Khám phá tập tục ướp xác của người cổ đại
Tiết lộ sự thật 'kinh thiên động địa' về vợ chồng Pharaoh Ai Cập / Đưa xác ướp 3.000 năm tuổi của công chúa Ai Cập ra khỏi quan tài, phát hiện bức chân dung bí ẩn cùng hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải đáp
Ngoài Ai Cập cổ đại, nhiều nền văn hóa khác trên khắp thế giới cũng có truyền thống ướp xác người chết, chẳng hạn như Trung Quốc, người cổ đại ở Quần đảo Canary, người Guanches, và nhiều xã hội tiền Colombia ở Nam Mỹ, bao gồm nền văn minh của người Inca. Ướp xác là cách để họ tỏ lòng tôn kính với người đã khuất hoặc thể hiện một niềm tin tôn giáo quan trọng - niềm tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia.
Quy trình ướp xác thường liên quan đến việc cố ý loại bỏ độ ẩm ra khỏi cơ thể người chết và sử dụng các loại hóa chất bảo quản, chẳng hạn như nhựa thông, để làm khô thịt và các bộ phận trên cơ thể. Tuy nhiên, cũng có những xác ướp được tạo ra một cách tự nhiên khi thi thể tiếp xúc với điều kiện lạnh giá, khô hạn hoặc một số yếu tố môi trường khác có thể ngăn chặn sự phân hủy.
Xác ướp tự nhiên lâu đời nhất thế giới được tìm thấy trong hang Spirit, vùng ngoại ô Fallon, bang Nevada (Mỹ). Bầu không khí khô và loãng của hang động đã giúp nó tồn tại đến ngày nay. Tại thời điểm phát hiện xác ướp này vào năm 1940, giới khoa học cho rằng nó chỉ có niên đại cách đây khoảng 1.500 năm đến 2.000 năm. Nhưng đến thập niên 1990, các nhà nghiên cứu xác định nó có tuổi đời hơn 10.000 năm sau khi họ dùng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ.
Trong khi đó, xác ướp tự nhiên lâu đời nhất ở Ai Cập cổ đại chỉ có niên đại cách đây hơn 5.500 năm. Đây là xác ướp của một phụ nữ trẻ với cơ thể được bao phủ trong một lớp lông thú sau khi chết. “Người băng Otzi” là một xác ướp tự nhiên nổi tiếng khác được biết đến là lâu đời nhất ở châu Âu. Sau khi Otzi bị sát hại trên dãy núi Alps cách đây khoảng 5.300 năm, thi thể của ông được bảo quản trong băng tuyết, cho đến khi một vị khách du lịch bắt gặp vào năm 1991.
Nền văn minh đầu tiên thực hành ướp xác
Năm 1917, nhà khảo cổ học người Đức Max Uhle phát hiện những xác ướp lâu đời nhất được tạo ra một cách có chủ ý tại Thung lũng Camarones ở Chile. Thung lũng này nằm trên sa mạc Atacama, một dải đất hẹp giữa Thái Bình Dương và dãy núi Andes. Sa mạc Atacama có lượng mưa rất thấp và là một trong những nơi khô hạn nhất trên Trái đất.
Các xác ướp này thuộc về người cổ đại Chinchorro. Đây là tộc người tiền sử sống định cư tại các ngôi làng ven biển ở miền Nam Peru và miền Bắc Chile cách đây khoảng 3.100 – 9.000 năm. Họ sống chủ yếu dựa vào nghề đánh cá, săn bắt động vật trên cạn và hái lượm các loài thực vật có thể ăn được từ khu vực xung quanh.
Người Chinchorro bắt đầu thực hành ướp xác khoảng 7.000 năm trước, sớm hơn 2.000 năm so với xác ướp của các Pharaoh Ai Cập. Đầu tiên, người ta sẽ cắt rời phần đầu, cánh tay và chân của người chết, lấy hết nội tạng và thịt, loại bỏ não thông qua một lỗ trên hộp sọ. Da bị lột khỏi thi thể và gắn lại sau đó, giống như việc tháo tất ra khỏi chân và đi tất trở lại. Tiếp theo, họ sẽ đưa than nóng vào phần rỗng của thân người chết [sau khi loại bỏ nội tạng] để làm khô nó bằng nhiệt. Cuối cùng, các bộ phận tách rời được ghép lại với nhau. Thi thể sẽ được nhồi đầy lông thú, sợi thực vật, đất sét. Xác ướp đội một bộ tóc giả ngắn màu đen và đeo một chiếc mặt nạ đất sét.
Trong giai đoạn đầu của nền văn hóa Chinchorro (khoảng 4.500 – 7.000 năm trước), người ta sẽ phủ bên ngoài xác ướp một lớp sơn màu đen làm từ mangan. Từ năm 2500 trước Công nguyên cho đến khi tập tục này biến mất vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, họ dùng đất son đỏ thay thế cho mangan. Không chỉ có giới thượng lưu mà tất cả các thành phần trong xã hội Chinchorro đều được ướp xác, bao gồm cả trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn và thậm chí cả thai nhi.
Các xác ướp nổi tiếng ở Ai Cập
Tại Ai Cập cổ đại, quy trình ướp xác được thực hiện công phu và phức tạp nhất. Xác ướp Ai Cập đầu tiên do con người chủ ý tạo ra có niên đại vào năm 3.500 trước Công nguyên. Không giống như xã hội Chinchorro, hoạt động ướp xác ở Ai Cập cổ đại chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu như Pharaoh, nữ hoàng, gia đình quý tộc và những người giàu có. Người bình thường hiếm khi được ướp xác vì rất tốn kém.
“Tập tục ướp xác ở Ai Cập có mối liên hệ chặt chẽ với niềm tin tôn giáo. Người Ai Cập cổ đại tin rằng con người sẽ đi đến một thế giới khác sau khi chết và linh hồn của họ vẫn còn tồn tại. Linh hồn này sẽ trải qua một cuộc hành trình, nơi nó gặp vô số thần thánh và ma quỷ. Cuối cùng số phận của linh hồn được phán quyết bởi Osiris, vị thần cai quản thế giới bên kia. Nếu khi sống làm nhiều điều tốt, người đã khuất sẽ được phép sống với các vị thần trong một thiên đường vĩnh cửu”, Rita Lucarelli, nhà Ai Cập học tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), cho biết.
“Để linh hồn người chết thực hiện cuộc hành trình này, thi thể của họ cần giữ nguyên vẹn. Đây là lý do khiến người Ai Cập coi trọng việc ướp xác, và họ thực hiện quy trình ướp xác với sự cẩn thận và tỉ mỉ”, Lucarelli nói.
Trong tác phẩm “The Histories”, nhà sử học Hy Lạp Herodotus sống ở thế kỷ 5 trước Công nguyên đã mô tả quy trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại. Đầu tiên, họ loại bỏ não bằng một dụng cụ kim loại cong luồn qua lỗ mũi, sau đó đến các cơ quan nội tạng bên trong bụng. Họ nhồi đầy các khoang trống trong cơ thể bằng nhựa thơm và quế trước khi khâu kín lại. Thao tác của những người ướp xác tỉ mỉ đến mức ngay cả mí mắt và lông mày của người chết vẫn còn nguyên vẹn. Toàn bộ diện mạo của họ gần như không thay đổi.
“Trái tim luôn được để lại bên trong cơ thể, bởi vì người Ai Cập tin rằng đó là nơi cất giữ linh hồn và chứa đựng trí tuệ”, Lucarelli nói.
Cơ thể người chết sau đó được phủ trong một lớp muối khoảng 70 ngày để loại bỏ hết độ ẩm. Cuối cùng, thi thể được làm sạch và bọc kín bằng vải lanh trước khi cho vào quan tài gỗ, hoặc quan tài đá trong phòng chôn cất.
“Tập tục ướp xác của người Ai Cập dần bị mai một vào thế kỷ thứ tư, khi người La Mã cai trị Ai Cập. Sau đó cùng với sự ra đời của Cơ đốc giáo, tập tục này biến mất hoàn toàn”, Lucarelli nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ở Việt Nam có một bộ tộc bí ẩn: Không mặc quần áo, dùng 'phép thuật' để tránh thai
Tiết lộ về phong tục của bộ lạc nguyên thủy ở châu Phi: Phụ nữ không bao giờ mặc áo, cả đời không tắm, đàn ông được lấy nhiều vợ
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tại sao trái đất nặng 60 nghìn tỷ tấn lại có thể lơ lửng trong không gian mà không rơi?
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo