Khám phá

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại

Khang Hi là vị vua nổi tiếng và có thời gian trị vì lâu nhất vào thời nhà Thanh Trung Quốc. Ông được người đời đánh giá là bậc minh quân vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc.

Cự đà đụng độ với con rắn 'khủng': Cuộc chiến nảy lửa sẽ có kết cục ra sao? / Tấm bia cổ nhất Việt Nam giữa đống tàn tích, chuyên gia Pháp cũng đau đầu khi 'giải mật'

1. Tiểu sử cuộc đời của Vua Khang Hi

Khang Hi là vị vua nổi tiếng ở Trung Quốc với danh hiệu minh quân nghìn năm có một. Bằng tài năng của mình, ông đã đưa Trung Quốc dưới triều đại nhà Thanh trở thành vùng lãnh thổ có diện tích lớn nhất, phồn thịnh về văn hóa và được xem như là thời điểm mở đầu cho Khang Càn thịnh thế.

1.1. Vua Khang Hi là ai?

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 1.

Hình ảnh của Khang Hi đại đế. (Ảnh: Baidu)

Vua Khang Hi có tên thật là là Ái Tân Giác La Huyền Diệp và là người con trai thứ ba trong gia tộc. Cha ông là Thanh thế tổ Thuận trị Hoàng đế, còn mẹ là Hiếu Khang Chương Hoàng hậu. Ông là kết quả của cuộc hôn nhân chính trị khi các nhà sử gia tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi vua Khang Hi là con ai. Mẹ của ông xuất thân từ dòng họ Đông Giai thị vốn không thuộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ.

Chính vì thế mà Khang Hi không hề được vua cha yêu thương mà thường xuyên bị ghẻ lạnh kể từ khi chào đời cho đến khi lên ngôi. Tuy nhiên, ông lại được Hiếu Trang Hoàng Thái hậu là bà nội yêu quý và cưng chiều hết mực.

Trong lịch sử Trung Quốc thời phong kiến, Khang Hi được xưng tụng là Khang Hi đại đế với nhiều chiến công ghi danh sử sách. Vị vua lỗi lạc này đã thiết lập nên 134 năm của nhà Thanh thịnh trị sau các cuộc nội chiến và xâm lăng. Đồng thời ông cũng khiến cho dòng họ Ái Tân Giác La của mình giữ vững ngôi vị vua Trung nguyên. Dưới thời cai trị của Khang Hi đại đế, Đại Thanh đã hoàn thành sứ mệnh thống nhất và nắm toàn quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Trung Hoa.

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 2.

Khang Hi được đánh giá là một trong những vị vua vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Với khoảng thời gian ngồi trên ngai vàng 61 năm, Khang Hi chính là vị vua nắm quyền lâu nhất lịch sử Trung Hoa đồng thời cũng là một trong những nhà cai trị tại vị lâu nhất trong lịch sử nhân loại từng ghi chép. Thời gian tại vị của ông được xem là mốc đánh giá mở ra thời kỳ Khang Càn thịnh thế. Càn Long đế là cháu nội của ông bởi vì quá ngưỡng mộ tài năng của Khang Hi đế cho nên đã thoái vị sau 60 năm cầm quyền để nhường ngôi cho Gia Khánh đế nhằm mục đích không vượt quá số năm cầm quyền của vị vua được coi là vĩ đại này.

 

1.2. Hành trình lên ngôi từ lúc còn bé của vua Khang Hi

Ngay từ khi còn nhỏ, Ái Tân Giác La Huyền Diệu đã chứng minh bản thân là một người có tư chất thông minh và ham học. Cộng với việc được bà nội của mình là Hiếu Trang Thuần Hoàng hậu dạy dỗ chu đáo, cẩn thận cho nên từ khi lên 5 tuổi, ông đã bắt đầu cầm sách vở học tập.

Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó thì Khang Hi đế đã mắc phải căn bệnh đậu mùa. Tại thời điểm lúc bấy giờ, đây chính là căn bệnh nan y không thể chữa được, một khi đã mắc vào thì khó có thể giữ được tính mạng.

Tuy nhiên không rõ vì sao, Huyền Diệp đã thoát khỏi cửa tử một cách thần kỳ. Chính vì điều này đã khiến cho cha của ông là Thuận Trị đế đã bắt đầu chú ý và có ấn tượng với ông nhiều hơn dù trước đó Thuận Trị luôn tỏ ra vẻ lạnh nhạt với ông.

Đến năm 1661, Thuận Trị đế lâm bệnh nặng, phải nằm liệt giường. Lúc này, Hiếu Trang Hoàng Thái hậu ra sức ép Thuận Trị đế ủng hộ việc đưa Huyền Diệp lên kế vị. Chính vì thế, Thuận Trị đế đã ra chiếu bố cáo quyết định lập Ái Tân Giáp La Huyền Diệp làm Hoàng Thái Tử.

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 3.

Khang Hi đế dù mắc bệnh đậu mùa từ nhỏ nhưng may mắn thoát khỏi cửa tử và được vua cha chọn kế vị. (Ảnh: Baidu)

 

Thuận Trị đế đưa ra lý do bởi vì lúc nhỏ Khang Hi từng mắc bệnh đậu mùa mà qua khỏi chính là điềm lành của dân tộc, quốc gia và được thần linh bảo hộ nên đã lập Huyền Diệp làm Hoàng Thái Tử.

Thuận Trị đế băng hà vào ngày ngày 04/02/1661 và sau đó một ngày Hoàng thái tử Huyền Diệp lên ngôi. Sau đó một năm ông đã đổi niên hiệu của mình thành Khang Hi và được người đời gọi Khang Hi đế.

Lên ngôi khi mới 8 tuổi, Khang Hi có được nhiều sự ủng hộ, trợ giúp của nhiều vị đại thần. Do thời điểm đó, Khang Hi còn quá nhỏ nên việc chính sự được 4 vị đại thần trụ cột trong triều đảm nhiệm. Họ lần lượt là Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long và Ngao Bái là người cuối cùng.

Khang Hi không có được tình yêu thương và phải chịu sự ghẻ lạnh, thờ ơ từ cha của mình. Nhưng nhờ sự hậu thuẫn và thương yêu của Hiếu Trang Thuần Hoàng hậu và với tố chất, bản lĩnh, tài năng thiên phú, Khang Hi đã chứng minh rằng mình xứng đáng là người nắm quyền cao nhất của một quốc gia dù đang trong độ tuổi còn nhỏ.

2. Khang Hi - vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại nhất

Khang Hi đế không chỉ được biết đến là vị vua anh minh lỗi lạc mà còn được mọi người biết đến nhiều nhờ vào sự phong lưu, đa tình có thể xếp vào bậc nhất lịch sử phong kiến Trung Hoa.

 

2.1. Vị vua có tới 4 Hoàng hậu

Khi chỉ mới 12 tuổi, vua Khang Hi đã cử hành hôn lễ với Hách Xá Lý thị. Bà là con gái của Cát Bố Lạt - con trai trưởng của đại thần Sách Ni và là cháu gái ruột của Đại học sĩ Sách Ngạch Đồ. Hách Xá Lý thị là ứng cử viên được Hiếu Trang thái hậu lựa chọn. Việc bà trở thành hoàng hậu của Khang Hi đế vốn là để mượn sức gia tộc Sách Ni giúp củng cố quyền lực cho nhà vua và giúp ông diệt đại gian thần Ngao Bái. Đây là một cuộc hôn nhân chính trị khi mà cả hoàng đế lẫn hoàng hậu đều chưa bước vào tuổi cập quan.

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 5.

Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu Hách Xá Lý Thị. (Ảnh: Baidu)

Nhập cung ngay từ ngay khi còn nhỏ tuổi, Hoàng hậu Hách Xá Lý thị hay còn gọi là Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu đã tỏ rõ bản thân là người có nhân cách tốt, đoan trang hiền thục. Bà luôn hiệp trợ vua Khang Hi quản lý hậu cung và cung kính, báo hiếu với Thái Hậu và Thái hoàng thái hậu. Bởi vậy bà rất được lòng mẹ chồng, tình cảm phu thê cũng vô cùng ân ái.

Hồng nhan bạc mệnh, thọ mệnh của vị hoàng hậu này lại rất ngắn. Bà và vua Khang Hi có hai người con trai nhưng người con đầu tiên lại qua đời năm 4 tuổi. Khi sinh người con thứ 2, vì băng huyết, bà đã ra đi khi chỉ mới 21 tuổi.

Cái chết của Hiếu Thành Nhân hoàng hậu đã để lại khoảng trống cùng nỗi buồn sâu sắc trong lòng Khang Hi đế. Cho dù vua Khang Hi có nạp bao nhiêu phi tần vào cung nhưng cũng không có ai được ông trân trọng như bà. Thậm chí vì quá nhớ thương bà mà ông đã phá lệ mà lập Nhị A ca Dận Nhưng làm thái tử khi mới 2 tuổi.

 

Một lòng nhớ thương về Hách Xá Lý thị, vua Khang Hi muốn bỏ trống ngôi vị hoàng hậu; tuy nhiên, dưới sức ép của Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang, nhà vua buộc phải lập tân hậu. Bởi thế mà 3 năm sau đó, vào năm 1677, Khang Hi đã ra chiếu sắc phong con gái của đại thần Nữu Hỗ Lộc Thị Át Tất Long làm kế hoàng hậu Hiếu Chiêu Nhân. Nhưng vào năm 1678, chỉ nửa năm sau khi đăng cơ thì Hiếu Chiêu Nhân hoàng hậu không may qua đời. Tuy nhiên, nguyên nhân hoàng hậu qua đời lại không được sách sử ghi rõ.

Vị hoàng hậu thứ ba được sắc phong của vua Khang Hi là Đông Giai thị. Sau khi Nữu Hỗ Lộc thị hoàng hậu qua đời, Đông Giai thị được sắc phong làm Hoàng quý phi để quản lý chuyện hậu cung. Đông Giai Hoàng quý phi chỉ có một người con gái nhưng vị cách cách này lại đoản mệnh, chết non ngay từ khi mới sinh. Quá đau buồn trước nỗi đau mất con cho nên bà sinh bệnh ngày càng nặng. Với mong muốn giúp cho bệnh tình của bà thuyên giảm, nhà vua đã sách lập bà thành hoàng hậu

Thế nhưng đau đớn thay, Đông Giai Hoàng Quý Phi lại qua đời vào đúng đại lễ sắc phong. Vậy là đại lễ vốn từ màu đỏ chuyển sang một màu tang tóc, từ lễ sắc phong hóa chốc thành tang lễ, không khí đau thương bao cùng khắp cả hoàng cung. Cũng từ đó trở đi, Khang Hi không sắc phong ai lên làm hoàng hậu nữa.

Cho đến khi Tứ a ca Dận Chân lên ngôi kế vị sau khi Khang Hi đế qua đời và trở thành Ung Chính đế, ông đã tôn mẫu thân của mình là Ô Nhã Thị thành Hoàng hậu Hiếu Cung Nhân. Bà là vị hoàng hậu thứ tư của vua Khang Hi.

2.2. Sở hữu dàn hậu cung đông đảo nhưng vẫn rất chân thành

Quy định của triều nhà Minh là với mỗi đời vua thì tổng số người được sắc phong làm phi tần trong hậu cung đều không vượt quá 19 người. Thậm chí nhiều vị vua Minh triều còn suốt đời chỉ có một vợ một chồng như Minh Hiếu Tông. Nhưng đến thời nhà Thanh lại ngược lại, luật lệ yêu cầu tất cả các cô gái con nhà quan đều phải tham gia đợt tuyển tú do vua tổ chức thì mới được đi xuất giá.

 

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 7.

Vào thời nhà Thanh, các cô gái con nhà quan phải tham gia tuyển tú do hoàng đế tổ chức rồi mới được xuất giá. (Ảnh: Baidu)

Hầu hết, các vị vua Thanh triều có không dưới 10 phi tần trong hậu cung. Trong đó số lượng phi tần được vua Khang Hi sắc phong là đông đảo nhất. Khang Hi đế còn chấp nhận cả nữ nhân có xuất thân từ Hán tộc. Vậy Khang Hi có bao nhiêu vợ?

Những phi tần mà Khang Hi đã sắc phong chính thức lên tới gần 70 người. Nhưng đây chỉ là con số được ước tính khi khai quật lăng mộ nhà Thanh, còn trên thực tế thì có thể con số này là chưa chính xác. Các nhà sử gia Trung Quốc cũng cho biết có tổng cộng 49 người được sắc phong từ tước vị quý nhân trở lên, còn số lượng các "đáp ứng" hay "thường tại" được sắc phong cũng lên đến 67 người. Như vậy, phi tần được sắc phong của Khang Hi chắc chắn không dưới 200 người.

Khang Hi khi về già còn liên tục cho triệu các mỹ nữ đến từ vùng sông nước Giang Nam vào cung hầu hạ mình với mục đích tìm kiếm người nối dõi. Trong những chuyến du tuần của mình, Khang Hi đã nhiều lần đến Giang Nam và lần nào ông cũng vướng vào các mối tình với các mỹ nữ của vùng đất "sơn thủy hữu tình" này.

Lúc sinh thời, khi vi hành tới bất cứ địa phương nào thì vua Khang Hi sẽ lệnh cho người mang những đặc sản hoặc đồ vật gì thú vị của nơi đó cho những ái phi của mình. Qua đây có thể thấy, Khang Hi rất sẵn lòng dùng tấm chân tình của mình để đổi lấy nụ cười của các vị phi tử.

 

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 8.

Hậu cung của Khang Hi đế vô cùng đông đúc các mỹ nhân. (Ảnh: Baidu)

Với nhiều mối thiên tình sử và hậu cung đông đảo như vậy nên các nhà sử gia đã đặt ra câu hỏi: Vua Khang Hi yêu ai nhất? Khi hoàng hậu đầu tiên của vua Khang Hi là Hách Xá Lý thị qua đời, ông đã ra lệnh ngừng lâm triều trong 5 ngày liên tiếp để tổ chức lễ tang cho bà. Nhà vua đã khóc thương đến 20 ngày trong 25 ngày tế lễ.

Sau đó vào ngày giỗ của bà nhiều năm sau đó, Khang Hi đế thường không lâm triều dù có quốc sự quan trọng và dành trọn một ngày ở bên mộ của bà. Sự trân trọng của ông dành tặng cho vị hoàng hậu đoản thọ này còn thể hiện ở việc vua Khang Hi nhất quyết lập Nhị A ca Dận Nhưng làm Hoàng thái tử.

Đến khi hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị qua đời, mỗi ngày vua Khang Hi sẽ đến nơi đặt quan tài của bà ngồi tưởng nhớ từ giờ Thìn cho đến giờ Dần. Đối với nhiều phi tần khác, Khang Hi đế cũng rất đề cao cuộc sống của họ sau thời điểm ông tạ thế. Nhà vua đã từng ban lệnh chôn cất các hoàng hậu của mình tại địa cung của Thanh Cảnh Lăng. Đây cũng là nơi chôn cất của Khang Hi đế sau khi ông băng hà. Nhiều phi tần của Khang Hi cũng được an táng tại đây sau khi qua đời.

2.3. Phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân sáng suốt hiếm thấy

Lịch sử Trung Quốc ghi lại nhiều triều đại lịch sử có những vị vua chỉ dính vào ái tình sắc dục mà trở thành hôn quân khiến cho cả một triều đại sụp đổ. Ví dụ như nhà Trụ sụp đổ do Trụ Vương quá say mê Đắc Kỷ hay bởi vì mê đắm nhan sắc của nàng Tây Thi mà Ngô Vương Phù Sai để cho Việt vương Câu Tiễn đoạt lại quyền lực, hoặc nhà Đường dưới thời của Lý Long Cơ hưng thịnh nhưng chỉ vì nàng Dương Quý Phi mà dần lụi tàn.

 

Thế nhưng vua Khang Hi dù phong lưu là thế lại không phải là một vị hôn quân vì đam mê sắc dục mà bỏ qua việc triều chính, quản lý đất nước. Mỗi khi bàn đến chuyện quốc gia đại sự thì Khang Hi đế lại là người cực kỳ tỉnh táo. Chuyện xưa kể lại, trong một lần vua Khang Hi đến Nam Kinh thị sát thì một vị giáo sĩ phương Tây đã dâng lên cho ông 7 vị mỹ nữ để thị tẩm. Nhưng nhà vua chỉ nhìn một lần rồi thẳng thừng từ chối tất cả, đồng thời phạt tất cả bọn họ. Điều này cũng chứng minh được sự sáng suốt của vua Khang Hi trước việc nhiều kẻ to gan định lợi dụng sắc đẹp mỹ nhân để hưởng lộc, lung lạc mình.

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 10.

Dù phong lưu nhưng Khang Hi đế vẫn luôn sáng suốt xử lý việc triều chính. (Ảnh: Baidu)

Cũng một chuyện khác được sử sách ghi lại, trong một chuyến vi hành của vua Khang Hi, tuần phủ Giang Đông tại Khánh Đô đã dâng lên 4 vị mỹ nữ khi nghênh giá. Điều này khiến cho Khang Hi đế nổi trận lôi đình. Ông ra lệnh điều tra vụ việc hối lộ này thì phát hiện được nhiều mệnh quan triều đình cũng được tặng những "món quà" này. Sau đó, nhà vua đã hạ lệnh nghiêm trị những quan lại dám tham ô trong chuyến vi hành của mình.

Là người đa tình, đam mê sắc đẹp nhưng lại đủ bản lĩnh chế ngự được những cám dỗ, Khang Hi đế quả xứng đáng trở thành bậc minh quân vĩ đại nhất trong các triều đại phong kiến Trung Hoa nói chung và triều đại nhà Thanh nói riêng.

3. Chiến tích ghi danh Vua Khang Hi trong suốt 61 năm trị vì

Trong những năm cầm quyền, vua Khang Hi đã lập nên nhiều chiến tích lưu danh sách sử. Trong đó có thể kể đến việc thống nhất trọn vẹn Trung Hoa và những chính sách an dân hưng thịnh quốc gia đã được thực hiện của ông.

 

3.1. Diệt gian thần Ngao Bái năm 14 tuổi

Lên ngôi khi chỉ mới 8 tuổi, vua Khang Hi còn quá nhỏ để đảm đương được tất cả công việc trong triều nên triều đình đã quyết định tìm sự trợ giúp từ các vị đại thần trụ cột. Ngao Bái chính là một trong số đó. Vì Ngao Bái là một khai quốc công thần nên ông ta nắm trong tay rất nhiều quyền lực.

Ngao Bái là kẻ cậy quyền. Trong 4 vị đại thần trụ cột phò tá vua Khang Hi lúc ấy thì Sách Ni tuổi cao sức yếu, Át Tất Long là người ngại xung đột. Chỉ có Tô Khắc Tát Cáp là người dám đứng ra đối đầu, tranh luận, phản đối các chính sách mà Ngao Bái đưa ra. Do đó, ông đã trở thành cái gai trong mắt Ngao Bái.

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 11.

Việc tiêu diệt Ngao Bái đã giúp Khang Hi đế củng cố quyền lực rất nhiều. (Ảnh: Baidu)

Mâu thuẫn của hai vị đại thần này được đẩy lên đỉnh điểm khi vào năm 1666, Ngao Bái giết chết Tổng đốc Trúc Khang - Sơn Đông Chu Xương Tô và tuần phủ Vương Đăng Liên. Trên thực tế, đây là cuộc đối đầu không cân sức khi Tô Khắc Tát Cáp không chỉ đối đầu với Ngao Bái mà còn mâu thuẫn với đại thần Sách Ni. Không có kinh nghiệm đối đầu với Ngao Bái cộng thêm bị cô lập trên quan trường nên ông bị hãm hại vu oan. Sau đó, do các quan đại thần thúc ép, vua Khang Hi đành ban lệnh tử hình Tô Khắc Tát Cáp.

Sau khi 3 vị đại thần qua đời, chỉ còn lại phe cánh của Ngao Bái cho nên hắn ta càng tỏ ra chuyên quyền, xem thường hoàng đế. Đặc biệt Ngao Bái luôn duy trì chính sách chỉ có người Mãn mới được làm quan đại thần và tìm mọi cách hạn chế quyền lực của người Hán.

 

Những việc làm này của Ngao Bái khiến cho Khang Hi đế càng ấp ủ âm mưu diệt trừ đại gian thần. Năm 1667, ngay từ khi 14 tuổi, Khang Hi đã quyết định tự mình đứng ra xử lý các tấu thư, công việc trong triều. Nhận thấy thế lực của bản thân chưa đủ lớn mạnh để chống lại thế lực của Ngao Bái nên Khang Hi ngoài mặt luôn tỏ ra yếu thế để không "đánh rắn động cỏ".

Cậy có quyền lực lớn trong tay, Ngao Bái khinh thường vua tuổi còn nhỏ, có danh nhưng không có thực quyền nên ông ta thường cáo bệnh ở nhà không vào triều. Có lần vua Khang Hi đến tận nhà thăm Ngao Bái thì phát hiện hắn giả bệnh. Thị vệ đi theo Khang Hi phát hiện cạnh giường Ngao Bái có một con dao. Thế nhưng Khang Hi lại không hề có thái độ hay trách cứ gì khiến cho Ngao Bái cảm thấy yên tâm.

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 12.

Khang Hi đã lập kế hoạch diệt trừ Ngao Bái ngay từ khi mới 14 tuổi. (Ảnh: Baidu)

Để thực hiện kế hoạch diệt trừ đại gian thần Ngao Bái, vua Khang Hi cho gọi con trai của đại thần Sách Ni là Sách Ngạch Đồ vào cung đánh cờ. Nhưng trên thực tế, 2 người đến để bàn kế hoạch vây bắt Ngao Bái.

Khang Hi viện cớ điều phe cánh của Ngao Bái đi xa và phân tán quyền lực của hắn. Khang Hi đã tuyển thêm nhiều con em của các thân vương quan lại làm thị vệ cho Ngao bái với lý do thích học võ nghệ.

 

Đầu năm 1669, nhân lúc Ngao Bái được triệu kiến vào cung thì vua Khang Hi đã ra lệnh cho thị vệ vây bắt hắn. Ông đưa ra chiếu thư cách chức Ngao Bái sau khi vạch trần bộ mặt và kể ra các tội ác của hắn. Khang Hi đế ra lệnh tiêu diệt phe cánh của Ngao Bái nhưng nể tình hắn đã từng cứu sống Thanh Thái tông Hoàng Thái cực nên tha chết cho hắn và chỉ giam giữ hắn trong ngục tối.

Sau đó không lâu, Ngao Bái chết trong ngục. Khang Hi lúc này mới chính thức nắm trong tay toàn bộ quyền lực cai trị đất nước khi chỉ mới 16 tuổi.

3.2. Sứ mệnh thống nhất lãnh thổ được hoàn thành

Sau khi tiêu diệt Ngao Bái, vua Khang Hi đã khiến cho tất cả đại thần trong triều nể phục và tin tưởng vào tài năng của bậc quân vương nhỏ tuổi. Nội bộ triều chính đã quy về một mối nhưng quốc gia vẫn rơi vào cảnh nội chiến loạn lạc bởi Tam phiên.

Loạn Tam phiên hay còn được gọi là Tam phiên chi loạn (1673 - 1681) là cuộc chiến xảy ra giữa 3 Phiên vương phía Nam lãnh thổ Trung Hoa. Cuộc chiến này do Ngô Tam Quế cầm đầu chống lại vương triều nhà Thanh cuối thế kỷ 17 với lá cờ Phản Thanh phục Minh. Tam phiên do Bình tây Vương Ngô Tam Quế, Bình Nam Vương Thượng Khả Hỷ và Tĩnh Nam Vương Cảnh Tinh Trung đứng lên lập ra. Dẹp loạn Tam phiên, đưa lãnh thổ Trung Quốc thống nhất là một trong những công lao to lớn không thể không kể đến của Khang Hi đế.

Nhận thấy nhà Thanh đang phải lao đao xử lý loạn Tam phiên ở trong nước, Sa Hoàng Ivan V là vua Nga đã phát động những cuộc tấn công ở biên giới Trung Quốc. Lâm vào hoàn cảnh thù trong giặc ngoài, đối diện với nhiều mối lo, vua Khang Hi đã viết lên tấm bảng "Tam phiên, hà vụ, tào vận" và tự đề ra nhiệm vụ cho chính mình.

 

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 14.

Dẹp loạn Tam phiên và đánh đuổi giặc xâm lược là những chiến tích của Khang Hi. (Ảnh: Baidu)

Khang Hi đế hoàn toàn dẹp loạn tam phiên vào năm 1681 bằng tài năng và bản lĩnh của bản thân. Không lâu sau đó, ông đã đưa Đài Loan trở thành một phần của lãnh thổ Trung Hoa, đồng thời đưa dân chúng tới đây sinh sống và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, khi nhắc đến công lao thống nhất của vua Khang Hi thì không thể thiếu chiến công thống nhất hai dân tộc Mãn - Hán. Trung Hoa luôn nằm dưới quyền cai trị của tộc người Mãn Châu đến từ phương Bắc trong suốt 268 năm (1644 - 1912). Nội bộ dân tộc của Trung Hoa luôn xảy ra sự mâu thuẫn, xung đột giữa tộc người Hán và tộc người Mãn.

Nhận ra việc thống nhất các dân tộc lại với nhau là một trong những yếu tố quan trọng để củng cố quyền lực của bản thân nên trước tất cả quan lại trong triều, Khang Hi Đế luôn nhấn mạnh: "Mãn hay Hán đều là bề tôi của trẫm. Mãn Hán là một thể thống nhất".

Dưới sự lãnh đạo của vương triều Khang Hi, lãnh thổ của Trung Quốc được quản lý một cách cực kỳ hiệu quả mặc dù nó được mở rộng tối đa và có sự đa dạng sắc tộc. Sử sách đánh giá đây là thời kỳ hưng thịnh nhất trong suốt 83 triều đại phong kiến của Trung Quốc.

 

Vào năm 1720, triều đình nhà Thanh đã cho mở yến tiệc "Mãn Hán toàn tịch" suốt 3 ngày nhằm chúc mừng sự kiện Mãn - Hãn thống nhất nhân dịp sinh lần thứ 66 của vua Khang Hi. Bữa tiệc này đã trở thành sự kiện lịch sử nổi tiếng có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng đối với toàn bộ người dân đất nước Trung Hoa.

3.3. Vị vua thường xuyên vi hành và công cuộc trị nước an dân

Chủ trương "lấy dân làm gốc, coi trọng hiền tài" luôn được vua Khang Hi thực hiện trong suốt 61 năm cai trị của minh. Là một bậc minh quân, để được gần dân nhất, Khang Hi đế thường xuyên cải trang thực hiện nhiều chuyến vi hành trong dân gian. Đặc biệt là những chuyến du ngoạn về Giang Nam hay còn được nhiều người biết đến bởi tích Khang Hi vi hành.

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 15.

Poster bộ phim Khang Hi vi hành được sản xuất năm 1996 của đài SCTV sản xuất. (Ảnh: Baidu)

Là người đứng đầu của một đất nước, Khang Hi đế ý thức được việc phát triển sản xuất kinh tế là nền móng vững chắc để quốc gia hưng thịnh. Chính vì thế mà nhà vua đã ban hành nhiều chính sách khuyến nông, miễn giảm tô thuế, thêm nhân khẩu được lòng dân. Cũng dưới triều đại của mình, Khang Hi đế đã giúp đỡ người dân của mình đối phó khi gặp lũ lụt, bão trong công tác thủy lợi đắp đê sông Hoàng Hà trong suốt 10 năm.

Những chính sách được đưa ra dưới thời cai trị của Vua Khang Hi được xem là hợp tình hợp lý. Có lẽ những chuyến đi vi hành của Khang Hi đã đưa ông đến gần dân chúng nên những chính sách này đủ nghiêm để răn đe nhưng cũng đủ mềm dẻo khiến mọi người nể phục. Khang Hi đế luôn coi trọng những vị quan thanh liêm đặc biệt là những người vừa có tài vừa có đức, cùng với đó chính là việc trị tội thật nghiêm minh các tham quan lũng đoạn kỷ cương nhà nước.

 

Bên cạnh đó, vua Khang Hi còn đưa ra nhiều bộ luật giúp những người từng "sa cơ lỡ bước" được có thể làm lại cuộc đời. Dưới thời của mình, năm Khang Hi 22, cả nước chỉ có chưa đầy 40 phạm nhân phải nhận án tử hình, ít nhất trong suốt các triều đại phong kiến Trung Hoa. Không những thế, Khang Hi đế còn yêu cầu tất cả quan lại trong triều cũng giống như bản thân mình, phải biết lấy dân làm gốc, lo cho dân và thương dân.

Một người lãnh đạo tốt luôn là người biết sử dụng người tài. Tiêu chuẩn dùng người của Khang Hi đế là người hiền tài phải đi kèm với đức độ. Một người có tài nhưng không có đức thì chỉ là một kẻ tiểu nhân cần phải loại trừ. "Quốc gia dùng người, lấy đức làm gốc rễ, tài nghệ chỉ là thứ yếu".

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 17.

