Khám phá

Hé lộ bí mật về cái chết của danh tướng Loan Đình Ngọc trong Thủy Hử

Để tường minh về cái chết của Loan Đình Ngọc, chúng ta tập trung vào những diễn biến xung quanh trận đánh thứ ba của nghĩa quân Lương Sơn ở Độc Long Cương. Trước thời điểm này, Tôn Lập (và các huynh đệ) đã thâm nhập thành công vào lòng địch, gầy dựng được niềm tin với Loan Đình Ngọc cùng cha con họ Chúc qua lần giao chiến (giả)...

Kết cục bi thảm của từng thành viên nhà họ Chúc…

Thủy Hử hồi 49 viết: “Ngày thứ năm, nhằm giờ thìn, bỗng thấy người báo Tống Giang chia binh làm bốn mặt tiến đánh Chúc Gia Trang… Chúc Triều Phụng dẫn mấy người lên cổng gác để nom, khi đó thấy Phía Đông có một đội năm trăm quân mã, tướng đứng đầu là Báo Tử Đầu Lâm Xung và Lý Tuấn, Nguyễn Tiểu Nhị đứng sau. Phía Tây một toán nhân mã ước năm trăm, Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh đứng trước, Trương Hoành, Trương Thuận theo sau; Bên Nam một bọn năm trăm nhân mã có ba vị Đầu Lĩnh đứng đầu là Mục Hoằng, Dương Hùng và Lý Quỳ”.

Cái chết bí ẩn của Loan Đình Ngọc là sự sắp đặt của Tống Giang.

Và sau đây là phản ứng của phe Chúc Gia Trang:

Loan Đình Ngọc bảo với mọi người: - Hôm nay tất phải cẩn thận mới được, để tôi dẫn một đội nhân mã ra cửa sau, đánh về mạn Tây Bắc.

Chúc Long nói: - Tôi xin dẫn quân mã ra lối cửa trước, đánh mặt chính Đông.

Chúc Hổ nói: - Tôi xin ra cửa sau đánh mạn Tây Nam.

Chúc Bưu nói: - Còn tôi xin ra cửa trước đánh bắt Tống Giang (chính là đội quân Lương Sơn hướng Bắc).

Tiếp đến, Thi Nại Am miêu tả chi tiết trận chiến này, cũng như kết cục của từng thành viên của nhà họ Chúc. Đầu tiên là trang chủ Chúc gia - Chúc Triều Phụng: “Trâu Uyên, Trâu Nhuận nghe tiếng Nhạc Hòa hát, liền thổi còi hiệu, múa đại phủ chém luôn mấy tên trang khách canh cổng, và mở xe tù thả bảy ông kễnh ở trong đó ra. Bảy anh ra khỏi xe tù, bèn đến giá gươm mỗi anh vớ lấy một cây, rồi reo hò ầm ầm cả lên... Chúc Triều Phụng thấy sự thế nguy biến, liền đâm đầu xuống giếng, bị Thạch Tú nhanh tay chém cho một dao, rồi cắt lấy thủ cấp”.

Kế đến là Chúc Hổ: “Giải Trân, Giải Bảo ở cửa sau, liền châm lửa đốt đống cỏ ngựa, làm cho khói bốc lên mù mịt cả trời. Bốn mặt nhân mã họ Chú thấy trong trang phát hỏa, liền hết sức cướp đường về cứu, Chúc Hổ chạy về đến đích kiều, gặp Tôn Lập ngăn đường mà quát hỏi rằng: - Thằng giặc này chạy đi đâu thế? Chúc Hổ biết là mắc kế, bèn quay ngựa chạy lại trận Tống Giang, luống cuống bị Lã Phương, Quách Thịnh đâm chết cả người lẫn ngựa”.

Ở trận đánh cuối cùng giữa quân Lương Sơn và Chúc Gia Trang, chỉ duy nhất cái chết của Loan Đình Ngọc không được miêu tả chi tiết.

Còn đây là cái chết của Chúc Long: “Mặt bên Đông, Chúc Long đấu với Lâm Xung không nổi, quay ngựa chạy về lối cổng sau. Khi vào tới đích kiều thấy Giải Trân, Giải Bảo, đương ném xác trang khách vào đống lửa. Chúc Long bèn quay ngựa trở lại mà chạy về mạn bắc, bỗng đâu gặp Lý Quỳ cầm song phủ chém con ngựa ngã lăn ra, rồi sấn vào chặt đứt Chúc Long làm hai đoạn”.

Và cuối cùng, cậu út nhà họ Chúc: “Chúc Bưu thấy trang khách đến báo, biết không trở về được, liền vỗ ngựa chạy thẳng đến Hỗ Gia, bị Hỗ Thành sai trang khách trói lại, rồi đem giải đến Tống Giang. Vừa giải đến giữa chừng gặp Lý Quỳ giơ song phủ chém luôn một nhát, rồi trang khách chạy tan đi hết”.

… Nhưng cái chết của Loan Đình Ngọc, chỉ qua lời Tống Giang

Như vậy, rất rõ ràng: Chúc Triều Phụng bị Thạch Tú giết; Chúc Long bị Lã Phương – Quách Thịnh, cặp đôi cận vệ của Tống Giang hạ sát; Chúc Hổ và Chúc Bưu thì đều chết về tay Lý Quỳ. Còn kết cục của Loan Đình Ngọc? Chỉ một lời của Tống Giang: “Thương thay Loan Đình Ngọc là một tay hảo hán anh hùng, mà cũng bị chết oan ra đó, thực là đáng tiếc”.

Cái chết của Loan Đình Ngọc trước sau chỉ được thông báo qua lời Tống Giang. Nhưng ai báo tin cho Tống Giang rằng Loan Đình Ngọc đã chết thì không được Thi Nại Am nhắc đến. Tới đây, chúng ta cùng đến với câu chuyện của Tống Giang với Lý Quỳ, giữa hồi 49, sau khi tay “Thiết ngưu” tạo cuộc thảm sát ở 2 nhà Trúc – Hỗ.

Khi thấy Lý Quỳ mình đầy máu me chạy tới khoe: “Chúc Long tôi giết rồi, Chúc Bưu cũng bị tôi giết nốt, Hỗ Thành thì chạy mất, còn cả nhà Hỗ Thái Công đều bị giết sạch cả, xin đến để dâng công”, Tống Giang có quát hỏi một câu: “Chúc Long thì có người trông thấy ngươi giết, còn những người khác, thì ngươi giết ở đâu?”

Loan Đình Ngọc phải chết, thì thắng lợi của Tống Giang ở Độc Long Cương mới thập phần hoàn hảo.

Như vậy có thể thấy, Lý Quỳ giết ai, giết như thế nào, giết ở đâu, Tống Giang cũng phải hỏi đúng “chính chủ” mới biết được tường tận. Nhưng Loan Đình Ngọc chết, thì Tống Giang biết ngay, thậm chí còn là người chủ động lên tiếng thông báo cho quần hùng. Tức Tống Giang biết chắc là Loan Đình Ngọc đã chết, và cái chết này nằm trong kế hoạch của họ Tống. Còn chuyện chàng ta tỏ vẻ thương xót, ra đò Loan Đình Ngọc “chết oan” thì đấy là phát ngôn chính trị mà thôi.

Chiêu bài chính trị? Hãy nhớ rằng, Tôn Lập và Loan Đình Ngọc có quan hệ thân thiết, từng là anh em tốt khi học chung võ nghệ một thày. Chí hướng của họ ở “lát cắt” trận chiến Lương Sơn – Chúc Gia Trang là hoàn toàn khác nhau, khi Tôn Lập theo phe Tống Giang mà triển kế “vô gian đạo” nhưng tình cảm huynh đệ đồng môn là có thật.

Một người sẵn sàng đánh đổi chức Đề hạt cai quản binh mã Đăng Châu để phá ngục cứu cặp Giải Trân – Giải Bảo (em họ con cô) như Tôn Lập đương nhiên không bán rẻ tình huynh đệ. Không loại trừ khả năng trong lần hội quân với Lương Sơn trước khi thi triển kế “nội gián”, Tôn Lập đã có một giao kèo: nhóm của chàng sẽ hết mình để giúp nghĩa quân hạ Chúc Gia Trang, nhưng đổi lại Tống Giang phải giữ mạng sống của Loan Đình Ngọc.

Động cơ giết Loan Đình Ngọc của họ Tống

Nhưng giao kết với Tôn Lập trước trận chiến quan trọng là 1 chuyện, còn thực hiện hay không sau đó lại là chuyện khác. Nên nhớ, trận chiến ở Độc Long Cương là một bước đi tối quan trọng đối với việc gây dựng thanh thế của Tống Giang ở Lương Sơn. Chẳng những không được phép bại, mà phải thắng vẻ vang, thắng toàn vẹn.

Nếu thực hiện đúng giao kết với Tôn Lập, tức Loan Đình Ngọc giữ được mạng sống thì xảy ra 2 trường hợp. Thứ nhất, Tống Giang phải “lén” thả cho Loan Đình Ngọc thoát. Mà Loan Đình Ngọc là ai, là tay đệ nhất Chúc Gia Trang, là người đứng sau câu “tuyên ngôn” khiến Lương Sơn tức anh ách: “Lấp bằng Thủy Bạc bắt Tiều Cái/ Phá phẳng Lương Sơn tróc Tống Giang”. Nếu để họ Loan yên ổn mà rời đi, thì thắng lợi của Tống Giang là không trọn vẹn, thậm chí còn nhận về điểm trừ.

Thứ hai, bắt sống, thu phục và “ép” Loan Đình Ngọc gia nhập Lương Sơn như cách mà Tống Giang từng làm rất nhiều lần sau này trong các trận chiến với quân triều đình. Nhưng cách này cũng không ổn bởi như thế thì họ Loan sẽ theo về phe Đăng Châu của Tôn Lập. Một tay Tôn Lập vốn đã khó lường, thêm một Loan Đình Ngọc nữa thì còn “nhiêu khê” đến đâu. Chưa kể giữ Đình Ngọc làm phe mình, Tống Giang còn bị Tiều Cái nghi kỵ. Quá bất lợi cho đại nghiệp!

Tâm phúc đáng tin nhất của Tống Giang và có bản lãnh hạ sát Loan Đình Ngọc nhanh gọn chỉ có thể là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh.

Và ở thời điểm ấy Tống Giang cũng không chắc nhóm Tôn Lập có đáng tin, có thể là tâm phúc của mình hay không. Điều này về sau chúng ta cũng rõ, qua việc Tôn Lập trí-dũng song toàn, công lao bậc nhất trong chiến dịch Độc Long Cương, chỉ được Tống Giang xếp hạng 39, chức vụ mã quân tiểu tướng.

Tóm lại, để thắng lợi ở Độc Long Cương của Tống Giang thập phần hoàn hảo thì Loan Đình Ngọc phải chết. Nhưng cái chết của Loan Đình Ngọc cần được sắp xếp sao cho khéo. Ma không biết, quỷ không hay. Chỉ những người theo lệnh thực hiện và chính bản thân “chủ mưu Tống Giang” biết mà thôi. Và khi nhận tin vụ ám sát đã thành, Tống Giang đương nhiên giả đò thương xót. Câu cảm thán của Tống Giang, thực chất, là muốn nói cho bọn Tôn Lập nghe, ý rằng cái chết của họ Loan là nằm ngoài dự liệu, bản thân ta – Tống Công Minh – cũng đau xót lắm.

Sát thủ giấu mặt: Hoa Vinh

Động cơ giết Loan Đình Ngọc của Tống Giang đã rõ, giờ chúng ta xem xét ai là người thực hiện việc ám sát giáo sư nhà họ Chúc. Đọc kỹ hồi 49 Thủy Hử, sẽ thấy tất cả các nhân vật tham gia trận chiến thứ ba của quân Lương Sơn, từ đội làm loạn bên trong đến 3 nhóm quân ở các hướng Đông (Lâm Xung cầm đầu), Nam (Lý Quỳ nổi bật), Bắc (chính là bọn Tống Giang – Ngô Dụng, Lã Phương Quách Thịnh…), đánh đấm, lập công ra sao đều được Thi Nại Am chép rất chi tiết.

Trừ duy nhất đội quân ở hướng Tây, do Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh dẫn đầu, hỗ trợ là anh em Trương Hoành – Trương Thuận, là không được tác gia họ Thi nhắc đến trong bất kì một cảnh giao chiến hay chém giết nào. Mà mạn Tây (Tây Bắc) chính là hướng xuất quân từ Chúc Gia Trang của Loan Đình Ngọc!

Cái chết của Loan Đình Ngọc: chết ở đâu, chết như thế nào, chết sao không thấy xác, chết bởi tay ai, hoàn toàn không được ghi chép. Và hành động của đội quân mã được dẫn dắt bởi Hoa Vinh, Trương Hoành, Trương Thuận, tuyệt nhiên cũng không một lần xuất hiện. Hai chi tiết bí hiểm này rõ ràng là có mối liên hệ! Tất cả các đầu lĩnh tiến đánh 4 mặt của Chúc Gia Trang đều có nhiệm vụ. Và nhiệm vụ của đội phía Tây, chính là mai phục chờ Loan Đình Ngọc để thực hiện kế hoạch ám sát.

Cần biết rằng, trong các đầu lĩnh Lương Sơn, tâm phúc bậc nhất của Tống Giang chính Hoa Vinh, sau đến là Lý Quỳ và anh em họ Trương. Thực hiện việc ám sát trong vòng bí mật, thì đương nhiên Tống Giang phải chọn những tay thân tín nhất, cẩn thận nhất, kín miệng nhất. Và ám sát một kẻ võ nghệ cao cường từng đánh hạ Âu Bằng, bắt song Tần Mình như Loan Đình Ngọc thì không thể dùng sức mà đấu được. Phải dùng trí và bản lĩnh đặc biệt.

Trí là mai phục sẵn chờ thời cơ thích hợp. Bản lĩnh đặc biệt chính là tài nghệ cung tiễn của Hoa Vinh. Hạ sát được Loan Đình Ngọc, chỉ có duy nhất mũi tên thần, bách phát bách trúng của “Tiểu Lý Quảng” mà thôi. Và để cái chết của Loan Đình Ngọc hoàn toàn trong vòng bí mật thì phải phi tang ngay lập tức. Đấy là công việc của Trương Hoành, Trương Thuận – hai tâm phúc còn lại của họ Tống.

Theo Thanh Xuân/Dân Việt

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo