Khám phá

Hoá thạch khủng long nhỏ nhất thế giới được tìm thấy trong hổ phách

Một miếng hổ phách mới được tìm thấy ở Myanmar ẩn chứa bên trong nó một thứ hết sức đặc biệt, đó là cái đầu của loài khủng long nhỏ nhất thế giới từng được biết đến.

Khám phá ngôi đền từ thời vương triều Ptolemaic của Ai Cập cổ đại / Ảnh đẹp: Nai mẹ cứu con giữa dòng nước xiết

Theo National Geographic, công bố về phát hiện này mới được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature, cho thấy đầu của con vật chỉ dài khoảng 1,5 cm - tương đương bề rộng của ngón tay cái.
Cái đầu nhỏ như vậy gợi ý kích thước tổng thể của loài này chỉ tương đương với chim ruồi, và các nhà khoa học tỏ ra rất ấn tượng trước việc phát hiện một động vật nhỏ bé như vậy sống cùng thời với những con khủng long khổng lồ.
Sinh vật nhỏ bé này dường như có liên quan mật thiết tới 2 loài khủng long có lông vũ là Archaeopteryx và Jeholornis, họ hàng xa của các loài chim hiện đại.
Mẫu hoá thạch loài chim tiền sử Oculudentavis nằm lọt thỏm trong một miếng hổ phách. Ảnh: Nature.

Mẫu hoá thạch loài chim tiền sử Oculudentavis nằm lọt thỏm trong một miếng hổ phách. Ảnh: Nature.

Các nhà nghiên cứu cho rằng giống như Archaeopteryx và Jeholornis, loài khủng long mới được phát hiện có cánh, có lông vũ. Nhưng vì không có nhiều hoá thạch về chúng nên họ chưa thể xác định khả năng bay lượn của nó. Và mặc dù có kích thước tương đương những con chim ruồi, loài khủng này dường như ăn thịt chứ không ăn mật.
Hàm trên của nó có tới 40 chiếc răng sắc nhọn, và đôi mắt của nó tương đối lớn so với kích thước cơ thể - dường như là để phát hiện con mồi trong những tán lá. Vì vậy các nhà khoa học đặt tên cho loài khủng long mới được phát hiện là Oculudentavis - ghép âm latin của ba từ mắt, răng và chim.
Không có sinh vật nào còn sống ngày nay có đặc điểm giống như Oculudentavis. Bà Jingmai O'Connor, nhà cổ sinh vật học tại Viện nghiên cứu Sinh vật học và Cổ sinh vật học Trung Quốc, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng điều này là rất lý thú, và sẽ còn nhiều câu hỏi cần được giải đáp.
Bà O'Connor suy đoán rằng các đặc điểm kỳ lạ của Oculudentavis có thể đã hình thành từ môi trường sống tiền sử độc đáo của nó. Trong các hệ sinh thái nơi nguồn thức ăn hạn chế, sự tiến hoá sẽ đẩy kích thước của động vật thu nhỏ lại.
Hiện các nhà khảo cổ đang gặp khó khăn trong việc tìm thêm các mẫu hoá thạch của Oculudentavis, vì tình trạng khai thác hổ phách trái phép ở miền bắc Myanmar.
Ban đầu, mẫu hổ phách này được cho là đến từ một miếng lớn hơn, bao gồm toàn bộ cơ thể con vật, nhưng nó đã bị cắt ra và đánh bóng rồi bán cho các nhà sưu tập tư nhân, trước khi đến tay một nhà sưu tập, người đã hiến tặng mẫu vật cho bảo tàng Hổ phách Hupoge ở Bảo Sơn, tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm