Khả năng sáng tạo đi kèm với rối loạn nhân cách?
Những người làm công việc mang tính sáng tạo cao như nhạc sỹ, diễn viên hay stylist thường mang tiếng là khó gần nhất. Báo chí thỉnh thoảng lại đưa tin một nghệ sỹ nào đó thể hiện quyền lực bằng các yêu cầu và quy tắc mà họ buộc mọi người tuân theo khi làm việc với mình.
Cũng có không ít ví dụ về những ca sỹ đột nhiên dừng biểu diễn do có chuyện không như ý hoặc để tấn công một khán giả nào đó. Ngoài ra, việc liên tục đổ vỡ hôn nhân, thay tình như thay áo hoặc thói quen xử tệ với người xung quanh của nhiều nghệ sỹ cũng làm tăng nghi vấn rằng, khả năng sáng tạo hay đi kèm với một số đặc điểm của chứng psychopath - loạn thần kinh nhân cách.
Mới đây, mối liên hệ này đã được chứng minh bằng nghiên cứu do Adrianne John Galang - chuyên gia tâm lý tại Đại học De La Salle, Philippines - và cộng sự tiến hành. Họ đã làm 3 cuộc thí nghiệm.
Trong thí nghiệm đầu tiên, các tác giả dùng một bảng hỏi điều tra qua mạng để đánh giá khả năng sáng tạo của 503 người theo một chuỗi câu hỏi được thiết kế riêng nhằm kiểm tra nhóm 3 tính cách xấu: Ái kỷ - tự yêu bản thân, thủ đoạn và loạn thần kinh nhân cách.
Thí nghiệm thứ hai đánh giá một số đặc điểm tính cách chuyên biệt trong chứng loạn thần kinh nhân cách - như tính liều lĩnh, keo kiệt và mất khả năng tiết chế cảm xúc - trên 250 sinh viên đại học.
Trong thí nghiệm thứ ba, 93 sinh viên được yêu cầu thực hiện một loạt nhiệm vụ theo hướng suy nghĩ khác nhau hoặc có tính chất cờ bạc, trong khi các nhà khoa học đo độ dẫn điện trên da họ.
“Xấu tính” nhưng cần cho xã hội
Kết quả quan trọng nhất rút ra từ nghiên cứu trên là những người có xu hướng sáng tạo nhiều hơn cũng có nhiều dấu hiệu liên quan đến chứng psychopath hơn, đặc biệt là tính liều lĩnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tính sáng tạo lại đi kèm với các đặc điểm tâm lý vì lợi ích của xã hội chứ không phải là các đặc điểm chống đối xã hội như độc ác hay keo kiệt. Điều này nghĩa là xã hội vẫn có nhiều vị trí cần những người này, nhưng do tính lập dị của mình, họ sẽ gặp nhiều khó khăn để đồng cảm với người khác.
Theo ông Galang, người sáng tạo có thể cần những tính cách đặc biệt để nuôi dưỡng tài năng. Tính lập dị có thể giúp họ đưa ra lựa chọn hay nhất, thường dẫn đến sáng tạo nghệ thuật hay chất lượng công việc tốt nhất. Nói cách khác, các đặc điểm tính cách này tồn tại song song một cách có ý nghĩa với chính khả năng sáng tạo.
Tuy nhiên, cũng có nhiều rối loạn tâm lý khác liên quan đến năng lực sáng tạo, như bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực giữa hưng cảm và trầm cảm, bệnh tự kỷ.
Theo các tác giả, nếu kết quả nghiên cứu chứng tỏ được giá trị, hướng đầu tư tiếp theo có thể là nuôi dưỡng các đặc điểm tính cách liều lĩnh, tìm cách giảm nhẹ các tính cách có hại như mất kiểm soát cảm xúc. Đây sẽ là chìa khóa để thúc đẩy khả năng sáng tạo cả trong lĩnh vực giáo dục cũng như các hoạt động nghề nghiệp.
“Những kẻ lừa đảo, trộm cắp là nhân vật điển hình đi trên ranh giới giữa người tốt và kẻ xấu. Một nhân vật lừa đảo nào đó đóng vai anh hùng hay một kẻ côn đồ như Loki (ác thần trong thần thoại Bắc Âu, nhân vật phản diện trong phim “Thor”) cũng đều khiến khán giả bị thu hút nhờ khả năng giải quyết khó khăn bằng trí thông minh và luôn có những hành động lừa bịp rất tự nhiên” - Galang nói.
Các tác giả cho rằng, dù muốn hay không, cái giá phải trả để nhân loại có khả năng khám phá thế giới tốt hơn là tôn trọng những kẻ lừa đảo nhiều hơn.
Người mắc chứng Psychopath có sức hấp dẫn bề ngoài, ý niệm về giá trị bản thân đến mức phô trương, nhu cầu kích thích và bốc đồng, nói dối có tính bệnh lý, khả năng lợi dụng người khác, thiếu cảm thông, thiếu đồng cảm. Người bình thường dễ bị hấp dẫn bởi người mắc chứng psychopath nhưng không lý giải được sức hút đó. Người psychopath có khả năng lợi dụng người khác một cách đáng kinh ngạc và thỉnh thoảng cảm thấy rất vui vì điều đó. Các chuyên gia tin rằng bất kỳ ai cũng có thể mắc lỡm chỉ sau một lần tiếp xúc rất ngắn với người mắc rối loạn này.
|