Hôn nhân là chuyện trọng đại của vua chúa và thường được thông qua tiến cử, tuyển chọn nhưng có một số vị vua đã vượt ra ngoài lệ đó.
Lý Thánh Tông và cô gái hái dâu
"Đại Việt sử ký toàn thư" chép rằng năm 1063, vua Lý Thánh Tông tuổi đã 40 mà chưa có con trai nối dõi nên sai người đi làm lễ cầu tự. Việc cầu tự đã xong mà chưa linh nghiệm nên vua đi thăm khắp các chùa quán để lễ bái. Những nơi vua đến, hễ xa giá đi đến đâu thì con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Lan phu nhân.
Câu chuyện về việc Ỷ Lan phu nhân gặp Lý Thánh Tông theo chính sử chỉ có mấy dòng như trên. Tuy nhiên, bài viết "Làm vua, biết nghe lời vợ" của tác giả Nguyễn Bình trên An ninh thế giới giữa & cuối tháng miêu tả chi tiết hơn về mối lương duyên trời định này.
"Giai thoại về tình yêu và hôn nhân giữa vua Lý Thánh Tông với mỹ nhân làng Thổ Lỗi đến nay vẫn là một trong những câu chuyện tình đẹp nhất cổ kim ở nước ta. Số là, tới ngoài tứ thập rồi nhưng nhà vua vẫn chưa có con trai nối dõi, bèn đi cầu tự khắp các chùa. Một bận lễ chùa xong về qua làng Thổ Lỗi (Thuận Thành, Bắc Ninh), thấy dân gian nô nức ùa ra đón xa giá, duy chỉ có một thôn nữ cứ một mình bẽn lẽn đứng tựa vào đám cỏ lan ngoài bãi dâu. Vua lấy làm lạ, vời vào xem mặt. Đẹp, đẹp quá! - vua không muốn làm gì khác ngoài việc sai đưa cô Lê Thị Yến (tên người thôn nữ) về cung, lập làm phu nhân.
|
Người đẹp lấy tên hiệu là Ỷ Lan phu nhân, để nhớ tới bụi cỏ lan đã làm chứng cho tình yêu lớn lao nảy nở đột ngột ngoài nương dâu."
Ỷ Lan vào cung được 3 năm thì sinh được hoàng tử Càn Đức. Ngay sau khi hoàng tử ra đời 1 ngày, nhà vua lập tức xuống chiếu phong làm Thái tử và ra lệnh đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu đồng thời phong Ỷ Lan làm Thần phi.
Bảo Đại bất chấp hoàng tộc lấy người ngoại đạo
Không dễ dàng như chuyện tình yêucủa Lý Thánh Tông và bà Ỷ Lan, đầu thế kỷ 20, chuyện tình của Bảo Đại và Nam Phương có lẽ là một trong những chuyện tình lâm ly nhất. Sự lâm ly không chỉ bởi vì khác biệt tôn giáo và sự phản đối của dòng họ mà còn vì đó là cuộc hôn nhân của một ông vua với một cô gái thường dân. Thêm nữa gia đình cô gái đối với triều đình còn có mối oán truyền đời.
Theo sách "Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam" thì Nam Phương hoàng hậu vốn tên là Nguyễn Hữu Thị Lan. Cái tên Nam Phương có nghĩa là hương thơm phương Nam, có lẽ là do Bảo Đại đặt cho. Gia đình bà vốn là một gia đình dân thường nhưng rất giàu có ở Nam Kỳ. Ông ngoại Nam Phương là Huyện Sỹ - một người giàu có gần như nhất Nam Kỳ thời đó.
Bảo Đại và Nam Phương quen nhau sau một lần gặp ở Đà Lạt. Ngay lập tức Bảo Đại bị hút hồn nhưng ngặt nỗi mối tình này khó mà có thể thành sự thực. Nguyên do là Nam Phương theo Thiên chúa giáo trong khi truyền thống triều Nguyễn theo đạo Phật. Về phía hoàng gia, cựu Thượng thư Bộ Binh là Tôn Thất Đàn đã toan làm một tờ kiến nghị có chữ ký của các đại thần đứng đầu các Bộ và các cơ quan trọng yếu để yêu cầu nhà vua từ hôn với Nam Phương hoặc Nam Phương phải bỏ Thiên chúa giáo để theo đạo Phật hoặc đạo Lão đang thịnh hành lúc đó.
Trong khi đó gia đình Nam Phương cũng không quá mặn mà với cuộc hôn nhân này. Bởi lẽ cụ ngoại của Nam Phương là ông Lê Văn Gấm đã bị vua Thiệu Trị (cụ của vua Bảo Đại) xử tử vì không chịu từ bỏ đạo Thiên chúa theo lệnh triều đình. Gia đình Nam Phương cũng lo lắng và họ đã quyết định nhờ Tòa thánh và Giáo hoàng can thiệp để quyết định xem Nam Phương có được lấy vua một nước theo Phật giáo không?
Để giúp Bảo Đại, đại diện Tòa thánh ở Đông Dương đã đặt vấn đề lên Giáo hoàng và ít lâu sau chính đại diện nước Pháp thông qua Đại sứ Pháp tại La Mã đã có những cuộc vận động ráo riết với Vatican. Tuy vậy Giáo hoàng quyết định không chấp nhận vì luật giáo hội có những trở ngại. Một trong số đó là con của Bảo Đại và Nam Phương sẽ phải thực hiện rửa tội theo nghi lễ Thiên chúa. Mà điều này thì thật khó có thể chấp nhận cho hoàng gia nhà Nguyễn cũng như triều đình.
Tuy vậy cuối cùng vào tháng 3/1934, Bảo Đại vẫn cưới Nam Phương. Lễ cưới chỉ có người Việt Nam tham dự. Để đám cưới được tổ chức, Bảo Đại đã ký cam kết các con cả trai lẫn gái sau này sinh ra sẽ được dạy dỗ theo nguyên lý cơ đốc giáo. Mặt khác Bảo Đại cũng cam kết sẽ không tuyển hàng tá cung phi như các vị vua trước. Tuy nhiên vị vua đào hoa này hình như không cam kết sẽ chung thủy với Nam Phương. Thực tế sau này khi Cách mạng bùng lên rồi một loạt các biến cố dồn dập xảy ra, khi hai người xa cách, Bảo Đại đã có nhiều mối tình lâm ly khác. Tuy vậy, cuộc tình của ông và bà Nam Phương vẫn là một trong những thiên tình sử nổi tiếng nhất lịch sử phong kiến Việt Nam.
Theo Nam Khánh/Kiến thức