Khám phá

Khi vua khuyên bề tôi siêng năng làm việc

Các vị vua Việt Nam đều luôn khuyến khích bề tôi siêng năng làm việc, nhiều vị vua cũng tự mình làm gương, hoặc thường xuyên có chỉ dụ răn dạy...

Sở thích quái đản của ông vua nát rượu độc nhất vô nhị trong lịch sử Trung Quốc / ‘Vua đồng cỏ’ suýt chết khi bị bầy sư tử cái tấn công

Nhiều người nghĩ rằng “làm vua nhàn lắm”. Nhưng thực ra đọc trong sử sách, thấy các vị vua nước ta cũng bận rộn suốt ngày, có những vị mê mải công việc trị nước, thức khuya, dậy sớm.

Sử sách đều chép, các vị vua từ Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều thường xuyên cày ruộng tịch điền đầu năm để khuyến khích việc nông.

Như mùa Xuân năm 1038, vua Lý Thái Tông ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Nhà vua sau khi tế Thần Nông, đã tự tay cầm cày để cày ruộng. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?”. Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?”.

Lần giở từng trang trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, có thể thấy các vua thời Lý rất trọng việc làm ruộng, năm nào vua cũng ngự đi các địa phương xem cấy, xem gặt.

Vua Lê Thái Tông từng dụ bảo các quan rằng: “Từ nay các ngươi nếu biết sửa đổi lỗi trước, noi theo đường thiện, hết lòng trung ái, thương yêu quân và dân, hòa thuận giữa bạn đồng liêu, công bằng xét xử việc hình ngục và kiện tụng, khuyến khích canh nông và tằm tang, dẹp yên trộm cướp, trau dồi đức hiển vinh, con cháu sẽ được hưởng phúc. Nếu không thế thì nhà nước đã có pháp luật đây”.

Yêu cầu trăm quan sâu sát với công việc, vua Lê Thánh Tông từng có sắc chỉ yêu cầu tất cả bản tâu về việc công, quan phụ trách phải xét kỹ sự việc nguyên do, tự mình khởi thảo, rồi giao cho viên lại giữ việc đó chép lại, xong rồi phải kiểm soát lại để thi hành.

Theo các vị vua, sự siêng năng của vua, quan thời phong kiến đều là siêng năng chính trị. Vua Minh Mạng nhà Nguyễn từng răn các quan rằng: “Nếu trẫm siêng năng chính trị mà không lười biếng, bọn ngươi lấy lòng công trung với nước, quan to giữ phép, quan nhỏ thanh liêm, chính sự ngày một tấn tới, thì dẫu nước Xiêm cũng chả làm gì nổi”.

Lần khác, trong chỉ dụ, nhà vua cũng nói rằng: “Ta từ khi lên ngôi đến giờ, siêng năng tìm kiếm đạo lý chính trị, chăm lo mong được trị bình, không dám lười biếng hoang toàng”.

Khi vua khuyên bề tôi siêng năng làm việc - Ảnh 1.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện sân khấu hóa lễ Nguyên đán trong Hoàng cung dưới triều Nguyễn. Ảnh: INT.

Về việc phải siêng năng vận động, vua Minh Mạng cũng từng bảo Nội các Trương Đăng Quế rằng: “Ngươi có giỏi cưỡi ngựa không? Trẫm khi trẻ tuổi vốn hay cưỡi ngựa, cứ mỗi lần cưỡi ngựa thì thấy gân sức khoan khoái. Lâu nay không ngồi yên ngựa, thịt đùi lại nở ra, bây giờ cưỡi ngựa không nhanh nhẹn bằng lúc tuổi trẻ nữa. Cho nên mỗi tháng một lần cưỡi ngựa để cho khỏi lười biếng. Người quý ở siêng năng chịu khó, nếu cứ rỗi rãi yên vui thì gân sức yếu đi, khi gặp việc còn làm gì được”.

Những viên quan trễ nải công việc đều bị vua Minh Mạng quở trách, như lần vua bảo bộ Binh rằng: “Vũ Văn Giải, Nguyễn Trọng Tính đều là cựu thần từ lúc trẫm chưa lên ngôi, lần lượt cất nhắc đến chức ngày nay. Lúc mới còn siêng năng, gần đây trễ nải, không biết chỉnh đốn lại bọn lính thị vệ và không làm xong công việc đã giao cho. Phạt về tội “không làm nổi chức vụ” tưởng cũng là nhẹ. Vậy, Vũ Văn Giải thì cách chức, Nguyễn Trọng Tính thì giáng 4 cấp và đều lột mũ áo nhưng cho lưu lại để xem hiệu quả sau này. Nếu biết hối hận, cảm kích mà hăng hái làm việc sẽ liệu rộng ban ơn cho; nếu cứ điềm nhiên như nước chảy xuôi, cam tâm làm cây gỗ mục, thì trẫm chỉ biết phép công đâu còn nghĩ đến tình riêng được, không những bãi bỏ cho về, có khi còn đem giết đi nữa. Phải kính cẩn nghe lời”.

Nhưng tuy nặng lời như vậy, nhà vua vẫn gia ân cho hai viên quan này, Vũ Văn Giải sau đó được đổi làm giáng 2 cấp, Nguyễn Trọng Tính đổi làm giáng 1 cấp, đều trả lại mũ áo.

Để khuyến khích các chủ thủ và viên dịch ở Nội vụ phủ làm việc khó nhọc, nhà vua đã sai quản lý Trần Chấn xét người nào siêng năng giỏi giang thì tâu vua nghe. Khi bản tâu dâng lên, vua đặc cách cho bọn Chủ sự Hồ Vĩnh Trinh 12 người được thăng thụ hoặc thực thụ.

 

Khi miền Bắc nước ta có nạn lụt, vua Minh Mạng dụ các quan rằng: “Các ngươi, Đốc, Phủ, Bố, Án (các quan đầu tỉnh gồm Tổng đốc, Tri phủ, Bố chính, Án sát) và các phủ huyện đều là bầy tôi chăn dân giữ đất, nên thể theo ý ta mà hết sức làm. Nếu ai khuyên bảo có phương pháp, khiến cho dân hạt, mọi người biết giúp đỡ nhau, việc trồng cấy được siêng năng, mùa Đông tới này không đến nỗi thiếu thốn, thế là biết vì ta mà chăn nuôi dân, đáng nên khen ngợi và tuyên dương”.

Vua Minh Mạng cũng dặn các quan đầu tỉnh lưu ý xem xét sự siêng năng của từng viên quan được cử đi làm việc ở các phủ, huyện: “Vậy dụ cho Đốc, Phủ, Bố, Án, xét kỹ xem ai là người thanh liêm, tài cán siêng năng, được việc, ngày thường vẫn được nhân dân tin yêu, tức thì kê tên làm thành án sách tâu lên để đợi chỉ. Ngoài ra, những kẻ tham nhũng, ươn kém cũng làm danh sách riêng, đợi chỉ để trừng trị”.

Vua Thiệu Trị, ngay sau khi lên ngôi, năm 1841, khi xem danh sách 72 cử nhân, giám sinh, tôn sinh, ấm sinh, tú tài đã dự trúng kỳ thi đình được chia đi hậu bổ ở các tỉnh, đã sai bộ Lại dẫn họ vào lạy yết, ban cho tiền lộ phí có thứ bậc, và dụ họ rằng: “Các ngươi đi lần này sẽ có trách nhiệm đối với dân xã. Ai nấy phải cố gắng về công việc, siêng năng học tập, cốt sao cho am tường được chính thể, giữ mình cho thanh liêm, cẩn thận để làm việc cho nhà nước, mới được”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm