Khám phá

Khám phá “Đế chế” của người chết tại Paris

Bên dưới những con phố Kinh đô Ánh sáng - La Ville Lumiere là một thế giới bị che phủ bởi bóng đen và chìm trong im lặng.

Khám phá ngôi làng phủ đầy tuyết trắng ở vùng Bắc Cực / Bí ẩn về biệt thự gần 100 tuổi của đại gia nức tiếng phố cổ một thời

Paris, thủ đô của nước Pháp, vẫn thường được gọi là Kinh đô Ánh sáng. Tuy nhiên, bên dưới thành phố châu Âu nhộn nhịp, gồm 12 triệu người này, là một thế giới 6 triệu bộ hài cốt người. Đó chính là khu hầm mộ cổ Paris, hay còn được biết đến với tên gọi "Thế giới ngầm đen tối" hay "Đế chế của người chết", được tạo nên bởi một mạng lưới những hang, mỏ đá, đường ngầm cổ, kéo dài hàng trăm dặm và được khảm, khắc bằng xương của người chết.

Ảnh minh họa.

Bên dưới những con phố Kinh đô Ánh sáng - La Ville Lumiere là một thế giới bị che phủ bởi bóng đen và chìm trong im lặng. Ở đó, những đường hầm của khu khai thác mỏ đá cũ được sử dụng làm nơi cất giữ hài cốt người chết. Chật hẹp. Ẩm thấp. Và sọ người trở thành đồ trang trí cho những bức tường xương.

Bước theo những bậc thang xoáy trôn ốc, du khách dấn mình chìm sâu vào Đế chế của người chết, nơi được hình thành bởi một hệ thống những đường ngầm kéo dài tới 321 km.

Không chỉ khách du lịch nước ngoài, chính người dân Paris cũng bị cuốn hút vào vùng lãnh địa ngầm, hứa hẹn cơ hội khám phá, phiêu lưu và giải trí theo kiểu tìm cảm giác mạnh. Với một số người, những lối vào hầm mộ ngẫu nhiên, từ một nắp cống trên đường phố, hoàn toàn lộ thiên, nhưng thực chất lại rất bí mật. Đó là cánh cửa chỉ dành cho những ai dám khám phá theo cách riêng của mình - phá vỡ luật lệ và có thể chịu mức phạt lên tới 60 Euro. Điều đó không ngăn cản Loic Antoine sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

"Tôi nghĩ đây là thế giới tưởng tượng dành riêng cho mọi người. Ai cũng biết có điều gì đó rất đặc biệt bên dưới Paris, thứ mà người ta vẫn mô tả là huyền bí. Và tôi không muốn mình khám phá thế giới đó theo cách người ta thiết kế cho mọi người, thay vào đó là việc tìm hiểu thế giới ngầm theo cách riêng của mình", anh Antonie chia sẻ.

Tác giả bài viết ở khu hầm mộ cổ Paris.

Với những người muốn tìm hiểu Đế chế người chết, nhưng không sẵn sàng chấp nhận rủi ro ngoài tầm kiểm soát, họ có thể vào thế giới ngầm bằng việc mua vé, bước qua cánh cửa nằm ngay gần quảng trường Denfert- Rochereau. Du khách từ khắp nơi trên thế giới sẽ phải xếp hàng, và có thể mất nguyên cả ngày, chờ đợi tới lượt mình bước vào thế giới xương và sọ.

 

Anh Manuel Fernandez, bố của một bé gái đang học lớp 8 và đang cần làm một bài tiểu luận về khu hầm mộ cổ Paris, cho biết: "Con gái tôi đang làm một tiểu luận nhỏ về khu hầm mộ cổ và rất muốn tôi nói cảm nhận của mình khi bước vào nơi đây. Đó chính là lý do tôi đến đây. Tôi là một người Pháp và hiểu rằng đây là một di tích lịch sử quan trọng, nhưng tôi cũng nghĩ rằng mọi người đều rất tò mò về cái chết. Và điều đó khiến mọi người càng trở nên phấn khích. Chuyện đó nghe có vẻ điên rồ và quái lạ, nhưng thực tế cuộc sống là thế".

Tìm hiểu về lịch sử khu khai thác mỏ đá cũ được sử dụng làm nơi chôn cất người chết ở Paris trong thế kỷ 18, hay hiểu rõ phần nào tính chất địa lý của thành phố Paris xưa, cũng như biết nguyên nhân vì sao người ta lại chôn cất nhiều người ở đây đến vậy... là cách Peter Leschange, du khách tới từ nước Mỹ, chia sẻ: "Tôi được truyền nhiều cảm hứng khi bước chân vào khu hầm mộ này. Tôi hiểu được một phần lịch sử của thành phố, bởi lịch sử chính là yếu tố tôi quan tâm nhất khi tới đây du lịch. Nó là một phần không thể thiếu của Paris".

Du khách Peter Leschange.

Nhưng với Francis Freedland, một nhà làm phim tự do, khu hầm mộ cổ truyền cảm hứng cho ông bởi ở đó có vô số những câu chuyện kỳ bí và những hiện tượng tự nhiên đến nay vẫn chưa có lời giải thích khoa học thích hợp.

"Tôi được những người yêu thích khám phá khu hầm mộ theo cách của họ kể lại rằng một thành viên trong số họ từng chết trong mê cung những đường hầm chằng chịt, bởi một bóng đen vô hình, khiến anh ấy bỏ chạy khỏi nhóm và bị lạc. Không ai tìm thấy anh ấy, ngoại trừ chiếc điện thoại ghi lại cảnh những bước chân chạy dồn dập", Francis cho biết.

Cái chết của một thành viên trong nhóm khám phá vẫn không ngăn cản được Loic Antoine đeo đèn pin đội đầu, cầm tấm bản đồ khu hầm mộ tự tay vẽ, cùng với những người còn lại tiếp tục khám phá những đường hầm, căn phòng bí mật, và đôi khi ở lại dưới đó trong vài ngày. Với họ, cuộc sống giữa những người chết đem tới những trải nghiệm rõ ràng hơn về tồn tại và sự sống.

 

Anh nói: "Nó giống như một sự so sánh. Ở đây, chúng tôi không có những tương tác xã hội, giữa người với người như cách thường thấy phía trên mặt đất. Trong thế giới bóng tối này, chúng tôi tự do khám phá bản thân một lần nữa, trở thành một con người khác hoàn toàn khi đứng dưới ánh sáng".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm