Khám phá

Huế phát hiện loài thú cực hiếm, nhờ chuyên gia quốc tế đánh giá

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, sau khi ghi nhận sự xuất hiện của loài thú móng guốc cực hiếm và tưởng chừng tuyệt chủng trên địa bàn, ông đã trực tiếp liên hệ với một chuyên gia hàng đầu thế giới về thú móng guốc để nhờ trao đổi thông tin, đưa ra đánh giá chính xác nhất.

Động vật có con mắt thứ 3 không? / Chúng ta có thể hồi sinh những loài động vật đã tuyệt chủng hay không?

Mới đây, thông tin từ lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, lực lượng chức năng địa phương vừa phát hiện loài thú móng guốc đặc hữu, quý hiếm, tưởng chừng tuyệt chủng thông qua bẫy ảnh nhiều tháng. Cùng với đó là những ghi nhận về sự xuất hiện đa dạng của nhiều loài chim, thú hoang dã ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền.

 Huế phát hiện loài thú cực hiếm, nhờ chuyên gia quốc tế đánh giá - Ảnh 1.

Chuyên gia quốc tế cho rằng, đó có thể là mang Trường Sơn hoặc Mang Roosevel. Ảnh: Khu BTTNPĐ cung cấp

Điểm chọn đặt bẫy ảnh nằm ở các khu vực hiểm trở theo sơ đồ trùng với đường đi tìm thức ăn của các thú rừng. Đặc biệt, đoàn công tác đã đặt bẫy ảnh tập trung vào sinh cảnh của loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi).Trước đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền cùng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt tiến hành khảo sát, đặt hơn 100 bẫy ảnh tại khu vực rừng sâu của khu bảo tồn này.

Kết quả, sau 2 tháng (từ ngày 12/3 - 28/5) đặt bẫy ảnh tại phạm vi rừng có diện tích rộng 11 ha thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền, đoàn đã thu được hơn 200 ảnh của 20 loài thú và 11 loài chim; trong đó, số ảnh động vật hoang dã chiếm phần lớn.

 Huế phát hiện loài thú cực hiếm, nhờ chuyên gia quốc tế đánh giá - Ảnh 2.

Cầy Gấm tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền. Ảnh: Khu BTTNPĐ cung cấp


Tuy không thu được hình ảnh nào về Gà lôi lam mào trắng như mục tiêu đặt bẫy ảnh ban đầu, nhưng đoàn công tác lại ghi nhận sự xuất hiện của một số loài thú cực kỳ quý hiếm.

Đặc biệt, trong số đó là loài Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis) tưởng chừng đã tuyệt chủng và cá thể Cầy vằn (Chrotogale owstoni) - loài động vật đang trong tình trạng nguy cấp thuộc sách đỏ IUCN năm 2016.

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, ngay khi nhận được thông tin, ông đã liên hệ với tiến sĩ Rob Timmins - Giám đốc kỹ thuật Saola Foundation, chuyên gia hàng đầu thế giới về thú móng guốc để trao đổi thông tin một cách chính xác.

 Huế phát hiện loài thú cực hiếm, nhờ chuyên gia quốc tế đánh giá - Ảnh 3.

Sự xuất hiện thú vị cùng lúc của 2 cá thể Mang Trường Sơn- loài cực hiếm và tưởng chừng tuyệt chủng tại Việt Nam. Ảnh: Khu BTTNPĐ cung cấp

Còn theo ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền, Mang Trường Sơn từng được phát hiện trong dãy núi Trường Sơn ở Việt Nam vào năm 1997.Từ những hình ảnh được gửi đến, tiến sĩ Rob Timmins nhận định rằng, đó không phải là Mang lớn. Ông Rob nghi ngờ giữa Mang Trường Sơn và Mang roosevel. Điều đặc biệt, là cả hai loại này cùng loài thú móng guốc đặc hữu, quý hiếm vừa phát hiện hoặc tái phát hiện tại Việt Nam và Lào.

 

 Huế phát hiện loài thú cực hiếm, nhờ chuyên gia quốc tế đánh giá - Ảnh 4.

Trĩ Sao. Ảnh: Khu BTTNPĐ cung cấp


Tuy không đủ dữ liệu để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng, nhưng từ rất lâu mới phát hiện trở lại cá thể này trong vùng rừng TT-Huế. Kết quả cho thấy, có ít nhất 2 cá thể của loài này trong rừng. Thực tế đó vô cùng có giá trị đối với nghiên cứu khoa học về loài này.

Ngoài Mang Trường Sơn, các bẫy ảnh ghi nhận các loài động vật quý hiếm như Trĩ sao (Rheinardia ocellata), gà Tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum), gà So Trung Bộ (Arborophila merlini) và một số loài thú như Thỏ vằn (Nesolagus timminsi), Sơn dương (Capricornis milneedwardsii maritimus)…

 Huế phát hiện loài thú cực hiếm, nhờ chuyên gia quốc tế đánh giá - Ảnh 5.

Cầy Voi mốc. Ảnh: KBT Phong Điền

 Huế phát hiện loài thú cực hiếm, nhờ chuyên gia quốc tế đánh giá - Ảnh 6.

Chim vạc. Ảnh: KBT Phong Điền


Theo ông Tuấn, tại khu vực nghiên cứu qua ghi nhận bẫy ảnh, sự xuất hiện của người dân là rất ít; không có hiện tượng săn bắn, khai thác gỗ. Qua đó, phản ánh được khu vực nghiên cứu được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, việc có 20 loài thú và 11 loài chim được ghi nhận qua bẫy ảnh đặt tại phạm vi khu vực nghiên cứu là điều vẫn còn khiêm tốn, so với tổng diện tích hơn 41.000 ha của khu bảo tồn.

 Huế phát hiện loài thú cực hiếm, nhờ chuyên gia quốc tế đánh giá - Ảnh 7.

Trĩ sao. Ảnh: KBT Phong Điền

 


Thời gian tới, khu bảo tồn này sẽ tiếp tục mở rộng khu vực nghiên cứu, cập nhật danh lục động vật và thiết lập bản đồ phân bố các loài đặc hữu, nguy cấp để có giải pháp bảo vệ hiệu quả.
1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm