Khám phá

Hang Dơi Mộc Châu - “Tây Thiên đệ nhất động” vùng Tây Bắc

Hang Dơi còn được mệnh danh là “Tây Thiên đệ nhất động” - được coi là hang động đẹp nhất của tỉnh Sơn La nói riêng và miền Tây Bắc nói chung.

Trải nghiệm tuyến tham quan thành cổ quân sự duy nhất ở miền Trung / Trải nghiệm tại khu sinh thái nước nóng vùng cao Yên Bái

Hang Dơi nằm trong dãy núi đá phía đông bắc thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, kế bên trục quốc lộ 6. Đây là một danh lam thắng cảnh tự nhiên, di chỉ khảo cổ và cũng là di tích lịch sử kháng chiến. Ảnh: Phía ngoài Hang Dơi (hang chính), thiên nhiên khéo léo sắp đặt một hang động nhỏ hơn, có tên là Động Trình.
Hang Dơi, còn có tên khác do đồng bào người Thái gọi, là hang Sa Lai (nghĩa là Hang Nước, do có nguồn nước ngầm trong lành từ trong dãy núi này chảy quanh năm không bao giờ cạn) có diện tích khoảng 6915m2, được hình thành do quá trình xâm thực cách đây hàng ngàn năm. Tên Hang Dơi xuất phát từ việc nơi đây có rất nhiều dơi sinh sống; hiện nay dù không nhiều nhưng vẫn còn những đàn dơi trú ngụ. Ảnh: Lối vào Hang Dơi được ví như miệng của con rồng.
Hang Dơi được thiên nhiên kiến tạo thành ba phần chính, được người dân nơi đây mô phỏng và ví như một con rồng với đầu rồng, thân rồng và đuôi rồng. Trong hang là những không gian kỳ diệu với vô số những điêu khắc tuyệt mỹ của của tạo hoá. Ảnh: Khối đá nằm giữa cửa hang được gọi là ”lưỡi rồng”.
Những khối nhũ đá đủ mọi hình dáng gợi nhiều sự liên tưởng đến những hình thù, sự vật và được người dân nơi đây gắn với nhiều câu chuyện truyền thuyết đầy tính nhân văn. Tại Hang Dơi, các nhà khảo cổ đã phát hiện được những di chỉ, tầng văn hoá dày 0,5m, với nhiều hiện vật minh chứng cho sự xuất hiện và cuộc sống của người Việt cổ cách đây hàng ngàn năm. Ảnh: “Miệng rồng” nhìn từ phía trong hang.
Khu vực cửa hang có những khoảng thông thiên tạo nên ánh sáng kỳ ảo. Khối đá này nằm bên trái lối vào được ví như một ông tiên đang chào đón.
Lối vào khu vực “thân rồng”, hay còn gọi là “Cung điện nhà Trời”, bên trái là hình ảnh “Chúa sơn lâm” đang chầu, bên phải là những “Trụ chống trời”.
Trong lòng hang nhiều khoảng bằng phẳng rộng rãi. Nơi đây có những bàn thờ Phật.
Những khối điêu khắc kỳ thú của tạo hoá.
Những không gian kết nối mở ra nhiều điểm nhìn thú vị.
Giữa khu vực “Cung điện Nhà Trời” là một hồ nước cạn, là kết quả của kiến tạo địa chất tự nhiên. Nơi này được ví như thuỷ cung. Giữa hồ có một tảng đá hình con rùa. Hồ nước cạn gắn liền với một câu chuyện truyền thuyết đầy nhân văn của người dân nơi đây.
Một góc khác của “Cung điện Nhà Trời” với những khối nhũ đá đẹp kỳ lạ.
Với hình thù đặc biệt, cột nhũ đá này được gọi là “Địa tạng Bồ tát”.
Còn khối đá này gợi sự liên tưởng đến hình ảnh đôi trai gái đang tâm tình.
Đi sâu vào trong là phần “đuôi rồng”, hay còn gọi là khu vực “Kho báu Nhà Trời”. Khu vực này có diện tích khoảng 80m2, trần cao 10m. Đây là nơi có nhiều “báu vật”.
Một trong những báu vật là “bầu sữa mẹ”, đôi nhũ đá này được vì với bầu sữa vì có nước chảy ra, rất lâu mới nhỏ 1 giọt. Người dân cho rằng nếu kiên nhẫn hứng được một giọt nước sẽ gặp điều may mắn.
“Đường lên trời” dành cho những người thích khám phá.
Du khách thăm Hang Dơi luôn ngỡ ngàng bởi không gian và vẻ đẹp của thiên nhiên.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hang Dơi cũng là một cơ sở cách mạng, là nơi đóng quân, cất giấu vũ khí của quân đội. Hiện nay, trên vách đá cửa hang vẫn còn những bút tích của các chiến sỹ ghi lại, đánh dấu quãng thời gian lịch sử nơi đây: “Thà hy sinh tất cả để cho Tổ quốc quyết sinh”.
Du khách trở về sẽ nhớ mãi “vẻ đẹp tiềm ẩn” của Hang Dơi. Với những giá trị của thắng cảnh thiên nhiên, văn hoá - lịch sử; ngày 24/01/1998, Hang Dơi đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm