Khám phá chữ tượng hình của người Ai Cập cổ đại
Người Ai Cập cổ đại làm gì để tôn vinh thần Chết? / Người Ai Cập cổ đại ‘vẽ’ được máy bay từ hơn 3.000 năm trước?
Chữ tượng hình đóng vai trò quan trọng trong việc thi hành nhiều công việc của hoàng gia, được các Pharaoh Ai Cập đầy quyền uy và những người ghi chép (scribe) dùng để ghi lại những thành tựu trong triều đại của họ. Ngày nay, hàng triệu chữ tượng hình còn lưu lại trong các văn bản thiêng liêng, quan tài đá, lăng mộ, và tượng đài là minh chứng cho một thời đại hoàng kim đã qua ở Ai Cập.
Hệ thống chữ viết của người Ai Cập cổ đại bao gồm một số lượng lớn ký tự bằng hình ảnh, trong đó có 24 ký tự đại diện cho các chữ cái. Những ký tự khác đại diện cho từ hoàn chỉnh hoặc sự kết hợp của các phụ âm. Tổng cộng có khoảng 700 – 800 ký tự cơ bản được gọi là glyph, không có dấu chấm câu, dấu cách hoặc dấu hiệu nhận biết vị trí bắt đầu và kết thúc của từ hoặc câu. Chữ tượng hình được đọc từ phải sang trái và từ trên xuống dưới.
Các tư tế, hay thầy tế, sử dụng chữ tượng hình để ghi chép lời cầu nguyện hoặc văn bản liên quan đến cuộc sống sau khi chết và thờ phụng các vị thần. Những người thuộc tầng lớp quý tộc ở Ai Cập thậm chí còn chuẩn bị trước lăng mộ cho mình, với chữ tượng hình khắc trên bề mặt các bức tường lăng mộ và bên trong quan tài đá nhằm hướng dẫn cho họ hành trình sang thế giới bên kia.
So với hệ thống chữ viết hình nêm của người Sumer, chữ tượng hình của người Ai Cập không bắt nguồn từ hệ thống chữ viết khác và nó cũng khó hiểu hơn rất nhiều. Ngoài ra, các ký tự chữ tượng hình Ai Cập chỉ đại diện cho phụ âm, trong khi chữ viết hình nêm đại diện cho toàn bộ âm tiết, bao gồm cả nguyên âm.
Hệ thống chữ tượng hình của người Ai Cập cổ đại không sử dụng các hình vẽ trừu tượng mà nó được xây dựng dựa trên những sự vật, sự việc, hiện tượng cụ thể trong thế giới vật chất xung quanh. Các ký tự rõ ràng và đầy đủ nhất miêu tả con người và các bộ phận trên cơ thể người. Một số hình vẽ khác cũng được sử dụng phổ biến là động vật, chim, công cụ, vũ khí, đồ trang sức,…
Không phải người Ai Cập cổ đại nào cũng có thể đọc và viết chữ tượng hình, đặc biệt là đối với dân thường. Chỉ một nhóm người am hiểu và biết sử dụng hệ thống chữ viết này. Họ được gọi là những người ghi chép. Để trở thành người ghi chép, người ta phải được đào tạo tại một ngôi trường đặc biệt ngay từ khi còn nhỏ, thường là những cậu bé khoảng 6 – 7 tuổi. Quá trình đào tạo kéo dài trong nhiều năm.
Sau một thời gian, vì chữ tượng hình quá khó nhớ nên người Ai Cập sáng tạo ra loại chữ viết mới được biến tấu từ chữ tượng hình, được gọi là chữ thầy tu (Hieratic) vào khoảng năm 2700 trước Công nguyên. Đây là chữ viết được các thầy tu Ai Cập sử dụng phổ biến để ghi chép và sáng tác. Còn chữ tượng hình vẫn được dùng để trang trí tường, lăng mộ và khắc lên các đài tưởng niệm, bia đá.
Đến thế kỷ 7 trước Công nguyên, một hệ thống chữ viết mới ra đời gọi là chữ bình dân (Demotic). Nó được phát triển từ chữ thầy tu nhưng đơn giản hơn, dễ đọc hơn. Người dân Ai Cập sử dụng nó để ghi chép các tài liệu văn học, chuyên luận khoa học, tài liệu pháp lý và hợp đồng kinh doanh...Chữ bình dân đánh dấu một bước phát triển mới trong ngôn ngữ của người Ai Cập với một hệ thống ngữ pháp riêng.
Sau khi Alexander Đại đế chinh phạt Ai Cập vào năm 332 trước Công nguyên, nền văn hóa Hy Lạp ảnh hưởng đến người Ai Cập dưới triều đại Pharaoh Ptolemy. Chữ Hy Lạp trở thành quốc ngữ được sử dụng ở triều đình. Thậm chí các Pharaoh của vương triều này không biết đọc chữ tượng hình Ai Cập.
Trong giai đoạn từ năm 395 - 641 sau Công nguyên, Cơ Đốc giáo truyền bá vào Ai Cập trong thời kỳ cai trị của đế quốc La Mã. Một loại chữ viết mới ra đời gọi là chữ Coptic. Nó được viết theo bảng chữ cái Hy Lạp và bổ sung thêm 6 ký hiệu trong hệ thống chữ viết bình dân của người Ai Cập. Năm 642, người Hồi giáo chinh phạt Ai Cập. Kể từ đó, tiếng Ả rập dần trở thành ngôn ngữ chính của người Ai Cập cho đến ngày nay.
Giải mã chữ tượng hình
Chữ tượng hình của người Ai Cập cổ đại không thể giải mã được trong 1400 năm, cho đến khi học giả người Pháp Jean-Francois Champollion [người được mệnh danh là cha đẻ của ngành Ai Cập học] làm sáng tỏ nội dung ghi trên phiến đá Rosetta. Phiến đá này cao 114 cm, rộng 72 cm. Nó được sĩ quan quân đội Pháp Pierre Bouchard phát hiện trong lúc kiểm tra công tác phục dựng pháo đài cổ gần thành phố Rosetta ở châu thổ sông Nile vào năm 1799.
Năm 196 trước Công nguyên, Ptolemy ra lệnh tạo ra phiến đá Rosetta trong chiến dịch tuyên truyền chính trị nhằm công bố với thiên hạ ông là Pharaoh hợp pháp của Ai Cập. Tầm quan trọng của phiến đá Rosetta không nằm ở nội dung của sắc lệnh chính trị mà ở văn bản thể hiện bằng hai ngôn ngữ Ai Cập và Hy Lạp cổ đại theo ba hệ thống chữ viết: chữ tượng hình Ai Cập (phía trên cùng), chữ bình dân Ai Cập (ở giữa) và chữ Hy Lạp (dưới cùng) để tất cả người dân đều có thể đọc hiểu.
Nhờ chữ Hy Lạp cổ đại không bị thất truyền, bản khắc bằng tiếng Hy Lạp trở thành chìa khóa để giải mã hai bản khắc bằng chữ Ai Cập cổ đại. Câu cuối trong bản tiếng Hy Lạp viết: “Được viết bằng các ký tự linh thiêng, bản địa và Hy Lạp”. Từ “linh thiêng” ám chỉ chữ tượng hình Ai Cập, còn “bản địa” ám chỉ chữ bình dân.
Năm 1819, Thomas Young trở thành người đầu tiên giải mã một phần các ký tự tượng hình trên phiến đá phiến đá Rosetta. Sau đó, Jean Francois Champollion kế thừa thành quả nghiên cứu của Young và hoàn thiện công việc, công bố giải mã thành công vào năm 1822. Kể từ đó, các nhà khoa học mới biết cách đọc và hiểu chữ tượng hình cổ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Quái vật Bigfoot hiện nguyên hình giữa màn đêm, ảnh cận cảnh khiến netizen thế giới sửng sốt?
Điều gì sẽ xảy ra nếu phi hành gia đi tè trên mặt trăng? Hậu quả vô cùng kinh khủng