Tiêu chuẩn dùng người của Khang Hi đế là người hiền tài phải đi kèm với đức độ. (Ảnh: Baidu)

Khang Hi kể từ khi lên nắm quyền đã dẹp loạn Tam phiên thống nhất Mãn - Hán, toàn vẹn lãnh thổ cho đến trị quốc bình thiên hạ tạo nên triều đại thái bình hưng thịnh. Khang Hi đế chính là một bậc minh quân và là tấm gương sáng trong lịch sử phong kiến để người đời học tập, noi theo.

4. Hoàng đế Khang Hi có bao nhiêu người con tất cả?

Với việc sở hữu dàn hậu cung đông đảo, Khang Hi đế cũng chính là người có số lượng con cái đông bậc nhất trong các vị vua cầm quyền của phong kiến Trung Hoa. Ông có tổng cộng 35 hoàng tử và 20 công chúa. Thế nhưng trong số đó chỉ có 24 con trai và 8 con gái sống khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành.

 

Ái Tân Giác La Dận Thì được chỉ định là Hoàng trưởng tử của vua Khang Hi sau khi 4 người con trai đầu của ông đều chết yểu. Mẹ của Đại A ca Dận Thì cũng chính là một trong những phi tần đầu tiên của Khang Hi đế - Huệ phi Na Lạp thị .

Mặc dù Dận Nhưng chỉ là Nhị A ca nhưng lại là con trai duy nhất của Hiếu Thành Nhân Hoàng Hậu cho nên đây chính là hoàng đích tử duy nhất của Khang Hi Đế. Hiếu Thành Nhân Hoàng Hậu vì sinh khó mà qua đời, Khang Hi đế day dứt nên phong Nhị A ca Dận Nhưng làm thái tử ngay từ nhỏ. Tuy nhiên sau đó ông đã nhiều lần phế bỏ ngôi vị Thái tử của vị A ca này khi nhận thấy Dận Nhưng chỉ là người ham mê tửu sắc, không có chí tiến thủ cũng như tư chất yếu kém.

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 18.

Khang Hi là một trong những hoàng đế có số lượng con cái đông đúc nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Có 9 vị hoàng tử lao vào cuộc chiến ghi tên mình vào chiếc ghế Thái tử còn đang bỏ trống của vua Khang Hi bao gồm: Đại A Ca Dận Thì, Nhị A Ca Dận Nhưng, Tam A Ca Dận Chỉ, Tứ A ca Dận Chân, Bát A Ca Dận Tự, Cửu A ca Dận Đường, Thập A ca Dận Ngã, Thập Tam A Ca Dận Tường, Thập Tứ A Ca Dận Trinh. Những hoàng tử này chia làm 3 thế lực lớn trong triều bao gồm thế lực của đại A ca Dận Thì, Tứ A ca Dận Chân và cuối cùng là Bát A ca Dận Tự.

5. Vua Khang Hi giáo dục các hoàng tử như thế nào?

Là người đứng đầu của một quốc gia nhưng cũng là một người cha, Khang Hi đế nhận thức rõ hơn ai hết trách nhiệm của bản thân trong việc giáo dục con cái cũng như bảo toàn vận mệnh cả dân tộc sau khi mình tạ thế. Cho nên vấn đề dạy dỗ các A ca là điều mà ông cực kỳ chú trọng và đặt nhiều tâm huyết.

 

Vua Khang Hi đã tự mình hạ bút viết ra cuốn "Khang Hi gia huấn" nhằm giúp những đứa con của mình có thể nhận thức được trách nhiệm, vai trò của bản thân đồng thời răn dạy các A ca phải phân rõ phải trái, đúng sai. Đây là minh chứng điển hình nhất được lưu lại cho đến tận ngày nay trong việc dạy con của Khang Hi đế.

Cuốn gia huấn này ghi lại những lời đúc kết của vua Khang Hi trong suốt cuộc hành trình của mình từ khi lên ngôi cửu đỉnh cho đến khi trở thành một bậc minh quân vĩ đại đạt được nhiều thành tựu hiếm ai sánh bằng. Đó là 8 tuổi với sự hậu thuẫn của bà nội lên vua, 14 tuổi diệt gian thần, 16 tuổi thu tất cả quyền hành về tay, 27 tuổi dẹp loạn tam phiên thống nhất đất nước, 61 năm ngồi trên ngôi vị cao nhất cai quản toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa rộng lớn thống nhất.

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 19.

Vua Khang Hi đã tự mình hạ bút viết ra cuốn "Khang Hi gia huấn" để dạy dỗ con cái. (Ảnh: Baidu)

Không phải vị vua nào trên thế giới cũng làm được những điều mà Khang Hi đã gây dựng nên. Do đó những lời giáo huấn được ghi lại thành sách của ông không chỉ dành cho các A ca mà còn là những kiến thức mà bất cứ ai đang làm quan, nắm quyền lực trong tay đều cần tới. Giá trị của cuốn "Khang Hi gia huấn" còn tồn tại đối với nhiều thế hệ quân chủ sau đó tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Trong cuốn gia huấn của ông có viết: "Dạy rằng: người phàm đối nhân xử thế, nên biết đồng cảm. Thấy người có chuyện vui, thì nên cảm thấy vui vẻ; thấy người có việc buồn, thì nên cảm thông. Những điều này đều có lợi cho mình. Nếu ghen tức với thành công của người khác, vui vẻ trên thất bại của họ thì có ý nghĩa gì? Tự ôm những suy nghĩ xấu xa vô ích."

 

"Thiên đạo vô thân, thường vu thiện nhân", "Dân nghèo thì nước yếu, dân giàu thì nước mạnh" và còn rất nhiều câu nói khác mà vua Khang Hi không những dùng để dạy con mà còn để truyền lại cho đời sau.

6. Vua Khang Hi truyền ngôi cho ai ?

Vốn dĩ, lúc sinh thời Khang Hi đế đã lập chiếu ban cho Nhị hoàng tử là Ái Tân Giác La Dận Nhưng làm Thái Tử. Nhưng Dận Nhưng bởi vì nhân cách và tư chất quá kém nên đã bị vua cha ra quyết định phế truất nhiều lần.

Ngôi vị Thái Tử của vua Khang Hi bị bỏ trống đã châm ngòi cuộc cạnh tranh gay gắt của 9 vị A ca có vị thế nhất định lúc bấy giờ trong triều. Vua Khang Hi chỉ có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước cuộc chiến này vì muốn chọn ra người xứng đáng nhất trị vì đất nước. "Cửu tử đoạt đích" hay "Cửu vương đoạt vị" là cái tên được sử sách Trung Hoa dùng để đặt cho cuộc chiến đẫm máu giành ngôi vị Hoàng Thái Tử này.

Sau cùng cuộc đua khốc liệt này chỉ còn hai ứng cử viên là Tứ A ca là Dận Chân và Thập tứ A ca là Dận Trinh.

Vào ngày 20/12/1722, Khang Hi đế băng hà tại Sương Xuân Viên sau hơn 61 năm trị vì. Ông hưởng thọ 69 tuổi và là vị vua cầm quyền lâu nhất trong suốt chiều dài của 83 triều đại phong kiến Trung Quốc. Thuận theo di chiếu mà vua Khang Hi để lại trước khi qua đời thì Tứ A Ca Ái Tân Giác La Dận Chân chính thức trở thành thái tử và lên kế vị ngôi vua.

 

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 21.

Hình tượng Ung Chính đế. (Ảnh: Baidu)

Có nhiều giả thuyết và ẩn khúc xoay xung quanh việc ra đi và truyền ngôi cho người thừa kế của vua Khang Hi. Nhiều người cho rằng chính Tứ A Ca là người đã sửa lại di chiếu của Khang Hi đế đồng thời cũng hạ độc giết cha cướp ngôi.

Tất cả đây vẫn chỉ là những tin đồn truyền miệng trong dân gian, không có bằng chứng xác thực hay những tài liệu lịch sử ghi chép lại. Sau này khi Thái Tử Dận Chân chính thức kế vị chứng minh tài năng của bản thân khi trở thành Ung Chính Đế tài năng không kém người cha của mình thì mọi ẩn tình bên trong được đập tan.

7. Di sản của Vua Khang Hi để lại

Tuy không phải nhà văn hay nhà thơ, nhưng vua Khang Hi cũng để lại cho nhân loại cuốn sách 'Khang Hi gia huấn". Những lời gia huấn này không chỉ để ông dùng để dạy con, mà còn để răn dạy, định hướng cho những quan lại trong triều. Nó còn có ý nghĩa với những con dân của đại Thanh dù là người Mãn hay là người Hán.

Nguồn căn của đạo đức luôn xuất phát từ tấm lòng. Ý nghĩa của "Khang Hi gia huấn" sâu xa, khiến người ta phải ngồi lại ngẫm suy. Dù đối với hoàng tộc, quan lại hay dân thường thì cuốn gia huấn cũng đã mở ra con đường "Thiên nhân hợp nhất" cho tất cả chúng ta. Từ đó cho mọi người biết đạo lý sống ở đời để có được sự bảo vệ của trời cao.

 

Khang Hi là ai? Vị vua phong lưu nhưng vẫn là bậc minh quân vĩ đại - Ảnh 22.

Hậu thế đã tái hiện rất nhiều bộ phim về vua Khang Hi. (Ảnh: Baidu)

Những câu chuyện về Khang Hi đế luôn là đề tài không bao giờ cạn đối với các nhà làm phim, các nhà văn, nhà thơ của Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung. Mượn triều đại của những năm Khang Hi, cố nhà văn Kim Dung đã cho ra đời tác phẩm bất hủ để đời "Lộc đỉnh ký" làm say mê bao nhiêu thế hệ. Hay là dùng những câu chuyện được ghi lại từ những chuyến tuần du của ông để làm nên bộ phim nổi tiếng "Khang Hi vi hành".

Mặc dù nhà Thanh đã sụp đổ, triều đại phong kiến của Trung Quốc đã chấm dứt nhưng tất cả những công lao to lớn của Khang Hi vẫn luôn được mọi người ghi nhớ. Những câu chuyện về Khang Hi đế luôn là đề tài được công chúng đón nhận và quan tâm.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm