Thomas M. Jenkins, người từng chiến đấu ở Việt Nam năm 1969 kể rằng ông đã thấy một đàn vượn lớn trông giống người ném đá vào trung đội của mình.
Người rừng Việt Nam, được quốc tế biết đến rộng rãi với tên gọi Batutut là một sinh vật bí ẩn được cho là sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang của Việt Nam và một số khu rừng khác ở Việt Nam, Lào và Indonesia.
Tiến sĩ Trần Hồng Việt, người đã nghiên cứu Batutut trong 30 năm tin rằng sinh vật này là có thật. Vào năm 1982, ông có được chứng cứ rõ ràng đầu tiên là một dấu chân cỡ 28x26 cm. Theo mô tả của ông, đây là một cao khoảng 1,8m, cơ thể được bao phủ bởi lông trừ đầu gối, lòng bàn chân, tay và mặt. Batutut đi bằng hai chân và thường ăn hoa quả, lá cây và cả những loài động vật nhỏ.
Đã có rất nhiều báo cáo về người rừng Batutut trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Vào năm 1971, có thông tin rằng người dân tộc đã bắt được hai người rừng gần tỉnh Đắk Lắk.
Trong chương trình Finding Bigfoot (Đi tìm người rừng) năm 2013, Cựu chiến binh Mỹ Thomas M. Jenkins, người từng làm lính trinh sát ở Việt Nam năm 1969 kể rằng ông đã từng thấy một đàn vượn lớn trông giống người ném đá vào trung đội của mình. Đó là lý do tại sao những người lính Mỹ gọi những sinh vật này là “vượn đá" .
Jenkins mô tả, so với các loài vượn thông thường, “vượn đá” to lớn, cơ bắp hơn và cách hành xử “người” hơn. Chúng thường là hét và lắc nắm đấm để dọa dẫm kẻ thù của mình. Đáng tiếc rằng trong điều kiện chiến tranh, không có tấm ảnh nào được ghi lại.
Theo chương trình Finding Bigfoot, không chỉ là những người lính Mỹ, mà các chiến sĩ ở phía Bắc Việt Nam cũng nhìn thấy người rừng. Một bác sĩ thú y Việt Nam kể lại, ông đã từng thấy một người rừng leo trèo qua các vách đá dựng đứng một cách điêu luyện trước khi biến mất trong rừng xanh.
Trong một chương trình truyền hình khác có tên Monster Quest (Truy tìm quái vật), ông Larry Wilson, một cựu phi công trực thăng ở Việt Nam cho biết, vào cuối năm 1970, ông đã nhìn thấy một người rừng đang chuyển mình trên cành cây. Ông cho biết sinh vật lông lá này có đỉnh đầu phẳng, khuôn mặt có nét giống một người đàn ông, và không có đuôi.
Giáo sư Võ Quý, nhà sinh vật học nổi tiếng Việt Nam cũng cho biết, một người bạn ông là cựu chiến binh đã quan sát thấy một sinh vật giống như người rừng qua ống nhòm của mình.
Vào năm 1966, đã có báo cáo rằng một số binh sĩ Mỹ bắt được một người vượn. Từ vùng núi, đối tượng đã được cho vào lưới và chở bằng trực thăng đến Đà Nẵng. Báo chí Mỹ khi đó đã có bài viết về việc một con khỉ không đuôi lớn ở Việt Nam đã làm gián đoạn các hoạt động quân sự.
Đến năm 1967, trong một lễ hội diễn ra ở Chico, California, một con vượn lớn đông đá đặt trong một hộp hình quan tài đã được trưng bày, khiến công chúng náo động. Nhà động vật học người Bỉ, Bernard Heuvelman đã kiểm tra và kết luận đây là một loài mới. Ông đặt tên cho nó là "Pongoides homo". Ban tổ chức không tiết lộ nguồn gốc của người vượn, nhưng có nhiều đồn đoán rằng nó đã được đưa đến từ Đông Dương.
Năm 2012, các nhà thám hiểm của chương trình truyền hình Destination Trut (Mỹ) cho rằng họ đã phát hiện thấy dấu vết của dã nhân Batutut (ảnh) sau khi sử dụng thiết bị ảnh nhiệt trong các khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, Hà Tĩnh (Việt Nam). Tuy nhiên, bằng chứng này chưa thể giúp họ xác định được người rừng có thực sự tồn tại hay không.
Hiện tại, có nhiều giả thuyết về sự tồn tại của người rừng Batutut. Thuyết đầu tiên của nhà động vật bí ẩn học Loren Coleman, cho rằng Batutut là phần còn sót lại của nhóm người vượn đứng thẳng hay Neanderthal.
Một giả thuyết khác cho rằng Batutut là hậu duệ của Gigantopithecus, một loài vượn khổng lồ từng sinh sống ở Đông Nam Á hàng vạn năm trước.
Hiện tại, việc nghiên cứu về người rừng Batutut ở Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại do sinh vật này sống ở những khu vực hẻo lánh rất khó tiếp cận, cũng như sự nguy hiểm từ lượng bom mìn còn sót lại trong rừng. Hi vọng rằng với những tiến bộ về khoa học, ẩn số về Batutut sẽ được giải đáp trong một tương lai không xa.
Theo Thanh Bình/Kiến thức
Theo Thanh Bình/Kiến thức