Hảo hán Lương Sơn này là tổ tiên của Anh hùng xạ điêu Quách Tĩnh
Anh hùng xạ điêu Quách Tĩnh
Theo miêu tả của Kim Dung trong “Anh hùng Xạ điêu”: Quách Tĩnh lớn lên tại Mông Cổ sau khi cha chàng bị vương gia nước Kim Hoàn Nhan Hồng Liệt sát hại. Quách Tĩnh vốn chậm chạp, mồm mép vụng về, có phần khờ khạo ngốc nghếch. Ngoại hình của Tĩnh thì mày rậm, mắt to, mặt vuông vức đầy đặn rất anh tuấn. Tính tình Tĩnh hào sảng, vô tư, chăm chỉ, chân thật, dũng cảm, hay làm việc nghĩa.
Võ công của Quách Tĩnh học được từ rất nhiều người, đầu tiên là Triết Biệt - danh tướng của Thành Cát Tư Hãn với tài cưỡi ngựa bắn cung siêu hạng, rồi đến Giang Nam thất quái. Sau lại được Mã Ngọc chân nhân (đại sư huynh của Toàn Chân Thất Tử) truyền dạy bí quyết luyện nội công của phái Toàn Chân khi chàng lưu lạc ở sa mạc Mông Cổ. Tiếp đó học được từ Hồng Thất Công môn Hàng Long Thập Bát Chưởng. Ở Đào Hoa đảo, Quách Tĩnh gặp được Chu Bá Thông, được ông truyền thụ Song Thủ Hỗ Bác và bảy mươi hai lộ Không Minh Quyền, lại bị lão quái này "chơi xấu" dạy thêm Cửu Âm Chân Kinh.
Quách Tĩnh cũng được Nhất Đăng đại sư chỉ dạy những lời phạn văn trong Cửu Âm Chân Kinh, nhờ đó võ công càng tiến triển. Về sau Quách Tĩnh tự mình chuyên tâm nghiên cứu ra nhiều thứ như trận pháp của Toàn Chân Thất Tử. Trong lần bị Âu Dương Phong ép luyện công, trong vòng một hai tháng võ công của Tĩnh có bước đại đột phá. Trong lần Hoa Sơn luận kiếm thứ hai, Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công đều thầm khen ngợi dù cho tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có thể tiếp hơn trăm chiêu với hai người.
Quách Tĩnh lấy Hoàng Dung, con gái Hoàng Dược Sư (một trong Thiên hạ ngũ tuyệt) làm vợ, sinh được ba người con: Quách Phù, Quách Tương và Quách Phá Lỗ. Thành tích lớn nhất của Quách Tĩnh là bảo vệ thành Tương Dương trước sự xâm lăng của người Mông Cổ trong nhiều năm. Theo lời kể lại của Diệt Tuyệt sư thái trong truyện Ỷ Thiên Đồ Long ký, khi thành Tương Dương thất thủ, hầu như toàn bộ cả gia đình Quách Tĩnh, trừ Quách Tương – sau này trở thành người sáng lập phái Nga My– đều hy sinh.
Mối liên hệ giữa Quách Tĩnh và một hảo hán Lương Sơn Bạc
Tuyệt đại đa số đều chung nhận định Quách Tĩnh trong tiểu thuyết của Kim Dung được lấy hình mẫu từ nhân vật lịch sử là Quách Bảo Ngọc. Sử chép: Quách Bảo Ngọc, tự là Ngọc Thần, người huyện Trịnh, Hoa Châu, là 1 trong 4 tướng lĩnh người dân tộc Hán đầu tiên của Đế quốc Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn. Ông tham gia cuộc tây chinh đầu tiên của Đế quốc Mông Cổ, lập nhiều đại công như phá Cao Châu, chiếm Long Sơn, đỉnh cao chính là trận hỏa công đánh tan 5 vạn quân và chiếm thành Mã Lý Tư năm 1219.
Nhưng chiếu theo tiểu thuyết “Anh hùng Xạ điêu” thì nguồn gốc xuất thân của Quách Tĩnh không hề liên quan tới Quách Bảo Ngọc. Kim Dung viết: Quách Tĩnh là con của Quách Khiếu Thiên và Lý Bình. Chữ “Tĩnh” trong tên Quách Tĩnh là do đạo sĩ phái Toàn Chân, Trường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ đặt cho với ý nghĩa mong chàng và người anh em kết nghĩa Dương Khang (cha của Dương Quá) không quên mối nhục Tĩnh Khang khi trước (Tĩnh Khang chi biến là một biến cố lớn trong lịch sử nhà Đại Tống, Trung Quốc, đánh dấu sự diệt vong của vương triều Bắc Tống).
Quách Khiếu Thiên, cha của Quách Tĩnh là cháu nhiều đời của Quách Thịnh. Mà với các độc giả của Thủy hử - Thi Nại Am, Quách Thịnh – ngoại hiệu “Tái Nhân Quý” là một cái tên không hề xa lạ. Quách Thịnh là 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, xếp hạng đầu lĩnh thứ 55, được sao Địa hựu tinh chiếu mạng, giữ chức Kiêu tướng Mã quân, nhiệm vụ chính là bảo vệ trại chủ Tống Giang.
Quách Thịnh quê ở Gia Lăng, vốn là thương nhân buôn thủy ngân, lại giỏi võ nghệ, thích kết giao hào kiệt. Thịnh sở trường sử dụng phương thiên họa kích, ra trận thường cưỡi ngựa trắng, mặc áo giáp bạc trông rất giống danh tướng Tiết Nhân Quý (613-683) đời Đường, phục vụ qua 2 triều vua Đường Thái Tông và Đường Cao Tông, nên được người đời gọi là Tái Nhân Quý.
Quách Thịnh xuất hiện lần đầu tiên ở hồi 34, nhân chuyện giao chiến cả chục ngày với Tiểu Ôn Hầu Lã Phương – cũng là một cao thủ thiên phương họa kích. Nhân có Tống Giang và bọn Hoa Vinh, Tần Minh đi qua đã khuyên giải và thuyết phục cả hai người Quách Thịch – Lã Phương cùng lên Lương Sơn tụ nghĩa. Trong trận chiến với Phương Lạp, Quách Thịnh mắc bẫy phục kích của đối thủ, tử trận do trúng phải đá rơi xuống từ trên núi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo