Khám phá

Khi nạn phân biệt chủng tộc bị chụp chiếc mũ "ngoáo ộp"

Ngày 27/7/1919, một vụ bạo loạn đã nổ ra ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ và kết thúc vào ngày 3/8 với 15 người da trắng, 23 người da đen thiệt mạng, hơn 500 người bị thương. 1.000 gia đình người da đen mất nhà cửa vì bị cướp phá hoặc bị đốt.

CEO Apple gửi thư cho nhân viên yêu cầu “chấn chỉnh” sau vụ phân biệt chủng tộc / 7 chủng tộc ngoài hành tinh 'bá đạo' nhất MCU: Titans như Thanos vẫn chưa phải là nhất

Giải thích về vụ bạo loạn, các tờ báo ở Mỹ khi ấy - trong đó có tờ The New York Times đều đổ lỗi cho nguyên nhân thực sự là bởi “chủ nghĩa Cộng sản”…

Nguồn gốc vụ bạo loạn

Xế trưa ngày 27/7/1919, cậu bé da đen Eugene Williams, 17 tuổi, khi ngồi trên một chiếc bè bằng cao su, đã vô tình đi vào bãi tắm dành riêng cho người da trắng ở bãi biển thành phố Chicago, bang Illinois. Lúc ấy, một gã đàn ông da trắng là George Stauber nhìn thấy Eugene nên đã nhặt một hòn đá ném vào cậu bé. Vì phải nghiêng người để tránh né, Eugene rơi ra khỏi bè nhưng vùng biển này khá sâu, Eugene lại bơi kém nên sau một lúc vùng vẫy, cậu bé chết đuối trước con mắt thờ ơ của Stauber.

Được một số nhân chứng kể lại chi tiết, rằng một số người da đen đã cố gắng tìm cách cứu cậu bé nhưng bị đám đông da trắng ngăn cản, gia đình Eugene báo cảnh sát. Tuy nhiên cảnh sát từ chối bắt giữ nghi phạm với lý do “nguyên nhân dẫn đến cái chết là bởi nạn nhân tự ngã và không biết bơi”.

Sự vô cảm ấy đã dẫn đến một làn sóng phản đối, khởi đầu từ khu phố South Side với hàng nghìn người da đen xuống đường đòi thực thi công lý. Vài ngày sau, biểu tình lan đến thủ đô Washington D.C, thành phố Knoxville bang Tennessee, thành phố Longview bang Texas, hạt Phillips bang Arkansas, hạt Omaha bang Nebraska…

Đám đông tụ tập nơi cậu bé Eugene Williams chết đuối vì bị ném đá.

Những người biểu tình tuần hành trên đường phố, biểu ngữ trong tay, yêu cầu chính quyền phải làm sáng tỏ cái chết của cậu bé Eugene Williams và George Stauber, kẻ ném đá dẫn đến cái chết của cậu phải bị pháp luật trừng trị.

Đáp lại, những phần tử da trắng cực đoan phản ứng bằng bạo lực. Với gậy gộc trong tay, họ xông vào đánh đập người biểu tình. Để tự vệ, người biểu tình đánh lại họ.

Trên tờ Daily Tribune, một bài báo có tên “Kéo người da đen ra khỏi xe hơi”, tường thuật: “Những người da đen ngồi trên xe hơi bị kéo xuống đường và bị đánh đập. Đầu tiên họ được lệnh ra khỏi xe nhưng nếu họ từ chối, người da trắng sẽ giật tung cửa xe, lôi họ xuống. Tin tức về những cuộc tàn sát đã lan truyền khắp các bang miền nam, dẫn đến từng nhóm người da trắng đứng ở những góc khuất trên từng dãy phố, sẵn sàng tung ra những trận đòn thù.

Ở phố Halsted và State, bất cứ người da đen nào xuất hiện đều bị đánh cho tơi tả…”, còn theo tờ Chicago Defender, một người da trắng đã lái một chiếc xe tải với tốc độ chóng mặt, đâm vào đám đông da đen trên phố South State, nơi được gọi là “Ổ chuột Đen” vì đó là chỗ tập trung người da đen sinh sống.

Theo sau chiếc xe tải là 6 hoặc 7 tay súng da trắng, nã đạn vào những người da đen ngồi trên vỉa hè…”. Vẫn theo tờ Chicago Defender, nhiều ngôi nhà của người da đen bị đốt cháy. Do quá sợ hãi, một nhóm công nhân da đen phải đi đường vòng để đến chỗ làm, tránh bị đánh oan nhưng khi đến nơi, cụ thể là bưu điện Chicago, họ vẫn bị đánh.

 

Khi vệ binh quốc gia tái lập trật tự vào ngày 3/8, chỉ riêng thành phố Chicago đã có 15 người da trắng và 23 người da đen thiệt mạng, hơn 500 người bị thương. 1.000 gia đình người da đen mất nhà cửa vì bị cướp phá hoặc bị đốt cháy; còn ở hạt Elane, bang Arkansas, 240 người da đen và 5 người da trắng chết trong những cuộc xung đột.

Vụ bạo loạn này được gọi là “Mùa hè Đỏ” bởi lẽ thời điểm ấy, trên các phương tiện truyền thông do người da trắng làm chủ ở miền nam nước Mỹ, đa số đều cho rằng nguồn gốc của các cuộc biểu tình phát xuất từ những người lính Mỹ da đen, được Bộ Chiến tranh Mỹ gửi ra nước ngoài, tham gia cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I rồi khi trở về Mỹ, họ mang theo chủ nghĩa Cộng sản.

Ngay cả tổng thống Mỹ là Woodrow Wilson lúc ấy cũng cho rằng “Lính Mỹ da đen trở về từ nước ngoài sẽ là phương tiện lớn nhất trong việc truyền đạt tư tưởng Bolshevik”. Theo Giáo sư Vanguard, khoa Sử Đại học Yale: “Trên các phương tiện truyền thông của người da trắng, giải thích về nguyên nhân gây ra vụ bạo loạn Chicago và ở các bang khác, chủ nghĩa Cộng sản là vật tế thần lý tưởng”.

Tuy nhiên, đó chưa phải là dấu chấm hết cho những cuộc tấn công cộng đồng da đen. Ngay hôm sau, một đại bồi thẩm đoàn đặc biệt đã đưa ra cáo trạng về tội “bạo loạn và giết người”, buộc tội 17 người da đen là chủ mưu!

Thẩm phán sau khi nghe xong cáo trạng đã “khuyến khích bồi thẩm đoàn xử lý những kẻ vô chính phủ bằng cách kết án nhanh chóng”. Trong khi đó, hơn 10.000 vệ binh, cảnh sát và các nhóm dân quân tiếp tục tuần tra đồng thời ra lệnh cho những người da đen sống ở ven rìa “Ổ chuột Đen” phải dọn nhà đi trong vòng hai ngày nếu không muốn nhà của họ bị phá hủy.

 

Con “ngoáo ộp” tưởng tượng

Ngược dòng thời gian, năm 1917 những người Bolshevik do Lãnh tụ Vladimir I. Lenin lãnh đạo đã tiến hành cuộc cách mạng lật đổ chế độ Sa hoàng để cho ra đời nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới: Liên Xô.

Một nhóm thanh thiếu niên da trắng reo hò khi đập phá một căn nhà của người da đen ở khu South Side, Chicago.

Chỉ vài tháng sau, tại Mỹ, một số công đoàn như Công đoàn công nhân công nghiệp thế giới (IWW) đã lên tiếng ủng hộ Liên Xô bằng những cuộc đình công tại các thành phố lớn trên toàn nước Mỹ. Đến tháng 3/1919, Quốc tế Cộng sản (Comintern) được thành lập với mục đích truyền bá chủ nghĩa Cộng sản, đã khiến cho hầu hết các bang ở Mỹ vội vã ban hành các điều luật nhằm ngăn cấm việc phổ biến tư tưởng của phong trào này.

Trong hai tháng tiếp theo, trên các phương tiện truyền thông Mỹ, nhiều bài báo cho rằng chủ nghĩa Cộng sản đang cố gắng lật đổ nước Mỹ bằng cách đề cao sự bình đẳng chủng tộc nhằm kích động người Mỹ da đen nổi loạn(?)

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, đại biểu bang South Carolina là James F. Byrnes nói: “Công đoàn công nhân công nghiệp thế giới (IWW) đã tài trợ cho một tạp chí có tên The Messenger để truyền bá các thông điệp chống Mỹ”. James F. Byrnes yêu cầu chính phủ Mỹ truy tố tạp chí này theo Đạo luật Sedition, ban hành năm 1918. Theo Mark Ellis, giảng viên cao cấp khoa Sử, Đại học Strathclyde, Glasgow, Anh quốc, thì Byrnes tin rằng nếu không có IWW đứng sau lưng, người Mỹ da đen “không thể tạo ra những bài báo trên tạp chí The Messenger với những câu chuyện rõ ràng như vậy”.

 

Mark Ellis nói: “Tuy nhiên, không một bằng chứng nào cho thấy những người Cộng sản có ảnh hưởng đến các ấn phẩm của người Mỹ da đen hoặc thuyết phục người Mỹ da đen bạo loạn…”. Nhà văn Cameron McWhirter, tác giả cuốn sách “Mùa hè Đỏ và sự thức tỉnh của người Mỹ da đen” thì cho rằng sự ám thị về chủ nghĩa Cộng sản xúi giục người da đen chống lại người da trắng thậm chí còn ghê gớm hơn thời kỳ mà người Mỹ da trắng ở miền nam lo sợ các cuộc nổi dậy của nô lệ da đen.

Ông Cameron McWhirter viết: “Tôi tin rằng có một mối lo ngại trong lịch sử nước Mỹ bởi một số người da trắng luôn cho là người Mỹ gốc Phi đang âm mưu chống lại họ. Sự xuất hiện của những người Bolshevik và sự sụp đổ của nước Nga Sa hoàng vô hình trung đã thúc đẩy quan điểm này, từ suy diễn thành sự thật…”.

Những vấn đề mà nhà văn Cameron McWhirter nêu ra, thực tế cũng là suy nghĩ của Tổng chưởng lý Palmer và một thanh niên tên là J. Edgar Hoover. Tháng 8 năm 1919, Hoover, 24 tuổi trở thành giám đốc bộ phận tình báo trong Cục Điều tra (tiền thân của Cục Điều tra Liên bang FBI về sau này).

Với vai trò chỉ huy, Hoover đã chỉ thị cho các đặc vụ của mình tìm kiếm ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản trong cuộc bạo loạn Mùa hè Đỏ.

Thậm chí ông này còn tổ chức cho một đặc vụ người da đen thâm nhập vào các nhóm hoạt động của người Mỹ da đen rồi tung cho giới truyền thông những chi tiết về sự liên quan giữa chủ nghĩa Cộng sản và các cuộc bạo loạn. Mặc dù các đặc vụ của Hoover không hề tìm được bằng chứng về chuyện này nhưng Hoover vẫn tiếp tục quảng bá thuyết âm mưu về sự nguy hiểm của những người Bolshevik.

 

Chris Walker, một đặc vụ của Cục Điều tra tiết lộ trên tờ Mặt trời Baltimore: “Trong hầu hết các buổi họp, ông ấy (Hoover) luôn nói về chủ nghĩa Cộng sản và sự an toàn của nước Mỹ. Nó đã khiến nhiều đồng nghiệp của tôi nhìn người da đen nào cũng là… Công sản!”

Cuối mùa thu 1919, Hoover công bố một báo cáo có tên “Chủ nghĩa cấp tiến và sự quyến rũ người da đen trong các ấn phẩm của họ”. Báo cáo ấy được các tờ báo da trắng sử dụng làm bằng chứng cho thấy những người Cộng sản và những người cấp tiến đứng đằng sau các tạp chí của người Mỹ da đen.

Sự thật chỉ được làm sáng tỏ khi các nhà hoạt động nhân quyền - cả người Mỹ da đen lẫn người Mỹ da trắng khám phá ra rằng Richard J. Daley, người từng là thị trưởng đầy quyền lực của Chicago từ năm 1955 cho đến khi ông qua đời vào năm 1976, là thành viên của một tổ chức người Mỹ gốc Ireland có tên là Hamburg Athletic Club khi mới 17 tuổi.

Mặc dù một cuộc điều tra sau đó đã xác định Hamburg Athletic Club nằm trong số những tổ chức chủ mưu bạo động Mùa hè Đỏ nhằm chống lại người da đen nhưng Daley và những người ủng hộ ông ta không bao giờ thừa nhận họ đã trực tiếp tham gia.

Các bằng chứng của những nhà hoạt động nhân quyền cho thấy ở Chicago, số dân Mỹ da đen đã tăng từ 44.000 người vào năm 1909 lên hơn 100.000 người vào năm 1919, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về việc làm, nhất là tại khu South Side, nơi phần lớn cư dân da đen sinh sống trong những ngôi nhà cũ nát, thiếu thốn các dịch vụ điện, nước.

 

Sau khi xảy ra bạo loạn, Hamburg Athletic Club cùng nhiều tổ chức phân biệt chủng tộc khác đã đề xuất thực hiện “luật phân vùng” nhằm tách biệt nhà ở giữa người da đen và người da trắng, hạn chế người da đen làm việc cùng người da trắng trong các ngành công nghiệp.

Mượn "vật tế thần"

Trong vụ bạo loạn “Mùa hè Đỏ” ở Chicago năm 1919, điều ẩn giấu phía sau chính là nhu cầu của giai cấp thống trị Mỹ nhằm duy trì hệ thống phân cấp theo chủ nghĩa tối cao của người da trắng, được xây dựng ngay từ trước khi nước Mỹ ra đời.

Sự trở lại của các cựu chiến binh da đen sau Thế chiến I và những thay đổi xã hội, kinh tế, chính trị, nhân khẩu…, khiến giai cấp thống trị phải đối mặt với vấn đề là làm thế nào duy trì người da đen ở vị trí “trong vòng kiểm soát”.

Cảnh sát đứng nhìn một người da đen bị đánh trọng thương mà không hề có ý giúp đỡ.

Để làm được điều này, không gì tốt hơn là đem chủ nghĩa Cộng sản ra làm vật tế thần. Nó hiệu quả đến mức năm 1920, Hội đồng môi giới bất động sản thành phố Chicago đã bỏ phiếu “nhất trí trừng phạt bằng cách trục xuất ngay lập tức bất kỳ thành viên da trắng nào bán nhà cho người da đen trong một khu phố chỉ có chủ sở hữu là người da trắng”.

 

Cho đến thập niên 1960, sau khi Đảng Cộng sản Mỹ ra đời và có những bước phát triển mạnh, chủ nghĩa Cộng sản vẫn là “con ngoáo ộp” được những người da trắng cực đoan đưa ra nhằm đàn áp quyền bình đẳng của người da đen khi liên tục xảy ra những cuộc biểu tình, dẫn đầu bởi mục sư người da đen Martin Luther King.

Năm 1963, Thống đốc bang Alabama là George Wallace nói với tờ The New York Times: “Tổng thống John F. Kennedy muốn chúng tôi giao bang Alabama cho Martin Luther King và những người ủng hộ Cộng sản của ông ta”. Câu nói hàm ý rằng nếu bang Alabama không giải quyết được những cuộc biểu tình của người da đen thì tốt nhất là nên giao quyền điều hành bang này cho Cộng sản…

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm