Hành trang đặc biệt của Hải đội Hoàng Sa xưa
1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán…là những vật bất ly thân của quân binh Hải đội Hoàng Sa xưa.
Mổ xẻ sai lầm chí mạng của Hitler khi xâm lược nước Anh / Sóng ngầm trong hậu trường chính trị Sài Gòn tháng 4/1975
Theo sử cũ ghi chép, dưới thời các Chúa Nguyễn sau đó là các vua triều Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã thành lập các Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ đi thuyền đến các đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thu lượm sản vật, cắm mốc chủ quyền. Ngày nay, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn còn lưu giữ lại những hành trang năm xưa mang theo và có một “khu mộ gió” quân binh sừng sững giữa đảo. Trong ảnh là nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Công trình mô phỏng kiến trúc truyền thống với bộ mái cùng trang trí kiểu thời Nguyễn được hoàn thành tháng 1/2010. Nơi đây trưng bày những hiện vật, tài liệu về hoạt động của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Việc thành lập các Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải là minh chứng lịch sử khẳng định trung thực nhất nhà nước phong kiến Việt Nam trong công cuộc chinh phục biển Đông, gây dựng chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong ảnh là mô hình thuyền câu dùng để đi biển của Hải đội Hoàng Sa (do nghệ nhân Võ Hiển Đạt - xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn phục chế).
Trải qua nhiều thế kỉ, đã có rất nhiều võ quan, binh lính thừa lệnh triều đình hi sinh khi đi làm nhiệm vụ giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thu lượm sản vật, trồng cây, cắm mốc, dựng bia chủ quyền của nước ta với các quần đảo này. Trong ảnh là nghi thức lễ cuối cùng tại lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là dẫn đoàn thuyền có hình nhân thế mạng ra khơi, tái hiện lại chuyến đi của quân binh khi xưa.
Theo ghi chép trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn năm 1776 (từng làm Hiệp trấn xứ Thuận Hóa thế kỷ XVIII) kể rằng: "Nhà Nguyễn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn ngày nay) bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch...
..Đội Hoàng Sa này được cấp mỗi người sáu tháng lương thực. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Ảnh: Nghi thức xuất quân đi Hoàng Sa được tái hiện.
Họ tha hồ lượm nhặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn. Họ nhặt được những đồ như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, ngà voi...do các tàu buôn bị đắm và trôi dạt vào đảo. Ảnh: Nghi thức xuất quân đi Hoàng Sa.
Trong “Đại Nam thực lục chính biên” do các sử thần trong quốc sử quán biên soạn có ghi chép, Hải đội Hoàng Sa còn kiêm quản cả đội Bắc Hải cùng làm nhiệm vụ ở Trường Sa và các đảo phía trong Nam. Đặc biệt, đội Hoàng Sa còn làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, canh chừng giặc biển, dựng bia chủ quyền và giữ gìn các hải đảo Hoàng Sa.
Trường Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi/ Trường Sa lắm đảo, nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây. Đó là những câu ca của người dân trên đảo Lý Sơn truyền tụng về những hiểm nguy, khó khăn gian khổ của người lính đi Hoàng Sa, Trường Sa thi hành nhiệm vụ khi ấy. Ảnh: Mỗi lần tế thần, danh sách những người lính đi Hoàng sa luôn được vinh danh để con cháu tưởng nhớ, tri ân.
Với những người lính khi thành lập đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, lệnh vua ban xuống không chỉ là lệnh mà còn là tấm lòng, ý chí quyết tâm ra đi vì đất nước. Ảnh: Những sắc phong, chỉ dụ của nhà Nguyễn cho Hải đội Hoàng Sa.
Trong chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, người lính đã biết là sẽ gặp hiểm nguy do sóng to, gió lớn rình rập, hoặc những nguyên nhân nào khác thì cũng sẽ lấy lòng biển khơi làm nơi mai táng mình. Ảnh: Ông Nguyễn Cậu, trưởng làng An Vĩnh, đánh trống xuất quân hùng binh Hoàng Sa.
Ngoài những vật dụng cần thiết mang theo để sống cho chuyến đi, mỗi quân binh của Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn chuẩn bị cho mình 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán. Ảnh: Dây mây đội quân binh Hoàng Sa mang theo để đồng đội bó xác nếu hi sinh trên biển.
Nếu trong chuyến đi, chẳng may qua đời thì các đồng đội sẽ dùng manh chiếu bó thi hài và thẻ bài làm một, dùng 7 nẹp tre kẹp lại rồi lấy 7 sợi dây mây buộc chặt. Sau vài nghi lễ giản đơn, thi hài được thả xuống biển. Ảnh: 7 nẹp tre để nẹp thi hài đồng đội.
Tất cả đồng đội đều cúi đầu gửi nguyện ước lên trời xanh rằng thi hài đã mất sẽ trôi dạt vào bờ để người dân biết tên họ, quê quán người hi sinh vì nước mà chôn cất. Ảnh: Đôi chiếu mang theo để bó thi hài.
Ngày nay, tại nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn lưu giữ những hành trang năm xưa quân binh mang theo. Đó là 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán. Hành trang đó như để khẳng định một tấm lòng, một tinh thần cảm tử quyết tâm ra đi của những hùng binh khi ấy. Ảnh: Bài vị khắc tên họ, quê quán của các quân binh Hoàng Sa, Bắc Hải. (Ảnh: Tam Hiệp - Hà Kiều).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
CLIP: Ngựa vằn bỏ mạng khi chạm trán bầy cá sấu hung dữ trong cuộc vượt sông
CLIP: Nai sừng tấm dũng cảm chiến đấu bảo vệ con trước bầy sói, kết thúc đầy cảm động
Loại gỗ quý nhưng 'vô sinh' từng được đồn đoán chữa khỏi bệnh ung thư, cả Việt Nam chỉ còn 162 cây, đó là gỗ gì?
Cột tin quảng cáo