Khám phá

Khám phá bất ngờ 4 Vườn Di sản ASEAN mới tại Việt Nam

Việc được trao danh hiệu Vườn Di sản ASEAN của 4 địa điểm mới ở nước ta đã giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước ASEAN có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Cùng khám phá vẻ đẹp hoang dại, nên thơ của 4 Vườn Di sản này qua chùm ảnh dưới đây.

Vườn Di sản ASEAN mới đầu tiên là vườn quốc gia Vũ Quang thuộc địa bàn của hai huyện: Hương Sơn và Hương Khê, Hà Tĩnh. Khu vườn có tổng diện tích gần 57.000 ha, rừng đặc dụng chiếm hơn 52.000 ha

Loài Sao la quý hiếm được phát hiện ở khu rừng vào năm 1992. Bên cạnh đó, cũng tại Vũ Quang, các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều loài thú mới. Chính vì vậy, nơi đây còn được gọi với cái tên “mỏ loài mới của Việt Nam”

Vườn quốc gia Vũ Quang có tính đa dạng sinh học cao. 1.612 loài thực vật bậc cao thuộc 191 họ và 676 chi, trong đó có 94 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam

Nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao, hoặc được sử dụng làm thuốc chữa bệnh xuất hiện tại nơi đây

Vườn quốc gia Vũ Quang không chỉ là nơi có nhiều loài sinh vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam mà còn dần trở thành địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn tại Hà Tĩnh. Du khách tới đây sẽ được trải nghiệm, khám phá những điều bí ẩn của thiên nhiên

Vườn quốc gia thứ hai được công nhận là Vườn Di sản ASEAN nằm ở huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng. Đó là vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

Nơi đây có diện tích 63.938 ha, là nơi tập hợp phong phú nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan đẹp cùng với đó là sự đa dạng sinh học

Tại đây, có khoảng hơn 1.900 loài thực vật, trong đó có 62 loài quý hiếm, như: Thông đỏ, Pơ mu, Thông hai lá dẹp, Bách xanh, …

Ngoài ra, Bidoup Núi Bà còn được biết đến là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là điểm du lịch hút khách tại tỉnh Lâm Đồng với đỉnh Bidoup, “nóc nhà” của Tây Nguyên, cao hơn 2.287m

Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát thuộc tỉnh Tây Ninh thuộc danh sách Vườn Di sản ASEAN

Vườn được chia thành ba phân khu: Khu bảo vệ 8.179 ha, phân khu phục hồi sinh thái khoảng 10.852 ha, phân khu hành chính dịch vụ 125 ha

Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát độc đáo và khác lạ hơn so với những Vườn Di sản khác bởi sinh cảnh có sự chuyển giao giữa 3 vùng: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

Hệ động thực vật tại đây đa dạng, phong phú. Các cánh rừng rụng lá, rừng bán rụng lá và rừng tràm nối tiếp nhau. Điểm nổi bật ở không gian của Lò Gò Xa Mát còn ở hệ chim lớn, lên đến 203 loài, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn hệ chim ở Việt Nam

Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum có diện tích 41.420 ha, là 1 trong 4 địa điểm được công nhận Vườn Di sản ASEAN mới

Nơi đây còn được biết đến là kho tàng đa dạng sinh học tại Việt Nam, khi có tới 874 loài thực vật bậc cao, 309 loài động vật hoang dã

Khu bảo tồn là nơi sinh sống, phát triển của rất nhiều loài thực vật quý hiếm, cổ xưa như: Ngọc lan, họ na, họ chè, … Tiếp đó là 9 loài thực vật đặc hữu, tiêu biểu nhất là sâm Ngọc Linh

Hệ động vật phát triển, một số loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ thế giới như: Khỉ mặt đỏ, báo gấm, hổ, nhím đuôi ngắn, khỉ đuôi lợn. Bên cạnh việc là khu bảo tồn thì nơi đây còn là khu du lịch sinh thái nổi tiếng với ngọn núi Ngọc Linh kỳ bí, hiểm trở

Theo PV/An ninh Thủ đô

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo