Khám phá

Kẻ trong chiếc quan tài dựng đứng ăn mặn, đời con khát nước (P3)

Sinh thời Tổng đốc Trần Bá Lộc là quan giàu nhất xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nhưng đời sau của kẻ tay sai trong chiếc quan tài dựng đứng chịu cái kết đau buồn.

Biết trước về ra mắt nhà người yêu sẽ không suôn sẻ nhưng tôi không ngờ bố mẹ anh lại đặt một chiếc quan tài giữa sân để phản đối / Nghe tin mẹ chồng bệnh nặng, tôi về nhà thì thấy giữa nhà có chiếc quan tài, đang sững sờ thì mẹ chồng đi ra nói một câu khiến tôi giật mình bỏ chạy

Viên Tổng đốc giàu nhất Nam K

Những bậc cao niên ở Cái Bè, Cai Lậy, Mỹ Tho kể về sự giàu có tột bậc của Tổng đốc Trần Bá Lộc như sau: hơn 2.000 mẫu ruộng của quan Tổng đốc phần lớn đều do chiếm đoạt của dân nghèo và những điền chủ có dính dáng đến các phong trào nghĩa quân chống Pháp bị Trần Bá Lộc o ép buộc họ hiến đất, nếu không thì ông ta cũng tự tay cướp lấy. Do vậy, ngoài chuyện khét tiếng về sự tàn ác, chém người không gớm tay, Tổng đốc Trần Bá Lộc còn nổi tiếng khắp xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh là 1 tên cướp ngày trắng trợn chuyên thu vén đất đai, vườn ruộng.

9.jpg
Cù lao Năm Thôn (Ngũ Hiệp) từng là tài sản riêng của Tổng đốc Lộc - Ảnh: Thanh Anh

Lúc sinh thời, ngoài 2.000 mẫu ruộng màu mỡ, Tổng đốc Lộc còn là chủ nhân của 2 cù lao nổi tiếng trên sông Tiền thuộc địa phận Mỹ Tho là cù lao Rồng (nay là cù lao Tân Long) nằm đối diện TP.Mỹ Tho và cù lao Năm Thôn ở H.Cai Lậy (hiện nay là cù lao Ngũ Hiệp). Theo các bậc cao niên, Tổng đốc Lộc phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc mới mua được 2 cù lao này từ tay các điền chủ người Pháp. Chuyện Tổng đốc Lộc mua cù lao Rồng, đến nay không thấy sử sách ghi lại. Nhưng việc mua lại cù lao Năm Thôn rộng hơn 1.657 héc-ta thì các tài liệu ghi lại như sau:

Cù lao Năm Thôn đã được người dân khai khẩn từ hồi chúa Nguyễn, nổi danh trù phú nhờ hoa lợi từ những đám ruộng màu mỡ và nghề trồng cau, trồng dừa, trồng dâu nuôi tằm. Dân cù lao Năm Thôn đa số đều tham gia các phong trào kháng chiến của Trương Định, Thủ khoa Huân. Sau khi các cuộc khởi nghĩa này thất bại, dân cù lao Năm Thôn lo sợ bị bắt bớ, tù đày, chém giết nên bỏ trốn đi nơi khác, chỉ có 8 gia đình ở lại canh tác 36 héc-ta. Đất đai còn lại đều bị sung công theo quy định của chính quyền Pháp. Sau đó 1 người Pháp tên là Taillefer thấy đất đai cù lao Năm Thôn bỏ hoang liền đứng ra lập công ty, xin phép chính quyền thực dân cho khai khẩn 300 héc-ta đất hoang hóa với giá rẻ mạt 10 quan tiền/héc-ta.

Sau khi được phép khẩn hoang 300 héc-ta, Taillefer lần hồi mua được toàn bộ đất đai của cù lao Năm Thôn. Taillefer tuyên bố cù lao này thuộc quyền sở hữu của hắn, người dân đến làm ruộng thuê hoặc sinh sống trên đất cù lao đều là tá điền. Taillefer áp dụng chế độ cai trị như 1 “vương quốc”: sáng và chiều cho đánh trống, điểm danh tá điền, dân trên cù lao phải đóng “thuế đất” cho y, khỏi đóng thuế cho chính quyền. Taillefer lập nhà máy xay lúa, mua lúa non của dân trên cù lao, cho vay tiền, vay lúa với lãi suất cắt cổ, con nợ phải ký giấy để ràng buộc, đời cha không trả hết nợ thì đời con phải trả tiếp.

10.jpg
Ngôi mộ chôn đứng của Tổng đốc Lộc, phía sau là mộ Trần Bá Thọ cũng làm bằng đá trắng, phía xa trong hàng rào sắt là mộ cha mẹ Tổng đốc Lộc - Ảnh: Thanh Anh

Taillefer còn cạnh tranh mua bán lúa gạo với các thương lái người Hoa ở Mỹ Tho, Gia Định, mua gom lúa ở khu vực lân cận về xay và đưa lên Sài Gòn xuất khẩu. Taillefer còn nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Pháp như nồi niêu, xoong chảo, vải, khăn mu-soa, rượu vang, bắt dân cù lao mua lại hoặc đổi bằng lúa với giá trên trời. Trên đất cù lao Năm Thôn, Taillefer còn buộc nông dân - tá điền trồng cây va-ni để chế bột thơm làm gia vị, trồng bông vải, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía. Đến năm 1868, khi dân chúng trên cù lao lên đến khoảng hơn 1.200 người, Taillefer cho lập 2 ngôi làng.

Nhưng mùa màng liên tiếp thất bát, dân cù lao giật nợ trốn đi nơi khác hàng loạt; những người làm nghề hàng xáo lãnh tiền để mua lúa cho nhà máy xay của Taillefer cũng bỏ trốn biệt dạng. Taillefer kiện lên tòa án Mỹ Tho nhờ xét xử nhưng cuối cùng quan tòa xử cho các con nợ được trắng án vì Taillefer lấy lãi quá cao. Taillefer đệ đơn kiện lên Thống đốc Nam Kỳ, nhưng đơn kiện cũng bị bác, nên Taillefer phá sản.

 

Năm 1871, cù lao Năm Thôn bị chính quyền Pháp đem ra phát mại và Tổng đốc Lộc lúc đó đang ngồi ghế chủ quận Cái Bè là người bỏ tiền ra mua lại. Sau khi mua được cù lao Năm Thôn, Tổng đốc Lộc mở rộng đất canh tác lên tới 750 héc-ta. Thời đó, nắm trong tay cù lao Năm Thôn, cù lao Rồng và hơn 1.000 héc-ta đất được chính quyền Pháp cấp cho khẩn hoang sau khi đào xong kênh Tổng đốc Lộc (nay là kênh Nguyễn Văn Tiếp), 2.000 héc-ta ruộng tốt, Trần Bá Lộc nghiễm nhiên trở thành 1 trong những người giàu nhất Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Cha nào con nấy và sự suy tàn của 1 gia tộc

Tổng đốc Lộc chỉ có 1 người con duy nhứt là Trần Bá Thọ. Sau khi Tổng đốc Lộc chết, Thọ lên làm chủ quận Kiến Phong (Sa Đéc, Đồng Tháp), nắm giữ toàn bộ gia sản của cha để lại. Thọ có tính tình hống hách tham lam giống cha như đúc. Theo cuốn “Sự có mặt của người Pháp ở Nam Kỳ và Cam Bốt”, từ năm 1886 trở đi Nam Kỳ đã bắt đầu gởi người du học qua Pháp. Bốn năm sau số du học sinh lên đến 90 người. Thọ là 1 trong những người du học đầu tiên đó. Thọ được cha cho đi du học tại Pháp cùng với người chú ruột là Trần Bá Hữu, không phải để lấy bằng cấp mà chỉ học chữ Pháp đủ sức làm thông ngôn, giao dịch với người Pháp.

Sau khi ở Pháp về, Thọ vừa làm Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ vừa lo quản lý ruộng đất khổng lồ của cha để lại. Thọ là người quy dân lập ấp, xây chợ, cất nhà ở Sa Đéc, lúc ấy thuộc phủ Tân Thành, nơi Lộc từng trấn nhậm chức tri huyện và có rất nhiều đất đai. Những chuyện hống hách, ngang ngược ỷ thế cậy quyền làm càn của Thọ, dân gian vùng Cái Bè, Cai Lậy, Sa Đéc… truyền tụng nhiều, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là chuyện ông ta dám cưỡng đoạt cô dâu ngay giữa tiệc cưới ở làng Tân Dương, Sa Đéc.

Các bậc cao niên kể, cô dâu bị Thọ cướp giữa tiệc cưới là 1 thôn nữ đẹp người, đẹp nết, khiến Thọ rất si mê. Nhiều lần Thọ mang sính lễ đến nhà xin cưới nhưng đều bị cô gái và gia đình của cô từ chối thẳng thừng. Tức mình, Thọ hăm dọa nếu cô lấy chồng hắn sẽ đánh cướp cô dâu ngay trong ngày cưới. Tưởng Thọ chỉ hăm dọa, nhưng không ngờ trong ngày đám cưới của cô thôn nữ Thọ công khai kéo gia nhân, tay chân thân tín đến cướp cô dâu mang đi. Sự việc động trời này bị nhân sĩ Đặng Thúc Liêng lên tiếng tố cáo và Thanh tra chính trị Nam Kỳ tiến hành tra xét, sau đó cách chức, bắt giữ Thọ giải về Sài Gòn trị tội.

 

11.jpg
Kênh Tổng đốc Lộc, nay là kênh Nguyễn Văn Tiếp - Ảnh: Thanh Anh

Sau khi được thả, công cuộc làm ăn của Thọ ngày càng lụn bại, nợ nần chồng chất. Tiếp đó dinh cơ đồ sộ của Thọ ở Sa Đéc cũng bị dân chúng đốt cháy rụi, đất đai bị ngân hàng tịch biên phát mãi. Năm 1909 trong một lần uống rượu say, Trần Bá Thọ rút súng lục bắn vào đầu tự sát. Sau khi Thọ tự sát, cù lao Ngũ Hiệp và cả cù lao Rồng của cha con Tổng đốc Lộc bị phát mãi, bán cho Đốc phủ Lê Văn Mầu.

Hiện tại, dấu tích còn lại của gia tộc Tổng đốc Lộc chỉ là ngôi mộ chôn đứng của ông ta, cạnh đó là mộ Trần Bá Thọ cũng làm bằng đá trắng, trong khu đất Thánh của nhà thờ Cái Bè. Trong khu đất này còn có mộ của bà Nguyễn Thị Ở và ông Tú tài Trần Bá Phước, được xây theo kiểu xưa. Ở vùng Đồng Tháp Mười, vẫn còn 1 con kênh lớn dài 47 km, rộng 10 mét chạy từ Bà Bèo (Tân Phước, Tiền Giang) đến Đồng Tháp, trước đây mang tên Tổng đốc Lộc. Con kênh này do Tổng đốc Lộc đích thân chỉ huy dân phu đào. Công việc đào kinh rất nặng nhọc, giữa đồng hoang nhiều muỗi, đĩa và thiếu nước uống, nên nhiều người chết vì bệnh sốt rét và dịch tả.

Lúc đầu người Pháp không đồng ý với đề xuất đào kênh của Tổng Lộc, nhưng sau khi nhìn thấy tầm quan trọng về quân sự của con kênh đối với vùng Đồng Tháp Mười hoang vu, nên chấp thuận cho Tổng đốc Lộc đào kênh. Tháng 4.1897 khi con kênh đào xong, đích thân Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xuống khánh thành và đặt tên là kênh “Tổng đốc Lộc”.

Ngày nay kênh Tổng đốc Lộc được đổi tên thành kênh Nguyễn Văn Tiếp, 1 cán bộ liệt sĩ cao cấp của chính quyền cách mạng. Nhiều năm qua con kênh này đã góp phần làm cho những vùng đất hai bên bờ như Bà Bèo, Mỹ Phước, Mỹ Phước Tây, Hậu Mỹ, Mỹ An…ngày càng sung túc. Kênh Nguyễn Văn Tiếp còn là tuyến giao thông thủy rất quan trọng trong việc vận chuyển nông sản hàng hóa của vùng Đồng Tháp Mười và là tuyến kênh rửa phèn thoát lũ cực kỳ trọng yếu của vùng này.

>> Xem phần trước: Bí ẩn chiếc quan tài dựng đứng của kẻ tay sai khét tiếng tàn ác (P1)

 

>> Xem phần trước: Kẻ trong quan tài dựng đứng và sự hiếu sát tàn ác khi còn sống (P2)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm