Không phải Quan Vũ, đây mới là hổ tướng chết tức tưởi nhất Tam Quốc
Gia Cát Lượng hay Lỗ Túc chia ba thiên hạ thời Tam quốc? / Tam quốc diễn nghĩa: Không phải thần y, vì sao Gia Cát Lượng có thể chữa được bệnh cho Chu Du?
Nhắc tới những nhân vật sở hữu kết cục đáng tiếc nhất Tam Quốc, nhiều người sẽ không khỏi cảm thán trước sự ra đi của vị tướng uy trấn Hoa Hạ là Quan Vũ, nhất là khi ông phải bỏ mạng vì rơi vào tay của một kẻ vô danh tiểu tốt như Mã Trung.
Thế nhưng theo nhận định của tờ báo Sina (Trung Quốc), vào thời bấy giờ, có một nhân vật còn mang kết cục được cho là đáng tiếc hơn cả Quan Vân Trường. Bởi lẽ, vị tướng tài uy chấn thiên hạ ấy đã bị đẩy vào cửa tử bởi một kẻ bất tài vẫn người đời xem là "Thường bại tướng quân".
Nhân vật để lại nhiều tiếc nuối cho hậu thế ấy chính là Tôn Kiên – cha ruột của hai vị quân chủ Đông Ngô nổi tiếng Tam Quốc là Tôn Sách và Tôn Quyền.
Phía sau cái chết đột của vị tướng tài nổi danh thiên hạ cuối thời Đông Hán
Tôn Kiên (155 – 191), tự Văn Đài, là người đặt nền móng gây dựng tập đoàn chính trị Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Bước lên vũ đài chính trị từ năm 17 tuổi và từng tham gia dẹp loạn Khăn Vàng, Tôn Kiên từ sớm đã nổi danh là một dũng tướng trung nghĩa, đồng thời cũng sở hữu thực lực không thể coi thường.
Năm xưa khi Viên Thiệu kêu gọi liên minh các lộ chư hầu dẹp loạn Đổng Trác, thế lực của Tôn Kiên được xem là mạnh mẽ và xông xáo hơn cả.
Sở hữu một thế lực mạnh mẽ, lại thêm tính cách dũng mãnh và trung nghĩa, Tôn Kiên chắc chắn đã có thể giúp Đông Ngô làm nên bá nghiệp sớm hơn nếu như không bị hạ sát dưới tay Hoàng Tổ. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Thế nhưng trong lúc vị tướng họ Tôn ấy đang xả thân ngoài chiến trường thì hầu hết các chư hầu khác lại án binh bất động. Những mâu thuẫn nội bộ nảy sinh trong gia tộc họ Viên và hàng loạt mưu tính dã tâm của các thế lực này đã khiến liên minh nhanh chóng tan rã.
Theo chính sử ghi lại, sau khi hay tin chư hầu tan rã, Tôn Kiên về phe Viên Thuật, Lưu Biểu về phe Viên Thiệu. Hai bên mâu thuẫn nổ ra chiến tranh. Tới năm 191, Tôn Kiên theo lệnh của Viên Thuật đem quân đi đánh đất Kinh Châu.
Trước động thái này của phe đối địch, Thứ sử Kinh Châu khi ấy là Lưu Biểu sai bộ tướng Hoàng Tổ ra nghênh chiến với đội quân của Tôn Kiên.
Ban đầu, vị tướng họ Tôn nhanh chóng giành thắng lợi, khiến quân của Hoàng Tổ vì thua trận mà phải vượt sông bỏ chạy, rút về cố thủ ở Tương Dương.
Khi Tôn Kiên đuổi tới đây, Lưu Biểu một mực đóng cửa thành không ra giao chiến. Tới một đêm, quân của Hoàng Tổ bí mật rời khỏi thành đểthu thập tàn binh nhưng lại bị Tôn Kiên phát hiện.
Trước thế tấn công như vũ bão từ đối phương, Hoàng Tổ buộc phải rút quân bỏ chạy, đến Hiệp Sơn thì bị Tôn Kiên đuổi kịp. Bấy giờ, viên tướng họ Hoàng cho quân núp vào rừng trúc mai phục.
Tới khi quân Tôn Kiên đuổi tới thì bộ tướng của Hoàng Tổ liền đồng loạt bắn tên. Trong trận đánh định mệnh năm ấy, vị tướng họ Tôn đã bị trúng tên và bỏ mạng khi mới 37 tuổi.
Kết cục của "Thường bại dưới quân" khi cả gan trở thành tử thù của Đông Ngô
Nếu không phải do âm mưu của Hoàng Tổ, Tôn Kiên có lẽ sẽ không phải bỏ mạng khi đương độ tráng niên. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Điểm đáng tiếc nhất khi nhắc đến cái chết của Tôn Kiên nằm ở chỗ, kẻ trực tiếp đẩy ông vào cửa tử lại chính là Hoàng Tổ - một "thường bại tướng quân" theo đúng nghĩa đen.
Theo Sina, danh hiệu không mấy vẻ vang của nhân vật nói trên bắt nguồn từ các ghi chép lịch sử về cuộc đời ông.
Cụ thể, Hoàng Tổ vốn là một thuộc hạ của Lưu Biểu, từng đảm nhiệm chức Thái thú Giang Hạ. Về nhân vật này, "Tam Quốc chí" cũng không ghi chép nhiều mà chỉ chủ yếu nhắc tới việc ông thường xuyên gặp thất bại trên chiến trường.
Cũng bởi chưa từng lập được một chiến thắng lừng lẫy nào trên trận mạc, cho nên Hoàng Tổ vẫn thường bị người đời coi là "thường bại tướng quân".
Trong tiểu thuyết "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Hoàng Tổ xuất hiện từ hồi thứ 7 tới hồi thứ 38 với hình tượng của một viên tướng vô mưu.
Hoàng Tổ từng bị xem là một trong những kẻ thù hàng đầu của thế lực Đông Ngô cũng như gia tộc họ Tôn thời bấy giờ. (Tranh minh họa).
Có ý kiến còn cho rằng, việc hạ sát Tôn Kiên có thể xem là một sự kiện nổi bật nhất trong cuộc đời của Hoàng Tổ. Chỉ tiếc rằng đó cũng chẳng thể coi là một chiến công vẻ vang của viên tướng ấy, bởi chiêu mai phục mà ông dùng không thể coi là quang minh chính đại.
Sau khi đẩy Tôn Kiên vào cửa tử, Hoàng Tổ còn liên tục gây thù chuốc oán với gia tộc họ Tôn.
Khi Tôn Sách lập nghiệp ở Dương Châu, viên tướng này đã liên kết với thuộc hạ của Viên Thuật và nhiều lần đem quân quấy rối sau lưng. Tới năm 199, ông thảm bại dưới tay Tôn Sách, tổn thất mất hơn vạn quân nhưng vẫn may mắn giữ được địa bàn Giang Hạ.
Vào năm 203, Tôn Quyền đem quân đánh Giang Hạ, Hoàng Tổ một lần nữa thất bại. Tới năm 208, quân Đông Ngô dốc toàn lực chinh phạt Hoàng Tổ, các đầu não quân sự của tập đoàn thế lực này như Chu Du, Lữ Mông, Cam Ninh, Hàn Đương đều tham chiến.
Đối mặt với thế tiến công như vũ bão, "thường bại tướng quân" họ Hoàng lại tiếp tục thua trận và bỏ chạy. Trên đường đào tẩu, Hoàng Tổ bị quân Giang Đông bắt sống và cuối cùng bị Tôn Quyền xử chém.
Như vậy là chỉ vẻn vẹn mười mấy năm sau khi hạ sát Tôn Kiên, viên tướng "thường bại" ấy đã bị gia tộc họ Tôn báo thù rửa hận.
Thiết nghĩ nếu năm xưa Hoàng Tổ không đẩy Tôn Kiên vào cửa tử, chắc chắn số phận của vị tướng uy chấn thiên hạ ấy cùng kết cục của tập đoàn chính trị Đông Ngô sẽ được lịch sử viết lại theo một cách khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo