Hoàng hậu duy nhất trong lịch sử Trung Quốc phải chịu án bêu đầu vì "học đòi" Võ Tắc Thiên
Nghìn người ao ước có được ngôi vị mẫu nghi thiên hạ, nhưng bà Hoàng hậu này lại tự nguyện làm kỹ nữ chốn lầu xanh / Không phải Lệnh Phi hay Kế Hoàng hậu, đây mới là phi tần đứng vững nhất trong chốn hậu cung của Càn Long
Vào thời phong kiến, ngôi vị Hoàng hậu được ví như bậc "mẫu nghi thiên hạ". Thế nhưng trong lịch sử Trung Hoa, những vị Hoàng hậu phải rơi vào kết cục bi thảm nhiều không đếm xuể.
Trong số đó, người thì bị phế bỏ tước vị, kẻ phải đày vào lãnh cung, có người còn bị ban cho cái chết. Thế nhưng suốt mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc lại chỉ có duy nhất một vị Hoàng hậu phải chịu án bêu đầu.
Đó không ai khác chính là con dâu của Võ Tắc Thiên, vợ Đường Trung Tông Lý Hiển – Hoàng hậu Vi thị thời nhà Đường.
Hoàng hậu hiền lương trở thành thủ phạm giết vua vì ham mê quyền lực
Vi thị (? – 710), thường được gọi là Vi hậu hoặc Vi Thái hậu, là vị Hoàng hậu thứ hai của Đường Trung Tông Lý Hiển.
Khi mới gả cho Lý Hiển, vị Hoàng hậu họ Vi vốn là một người hiền lành, lương thiện.
Lúc bấy giờ, Võ Tắc Thiên đã nắm quyền nhưng lại không vừa mắt Lý Hiển. Đó cũng là lý do vì sao bà từng phế bỏ ngôi vị của con trai này.
Sau khi bị phế, cuộc sống của Lý Hiển hết sức khó khăn, may nhờ Vi thị tận tụy chăm sóc mới có thể bình an mà trở lại ngai vị.
Chỉ có điều kể từ sau khi phu quân trở lại cầm quyền, tâm tư của Vi thị dần trở nên giống với người mẹ chồng là Võ Tắc Thiên. Tham vọng quyền lực của vị Hoàng hậu này cũng càng ngày càng lộ rõ.
Trong lịch sử, Đường Trung Tông Lý Hiển bị đánh giá là một vị Hoàng đế nhu nhược. Hầu như mọi chuyện ông đều nghe theo lời Hoàng hậu Vi thị.
Nhưng điều không ai ngờ tới nằm ở chỗ, vị Hoàng hậu ham mê quyền lực như Vi thị không chịu cảnh mãi làm người đứng sau thao túng.
Bà luôn ôm mộng có thể lâm triều xưng chế, làm chủ giang sơn như người mẹ chồng Võ Tắc Thiên năm xưa. Vì vậy, ngay cả một con rối như Đường Trung Tông cũng không được bà nể tình mà lưu lại.
Sử cũ có ghi, ngày Nhâm Ngọ, tháng 6 năm Canh Tuất (tức ngày 3 tháng 7 năm 710), Đường Trung Tông Lý Hiển trúng độc, băng hà ở điện Thần Long ở tuổi 55.
Bấy giờ, người đời đều quy tội cho Mã Tần Khách và An Lạc công chúa. Thế nhưng bản thân Vi hậu rõ hơn ai hết, đám công khanh đại thần một lòng quy phục Tương Vương Lý Đán ấy luôn cho rằng chính bà mới là thủ phạm giết vua.
Vì vậy, sau khi Trung Tông băng hà, Vi thị hết sức sợ hãi, liền tìm mọi cách thao túng triều đình, chỉ để người thân tín nắm giữ cảnh vệ kinh thành rồi sau đó phò trợ Thái tử đăng cơ.
Sau khi trở thành Thái hậu lâm triều nhiếp chính, Vi thị để anh trai Vi Ôn quản lý binh mã kiêm thủ vệ cung đình, lại lệnh cho Phò mã Vi Tiệp và Vi Trạc nắm giữ quân doanh, cho Võ Diên Tú (chồng công chúa An Lạc) cùng con cháu họ Vi nắm quyền ngự lâm quân.
Để tạo được thế cục nắm chắc trong tay cả chính quyền lẫn quân quyền, Vi thị đã hết sức lao tâm khổ tứ. Hành động của bà thường được ví với việc Lữ hậu soán quyền nhà Hán năm xưa.
Chỉ có điều bàn cờ chính trị của Vi hậu không thể bì được với bà hoàng họ Lữ, bởi đám người thân tín được Vi thị trọng dụng đều là "thùng rỗng kêu to".
Đám người này ỷ vào việc quan hệ thân thích với Vi thị, lộng hành tới nỗi không việc ác nào không dám làm, khiến thiên hạ khắp nơi oán thán.
Sau cùng, gia tộc họ Vi vào đã bị một nhân vật đẩy vào cửa tử. Đó không ai khác là con trai của Tương vương Lý Đán, tức Lâm Tri vương Lý Long Cơ – cũng chính là Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) sau này.
Học đòi mẹ chồng và cái kết đắng cho con dâu của Võ Tắc Thiên
Sinh thời, Lý Long Cơ quả là một nhân tài hiếm có. Để có thể dẹp được phe cánh của Vi thị, ông trước hết lợi dụng lòng người, rêu rao khắp kinh thành tin đồn thiên hạ sắp thay đổi triều đại.
Sau đó, ông lại kết giao với hào kiệt khắp nơi, thậm chí còn kết nghĩa vào sinh ra tử với Vệ úy khanh Tiết Sùng Giản, và Nội giám Chung Thiệu Kinh.
Khi Thống lĩnh phi kỵ Cát Phúc Thuận và Trần Nguyên Lễ mật báo cho Lý Long Cơ tin tức phe cánh Vi hậu chuẩn bị gây bất lợi cho cha ông (tức Tương Vương Lý Đán), Lý Long Cơ đã quyết định phát động chính biến, diệt trừ gia tộc chuyên quyền này.
Trong một cuộc mật đàm đã diễn ra tại vương phủ Lâm Tri của Lý Long Cơ, có người hỏi ông rằng có nên báo trước cho Tương Vương hay không.
Long Cơ đáp:
"Nay ta khởi binh thảo phạt nghịch tặc là vì giúp đỡ hoàng tộc nhà Đường, vì giang sơn xã tắc. Chuyện này thành hay bại còn khó đoán. Việc nếu thành thì sẽ quy về cha ta, nếu bại thì ta sẽ lấy thân đền nợ nước, quyết không để liên lụy tới cha".
Không lâu sau, vào ngày 21/7 năm đó, sự kiện Đường Long chi biến xảy ra.
Bấy giờ, Lý Long Cơ đích thân dẫn quân tiến vào từ Huyền Vũ Môn, trước chém hai người cháu trai Vi hậu cùng Trung Lang Tướng Cao Sùng, sau lại nhắm thẳng tới điện Thái Cực nơi Vi thị đang ở.
Bấy giờ, Vi hậu vừa mới tư thông cùng Mã Tần Khách và Dương Vận, nghe tin chính biến liền hốt hoảng vô cùng. Bà chạy trốn đến Phi Kỵ doanh mà không hề hay biết các tướng sĩ nơi đây từ sớm đã đem lòng hận mình tới thấu xương.
Đám người này thấy Vi hậu hớt hải chạy tới, liền nhân dịp này trút hết hận thù, giương kiếm toan nhằm vào phía Vi thị mà chém.
Một người xưa nay chỉ biết hạ lệnh chém đầu người khác như Vi hậu có nằm mơ cũng không nghĩ rằng mình lại rơi vào cảnh đường cùng này. Kết quả là Vi thị bị một người lính phi kỵ chặt đầu.
Khi hay tin kẻ đầu sỏ cuối cùng cũng bị đền tội, Lý Long Cơ rất mực vui mừng, hạ lệnh cho thủ hạ ngừng chém giết.
Nhưng giữa cảnh chính biến hỗn loạn, lệnh của Lý Long Cơ truyền đến khắp nơi cũng là lúc những kẻ thân tín của gia tộc họ Vi như công chúa An Lạc, Võ Diên Tú, Vi Ôn, Vi Tiệp… đều đã bị chém đầu, phanh thây.
Trong cuộc chính biến ấy, gia tộc Vi thị từ trên xuống dưới, từ già đến trẻ đều bị đuổi cùng giết tận.
Mấy ngày sau, Lý Long Cơ lại đưa ra một quyết định gây chấn động. Ông sai người bêu đầu Vi thị và An Lạc công chúa, treo thủ cấp ở khu chợ phía đông thành Trường An.
Có giai thoại truyền lại rằng, năm xưa Vi hậu và công chúa An Lạc trước kia từng chém đầu, bêu thủ cấp của Thái tử Lý Trọng Tuấn. Vị Thái tử này khi còn sống có quan hệ rất thân thiết với Lý Long Cơ.
Vì vậy, kết cục chết không toàn thây của vị Hoàng hậu tàn bạo, chuyên quyền này bị người đời xem là minh chứng cho việc ác giả ác báo, nhân quả tuần hoàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bằng chứng hiếm có về tục lệ ăn thịt người thời cổ đại
5 loại gỗ đắt nhất thế giới: Việt Nam có 1 loại nổi tiếng khắp thế giới, giá 2,3 tỷ/kg
Rùng mình tục lệ ăn thịt người chết ở rừng Amazon
Khai quật lăng mộ lãnh chúa 1.200 tuổi chứa đầy vàng ở Panama
Loài chó ‘biết hát’ cực kì quý hiếm hồi sinh sau 50 năm tưởng đã tuyệt chủng
CLIP: Cảnh tượng đáng kinh ngạc, bọ ngựa tóm gọn chim ruồi trong chớp mắt