Hành động quen thuộc mà người trưởng thành nào cũng từng làm giải phóng đến 75.000 hạt vi nhựa vào môi trường
Bí ẩn phía sau những cơn áp thấp nhiệt đới: Chúng hình thành như thế nào? / Sự thật rùng mình phía sau hiện tượng bóng đè dưới góc nhìn khoa học
Một nghiên cứu mới công bố bởi Đại học Newcastle (Úc) đang thu hút sự chú ý khi chỉ ra rằng những hành động thường ngày tưởng chừng vô hại lại có thể là nguồn phát tán vi nhựa đáng kể mà ít ai ngờ tới.
Theo nhóm nghiên cứu, chỉ ba thao tác phổ biến – vặn nắp chai nhựa, xé túi nilon và dùng dao kéo cắt các vật dụng nhựa – đã đủ để tạo ra từ 14.000 đến 75.000 hạt vi nhựa. Những hạt này có thể dễ dàng rơi xuống bề mặt, bay trong không khí hoặc xâm nhập vào thực phẩm, nước uống mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày.
Vi nhựa, hay còn gọi là microplastics, là các mảnh nhựa cực nhỏ có kích thước từ 0,001 đến 5mm. Chúng có thể được tạo ra trực tiếp hoặc sinh ra trong quá trình phân hủy của các sản phẩm nhựa lớn. Những hạt li ti này hiện đã được phát hiện trong thực phẩm, nước uống và thậm chí cả trong không khí – một thực tế khiến giới khoa học và y tế đặc biệt lo ngại.
“Nhựa hiện diện ở khắp nơi, và vi nhựa cũng thế. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ngay cả những hành động nhỏ nhặt hằng ngày cũng có thể trở thành nguồn phát tán vi nhựa mà trước đây chúng ta chưa từng nghĩ tới,” nhà khoa học Cheng Fang – trưởng nhóm nghiên cứu – nhận định.
Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã mô phỏng các hành vi tiêu dùng thông thường như mở nắp chai nước suối, cắt túi nhựa đựng thực phẩm, dùng dao tách lớp màng bọc nilon… và sử dụng thiết bị cân vi lượng có độ nhạy cao để đo khối lượng vi nhựa phát tán sau mỗi thao tác.
Kết quả cho thấy, mỗi hành động với vật dụng nhựa có thể tạo ra trung bình từ 10 đến 30 nanogam vi nhựa, tương đương từ 14.000 đến 75.000 hạt – tùy thuộc vào loại nhựa và cách xử lý. Đáng lưu ý, con số thực tế có thể cao hơn do một lượng lớn vi nhựa tồn tại ở dạng khí dung, lơ lửng trong không khí và rất khó để thu thập cũng như định lượng chính xác.
Các hạt vi nhựa được thu thập trong nghiên cứu có nhiều hình dạng khác nhau – từ sợi dài, mảnh vụn đến những hạt nhỏ li ti, trong đó một số có thể quan sát bằng mắt thường. Qua phân tích quang phổ, phần lớn các hạt này được xác định là polyethylene – loại nhựa phổ biến trong hầu hết các sản phẩm tiêu dùng hiện nay.
Dù đến nay vẫn chưa có kết luận khoa học cuối cùng về tác động cụ thể của vi nhựa đến sức khỏe con người, song các chuyên gia cảnh báo rằng rủi ro là có thật – từ kích ứng đường hô hấp, tổn thương tế bào cho đến nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến hệ nội tiết và miễn dịch.
“Không ai nên bất ngờ với thực tế rằng vi nhựa đã hiện diện ở khắp nơi,” Giáo sư Christian Dunn, Đại học Bangor (Anh), nhận định. “Điều quan trọng lúc này là phải hiểu rõ hậu quả và có hành động kịp thời để giảm thiểu tiếp xúc.”
Trước nguy cơ vi nhựa len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống, các nhà khoa học khuyến nghị người tiêu dùng nên chủ động hạn chế tiếp xúc với nhựa dùng một lần. TS Lili He – Trưởng khoa Khoa học thực phẩm, Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ) – đưa ra hai giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả:
Thứ nhất, hạn chế sử dụng chai nhựa dùng một lần. Một lít nước đóng chai có thể chứa tới 100.000 hạt vi nhựa. Chuyển sang dùng chai thủy tinh hoặc bình kim loại tái sử dụng là lựa chọn vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp giảm nguy cơ vi nhựa xâm nhập cơ thể.
Thứ hai, ưu tiên sử dụng túi vải và hộp thủy tinh trong bảo quản thực phẩm. Thay vì dùng túi nilon hay màng bọc nhựa – những vật dụng dễ phát tán vi nhựa khi bị cắt hoặc xé – người tiêu dùng nên chuyển sang các giải pháp thay thế như túi vải, túi silicon, hộp thủy tinh hoặc giấy gói chuyên dụng.
“Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nhựa trong một sớm một chiều, nhưng hoàn toàn có thể tiêu dùng một cách thông minh hơn, có trách nhiệm hơn để góp phần giảm thiểu lượng vi nhựa phát tán ra môi trường,” nhà nghiên cứu Cheng Fang kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: Liều mạng vồ tê giác, sư tử suýt phải trả giá đắt
Việt Nam lại đón tin vui khi phát hiện trên 10 tấn vàng, 16 tấn bạc tại một số mỏ khoáng sản ở Trung Trung Bộ
CLIP: 'Đơn thương độc mã', voi con lạc mẹ dũng cảm chống lại bầy sư tử
CLIP: Nổi danh là 'chúa tể đầm lầy' thế mà đàn cá sấu vẫn phải 'dạt sang 1 bên' để nhường đường cho loài vật này
CLIP: Mải mê tạo dáng, cô gái bị rắn hổ chúa bò qua chân mà không hề hay biết nhưng cái kết mới gây 'sốc'
CLIP: Chó nhà dũng cảm cứu em bé khỏi bị chó lạ tấn công và kết cục mãn nhãn
Ảnh: iStock.