Giải mã cái chết bí ẩn của mưu sĩ số 1 dưới trướng Tào Tháo
Từ Hi Thái hậu cả đời sống xa hoa, lúc mất đi cũng rình rang, lãng phí không kém / 3 nhân tài Lưu Bị không biết giữ, để tuột vào tay Tào Tháo, giữ lại được 1 người cũng đã có thể đảm bảo không mất Kinh Châu
Tuân Úc người huyện Dĩnh Âm quận Dĩnh Xuyên. Tuân Úc tuổi trẻ có tài, được tiến cử làm Hiếu liêm rồi được triều đình thu dụng làm quan tại Lạc Dương. Năm 189, Đổng Trác mang quân vào khống chế triều đình, ông rời khỏi Lạc Dương, được làm chức huyện lệnh huyện Khanh Phụ (gần Tế Ninh, Sơn Đông hiện nay).
Chỉ thủ thành vẫn hiến kế giúp Tào Tháo lập nghiệp lớn
Được ít lâu, Tuân Úc bỏ chức vụ về quê ở Dĩnh Âm, sau đó tìm đến đầu quân Viên Thiệu và được thu dụng. Khoảng năm 191, Tuân Úc nhận thấy Viên Thiệu không thể làm nên việc lớn, bèn bỏ Viên Thiệu tìm đến Đông quận (thuộc Duyện châu) theo Tào Tháo.
Tuân Úc lập tức được Tào Tháo trọng dụng, coi ông như Trương Lương giúp Hán Cao Tổ dựng nghiệp trước kia. Ông được Tào Tháo giao cho chuyên lo sự vụ hành chính, đặc biệt khi Tào Tháo mang quân đi chinh chiến thì Tuân Úc lãnh trách nhiệm quản lý hậu phương.
Dưới trướng Tào Tháo, dù không tham gia đánh trận trực tiếp nhưng Tuân Úc lập được nhiều công lớn, được phong tới Vạn Tuế đình hầu. Lịch sử trước đó, chưa từng có ai như Tuân Úc, không lập công ngoài xa trường, chỉ làm Thượng thư lệnh mà lại được phong Tước hầu cả.
Nhưng nếu điểm lại tất cả những kế sách và hàng động của Tuân Úc trong việc giúp Tào Tháo gầy dựng sự nghiệp thì tước Vạn Tuế đình hầu của Úc cũng không phải là cái gì đó quá đáng.
Năm 194, khi Tào Tháo đang bận chiến sự ở Từ Châu, chính Tuân Úc đã giúp Tháo phòng thủ cận mật, giữ vững Yên Thành, Đông A và Phạm Huyện trước sự tấn công của Lã Bố. Đấy là công lớn đầu tiên của Úc được ghi nhận.
Khi triều đình Trường An rối loạn, Lý Thôi – Quách Dĩ trở mặt đánh nhau, Hán Hiến đế tranh thủ đào thoát khỏi Trường An, chạy tới Lạc Dương. Chính Tuân Úc hiến kế cho Tào Tháo ngày đêm tế ngựa gấp rút nghênh đón thiên tử đưa về Hứa Xương, hiệu triệu thiên hạ, để có chính danh đánh dẹp chư hầu. Đây chính là bước ngoặt quan trọng tạo ra nền tảng để tập đoàn Tào Tháo phát triển lớn mạnh sau này.
Năm 200, chiến sự ở Quan Độ giữa Viên Thiệu và Tào Tháo diễn ra ác liệt. Hai bên cầm cự lâu ngày không phân thắng bại, quân Tào ở thế yếu hơn. Tào Tháo sắp hết lương, muốn rút lui về Hứa Xương, bèn viết thư về hỏi ý kiến Tuân Úc. Tuân Úc lấy tích “Hán Cao Tổ - Hạng Vũ giao tranh ở Hồng Cầu” để khuyên Tào Tháo quyết thủ chờ biến.
Quả nhiên sau đó mưu sĩ Viên Thiệu là Hứa Du sang đầu hàng và hiến kế cho Tào Tháo cướp lương của Viên Thiệu ở Ô Sào, khiến đại quân Viên Thiệu tan vỡ. Trận thắng Quan Độ giúp thay đổi cục diện tranh hùng, họ Viên từ đó suy yếu. Tào Tháo từng bước tiến lên phía bắc chinh phục họ Viên, cuối cùng năm 207 tiêu diệt hoàn toàn các con của Viên Thiệu. Trong thời gian đó Tuân Úc giữ vững Hứa Xương không xảy ra biến cố.
Không những thế, Tuân Úc còn tiến cử nhiều nhân tài phục vụ cho Tào Tháo như Trần Quần, Tư Mã Ý, Chung Do. Ông làm việc nghiêm túc, được đánh giá là người có đức hạnh cao vợi, chăm lo chính đạo, không chú ý vẻ bên ngoài, khiêm nhường tôn trọng kẻ sĩ.
Cái chết bí ẩn của Tuân Úc
Khi quyền lực của tập đoàn Tào Tháo tại Hứa Xương đạt đến đỉnh cao, thì giữa Tào Tháo và Tuân Úc dần nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn này xuất phát từ việc Tào Tháo chủ ý xưng hiệu trong khi Tuân Úc, trước sau trung thành với nhà Hán, nhiều năm ông theo đuổi sự nghiệp, giúp Tào Tháo vì thấy Tào Tháo là anh hùng dẹp loạn để giúp nhà Hán, chứ không phải vì cơ nghiệp riêng của Tào Tháo.
Cụ thể, năm 212, Tào Tháo đã làm thừa tướng, tước Vũ Bình hầu nhưng muốn thăng lên tước công, được gia phong Cửu tích và lấy Ký châu làm lãnh thổ riêng của họ Tào để dựng nước riêng trong lãnh thổ nhà Hán. Tào Tháo sai mưu sĩ Đổng Chiêu đi bàn kín việc này với Tuân Úc, vì ông là tham mưu số một của Tào Tháo và địa vị, uy tín lớn trong triều đình nhà Hán.
Tuy nhiên, Tuân Úc không đồng tình. Ông nói với Đổng Chiêu: “Người quân tử lấy đức yêu người, không nên như vậy. Tào công vốn là vì việc giúp triều yên nước mà chiêu tập nghĩa binh, từ trước đến nay giữ lòng trung trinh, giữ bề khiêm tốn. Chúng ta không nên làm trái bản ý của Tào công”.
Theo ý kiến của các sử gia, Đổng Chiêu theo lệnh của Tào Tháo đến thăm dò ý kiến của Tuân Úc về việc này là muốn nhờ ông đứng ra mở đường dư luận cho Tháo tiến phong. Nhưng Tuân Úc lại cố ý không biết rằng đó là bản ý của Tào Tháo mà chỉ là ý của riêng Đổng Chiêu. Ông muốn qua Đổng Chiêu chuyển đến Tào Tháo ý kiến của mình đồng thời ngăn ý định trợ giúp Tào Tháo xưng hiệu của Đổng Chiêu.
Cũng vì sự việc này mà Tào Tháo dù rất bực Tuân Úc nhưng cũng phải tạm hoãn lại việc xưng. Và kể từ đó, Tháo không còn coi Úc là “tay chân” thân tín của mình như xưa nữa. Bằng chứng là Năm 212, trước khi nam chinh đánh Tôn Quyền ở Nhu Tu, Tào Tháo không để Tuân Úc trấn thủ Hứa Xương nữa mà dâng biểu lên Hán Hiến Đế lệnh Úc ra lĩnh quân ở huyện Tiêu.
Trên thực tế động thái này của Tào Tháo nhằm loại bỏ vai trò Thượng thư lệnh từ lâu của Tuân Úc. Tuân Úc lĩnh chức lên đường. Tới Thọ Xuân thì ông ngã bệnh. Sau đó không lâu, Tuân Úc qua đời một cách khá bí ẩn, lúc đó ông 50 tuổi.
Cho tới nay, có hai hướng lý giải về cái chết bí ẩn của Tuân Úc. Sử gia Trần Thọ trong Tam Quốc chí chép Tuân Úc vì quá lo lắng mà chết. Tôn Thịnh trong Ngụy thị xuân thu lại cho rằng: Tào Tháo gửi hộp thức ăn cho Tuân Úc nhưng khi ông mở ra thì trong hộp không có gì; Tuân Úc cho rằng Tào Tháo muốn giết mình bèn tự sát. Tam Quốc diễn Nghĩa của La Quán Trung cũng dùng “thuyết của Tôn Thịnh” để miêu tả về cái chết của Tuân Úc.
Nhưng giới sử gia có nhiều ý kiến cho rằng Trần Thọ có lý bởi việc gửi đồ ăn cho Tuân Úc của Tào Tháo (theo thuyết của Tôn Thịnh) chỉ là lời đồn đại mà không hề có chứng cứ. Điều lo lắng của Tuân Úc dẫn tới cái chết của ông (theo như Trần Thọ) là lo lắng cho tiền đồ của nhà Hán.
Lý giải quan trọng nằm ở sự thất vọng của Úc đối với Tháo. Việc Tào Tháo muốn tự mình xưng hiệu khiến Tuân Úc tổn thương và vỡ mộng. Vì Tào Tháo trong con mắt ông vốn là trung thần nhà Hán, hết lòng trung hưng nhà Hán chứ không phải là kẻ lấy việc giúp nhà Hán làm chiêu bài dần dần cướp ngôi nhà Hán.
Tóm lại, trước sau Tào Tháo không hề có ý định giết một thủ hạ nhân nghĩa và đã gắn bó với mình hàng chục năm như Tuân Úc mà chỉ muốn giảm bớt vị thế của Úc trong triều đình. Tất nhiên, cái chết của Tuân Úc, quả đã giúp Tháo thuận đường trong việc xưng hiệu (Ngụy Công) vào năm 213.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'