Khám phá Y quan triều Nguyễn
Khám phá những sự thật thú vị về hành tinh gần Mặt Trời nhất / Khám phá những loại vũ khí cổ đại kỳ dị nhất lịch sử thế giới
Triển lãm "Chế độ Y quan triều Nguyễn" với những quy định nghiêm ngặt về trang phục dành cho Hoàng cung, bá quan văn võ, các tân khoa được tái hiện trong không gian Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng – Bảo tàng Mỹ thuật Huế.
Định Y quan để rõ danh phận
Hơn 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh, hiện vật đặc sắc về chế độ Y quan (áo mũ, nghĩa rộng là trang phục) của các tầng lớp trong xã hội triều Nguyễn – trưng bày trong triển lãm "Chế độ Y quan triều Nguyễn" vừa được khai mạc chiều 27/6 tại Huế.
Theo ban tổ chức triển lãm, trang phục là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên tính quy củ về hình thức của mỗi triều đại quân chủ. Thậm chí, đối với các nước phương Đông, trình độ văn minh của các triều đại còn được đánh giá qua chế độ Y quan và Lễ nhạc.
Các triều đại quân chủ Việt Nam cũng đặc biệt chú ý đến điều này. Bởi vậy, sau khi thành lập triều đại sẽ đều nghiên cứu, xây dựng và thiết lập ngay chế độ Y quan và Lễ nhạc phù hợp.
Tương truyền, năm 1407 khi bị nhà Minh bắt và giải qua Kim Lăng (Trung Quốc), Hồ Qúy Ly vẫn tự hào khẳng định: "Y quan Đường chế độ/ Lễ nhạc Hán quân thần" (tức Áo mũ như thể chế nhà Đường/ Lễ nhạc tương tự nhà Hán), hàm ý nước ta có trình độ văn minh không hề thua kém các triều đại rực rỡ nhất của Trung Quốc.
Dưới triều nhà Nguyễn, chế độ Y quan càng được xem trọng, ngôn ngữ trang phục thể hiện quyền lực, đường lối chính trị và là niềm tự hào của triều đại. Thơ ngự chế khắc trên kiến trúc cung đình Huế có câu: "Y quan Chu chế độ/ Lễ nhạc Hán uy nghi", (tức là: Áo mũ theo chế độ nhà Chu/ Lễ nhạc uy nghiêm như nhà Hán).
Cũng vì vậy, triều Nguyễn đã đặt ra những quy định nghiêm ngặt đối với từng giai tầng trong xã hội về chế độ trang phục. Với tầng lớp quý tộc và quan lại, mỗi bộ trang phục là sự kết hợp của nghệ thuật may thêu, hội họa, chế tạo kim hoàn và mang tính thẩm mỹ cao của các bậc tiền nhân.
Chế độ Y quan triều Nguyễn mang đậm những dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa về văn hóa và là di sản độc đáo của dân tộc. Sách "Đại Nam thực lục" có chép: "Đặt quan chia chức, tất phải phân biệt chương phục để rõ phẩm cấp. Nay quan chế hai bên đã định thì phục sắc mũ áo cũng theo phẩm trật mà chế dùng để cho danh phận rõ ràng, tôn ti có khác".
Triển lãm chia theo 3 chủ đề: Trang phục hoàng gia, quan lại - binh lính và tân khoa.
Y phục xứng kỳ đức
"Việc chế định triều phục là để tỏ rõ người mặc là người có đức. Xưa nay các quan văn võ được ban cấp phẩm phục triều theo chế định… Tuy vậy, trong hàng quan lại có người do chức dịch được ban cấp phẩm phục có giá trị hơn phẩm hàm; lại có người cùng phẩm hàm không được phẩm phục như thế. Vì như thế nên chế định không phù hợp với phẩm cấp nên phải một lần phải định lại cho xong để sáng tỏ phẩm hàm và tăng vẻ tôn nghiêm nơi triều nghi" - Chỉ dụ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845).
Với hơn 100 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh đặc sắc đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Huế. Triển lãm lần này được đánh giá là đầy đủ nhằm đem đến công chúng cái nhìn toàn diện và chi tiết về Y quan triều nhà Nguyễn.
Triển lãm được chia theo 3 chủ đề: Trang phục hoàng gia, trang phục quan lại - binh lính và trang phục cho các tân khoa.
Đối với văn hóa cung đình, sự phân chia đẳng cấp được quy định chặt chẽ, do đó chế độ Y quan cũng có luật lệ riêng. Y quan hoàng cung triều Nguyễn phân theo thứ bậc: Đế, hậu, hoàng tử, công chúa, tôn thất và chi tiết đến từng yếu tố như chất liệu vải, màu sắc, kiểu dáng, họa tiết trang trí, số lượng y phục, vật liệu trang sức đi kèm.
Trang phục hoàng cung có nhiều loại, mỗi loại có tên gọi, màu sắc, công năng riêng và được diện vào những dịp cụ thể: Trang phục đại triều, trang phục thường triều, trang phục nghi lễ, thường phục, trang phục theo mùa.
Giới nghiên cứu cho biết, trang phục hoàng cung không chỉ thể hiện sự thống nhất, tập trung của triều đình nhà Nguyễn, mà còn là sự kế thừa văn hóa đặc trưng của các triều đại trước đó.
Dưới triều Nguyễn, quy chế triều phục của quan lại cũng được phân cấp rất rõ ràng. Tùy theo phẩm hàm mà quan viên văn võ được nhà vua ban triều phục đại triều và thường triều. Triều phục đại triều được cấp cho quan võ tam phẩm, quan văn lục phẩm trở lên, các bậc quan còn lại chỉ được cấp thường triều.
Quan văn đội mũ phốc đầu dáng tròn, quan võ đội mũ phốc đầu dáng vuông. Các cấp bậc của quan lại triều Nguyễn được phân biệt qua màu sắc áo, các chi tiết hoa văn trên áo, đai, bổ tử và mũ (mão).
Đa số binh lính nhà Nguyễn đều đội nón, đi chân đất. Sự phân biệt các hạng lính chủ yếu ở hạng mũ, áo. Theo đó áo mặc là áo song khai, cài khuy, xẻ vạt trước sau, vai áo có viền mây bao quanh. Việc phân cấp phẩm phục thể hiện tính tôn ti, thứ bậc của quan lại, cũng chính là tôn ti trật tự của xã hội.
Các vua triều Nguyễn rất coi trọng việc chiêu hiền đãi sĩ. Những người đỗ đạt ở các kỳ thi, ngoài việc được dựng bia lưu danh, còn được thiết yến, ban thưởng lụa là, vàng bạc, vinh quy bái tổ, bổ nhiệm chức quan.
Bên cạnh đó, triều Nguyễn cũng có chế độ ban thưởng phẩm phục và trâm hoa cho tân khoa đạt học vị Tam khôi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Tài liệu được chọn trưng bày tại triển lãm thể hiện tư tưởng đề cao việc học, tôn trọng nhân tài và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Triển lãm cũng có khoảng 50 văn bản tài liệu Hán Nôm thuộc khối "Châu bản triều Nguyễn" - Di sản tư liệu thế giới lần đầu tiên được công bố, và nhiều hiện vật hấp dẫn về chủ đề quan phục triều Nguyễn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách