Không màng nữ sắc, Tống Giang là kẻ yếu sinh lý?
Tống Giang, khổ vì đàn bà nhưng lại chẳng yêu 1 người con gái nào
Còn Tống Giang, ông chủ trại Lương Sơn thì sao? Cuộc đời Tống Giang, quả cũng từng có một người đàn bà. Là Diêm Bà Tích, nhưng sau đó tuyệt nhiên không thấy một lần Thi Nại Am nhắc đến chuyện tình ái nam nữ của họ Tống cả, dù hành trình thăng trầm của chàng gắn với phụ nữ không ít.
Tống Giang từng cứu Lưu thị - vợ Lưu Cao, quan văn tri trại Thanh Phong khỏi gã háo sắc Vương Anh để rồi chính người đàn bà này lấy oán báo ơn khiến họ Tống bị tống ngục chịu nhục hình. Lưu thị, sau Yến Thuật thay mặt “Cập thời Vũ”, mà vung dao chém chết. Tống Giang sau đó gián tiếp gây ra cái chết của vợ (và con) Tần Minh, sau nhờ Hoa Vinh hứa gả em gái vợ cho “Tích lịch Hỏa” mới yên chuyện.
Tống Giang cũng chính là người “ghép hôn” cho cặp Vương Anh – Hỗ Tam Nương, rồi đến phần “Tục Thủy hử” thì hỗ trợ hết mình để Một vũ Tiễn Trương Thanh cưới được ý trung nhân Cừu Quỳnh Anh. Những vụ việc gia đình vợ con của các đầu lĩnh lên Lương Sơn, theo chủ trương ép người tài về bến nước của Tống Giang, thì nhiều không đếm xuể.
Hảo hán, xả thân vì nghĩa, thế thiên hành đạo, coi nhẹ nữ sắc là chuyện thường trong Thủy Hử. Nhưng đến mức không có một chút luyến ái nào như Tống Giang thì kể cũng là sự lạ. Câu hỏi đặt ra là, Tống Giang vì lo cho đại cục Lương Sơn, mà chẳng có thời gian quan tâm đến chuyện tình cảm nam nữ hoặc lập gia thất, cưới vợ sinh con hay thực sự họ Tống không có một chút nhu cầu nào về khoản này như những người đàn ông bình thường?
Ngoại ba mươi mà chưa lập gia đình
Trước hết, chúng ta hãy đến với hồi 19 Thủy Hử, nhân câu chuyện của Tống Giang sau khi giúp Diêm Bà tiền bạc lo mai táng cho chồng và được bà này “dâng” con gái tên Diêm Bà Tích để trả ơn. “Một hôm Diêm Bà đến tạ ơn Tống Giang, thấy trong nhà không có đàn bà con trẻ, liền về hỏi Vương Bà ở bên cạnh vách rằng: - Sao nhà Áp Ty không thấy có người đàn bà nào, hay là ông ta chưa có vợ chăng? Vương Bà nói: - Tôi chỉ thấy nói ông ta ở Tống Gia Thôn, chứ cũng không thấy nói có vợ con chưa? Hiện nay làm Áp Ty ở huyện, thì vẫn cứ ở trọ nhà hàng… nhẽ chưa có vợ con gì thì phải”.
Sau nghe lời bà mối Vương Bà thì “Tống Giang trước còn khảnh khái không nghe, sau bị Vương Bà tán hươu tán vượn nói ngọt nói ngon, thì cũng bằng lòng y thuận, rồi thuê một gian nhà gác ở ngõ phố bên tây huyện, mà sắm sanh các đồ vật liệu cho mẹ con Diêm Bà đến ở đó. Thấm thoát nửa tháng trời, đã thấy mẹ con Diêm Bà đều quần là áo lượt, lượt giắt trâm cài, nghiễm nhiên ra vẻ phong lưu lịch sự”.
Còn đây là một đoạn viết rất đắt của Thi Nại Am ở hồi 19: “Tống Giang nguyên là một tay hảo hán, xưa nay chỉ thích luyện tập võ nghệ, còn về phần mỹ sắc, thì không lấy gì làm đậm đà cho lắm. Lại nhân Bà Tích là con gái mười lăm mười tám, đương trạc thanh xuân, tình tứ phong lưu, Tống Giang không thể nào mà chiều được, bởi thế trong mấy hôm đầu cũng còn vui vẻ với nhau, rồi ngày sau thì một thưa nhạt dần đi”.
Sức khỏe tốt nhưng lại… yếu chuyện ấy
Tống Giang, lần đầu xuất hiện ở hồi 17, được miêu tả là “con thứ ba nhà họ Tống, ở huyện vận Thành”, tuổi chỉ trạc ngoài 30 một chút. Cái lạ thứ nhất, ở cái tuổi “tam thập nhi lập” như Tống Giang mà chưa có vợ con gì, là điều kì quặc trong xã hội phọng kiến bấy giờ. Thứ hai, tuổi 30 của cũng là thời điểm mà sinh lực đàn ông đang ở tầm tráng kiện, kinh nghiệm phòng the phong phú sao lại không thể “chiều chuộng” được được một người con gái chưa đầy 20 như Diêm Bà Tích? Đừng quên rằng, Tống Giang là tay ham võ nghệ, rèn luyện thường xuyên nên sức khỏe không có gì phải bàn.
Cái lạ thứ ba, là việc Tống Giang biết chuyện ngoại tình của Diêm Ba Tích với “đồng nghiệp” cùng phòng với mình – Thiếp thư Trương Văn Viễn nhưng cũng chẳng buồn phản ứng, tuyệt nhiên không một chút ghen tuông gì cả. “Sau Tống Giang cũng nghe tin phảng phất như vậy, nhưng trong bụng lại tự nghĩ rằng: "Người ấy không phải là một người vợ cái con cột, không có lệnh cha mẹ cưới xin gì mà phải quan tâm cho lắm. Nếu nó không có lòng trung thành với mình, thì cũng mặc thây nó cho rảnh, can chi nói đến thêm phiền”. Nhân thế có khi tới mấy tháng trời, Tống Giang cũng không hề qua phòng Diêm Bà Tích một lần nào nữa. Thỉnh thoảng Diêm Bà có cho người đi mời, thì Tống Giang lại lấy cớ bận việc không về được”. Có người đàn ông nào mà hành xử như họ Tống, khi rơi vào hoàn cảnh này không?
Từ những đoạn viết của Thi Nại Am, chúng ta có thể rút ra những kết luận quan trọng như sau: Tống Giang không có nhu cầu lấy vợ dù đã qua tuổi 30, họ Tống sức khỏe tốt nhưng lại có vẻ… rất yếu trong chuyện chăn gối. Tống Giang cũng không có những “hỉ nộ ái ố” trong chuyện yêu đương nam nữ như tất thảy những nam giới bình thường.
Vì thế, việc lấy Diêm Bà Tích làm tỳ thiếp, suy cho cùng, chỉ là cách Tống Giang dẹp yên miệng đời khi thâm vốn đang là quan lại triều đình, chứ chàng chẳng hề quan tâm đến tình ái nam nữ. Sau, khi đã giết Diêm Bà Tích, và trở thành tội phạm, bị đi đày rồi lên Lương Sơn, Tống Giang càng không còn phải lo đến chuyện tạo nên “tấm bình phòng” kiểu như vậy nữa, có thể tự nhiên mà sống đúng với con người thật của mình.
Theo Thanh Xuân/Dân Việt
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo