỏ nhắn, tay cầm theo một chiếc quạt, nhìn giống như một người đi theo để hầu hạ. Bên cạnh bức họa vị quan là một bài thơ chữ Hán được khắc vào nền đá gồm có 32 chữ vẫn còn rất rõ ràng, ở trên đề hai chữ khắc lớn mà theo như lời ông Tiếp đó chính là tên của bài thơ – Vọng Sơn.

Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng

Bức họa vị quan được khắc trên đá

Do bị những người dân đào bới để tìm kho báu nên vùng đất xung quanh nơi đặt hòn đá đã bị sụt lún khiến một phần của hòn đá bị chìm sâu dưới đất. Phải mất rất nhiều công sức, tôi và ông Tiếp mới tìm được ra nơi trước đây đặt tấm bia nhưng đã bị người khác lấy đi mất, giờ còn trơ lại một ô vuông lõm vào trên nền đá. Thấy vài lỗ nhỏ sâu lưu lại gần khu vực bích họa, tôi thắc mắc liền được cho hay: “Đó là vết đạn của bộ đội tập bắn, khoảng những năm 1979, nhiều đơn vị lên đây đóng quân, một số chiến sĩ không có chỗ tập bắn đã chọn chính tảng đá này để làm bia. Tuy nhiên, do nền đá cứng nên chỉ rất ít đạn găm sâu được vào nền đá còn phần lớn đều chỉ va rồi bắn ra ngoài”, ông Tiếp nói.

Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng

Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng

Bài thơ bằng chữ Hán có tiêu đề Vọng Sơn được khắc trên nền đá

Sau khi cẩn thận lấy máy ảnh chụp lại những tư liệu về hòn đá bí ẩn này, ông Tiếp và tôi nhanh chóng ra về, bởi thời tiết miền này thường có những cơn mưa rừng và trời tối rất nhanh. Ra khỏi cánh rừng, khi trở về nhà ông Tiếp, tôi tình cờ gặp được một anh nhà văn có tên Nguyễn Bính sinh sống và làm việc tại Thị xã Cao Bằng. Anh Bính vốn là học trò cũ của ông Tiếp, biết tôi đang băn khoăn về hòn đá kỳ lạ kia, anh Bính đã bảo rằng: “Muốn biết rõ về hòn đá, có lẽ phải đi gặp ông Vương Hùng, ông nguyên là phó giám đốc Sở văn hóa thông tin tỉnh Cao Bằng, có lần tôi nghe nói ông đã từng ra tận nơi chỗ đặt hòn đá, sau đó cũng có một thời gian dài tìm hiểu về gốc tích của hòn đá này”.

Lời nói của anh Bính làm tôi vui sướng tột cùng, theo chân anh tôi tìm đến nhà của ông Vương Hùng. Tiếp chúng tôi là một ông lão năm nay đã 82 tuổi, lúc mới bước chân vào nhà, thấy vợ ông Hùng có nói ông đang ốm, khiến tôi ái ngại vì đã đến không đúng lúc, sợ làm ông mệt mỏi. Ấy thế nhưng, có lẽ cái bệnh của ông sinh ra bởi sự nhàm chán vì suốt ngày quanh quẩn ờ nhà, nên khi thấy tôi hỏi chuyện về hòn đá bí ẩn, đôi mắt ông bỗng sáng rực, khuôn mặt giãn ra cùng nụ cười hết sức mãn nguyện.

Chẳng cần dùng đến sách vở gì, ông Hùng kể một mạch về nguồn gốc của hòn đá: “Theo những gì hồi đó tôi đi thực tế và thu thập tài liệu, nguồn gốc của hòn đá rất có thể là của ông Lê Ngô Cát, một nhân vật lịch sử nổi tiếng sống vào thời vua Tự Đức (1829-1883) tự là Bá Hạnh, hiệu Trung Mại, (quê ở xã Hương Lang, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). Đương thời, ông làm chức Bố Chánh ở Cao Bằng”.

 

Theo ông Vương Hùng, Lê Ngô Cát chính là tác giả đầu tiên của cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca, một cuốn lịch sử bằng thơ. Trong các cuộc tìm kiếm sách cũ ở Bắc Kỳ thời Vua Tự Đức (1847-1883), một người học trò ở Bắc Ninh không rõ họ tên đã dâng nộp một cuốn sách cổ mà nội dung là diễn ca lịch sử dân tộc bằng chữ Nôm. Vua mới chọn một viên quan ở Quốc Sử Quán tên là Lê Ngô Cát biên soạn lại cuốn sách này và cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

So với Đại Việt sử ký toàn thư, pho sử lớn nhất của nước ta, thì Đại Nam quốc sử diễn ca chỉ là một bài vè minh họa cho các sự kiện lịch sử đã được nhắc đến trong pho sử này. Nhưng sự phóng khoáng của trí tưởng tượng và sự lộng lẫy của hình ảnh trong lời văn làm Đại Nam quốc sử diễn ca vẫn có một sự hấp dẫn đặc biệt. Ở đây lịch sử được kể lại một lần nữa qua tài năng và mỹ cảm của người viết, lúc rủ rỉ thiết tha như lời truyền dạy bên đống lửa, lúc ngân nga như câu hát đồng dao. Qua đó Lê Ngô Cát tiếp tục phủ thêm một mầu sắc huyền thoại vào lịch sử chính thống, nhưng đồng thời làm cho các nhân vật và các sự kiện từ thời Đinh - Lê trở về trước trở nên sáng tỏ và sống động.

Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng

Ông Vương Hùng kể về nguồn gốc của hòn đá bí ẩn

Về sự ra đời của hòn đá có bức họa vị quan cùng bài thơ Vọng Sơn, ông Hùng cho biết, mọi chuyện bắt nguồn từ khi vua Tự Đức xem sách của Lê Ngô Cát dâng lên, biết là người có tài, vua cho truyền Lê Ngô Cát tới đối ẩm, ngâm thơ. Với tài văn chương của mình, Lê Ngô Cát đã làm cho vua hết sức hài lòng. Thấy vua quý mến, Lê Ngô Cát nghĩ rằng mình sẽ được giữ lại kinh thành chứ không phải về chốn thâm sơn cùng cốc, heo hút, vắng lặng nữa. Mọi chuyện không được như mong muốn, Lê Ngô Cát sau đó chỉ được vua thưởng cho 2 đồng tiền vàng cùng một tấm lụa, chứ không hề nói đến việc giữ ở lại kinh thành.

Hôm sau, khi một số bạn bè biết Lê Ngô Cát được thưởng, mới hè nhau kéo đến đòi khao, bực mình vì “có tiếng chẳng có miếng” ông mới làm hai câu thơ “Vua khen thằng Cát có tài/ Thưởng cho chiếc khố với 2 đồng tiền”.

 

Vô tình câu thơ vui của Lê Ngô Cát lại lọt đến tai vua, nghĩ Lê Ngô Cát có tính bất kính, vua liền ra chỉ cho Lê Ngô Cát trở về Cao Bằng và mãi mãi làm quan ở chốn hoang vu. Chán nản trở về, Lê Ngô Cát ngày ngày lấy việc đi ngao du sơn thủy làm niềm vui, không còn tha thiết lợi danh chốn quan trường. Bởi vậy, qua sự đối chiếu, bức họa trên đá chính là chân dung của Lê Ngô Cát và bài thơ Vọng Sơn cũng chính là do ông làm. Để làm rõ hơn, ông Vương Hùng đã dịch bài thơ cả nghĩa Hán Việt lẫn ý thơ cho tôi nghe. Bài thơ có tiêu đề là Vọng Sơn gồm 8 câu.

Nghĩa Hán Việt: Bà Hoàng Giang Sơn/ Trung Tá Hùng Anh/ Thạch Phang Tiêu Lạc/ Thủy Kính Trường Thanh/ Thiên Nhiên Cảnh Trí/ Âm đốn Thần Tình/ Vọng Sơn Đáo Thủy/ Ngã Mã Cô Đinh.

Nghĩa dịch: Sông Núi của Bà Hoàng/ Sâu rộng đẹp đẽ/ Hòn đá lăn xuống vỡ ra/Nước như gương sáng trong/ Trời đất thiên nhiên bày ra như một cảnh trí/ Ngắm núi tôi tới đây/ Cùng ngựa và cô Đinh.

Qua lời dịch của bài thơ, có thể nhận thấy Lê Ngô Cát đang ngao du ngắm cảnh thiên nhiên, trong lúc hứng chí đã làm ra bài thơ Vọng Sơn, cho người khắc lên trên đá. Người đi theo sau ngựa chính là một cô a hoàn có tên là “cô Đinh”. Bà “Hoàng” được nhắc đến trong câu thơ đầu được ông Hùng khẳng định đây chính là bà A Nùng, mẹ của thủ lĩnh người Tày Nùng Trí Cao trong thời kỳ chống quân Tống. Khi bà mất, được nhân dân trong vùng lập đền thờ. Thời nhà Lý, đền Bà Hoàng được phong là thượng đẳng thần và hàng năm tổ chức Quốc lễ 2 lần vào mùa xuân và thu.

Nói về việc trước đây nhiều người từng cho rằng có kho báu được chôn xung quanh hòn đá bí ẩn, ông Vương Hùng cho hay: “Về việc kho báu thì tôi cũng không chắc chắn, nhưng đã có người đào được một chiếc chum nhỏ bên trong có nhiều tiền cổ chứ không hề có vàng bạc hay châu báu”.

 

Trước khi chúng tôi ra v, ông Hùng cười và nói rằng “Lâu lắm mới có người để hàn huyên tâm sự về lịch sử, văn hóa, tôi thấy vui lắm. Quả thực, hòn đá kia chứa đựng trong đó cả một kho tàng về văn hóa cũng như giá trị lịch sử của dân tộc về một nhân vật có thật. Hy vọng sẽ được nhiều người quan tâm để có biện pháp bảo tồn, hơn là để cho thời gian bào mòn, tàn phá”.

Theo Kinh Vân/Infonet.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm