Khám phá

Giải mã Lò phản ứng hạt nhân duy nhất Đông Dương

Tôi có cảm giác như lạc vào “Công viên Kiến trúc” đẹp đến nao lòng, chứ không phải đây là Lò phản ứng hạt nhân duy nhất ở VN và Đông Dương.

'Đánh lộn tập thể', đàn sử tử bị trâu rừng lùa chạy 'tóe khói' / Tới nơi mà các loài rắn đi lại hàng đàn tại Việt Nam

Mỗi lần có dịp vào Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tôi đều mang theo máy ảnh để xin chụp mấy kiểu. Bởi, đây là Lò phản ứng duy nhất ở Đông Dương do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế. Ông là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải “Khôi nguyên La Mã” về kiến trúc, thiết kế nên Dinh Độc lập sau này.

Cuối năm vừa rồi, tôi điện thoại hỏi PGS.TS Nguyễn Nhị Điền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt:“Anh đang ở đâu, để tặng sách ảnh Đà Lạt xưa?”. Anh bảo: “Mình đang ở Lò, vào đi”. Tôi liền phóng xe đến Viện, đã thấy trợ lý của anh ra đón ở cổng. Nhưng, tôi vẫn phải trình thẻ Nhà báo với Công an bảo vệ - đó là nguyên tắc.

Ảnh minh họa.

Viện trưởng Điền rất thông minh, điềm đạm, lịch lãm và thân thiện. Anh thuộc “típ” người “trẻ mãi không già”. Quen anh, hơn 20 năm (trong dịp giao lưu bóng bàn), bây giờ trông anh “vẫn thế”. Thỉnh thoảng gặp nhau, nhưng rất thân tình, tôi hỏi: “Viện anh dạo này có gì mới không?”. Anh bảo, tháng 3/2014, Viện sẽ kỷ niệm 30 năm “chạy” Lò an toàn.

Thời gian “trôi” nhanh quá, mới tết Giáp Ngọ đã đến “Tháng ba Tây Nguyên” rồi. Cuối tuần qua, chờ anh đi công tác nước ngoài về, tôi hẹn anh để lấy thông tin. Gặp anh, tôi vào đề ngay:“30 năm hoạt động Lò chắc có nhiều thành tựu?”. Chẳng cần tài liệu, anh nói như “thuộc lòng” bàn tay: “Thành tựu thì rất nhiều, nhưng nổi bật nhất là sau 20 tháng thực hiện dự án khôi phục mở rộng, ngày 20/3/1984, Lò phản ứng (LPƯ) hạt nhân do Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt quản lý chính thức hoạt động, với công suất danh định 500 kW (gấp đôi lò TRIGA trước đây). Từ tháng 2/1985, các chuyên gia Liên Xô về nước, Viện tự vận hành LPƯ với mục đích nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân cho đất nước”.

Tôi tò mò hỏi: “Anh nói chi tiết thêm một chút?”. Anh kể, 30 năm qua LPƯ đã vận hành trên 38.000 giờ an toàn. Viện đã nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ các ngành: y tế, địa chất, dầu khí, điện lực, nông nghiệp, giao thông, sinh học, môi trường... rất hiệu quả.

 

Riêng lĩnh vực y tế, Viện đang cung cấp sản phẩm phóng xạ cho 25 bệnh viện trong nước (chẩn đoán, chữa trị cho hơn 300.000 lượt bệnh nhân/năm). Hiện tại, Viện có gần 200 cán bộ viên chức (trong đó, có 3 Phó Giáo sư, 8 Tiến sỹ, 35 Thạc sỹ, trên 90 Cử nhân và Kỹ sư, 11 cán bộ đang làm Nghiên cứu sinh…).

Gần đây, Viện chuyển đổi thành công nhiên liệu của LPƯ từ độ giàu cao, sang nhiên liệu độ giàu thấp (được quốc tế ca ngợi). Các hướng nghiên cứu, ứng dụng của Viện đã góp phần phát triển KT-XH đất nước, là niềm tin để Viện tham gia vào các dự án hạt nhân mới của Quốc gia.

30 năm qua, Viện được Nhà nước trao tặng 3 Huân chương Lao động (Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2014), nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và tỉnh Lâm Đồng.“Về cơ chế có gì mới không anh?” - tôi hỏi. Anh chậm rãi nói, từ năm 2014 Viện chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (theo Nghị định 115/2005) đảm bảo vẫn ổn định và phát triển. Đây là bước ngoặt, đánh dấu sự trưởng thành của Viện.

Viện đã và đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ quốc tế (đặc biệt với Nga), đáp ứng yêu cầu ngày càng cao thời hội nhập và phát triển đất nước. Viện sẽ tích cực tham gia vào dự án xây dựng Trung tâm Khoa học Công nghệ hạt nhân, với LPƯ mới (công suất gấp 30 lần Lò Đà Lạt hiện nay) và 2 dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

 

“Còn kế hoạch sử dụng LPƯ Đà Lạt tới đây, thưa anh?”, tôi hỏi tiếp. Trầm ngâm một lát anh nói, Viện tiếp tục duy trì vận hành Lò an toàn, hiệu quả tối thiểu đến năm 2023. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, là địa chỉ tin cậy đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân chất lượng cao cho đất nước, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên các Trường Đại học đến thực tập, nghiên cứu. Các ứng dụng, sản xuất đồng vị phóng xạ số lượng lớn sẽ được thực hiện ở Lò phản ứng mới, công suất cao hơn…

Tâm Lò phản ứng.

Rời phòng làm việc của Viện trưởng, tôi như bị “hút hồn” bởi tòa nhà hình trụ bằng bê tông sừng sững, đứng im lìm - đó là LPƯ. Tôi chợt liên tưởng đến “mô hình nguyên tử” thời học phổ thông “hình elíp”.

LPƯ hình trụ chính giữa là “hạt nhân”, các phòng làm việc của Viện hình vòng cung “ôm” lấy LPƯ giống như các điện tử quay xung quanh. Thế mới biết, KTS Ngô Viết Thụ là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải “Khôi nguyên La Mã” về kiến trúc, thiết kế Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) nổi tiếng. Ông là bậc thầy của nền kiến trúc Việt Nam, dùng ngôn ngữ kiến trúc “khắc họa” đặc tính của LPƯ hạt nhân Đà Lạt.

Tôi xin phép anh chụp ảnh Lò và nghĩ rằng, đây là LPƯ độc nhất vô nhị trên thế giới. Tôi có cảm giác như lạc vào “Công viên Kiến trúc” đẹp đến nao lòng, chứ không phải đây là LPƯ hạt nhân duy nhất ở Việt Nam và Đông Dương, tọa lạc trên đồi thông thơ mộng, với nhiều loài hoa quý nở suốt bốn mùa.

 

Là kẻ hay mơ mộng, tôi tin rằng mai đây LPƯ hạt nhân Đà Lạt ngừng hoạt động sẽ là điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Lúc chia tay Viện trưởng Nguyễn Nhị Điền, tôi nói đùa:“Khi nào Lò Đà Lạt ‘nghỉ hưu’, anh cho tôi kinh doanh du lịch nha? Riêng “khoản” chụp ảnh Lò, một ‘cú’ bấm máy thu 20 ngàn, sẽ lời chục tỷ mỗi năm là cái chắc”. Anh cười thật tươi và tếu táo: “Lúc ấy sẽ ‘đấu thầu’ biết đâu mình thắng thì sao”. Chúng tôi chia tay nhau thật thoải mái, vui vẻ. Ra đến cổng Viện, tôi ngoái lại bấm thêm vài kiểu ảnh… minh họa cho bài viết này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm