Hai mỹ nhân từ chối ngôi hoàng hậu trong lịch sử Việt Nam là ai?
Bí ẩn ' rùng mình' đằng sau hậu cung của Tần Thủy Hoàng / Hoàng hậu "phóng túng", công khai quyến rũ bạn chồng
Hỏi: Hai mỹ nhân từ chối ngôi vị hoàng hậu trong lịch sử Việt Nam là ai?
Đáp:
Câu chuyện này chứng minh một điều: Dù có là hoàng đế, quyền lực đầy mình nhưng trái tim người đẹp cũng khó mà có được.
1. Phạm Thị Toàn từ chối Lý Nam Đế
Vào thời đất nước ta còn bị quân Lương đô hộ, có ông Phạm Lương vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi cô con gái là Phạm Thị Toàn lớn khôn.
Là người có chí khí, ông luôn nhắc nhở con gái về nỗi đau là người dân mất nước. Ông cho con gái của mình học võ nghệ và cách bày quân đánh trận.
Phạm Lương bán dần gia tài, để có tiền của chiêu mộ binh mã chống quân Lương. Năm 541 khi hào trưởng Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa đánh quân Lương, Phạm Lương liền đem nghĩa quân của mình gia nhập cùng.
Thanh thế nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, Phạm Thị Toàn tuy phận nữ nhi nhưng luôn dẫn đầu ba quân, dũng cảm xông pha giữa làn tên đạn, không quản nguy hiểm gian khổ khiến ba quân đều nể phục.
Năm 542 quân Lương tiến sang xâm lược nước ta một lần nữa, nữ tướng Phạm Thị Toàn tiến quân ra Bắc dẹp tan quân giặc. Năm 543, Phạm Thị Toàn lại tiến quân xuống phương nam dẹp tan quân Lâm Ấp.
Mùa xuân năm 544 đất nước bình yên, Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế, tự xưng là Lý Nam Đế, đổi tên nước là Vạn Xuân với mong muốn đất nước sống mãi trong mùa xuân hòa bình.
Lúc này Lý Bí nhớ đến người con gái luôn dẫn đầu ba quân xông pha nơi trận mạc, ngỏ ý muốn đưa Phạm Thị Toàn vào cung, nhưng nàng đã khéo từ chối:
“Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn.
Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ”.
Biết khó lay chuyển được nàng, lại cũng không dám cưỡng ép nên Lý Bí đã chấp thuận lời thỉnh cầu này. Từ đó Phạm Thị Toàn về quê tịnh tu cho đến lúc mất, người dân lập đền thờ phong bà là Thành Hoàng.
2. Hoa Nương tự vẫn quyết không nhập cung
Tại trang An Lạc, đất Quảng An thuộc Ái châu (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) có vợ chồng ông Nguyễn Nhân và bà Hoàng Thị, ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, ham làm việc thiện.
Hai vợ chồng hàng ngày cày cấy, cuộc sống dù khó khăn nhưng hai vợ chồng luôn vui vẻ hạnh phúc, chỉ hiềm nỗi mãi vẫn chưa có con.
Một lần vào mùa hè nắng chang chang, bà Hoàng Thị ngồi hóng mát ở một gò nhỏ trong làng. Cái gò này có hình con rùa nên gọi là gò Kim Quy, ngồi một lát bà thấy người bàng hoàng và đau bụng, rồi bà có thai.
Đúng vào giờ ngọ bà sinh được một người con gái, tương truyền lúc bấy giờ hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp nhà, ai ai cũng cho đó là điềm lạ, phúc lành. Hai vợ chồng đặt tên là Hoa Nương và nuôi nấng rất chu đáo.
Hoa Nương càng lớn càng xinh đẹp, tóc dài đen nhánh, mắt phượng mày ngài, môi đỏ như son, miệng cười tươi như hoa chúm chím nở.
Dân làng ai cũng yêu quý nàng, nhớ đến chuyện lạ về mùi hương thơm khi Hoa Nương sinh ra, họ đồn rằng có lẽ cô là một nàng tiên nữ giáng xuống trần gian.
Chuyện kể rằng vào năm Hoa Nương tròn 16 tuổi, một hôm vào giữa trưa nắng gắt, khi cô gái đang thả trâu ăn cỏ ở bãi ven sông thì bỗng đâu xuất hiện một người đàn ông mặc quan phục tiến đến nói rằng:
“Ta với nàng có nhân duyên tiền định, chẳng bao lâu sẽ được gặp nhau”. Nói xong thì người đó biến mất, Hoa Nương cho là điềm quái gở, lấy làm lo sợ bèn về kể lại cho cha mẹ biết rồi làm lễ cúng giải hạn.
Khi Hoa Nương 18 tuổi, nhan sắc lộng lẫy như hoa bung nở, nhiều chàng trai đến cầu hôn nhưng nàng chưa ưng ai cả.
Vẻ đẹp của Hoa Nương vượt ra khỏi vùng có quê của nàng lan đến tận kinh thành. Vua Đinh Tiên Hoàng lúc đó dù đã có đầy đủ cung tần mỹ nữ, nhưng vẫn mang lễ vật mời ông Nguyễn Nhân về triều, ngỏ ý muốn Hoa Vương làm vương phi.
Được hoàng đế để mắt đến, khác nào nhận được vinh dự lớn lao, vợ chồng ông Nguyễn Nhân mừng rỡ trở lại quê nhà thuyết phục, rồi cố gò ép nhưng Hoa Nương nhất quyết từ chối.
Hoa Nương nói rằng:
“Con quen vui sống cảnh thôn quê, khó mà chịu được những gò bó, lễ nghi trong cung đình; sống như thế khác nào cảnh chim lồng.
Con nguyện ở vậy để chăm sóc, phụng dưỡng song thân cho đến tuổi trời, chứ không vì phú quý mà đem thân mình vào chốn nhung lụa lắm thị phi”.
Không thuyết phục được con, vợ chồng Nguyễn Nhân đành viết thư về triều xin nhận tội, nhà vua có lẽ hiểu được tâm sự của cô gái nên không nhắc đến chuyện đó nữa.
Hoa Nương sợ rằng mình không vào triều thì vua sẽ trách tội lên cha mẹ, nên quyết định tìm đến cái chết để giải quyết nỗi khó xử này.
Một đêm nàng ra sau nhà ngửa mặt than trời rồi tự vẫn; sáng hôm sau cha mẹ và hàng xóm đi tìm thì thấy Hoa Nương vẫn ngồi như lúc còn sống.
Mọi người ai cũng lấy làm xót thương, liền đưa thi hài cô gái hồng nhan mà mệnh bạc về táng trên gò đất Mộc Tinh ở làng.
Đúng ba tháng sau, dân làng thường nghe văng vẳng tiếng Hoa Nương ca hát, vui cười trên không, biết là nàng hiển linh, mọi người mới bàn nhau lập miếu thờ phụng gọi là miếu bà Chúa tối linh.
Đến thời Lê Hoàn thay triều Đinh trị nước, một lần vua đích thân cầm quân đi đánh giặc quấy nhiễu biên cương phương Nam có qua miếu bà Chúa, bèn sắm hương hoa, làm lễ cầu khấn thần âm phù tế độ cho quan quân thắng trận.
Sau đó quân đi đến đâu, giặc tan vỡ đến đó, cho là được bà Chúa phù hộ, trên đường trở về Hoa Lư, vua Lê Hoàn đã cho lập đàn tạ lễ, lại ban tiền bạc để tu sửa miếu và sắc phong bà chúa Hoa Nương mỹ hiệu là:
“Hiển tế Anh linh Tiên thiên Thánh nữ Hiển ứng Thượng đẳng tối linh Công chúa”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo