Diệp Vấn và Lý Tiểu Long, thầy là nhất đại tông sư còn trò là siêu sao võ thuật. Trong quan hệ giữa hai nhân vật này có rất nhiều giai thoại.
Bái sư vì đánh lộn bị thua
Theo baike.baidu, Lý Tiểu Long sinh ra ở Mỹ nhưng tuổi thơ và thiếu niên thì lớn lên ở Hồng Kông. Lúc nhỏ, Lý Tiểu Long thể trạng rất yếu đuối nên cha ông mới dạy cho ông Thái Cực Quyền để cường kiện thân thể. Mặt khác tính tình Lý Tiểu Long vốn ưa thích mạo hiểm và thử các thứ mới lạ, bởi thế Lý Tiểu Long rất mê các môn võ thuật. Ngoài Thái Cực Quyền, ông còn học qua Vịnh Xuân, Hồng Quyền, Thiếu Lâm... Tuy thế, căn bản võ thuật hàng đầu để Lý Tiểu Long trở thành siêu sao võ thuật lại chính là Vịnh Xuân do sư phụ Diệp Vấn chỉ dạy.
Người ta kể rằng số là Lý Tiểu Long quen với Trương Trác Khánh (William Cheung) và thấy võ thuật của Trương rất hay, khi giao đấu, động tác rất nhanh gọn hiệu quả nhờ học Vịnh Xuân. Trương cũng từng khuyên Lý đi bái Diệp Vấn sư phụ làm thầy để học Vịnh Xuân Quyền nhưng Tiểu Long chưa học.
Cho đến một ngày, Tiểu Long đánh lộn trên phố thất lợi nên đã quyết định đi học Vịnh Xuân Quyền. Trong quá trình dạy Lý Tiểu Long, Diệp Vấn cũng không phản đối việc Lý tiếp tục luyện Thái Cực, cũng như không phản đối việc Lý giao đấu với đệ tử các phái khác. Không những thế Diệp sư phụ còn chú trọng huấn luyện thực chiến cho đệ tử bởi vì ông biết rằng một môn võ muốn tồn tại thì phải dựa vào thực lực. Người luyện võ chỉ có trong thực chiến mới có thể không ngừng hoàn thiện và nâng cao khả năng.
Mặt khác, theo võ sư Diệp Chuẩn (con trai Diệp Vấn), trong một bài báo đăng ở Hồng Kông cũng kể rằng cha ông thấy Tiểu Long tiếp thu nhanh lại chịu khó nên đã dành cho Tiểu Long những sự ưu ái trong dạy dỗ. Ngoài Diệp Vấn, Tiểu Long cũng thường được luyện tập với sư huynh Hoàng Thuần Lương – một người được đánh giá là rất ưa thích thực chiến. Nhờ vậy trong 6 năm, Lý Tiểu Long đã tiến bộ rất nhanh, dù tuổi còn trẻ nhưng võ thuật đã rất cao.
Sự bất đồng của hai thầy trò
Phải khẳng định rằng Lý Tiểu Long là học trò nổi tiếng nhất của Diệp Vấn. Tuy nhiên điều ít người biết là giữa hai thầy trò về sau này lại nảy sinh bất đồng đến nỗi Diệp Vấn không còn muốn người khác nhắc đến tên Tiểu Long trước mặt mình nữa.
Câu chuyện về sự bất đồng này được võ sư Diệp Chuẩn kể lại trong một bài viết mà hiện nay được đăng trên một số website của các chi nhánh Vịnh Xuân quyền. Theo bài viết: Trước khi Lý Tiểu Long sang Mỹ, Diệp Vấn đã dặn rằng võ thuật Trung Quốc là một trong những nghệ thuật tinh vi của người Trung Quốc nên đừng dễ dàng dạy cho người nước ngoài. Đây là một quan niệm phổ biến ở các vị võ sư lớn tuổi thời đó và Lý Tiểu Long đã hứa. Nhưng rất nhanh sau khi đến Mỹ, Tiểu Long đã mở võ đường dạy môn sinh nước ngoài kỹ thuật Vịnh Xuân trong sự ngạc nhiên và thất vọng của Diệp Vấn.
Mùa hè năm 1965, Lý Tiểu Long trở lại Hồng Kông du lịch. Ông đã trở lại võ quán thăm Diệp sư phụ và đặt vấn đề muốn học nốt bài cuối cùng của kỹ thuật Vịnh Xuân là mộc nhân. Đó là bài học mà ông chưa kịp học trong quãng thời gian trước khi đi Mỹ. Tiểu Long cũng muốn quay video cảnh Diệp Vấn tập bài Tiểu Niệm Đầu để làm tài liệu giảng dạy khi về Mỹ. Đổi lại, Lý Tiểu Long đề nghị mua cho sư phụ một căn nhà lớn.
Nhưng lời đề nghị có phần thực dụng của Tiểu Long khiến sư phụ tổn thương và ông đã từ chối. Diệp Vấn nói: “Tôi không thể đồng ý điều đó vì lý do thứ nhất là cậu không phải học trò duy nhất của tôi. Thứ hai, tôi chưa bao giờ đồng ý một yêu cầu nào của bất kỳ một học trò nào tương tự như vậy. Nếu tôi đồng ý với cậu, tôi sẽ phải ăn nói ra sao với các học trò khác?”.
Lý Tiểu Long quay sang nhờ Diệp Chuẩn giúp đỡ nhưng Diệp Chuẩn nói: “Quả thật chúng tôi đã sống khó khăn từ ngày mới sang Hồng Kông hơn 10 năm về trước. Chúng tôi thậm chí vẫn còn đi ở trọ chưa có nhà riêng. Lời đề nghị về một căn nhà mới có thể giúp chúng tôi bớt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bậc nam tử có nhiều thứ quý báu hơn là sự thoải mái về đời sống vật chất. Bên cạnh đó, cha tôi có cá tính rất mạnh và ý chí kiên định. Điều này cả tôi và cậu đều biết. Nếu ông đã từ chối cậu, tôi không thể thuyết phục ông thay đổi quyết định được”.
Cuối cùng Tiểu Long quay trở về Mỹ với tâm trạng buồn chán. Ông không luyện Vịnh Xuân nữa bởi vì biết rằng không bao giờ có thể trở thành người số 1 trong Vịnh Xuân. Để thành công trong sự nghiệp của mình, ông đã tổng hợp các võ thuật học được thành môn Triệt Quyền Đạo.
Cũng theo Diệp Chuẩn, sau khi Lý Tiểu Long trở nên nổi tiếng trên màn ảnh và phát biểu những lý thuyết về môn Triệt Quyền Đạo của mình trên sách báo thì Diệp Vấn không bao giờ nhắc đến Tiểu Long nữa. Thậm chí Diệp Vấn không thích người khác nói về Tiểu Long trước mặt mình.
Đối với câu chuyện này, hiện nay trên từ điển baike.baidu cũng viết rằng Diệp Vấn trả lời Tiểu Long rằng võ thuật không phải thương mại. Nếu gặp người xứng đáng, Diệp Vấn sẽ đem hết tâm sức ra truyền thụ mà không đòi hỏi báo đáp.
Đoán tướng đoản mệnh
Năm 1954, Lý Tiểu Long đến võ quán ở đường Lợi Đạt bái Diệp Vấn làm sư phụ để học võ. Lúc đó Diệp Vấn đã từng nhìn Tiểu Long và đoán rằng tướng đoản mệnh. Nguyên là chân Lý Tiểu Long có một tật nhỏ là đi không chạm hết gót nhưng người bình thường không để ý thì không thể biết được. Duy có Diệp Vấn với con mắt tinh tường đã sớm nhìn ra và cười bảo Lý Tiểu Long: “Chân đi gót không chạm đất chính là tướng đoản mệnh”.
Lý Tiểu Long bẩm sinh chân đi gót đã không chạm đất, ngoài ra khi ngồi xổm ông cũng không thể đặt cả bàn chân xuống mặt đất. Điều này cả Diệp Vấn và các sư huynh đệ đồng môn của Tiểu Long đều biết.
Mấy năm sau đó, trong dịp về Hồng Kông, một lần Tiểu Long và các sư huynh đệ đi ăn tối, ông đã cố ý nói với Diệp sư phụ rằng “sư phụ có tin không, bây giờ con có thể ngồi xổm xuống”. Diệp Vấn mỉm cười không nói vì biết rằng Tiểu Long đã khổ luyện để khắc phục khuyết điểm này.
Sau này, vào ngày 20/7/1973, Lý Tiểu Long đột nhiên qua đời mà không ốm đau bệnh tật, hưởng thọ chỉ 33 tuổi đã khiến câu chuyện giai thoại nói trên càng được lan truyền.
Theo Nam Khánh/Kiến thức