Cuộc chạm mặt đầu tiên Diêm Vương Tinh
Con tàu vũ trụ của NASA (Mỹ) mang tên New Horizons (Những chân trời mới) có trọng trách lớn lao, đi tiên phong thực hiện chuyến thám hiểm vũ trụ ở khoảng cách xa nhất từ trước tới nay chưa hề “đặt chân” tới. Và ngày 14/7/2015, con tàu này đã tiếp cận được một trong những thiên thể nằm ngoài cùng của hệ Mặt Trời - Diêm Vương tinh (Pluto), sau khi vượt qua các thiên thể - Thuỷ (Mercury), Kim (Venus), Trái Đất (Earth), Hỏa (Mars), Mộc (Jupiter), Thổ (Saturn), Thiên Vương (Uranus), Hải Vương (Neptune) và Diêm Vương (Pluto).
Trước đây, việc khảo sát Pluto gặp nhiều khó khăn khi sử dụng bất cứ thiết bị nào đặt tại Trái Đất vì thiên thể này nằm quá xa chúng ta, mặt khác lớp khí quyển của nó gây ra các ảo ảnh có thể làm sai lệch các quan sát của kính thiên văn mặt đất.
Ngoài bản thân Pluto, New Horizons còn ghi lại hình ảnh các “con cái”, tức các vệ tinh đã biết của Pluto; gồm: Charon, Hydra, Nix, Styx và Kerberos.
Quay nhìn lại quá khứ, các hoạt động mang lại những kết quả nói trên đánh dấu sự kết thúc một dự án khám phá các hành tinh trong Hệ Mặt Trời của cơ quan không gian Mỹ, khởi đầu từ việc nghiên cứu Sao Kim bắt đầu năm 1962. Và những hình ảnh đầu tiên đó ghi nhớ cuộc chạm mặt đầu tiên của New Horizons với Diêm Vương tinh.
Bước thăng trầm Diêm Vương tinh
Trước khi đề cập đến các kết quả nhận được từ con tàu vũ trụ New Horizons về thiên thể đang bàn cãi nhiều Pluto, cần phải làm rõ một số danh từ hay khái niệm Thiên văn học hay gây nhầm lẫn trong tiếng Việt.
Đã từ lâu, mọi thiên thể phát sáng trên bầu trời đều được gọi chung bằng một danh từ là "sao", như sao chổi, sao Hoả, sao Mộc... Song trong Thiên văn học chỉ những thiên thể với khối lượng đủ lớn và có thể tự phát sáng bởi xảy ra phản ứng nhiệt hạch (như trường hợp Mặt trời) mới được gọi là sao (tiếng Anh: star). Những thiên thể bay tự do hay bay vòng quanh các sao mà không tự phát sáng chỉ được gọi là các hành tinh (tiếng Anh: planet).
Như vậy, trong Thái Dương hệ (hay Hệ Mặt Trời) chỉ có Mặt Trời mới đúng nghĩa là ngôi sao và chuyển động xung quanh vì Sao Mặt Trời này chỉ là các hành tinh. Nếu tính từ trong (gần Mặt Trời nhất) ra ngoài, Thái Dương hệ gồm có 9 (cho đến năm 2006) hành tinh, đó là: Thuỷ (Mercury), Kim (Venus), Trái Đất (Earth), Hoả (Mars), Mộc (Jupiter), Thổ (Saturn), Thiên Vương (Uranus), Hải Vương (Neptune) và Diêm Vương (Pluto). Các hành tinh này đều không phải là sao (star) do khối lượng bé chưa đủ điều kiện tạo ra phản ứng tổng hợp nhiệt hạch và, do đó, không tự phát sáng được mà chỉ có thể phát sáng yếu ớt bởi phản chiếu lại ánh sáng từ Mặt Trời.
Về phần Pluto (Diêm Vương tinh), lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1930 và dĩ nhiên không phải là sao, nhưng nó đã từng (trước năm 2006) được chính thức xem là một hành tinh. Và tính theo thứ tự xa dần tính từ Mặt Trời, Pluto là hành tinh thứ 9 của Thái Dương hệ, đứng sau Neptune (Hải Vương tinh).
Nhưng đến tháng 8/2006, vị trí này đã được xét lại do Pluto “nhỏ con” với thể tích chỉ bằng 1/3 Mặt Trăng của Trái Đất và khối lượng chỉ bằng 1/6. Đặc biệt đến năm 2005, khi Eris, một thiên thể song hành với Pluto, được phát hiện thì ngôi vị "hành tinh thứ 9" của Pluto càng trở nên lung lay hơn. Tuy Eris có kích thước nhỏ hơn, nhưng khối lượng lại lớn hơn Pluto tới 27%. Do vậy, vào năm 2006, Liên hiệp Thiên văn Quốc tế (IAU) đã quyết định đưa Pluto ra khỏi danh sách các planet, tức các hành tinh hay “hành tinh chuẩn" (planet), đồng thời đưa Pluto cùng Eris và những tinh cầu khác có tính chất tương tự vào nhóm "hành tinh lùn" (dwarf planet).
Niềm hy vọng mới cho Pluto
Dù đã bị tụt hạng và rơi vào thế giới hành tinh "lùn", song không có nghĩa số phận của Pluto đã hoàn toàn được định đoạt và không còn cơ hội phục hồi.
Không phải không có lý do khi trong cùng năm 2006, xảy ra sự kiện Pluto bị truất ngôi “hành tinh” đồng thời với sự kiện Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia (Mỹ) phóng tàu không gian New Horizons. Và bên cạnh những sứ mệnh to lớn khác, New Horizons còn có nhiệm vụ tiếp cận với Pluto và 5 “bạn láng giềng" có thể là vệ tinh của nó; đó là: Charon, Styx, Nix, Kerberos và Hydra.
Điều đáng nói hơn là mặc dù New Horizons chỉ có 30 phút để tiếp cận và thu thập dữ liệu về Pluto, nhưng khối lượng thông tin mà nó tạo ra sẽ mất tới... 16 tháng để tải hết về Trái Đất! Và ở khoảng cách tới 4,8 tỷ km, tín hiệu mà con tàu truyền về tới đây sẽ mất tới 4,5 giờ! Song để khai thác hết 30 phút quý giá ấy, các nhà khoa học sẽ cần cả thập kỷ để giải mã hết mọi thông tin từ New Horizons!
Dù lâu hay mau cũng có thể đặt hy vọng vào thông tin lạc quan đối với hành tinh “lùn” Pluto sẽ được rút ra từ các kết quả giải mã ấy. Niềm hy vọng đó bước đầu được củng cố thêm khi một vài con số lạc quan ban đầu vừa rút ra từ các kết quả ghi bởi thiết bị đặt trên con tàu New Horizons gửi về. Chẳng hạn, theo con số đưa ra bởi Alan Stern, nhà khoa học đứng đầu dự án nghiên cứu đang thực hiện, Pluto có đường kính dài 2.370 km, tức là bằng khoảng 2/3 kích thước Mặt Trăng hay lớn hơn một ít so với tính toán trước đây là 2.306 km.
Như vậy, phải chăng vị trí của Diêm Vương tinh trong Thái Dương Hệ có thể sắp đến hồi được xem xét lại?