(DNVN) - Các nhà thần kinh học đã tạo thành công một kết nối não ba chiều cho phép ba người chia sẻ suy nghĩ của họ với nhau. Nhóm nghiên cứu nghĩ rằng thí nghiệm đầy thử thách này có thể được mở rộng để kết nối tất cả mọi người với nhau.
Các nhà thần kinh học đã tạo thành công một kết nối não ba chiều cho phép ba người chia sẻ suy nghĩ của họ với nhau và thử nghiệm trong trường hợp chơi một trò chơi kiểu Tetris. Nhóm nghiên cứu nghĩ rằng thí nghiệm đầy thử thách này có thể được mở rộng để kết nối tất cả mọi người với nhau.
Thí nghiệm này hoạt động thông qua sự kết hợp của điện não đồ (EEG) để ghi lại các xung điện biểu thị hoạt động của não và kích thích điện từ qua hộp sọ (TMS), nơi các tế bào thần kinh được kích thích sử dụng từ trường.
Các nhà nghiên cứu đằng sau hệ thống mới đã đặt tên nó là BrainNet và nói rằng cuối cùng nó có thể được sử dụng để kết nối nhiều tâm trí khác nhau với nhau kể cả trên web.
Nhưng ngoài việc mở ra những phương pháp giao tiếp mới lạ, BrainNet thực sự có thể dạy chúng ta thêm về cách hoạt động của bộ não con người ở mức độ sâu hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi giới thiệu BrainNet theo hiểu biết của chúng tôi là giao diện não - não không xâm lấn đầu tiên để giải quyết vấn đề về hợp tác. Giao diện cho phép ba đối tượng cộng tác và giải quyết một nhiệm vụ qua việc sử dụng giao tiếp trực tiếp giữa não và não."
Trong thí nghiệm được thiết lập bởi các nhà khoa học, hai “người gửi” đã được kết nối với các điện cực EEG và được yêu cầu chơi một trò chơi kiểu Tetris liên quan đến sắp xếp các khối hình rơi xuống. Họ phải quyết định xem mỗi khối có cần xoay hay không.
Để làm điều này, họ được yêu cầu nhìn chằm chằm vào một trong hai đèn LED nhấp nháy ở hai bên của màn hình - một đèn nháy ở 15 Hz và đèn kia ở 17 Hz - tạo ra các tín hiệu khác nhau trong não mà EEG có thể tiếp nhận.
Những lựa chọn này sau đó được chuyển tiếp đến một “bộ thu” duy nhất thông qua một TMS có thể tạo ra các tia sáng ảo trong tâm trí của người nhận, được gọi là “ảo thị”. Người nhận tuy không thể nhìn thấy toàn bộ khu vực trò chơi, nhưng phải xoay khối hình rơi xuống nếu tín hiệu đèn flash được gửi đi.
Sauk hi nghiên cứu với 5 nhóm người khác nhau, các nhà nghiên cứu đạt được mức độ chính xác trung bình là 81,25%. Đó là một con số không tồi đối với những thử nghiệm đầu tiên.
Để thêm một mức phức tạp hơn vào trò chơi, người gửi có thể gửi thêm phản hồi thứ hai để chỉ xem người nhận có nhận được đúng tín hiệu hay không. Người nhận có thể phát hiện người gửi nào đáng tin cậy nhất dựa trên thông tin liên lạc não. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này hứa hẹn cho việc phát triển các hệ thống đối phó với các kịch bản ở thế giới thực, nơi mà sự không đáng tin cậy của con người sẽ là một yếu tố ảnh hưởng.
Trong khi hệ thống hiện tại chỉ có thể truyền một bit (hoặc flash) dữ liệu tại một thời điểm, nhóm nghiên cứu từ Đại học Washington và Đại học Carnegie Mellon cho rằng thiết lập có thể được mở rộng hơn trong tương lai.
Trước đó nhóm nghiên cứu đã có thể liên kết hai bộ não thành công và yêu cầu người tham gia chơi với nhau một trò chơi gồm 20 câu hỏi. Ảo thị một lần nữa được sử dụng để truyền tải thông tin nhưng trong trường hợp này là "có" hoặc "không".
Hiện tại hệ thống còn rất chậm và không hoàn toàn đáng tin cậy. Công trình này cũng chưa được cộng đồng khoa học thần kinh xem xét nhưng nó là một cái nhìn thoáng qua về những cách giao tiếp không tưởng của chúng ta trong tương lai - thậm chí chúng ta có thể hợp nhất nguồn lực trí tuệ để giải quyết các vấn đề lớn.
Nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Kết quả chúng tôi mong muốn là nâng cao khả năng của các giao diện não - não trong tương lai, cho phép giải quyết vấn đề hợp tác của con người bằng cách sử dụng “mạng xã hội” kết nối não bộ".
Ngọc Bích (Theo Sciencealert)