Khám phá

Giai thoại 'cha vợ vua Minh Mạng bị chém' và chuyện voi 9 ngà

Nhiều học giả gần đây thể hiện xu hướng muốn đòi lại công bằng cho Minh Mạng và cả Lê Văn Duyệt. Theo đó, không có chuyện Lê Văn Duyệt tự ý chém 'cha vợ' Minh Mạng mà cả Minh Mạng và Lê Văn Duyệt đều đồng lòng trừ tham nhũng.

Ý nghĩa các giai thoại thể hiện thái độ của người dân nhưng đó không phải sử liệu để làm bằng chứng thể hiện sự tồn tại của nhân vật Huệ phi. Điều này cũng giống như khi đọc về truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh thì chúng ta thấy được ý nghĩa về cuộc chiến chống lũ lụt của ông cha ta chứ chúng ta không thể nào tin là có voi 9 ngà được.

Giai thoại kiểu Lê công kỳ án tả Lê Văn Duyệt không sợ cường quyền đã đi vào tâm khảm người dân. Việc Tả quân chém Hoàng Công Lý bất chấp thân phận kẻ tham nhũng ở đất Gia Định là cha vợ trên sân khấu ấn tượng mạnh đến mức nhiều người nghĩ là thật. Vì thế, không ai còn nhớ tới giai thoại đời đầu do Trương Vĩnh Ký kể rằng Tả Quân chém Hoàng Công Lý vì trêu ghẹo thê thiếp của Lê Văn Duyệt.

Voi 9 ngà trong truyền thuyết. Ảnh: Internet.

Tuy giai thoại kiểu Lê Công kỳ án mang lại công bằng cho Lê Văn Duyệt nhưng lại đẩy Minh Mạng vào thế kẹt, trở thành vị vua thiếu công minh, có ý bao che cho người thân của vợ phạm tội tham nhũng và bị mang tiếng là kẻ thù vặt khi trả thù Lê Văn Duyệt sau này. Nhiều học giả trong các công trình nghiên cứu và cả các bài viết trong các hội thảo lịch sử gần đây thể hiện xu hướng muốn đòi lại công bằng cho Minh Mạng và cả Lê Văn Duyệt dựa trên các tài liệu lịch sử. Theo đó, không có chuyện Lê Văn Duyệt tự ý chém "cha vợ" Minh Mạng mà cả Minh Mạng và Lê Văn Duyệt đều đồng lòng trừ tham nhũng. Các phân tích mới này cứu Minh Mạng khỏi mang tiếng là vị vua bao che, thù vặt trong vụ án Hoàng Công Lý.

Có thể nói so với giai thoại thời đầu hay kiểu

Lê công kỳ án thì các phân tích mới nhất có bước tiến hóa vượt bậc khi bám sát rất gần ghi chép trong chính sử nhưng vẫn còn sót "cái đuôi" chưa chịu rụng là chi tiết Hoàng Công Lý là cha vợ Minh Mạng. Khi đề cập chuyện Hoàng Công Lý là cha vợ vua Minh Mạng thì hầu như các nghiên cứu lại dựa vào chính giai thoại được chép bởi Trương Vĩnh Ký hay Vương Hồng Sển chứ không có bằng chứng lịch sử đáng tin cậy nào khác. Chính chi tiết này khiến các phân tích mới về vụ cha vợ Minh Mạng bị Tả quân chém trở nên mâu thuẫn.

Nếu vua Minh Mạng thực sự "quân pháp bất vị thân" khi chém cha vợ thì chắc chắn sử nhà Nguyễn phải ghi lại chi tiết này để thể hiện gương sáng của quân vương. Trong thực tế, Đại Nam thực lục hay Minh Mạng chính yếu đều không mô tả mối quan hệ này. Trong quá trình đăng các bài về chủ đề này, cũng có độc giả tin theo thuyết âm mưu rằng chính sử bị "đục" nên Huệ phi mất dấu tích. Tuy nhiên, suy luận thế không hợp logic vì hành động dám bỏ vợ yêu vì có người nhà tham nhũng được nhìn nhận như điểm son của một ông vua thì chẳng việc gì phải đục bỏ.

Như vậy, khi điểm qua tất cả các giai thoại từ khi được Trương Vĩnh Ký chép, được dựng thành kịch rồi các phân tích mổ xẻ gần đây thì cái sau đá cái trước. Đặc biệt là trong bản thân mỗi giai thoại thì chi tiết Hoàng Công Lý là cha vợ Minh Mạng đều bộc lộ mâu thuẫn không thể lý giải nổi. Ngược lại, các chính sử từ Đại nam thực lục, Đại nam liệt truyện cho đến Thế phả nhà Nguyễn và cả Khâm định Đại nam hội sự điển lệ đều thống nhất trong việc không ghi nhận ai là vợ của Minh mạng mang họ Hoàng hay ai là Huệ phi cả. Từ việc dựa vào chính sử và cân nhắc tính hợp lý trong các giai thoại thì có căn cứ để khẳng định: Không có chuyện Lê Văn Duyệt chém cha vợ Minh Mạng mà chỉ có chuyện viên tham quan Hoàng Công Lý bị xử tử mà thôi.

