Nhắc tới lăng mộ của Từ Hi, một số người tinh mắt sẽ nhận thấy điểm đặc biệt ở nơi này. Đó là phía trên ngôi mộ không hề có lấy một ngọn cỏ dại. Vậy đâu là lý do thực sự khiến ngôi mộ của Từ Hi chưa bao giờ xanh cỏ.
Những mẩu chuyện khuất lấp về Tây thái hậu
Sau khi Hàm Phong băng hà, Thái tử Tải Thuần lên ngôi làm Hoàng đế, sử cũ gọi là Đồng Trị đế. Có câu "mẫu bằng tử quý" (mẹ quý nhờ con), việc tân đế kế vị đã giúp người mẹ ruột là Từ Hy từ phi tần vươn lên trở thành Hoàng Thái hậu.
Nếu như Tây Thái hậu đối với người con ruột của mình là Đồng Trị ít nhiều vẫn còn mang tình mẫu tử, thì đối với vị vua "khác máu tanh lòng" với bà như Quang Tự, Từ Hy hoàn toàn chỉ có mục đích chi phối và lợi dụng.
Vào giai đoạn Quang Tự Hoàng đế tại vị, quyền lực của Tây Thái hậu đã lớn mạnh đến nỗi đủ sức làm mưa làm gió và đem lại cho bà cuộc sống xa hoa, lãng phí đến cực điểm.
Sau khi Từ Hy qua đời, cơ nghiệp Đại Thanh cũng đến hồi mạt vận. Khi tiền triều sụp đổ, những tiết lộ của các cung nữ trốn khỏi Tử Cấm Thành đã cho người đời biết được nhiều góc khuất phía sau cuộc sống hoa lệ chốn hoàng cung một thời.
Cuốn "Cung nữ đàm vãn lục" chính là hồi ký của các cung nhân từng làm việc dưới trướng Từ Hy. Ít ai biết rằng, đằng sau cuộc sống xa hoa, lãng phí của vị thái hậu khét tiếng một thời lại ẩn giấu không ít nỗi xót xa, tiếng ai oán của những người từng phải sống dưới thân phận nô tỳ.
Không chỉ phải "bóp mồm bóp miệng" trong việc ăn uống, ngay tới tư thế ngủ của hạ nhân trong cung cũng có quy định rõ ràng.
Theo luật định thời bấy giờ, phàm là người mang thân phận nô tỳ chỉ có thể nằm nghiêng chứ tuyệt đối không được nằm ngửa trong lúc ngủ.
Điều luật này bắt nguồn từ một quan niệm có phần mê tín dị đoan nhưng lại rất thịnh hành vào thời này. Theo đó, người trong cung cho rằng ban đêm là lúc các vị thần đi dò xét nhân gian để ban phúc, thọ cho những chủ tử ở các cung.
Chưa dừng lại ở đó, việc hạ nhân vô tình nằm ngửa trong lúc ngủ còn bị quy chụp là "ăn cắp phúc phần của chủ tử", xếp vào tội đại nghịch bất đạo, nặng thì có thể xử tử.
Một người đã bước vào tuổi già như Từ Hy Thái hậu càng thêm tin vào quan niệm mê tín này. Vì vậy, bà không chỉ yêu cầu cung nữ trong cung mình phải nằm nghiêng khi ngủ mà còn bắt họ dùng chăn đắp nửa gương mặt.
Tây Thái hậu tin rằng, quy định này sẽ khiến dung mạo của cung nữ không được thần phật nhìn thấy, từ đó bà chính là người hưởng tất cả phúc phần.
Bí mật phía sau nấm mồ chưa bao giờ xanh cỏ của Tây Thái hậu
Khi sắp sửa bước vào độ tuổi tứ tuần, Từ Hi đã bắt đầu hạ lệnh huy động nhân lực và tài lực để xây cất lăng mộ của mình.
Người được bà giao cho trọng trách quan trọng này chính là Thuần Thân Vương Dịch Hoàn – em ruột của Hoàng đế Hàm Phong và cũng là cha ruột của vua Quang Tự.
Việc Tây Thái hậu cho mời một nhân vật quan trọng trong hoàng gia đến trợ giúp mình xây lăng tẩm đã đủ để cho thấy bà coi trọng nơi an nghỉ của mình tới mức nào.
Chưa dừng lại ở đó, có giai thoại truyền lại rằng lăng mộ Từ Hi ở Định Đông Lăng được xây cất trên một mảnh đất có phong thủy tuyệt hảo. Tương truyền rằng mảnh đất quý này năm xưa từng được Hoàng đế Đồng Trị cho Từ Hi đích thân chọn lựa.
Trong quá trình xây cất lăng tẩm, Từ Hi đã huy động một khối lượng khổng lồ cả về nhân lực và tài lực. Vì vậy, nơi an nghỉ của bà khi mới hoàn thành mang dáng vẻ lộng lẫy, nguy nga chẳng hề thua kém hoàng cung.
Sử cũ ghi chép, lăng mộ của Từ Hi phải mất nhiều năm xây dựng mới hoàn thành. Khi tới nơi này thị sát, Thái hậu trên cơ bản tương đối vừa ý, duy chỉ có một điều khiến bà phật lòng: Đó là bởi đất ở nơi này mọc quá nhiều cỏ dại.
Do đó, Từ Hi đã đưa ra yêu cầu rằng phần đất phủ phía trên của ngôi mộ tuyệt đối không được mọc ra một ngọn cỏ nào.
Thế nhưng phía trên các ngôi mộ thời bấy giờ vẫn được bao phủ bởi một lớp đất, mà có đất ắt sẽ có cỏ dại.
Để chiều lòng thái hậu, Thuần Thân Vương Dịch Hoàn đã áp dụng phương pháp bí truyền đến từ các lăng tẩm của vương triều Tây Hạ. Theo đó, ông cho người đem tới 100 chiếc nồi lớn, sau đó cho toàn bộ phần đất sẽ được đắp phía trên ngôi mộ vào nồi và đảo qua đảo lại trên lửa lớn.
Quá trình này mặc dù khiến lớp đất mất dần chất dinh dưỡng, nhưng vẫn chưa hoàn toàn triệt tiêu nguy cơ có cỏ dại mọc lên.
Vì vậy, những người thợ sau đó đã đem toàn bộ số đất này trộn với lưu huỳnh để khiến cho cỏ dại không cách nào sinh trưởng. Thông qua cách làm này, phần đất phía trên ngôi mộ của Từ Hi chưa bao giờ có tình trạng xanh cỏ.
Và sự linh ứng rợn người của luật nhân quả báo ứng
Sau khi qua đời vào năm 1908, Từ Hi Thái hậu được chôn cất trong lăng mộ sang trọng chất chứa đầy báu vật mà bà đã cất công chuẩn bị lúc còn tại thế.
Chỉ tiếc rằng hai thập kỷ sau đó, Thanh triều mạt vận, nơi an nghỉ của Từ Hi đã bị bè lũ Tôn Điện Anh "khoắng" sạch bảo vật vào năm 1928.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, nhóm mộ tặc của Tôn Điện Anh không chỉ cướp đi bảo vật mà còn xâm phạm di thể của Từ Hi bằng cách hủy quan vứt xác.
Tương truyền rằng, vào thời điểm lăng mộ Tây Thái hậu bị trộm, thi thể của bà vẫn chưa bị phân hủy. Có ý kiến cho rằng, di thể của Từ Hi được bảo quản hoàn hảo tới mức kỳ lạ là nhờ vào viên dạ minh châu sở hữu giá trị liên thành được đặt trong miệng bà.
Thế nhưng Tôn Điện Anh và tay chân của mình đã không ngần ngại mạo phạm cổ nhân bằng cách di thể của Từ Hi bị ném ra bên ngoài quan tài, viên ngọc minh châu trong miệng bị lấy ra, ngay tới quần áo cũng bị cởi bỏ.
Về chuyện này, cuốn "Thời sự bạch thoại" thời Dân quốc còn miêu tả: "Thi thể vào quần áo vừa gặp gió liền biến hóa, gương mặt của Từ Hi trong chớp mắt đã hóa thành bộ xương khô".
Nhớ năm xưa Từ Hi từng chi 5 triệu lượng bạc trắng để xây dựng nơi an nghỉ nguy nga này, đó là chưa kể tới số kho báu được tùy táng theo Thái hậu.
Thế nhưng Trung Hoa thời kỳ Vãn Thanh phải đối mặt với cảnh thù trong giặc ngoài, việc Từ Hy dùng của công để xây cất lăng mộ nguy nga cho riêng mình đã khiến bách tính khắp nơi oán thán.
Cũng bởi vậy mà nhiều người cho rằng, hết thảy mọi tai ương xảy đến với lăng mộ và di thể của vị Thái hậu ấy chính là báo ứng cho những việc làm không hợp tình hợp lý mà bà gây ra lúc sinh thời.
Theo Khỏe & Đẹp