Thực ra, người viết bài này không giáo điều đến mức tôn sùng chính sử, hạ thấp dã sử một cách mù quáng. Phương pháp phân tích vấn đề trong mục Bàn tròn lịch sử từ trước đến giờ vẫn là xem cả xét chính sử và dã sử để tiếp cận đến sự thật một cách hợp lý nhất. Các bài viết trước đây trên báo Một Thế Giới đã nhiều lần phân tích sự phi lý trong chính sử như các bài "Cha của Hưng Đạo vương với án oan hãm hiếp cung nữ do Trần Thủ Độ dựng? (xem tại đây)" hay "Cần minh oan cho con trai Hưng Đạo vương bị vu tội phản nghịch" (xem tại đây).

Thậm chí, bài "Trần Khánh Dư bị mang tiếng oan là tham quan? (xem tại đây)" cũng từng có đoạn khẳng định: "Trong nghiên cứu, chính sử thường được tin cậy hơn nhưng không phải lúc nào cũng đúng vì có thể trong bối cảnh nhất định và chịu sự thiên kiến nào đó mà sử gia có cách nhìn nhận hẹp hòi. Còn dã sử là do nhân dân viết, tuy không phải luôn chính xác hay toát lên vẻ hàn lâm nhưng thái độ của nhân dân thì luôn công bằng".

Với những chính sử được ghi chép từ thời Lý - Trần thì báo điện tử Một Thế Giới sẵn sàng phân tích những điểm bất hợp lý. Thời điểm đó, sử liệu còn giữ lại được khá ít ỏi do bị giặc Minh đốt phá và các sử gia thời Lê viết lại nhiều khi ghi cả giai thoại vào chính sử. Việc "sử hóa" các giai thoại rất nguy hiểm vì đó là cách đánh tráo sự việc giống như chuyện giai thoại Hoàng Công Lý là cha vợ Minh Mạng gần như đã biến thành "sử hiển nhiên". Còn sử triều Nguyễn được chép chỉ trong vòng 2 thế kỷ gần đây với sự chi tiết cao, khối lượng sử liệu nhiều hơn hẳn các bộ sử chép thời kỳ trước và đáng tin cậy hơn rất nhiều. Và một lần nữa khẳng định các sử gia nhà Nguyễn không có động cơ gì mà phải gạt bỏ không chép sự tồn tại của Huệ Phi, chẳng qua là vì không có nên không được chép mà thôi.

Còn các giai thoại dân gian về vụ Lê Văn Duyệt chém Hoàng Công Lý là cha vợ của Minh Mạng cũng thể hiện thái độ rất công bằng của người dân. Giai thoại thời Trương Vĩnh Ký chép đã thể hiện thái độ bất mãn của người dân với sự ngang ngược của Hoàng Công Lý nên họ gán cho viên quan này cả cái tội trêu ghẹo đàn bà, đến vợ của Lê Văn Duyệt cũng không tha. Giai thoại kiểu Lê công kỳ án thì lại thể hiện thái độ tôn trọng của người dân đối với vị thanh quan Lê Văn Duyệt và phần nào muốn giải tiếng oan của ông trong vụ bị Minh Mạng cho san ủi cả mộ, truy vô số tội...

Ý nghĩa các giai thoại thể hiện thái độ của người dân nhưng đó không phải sử liệu để làm bằng chứng thể hiện sự tồn tại của nhân vật Huệ phi. Điều này cũng giống như khi đọc về truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh thì chúng ta thấy được ý nghĩa về cuộc chiến chống lũ lụt của ông cha ta chứ chúng ta không thể nào tin là có voi 9 ngà được. Chi tiết voi 9 ngà chỉ là tạo thêm cho hấp dẫn mà thôi.

Có độc giả cho rằng người viết chưa tìm hết đủ giai thoại dân gian thì không chứng minh được việc "Huệ phi không tồn tại". Chất vấn này không phù hợp logic lắm vì với một thứ tranh cãi về sự tồn tại hay không tồn tại thì người ta phải đi chứng minh nó tồn tại chứ không phải là bắt đi chứng minh nó không tồn tại.

Lấy ví dụ về chuyện Voi 9 ngà trong Sơn Tinh - Thủy Tinh thì chỉ có thể từ các bằng chứng khảo cổ và phân tích sinh học để khẳng định không tồn tại Voi 9 ngà trên đời. Còn với những ai tin rằng Voi 9 ngà trong truyền thuyết có tồn tại thì họ cần đi chứng minh.

Xét trong chừng mực nào đó, nhân vật Huệ Phi cũng giống như Voi 9 ngà mà thôi. Dựa trên chính sử và phân tích một cách khoa học của các giai thoại là đủ để chúng ta khẳng định không tồn tại nhân vật Huệ Phi. Còn các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích hay bất kỳ ai tin rằng Huệ Phi có tồn tại như trong các giai thoại thì họ cần phải đi tìm bằng chứng đáng tin cậy để khẳng định sự tồn tại đó...

Việc phủ định sự tồn tại của nhân vật Huệ Phi sẽ giúp lịch sử được trả lại đúng sự thật. Minh Mạng chỉ hạ lệnh xử tử viên tham quan Hoàng Công Lý vốn là sủng thần thời Gia Long chứ đừng 'đóng mác' cho ông là xử tử cha vợ, hay để bụng với Lê Văn Duyệt trong vụ án Hoàng Công Lý.

Theo Anh Tú/Một thế giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo